Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Báo cáo nghiên cứu thị trường vật liệu xây dựng Quý II/2021 và dự báo Quý III/2021

    18/07/2021 - 01:23
    792
    0
    0

    Tiếp nối tình hình quý I/2021, đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết và vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, đặc biệt các hỗ trợ người dân các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã có những chỉ đạo kịp thời. Tốc độ tăng GDP quý II ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý 2 các năm 2018 và 2019, khu vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng ước tính 10,28%.

    Biểu đồ 1: Tổng sản phẩm trong nước quý II/2021 và 6 tháng đầu năm 2021[[1]]

    Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64% cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Mặc dù tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NĐ-CP là 7,11%, tuy nhiên đây là tốc độ tăng tương đối ấn tượng là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt và đúng đắn của Chính phủ.

    Đối với ngành xây dựng, tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm 2021 đạt 211.464 tỷ đồng, tăng 5,59%  so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 5,28% so với tổng sản phẩm trong nước.

    I. Diễn biến thị trường một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu trong quý II/2021 và dự báo quý III/2021

    1. Thép xây dựng

    Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao về việc nghiên cứu thông tin diễn biễn của thị trường vật liệu xây dựng kịp thời phục vụ chức năng quản lý nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng, trước tình hình biến động tăng của giá thép xây dựng trên thị trường trong thời gian Quý I và đầu Quý II/2021 vừa qua, Viện kinh tế xây dựng đã triển khai việc theo dõi, thu thập thông tin dữ liệu về diễn biến của của thị trường thị trường thép xây dựng trên cả nước. Để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng, Viện Kinh tế xây dựng đã có hai báo cáo số 1008/VKT/GXD ngày 26/4/2021 và số 1302/VKT/GXD ngày 25/5/2021.

    * Tình hình thị trường thép thế giới

    Theo số liệu thống kê 64 quốc gia của Hiệp hội Thép thế giới công bố, sản lượng thép thô thế giới trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 837,7 triệu tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực châu Á đã sản xuất 616,5 triệu tấn, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Bốn nhà sản xuất hàng đầu khu vực trong 05 tháng này là Trung Quốc (473,1 triệu tấn), Ấn Độ (48,6 triệu tấn), Nhật Bản (40,0 triệu tấn) và Hàn Quốc (29,3 triệu tấn). [[2]]

    Giá thép trên thế giới đã tăng mạnh từ quý 4/2020, lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Gần đây, giá thép bình quân toàn cầu đã lên mức 883 USD/tấn, so với mức chỉ 582 USD/tấn trong năm ngoái. Giá thép thế giới tăng lên mức cao kỷ lục vào đầu tháng 5 nhưng sau đó quay đầu giảm và hiện đang trên đà hồi phục.

    Đơn vị: Nhân dân tệ/tấn

    Biểu đồ 2: Giá thép thế giới tháng 5[[3]]

    Trong 6 tháng đầu năm, các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu. Giá thép và quặng sắt trên thị trường Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục mọi thời đại vào ngày 12/5/2021, được kích thích bởi kinh tế thế giới hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, nhất là kinh tế Trung Quốc; nguồn cung trên toàn cầu sụt giảm (trong trường hợp quặng sắt) và hoạt động mua đầu cơ tích trữ (trên thị trường Trung Quốc). Tuy nhiên, sau thời điểm đó giá đã quay đầu giảm. Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá thép ở Trung Quốc rục rịch tăng trở lại, kéo giá quặng sắt tăng theo. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc khó kiểm soát được cơn sốt vật tư, vì nhu cầu tiêu thụ không chỉ tăng ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu khi nền kinh tế thế giới hồi phục từ đại dịch COVID-19. Trong đó, nhu cầu các nguyên vật liệu thô ở Mỹ đang tăng mạnh do những gói kích cầu khổng lồ.Giá thép tăng cao đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, không riêng gì ở Trung Quốc.  Theo trang tin Argus, các nhà máy thép ở Mỹ đã đẩy giá cuộn cán nóng tiến sâu hơn vào vùng trên 1.600 USD/tấn (ST ~ hơn 907 kg), do nhu cầu tiếp tục ở mức cao. Ở khu vực Midwest, giá thép cuộn cán nóng tăng 35 USD/tấn ST trong 1 tuần qua, đạt mức 1.645 USD/tấn ST. Ở vùng phía Nam, giá thép cùng loại tăng 37,5 USD/tấn ST trong tuần qua, đạt 1.637,5 USD/tấn ST. Giá thép cuộn cán nguội tại Mỹ cũng tăng 27 USD/tấn ST, lên 1.822 USD/tấn. Giá thép mạ kẽm nhúng nóng tăng 43,5 USD/tấn ST, lên 1.831 USD/tấn ST.[[4]]

    * Tình hình thị trường thép Việt Nam

    Theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước 5 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt hơn 13,4 triệu tấn, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2020; bán hàng thép các loại đạt hơn 11,9 triệu tấn, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu thép các loại đạt hơn 2,8 triệu tấn, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2020.

    Riêng trong tháng 5, sản xuất thép các loại đạt 2.919.269 tấn, tăng 3,53% so với tháng trước và tăng 40% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng thép các loại đạt 2.475.826 tấn, giảm 8,42% so với tháng 4/2021, nhưng tăng 30,8% so với cùng kỳ 2020; Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 630.551 tấn, tăng 18,04% so với tháng trước và gấp 3,4 lần so với cùng kỳ tháng 4/2020.

    Bảng 1: Tình hình sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm tháng 5/2021

    Bên cạnh đó, nhập khẩu thép về Việt Nam trong tháng 4/2021, đạt 1,34 triệu tấn với kim ngạch 1,08 tỷ USD, giảm 5,81% về lượng nhưng tăng nhẹ 0,58% về trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng lần lượt là 17,7% về lượng và 52,15% về giá trị. 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thép về Việt Nam là 5,02 triệu tấn với trị giá trên 3,73 tỷ USD, tăng lần lượt 12,84% về lượng và 37,32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 2,62 triệu tấn, với trị giá nhập khẩu hơn 1,82 tỷ USD, chiếm 52,33% tổng lượng thép nhập khẩu và 49,01% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Các quốc gia tiếp theo cung cấp thép cho Việt Nam là Nhật Bản (13,32%), Hàn Quốc (13,06%), Đài Loan (8,24%), …

    Biểu đồ 3: Diễn biến lượng và giá thép nhập khẩu vào Việt Nam qua các năm 2019-2021

    Từ cuối quý IV/2020, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tăng. Giá quặng sắt nhập khẩu và giá sắt thép phế liệu nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng sắt thép thành phẩm thời điểm từ quý IV/2020 đến tháng 4/2021 đã tăng khoảng trên 30% so với thời điểm đầu năm 2020.

    Việc giá thép xây dựng biến động lớn trong thời gian vừa qua không theo quy luật tăng giá thông thường đã gây khó khăn cho các chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý chi phí của dự án. Việc sử dụng hết chi phí dự phòng trong dự toán, trong tổng mức đầu tư cũng sẽ không đủ kinh phí để khắc phục việc tăng giá thép xây dựng. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh của các nhà thầu xây lắp bị ảnh hưởng lớn do những vấn đề ràng buộc hợp đồng xây dựng đã ký kết đặt ra. Nếu tình trạng này còn diễn biến tiếp có khả năng dẫn đến đình trệ trong hoạt động thi công xây dựng. Trường hợp được phép xử lý các hợp đồng theo mức giá thép thị trường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý chi phí của dự án đang thực hiện. Đối với các dự án đang chuẩn bị để tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định giá gói thầu, xác định giá hợp đồng để đáp ứng yêu cầu về giá thép hiện nay. Ngoài ra, việc quản lý vĩ mô cũng bị tác động đáng kể đối với việc quản lý kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

    Bảng 2: Giá thép xây dựng các loại bình quân tại các khu vực thị trường quý II/2021
    Đơn vị tính: đồng/kg 

    Các khu vực Thép cuộn D6-8 Thép D10-18 Thép D20-42 Thép hình
    Trung du và miền núi phía Bắc      18.823   18.582    18.582              19.070
    Đồng bằng sông Hồng      18.400   17.960  17.960              17.862
    Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung      19.584 17.917 17.995  18.439
    Tây Nguyên      19.474      18.638      19.031              21.240
    Đông Nam Bộ      19.176 18.288 18.900      19.369
    Đồng bằng sông Cửu Long 19.713 18.976 19.404       22.817

    Trước sự tác động của việc tăng giá thép bất thường, Các Bộ, ban ngành cũng có những biện pháp về quản lý, các doanh nghiệp sản xuất thép giảm chi phí đầu vào, chi phí sản xuất để hạ giá thành thép thành phẩm; tăng tối đa công suất trong nước để tăng nguồn cung và hạn chế xuất khẩu các mặt hàng trong nước đang có nhu cầu. Bên cạnh đó, các chi phí nguyên liệu đầu vào cũng có dấu hiệu chững lại. Vì vậy, sau một thời gian dài tăng giá từ cuối năm ngoái, giá thép các khu vực trong cả nước bắt đầu giảm từ đầu tháng 6/2021.

    Đơn vị tính: đồng/kg

    Biểu đồ 4: Diễn biến giá thép xây dựng bình quân tại các khu vực từ tháng 11/2020 đến tháng 6/2021

    Tình trạng giá thép tăng đột biến chịu tác động tất yếu từ giá nguyên liệu thế giới, dự kiến đến quý III/2021, khi giá quặng sắt hạ nhiệt, giá nguyên liệu đầu vào giảm, sẽ giúp giá thép và nguồn cung trong nước sớm ổn định.

    2. Xi măng

    Về tiêu thụ sản phẩm xi măng, tính riêng trong tháng 5/2021, tiêu thụ xi măng đạt khoảng 10,79 triệu tấn, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 6,49 triệu tấn, xuất khẩu ước đạt khoảng 4,3 triệu tấn. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, lượng tiêu thụ xi măng của cả nước đạt 45,83 triệu tấn xi măng, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 26,57 triệu tấn, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ. Về xuất khẩu xi măng, clinker đạt khoảng 19,26 triệu tấn và tăng tới 50% so với cùng kỳ năm 2020. Tồn kho cả nước trong 5 tháng còn khoảng 2,8 triệu tấn, chủ yếu là clinker tương đương từ 10 – 15 ngày sản xuất.

    Bảng 3: Tình hình sản xuất, tiêu thụ và giá bán tại các nhà máy xi măng
     trong 6 tháng năm 2021
    Đơn vị tính: 1.000 đồng/tấn 

    Đơn vị Xi măng Sản xuất (tấn) Tiêu thụ (tấn) Giá bán
    T01
    Giá bán T02 Giá bán T03 Giá bán T04 Giá bán T05 Giá bán T06
    Hoàng Thạch PCB30 bao 290.000 280.000 1.295 1.295 1.304 1.350 1.395 1.395
    Hải Phòng PCB30 bao 120.000 110.000 1.405 1.405 1.409 1.457 1.505 1.505
    Bút Sơn PCB30 bao 230.000 200.000 1.370 1.370 1.375 1.423 1.470 1.470
    Bỉm Sơn PCB30 bao 365.000 320.000 1.300 1.300 1.306 1.353 1.400 1.400
    Tam Điệp PCB40 bao 100.000 70.000 1.170 1.170 1.179 1.225 1.270 1.270
    Hoàng Mai PCB40 bao 150.000 160.000 1.080 1.080 1.089 1.134 1.180 1.180
    Hải Vân PCB40 bao 65.000 60.000 1.325 1.325 1.332 1.378 1.425 1.425
    Hà Tiên1 PCB40 bao 410.000 390.000 1.630 1.630 1.639 1.685 1.730 1.730

    Mặc dù nguồn cung luôn dồi dào, đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, giá thép tăng kỷ lục trong tháng cuối quý IV/2020, giá than sản xuất xi măng và các nhà máy nhiệt điện đã tăng khoảng 20% trong năm 2020, giá điện về cơ bản cũng tăng lên (đối với sản xuất). Cũng theo tính toán của các nhà máy sản xuất xi măng tại Việt Nam, trung bình than chiếm khoảng 30% cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng. Do vậy, giá bán xi măng trong quý II/2021 tại các nhà máy, giá xi măng tăng 5-7% so với quý I/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá xi măng không biến động nhiều, tăng 5-10% so với cùng kỳ năm 2020.

    Đơn vị tính: đồng/kg

    Biểu đồ 5: Giá bán xi măng tại các khu vực thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021

    Dự báo trong quý III/2021, giá xi măng ổn định do sản lượng xi măng sản xuất đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

    3. Đất đắp

    Đất đắp là một loại vật liệu dùng trong việc thi công – gia cố hoàn chỉnh nền đất. Trong công trình giao thông, chi phí đất đắp chiếm 15-30% chi phí trực tiếp xây dựng nền đường, chiếm khoảng 5-10% chi phí xây dựng đường và chiếm khoảng 4-8% chi phí xây dựng gói thầu.

    Tiếp diễn tình hình quý I/2021, trong quý II/2021, khả năng cung cấp đất đắp nền đường phục vụ cho Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 vẫn chưa được đáp ứng theo tiến độ thi công công trình. Theo số liệu báo cáo từ các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổng nhu cầu về vật liệu đất đắp nền đường khoảng 72 triệu m3, khối lượng vật liệu đất được tận dụng (điều phối) từ nền đào khoảng 18,5 triệu m3, tổng khối lượng vật liệu đất đắp nền đường có nhu cầu lấy từ các mỏ đất (khối lượng sau điều phối) khoảng 53,5 triệu m3. Tính đến cuối tháng 5/2021, khả năng cung cấp của các mỏ đất tại địa phương có dự án đi qua theo khảo sát khoảng 164,6 triệu m3 (184 mỏ), đáp ứng nhu cầu về vật liệu đất đắp cho dự án, bao gồm: 85 mỏ đất đủ điều kiện khai thác và 99 mỏ đất chưa đủ điều kiện khai thác (gồm các mỏ còn trữ lượng nhưng đã hết hạn giấy phép khai thác và các mỏ đất đã có trong quy hoạch của địa phương nhưng chưa có giấy phép khai thác)[[5]]. Tuy nhiên, do các gói thầu, dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đồng loạt triển khai đắp nền đường trong cùng một thời gian nên hiện tại mới đủ kiện khai thác cung cấp cho dự án (tại 85 mỏ đất đủ điều kiện khai thác nêu trên) với khối lượng khoảng 33,6/53,5 triệu m3 (tương đương 62,8% nhu cầu), khối lượng còn lại khoảng 19,9/53,5 triệu m3 (tương đương 37,2% nhu cầu) chưa thể khai thác và cung cấp được cho Dự án, tập trung tại 08 dự án thành phần (Mai Sơn – QL45, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lộ – La Sơn, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây) thuộc địa bàn 8 tỉnh (Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận và Đồng Nai). Hiện nay để hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định của Luật Khoáng sản và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản thì tổng thời gian từ khi trình cấp phép thăm dò cho tới khi hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác khoảng từ 9 tháng đến 15 tháng. Trường hợp các địa phương không kịp thời cấp phép khai thác cho các mỏ vật liệu sẽ khiến các dự án có nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu đắp.

    Đơn vị tính: triệu m3

    Biểu đồ 6: Tình hình các mỏ đất đắp trên một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc -Nam

    Do hàng loạt mỏ chậm được cấp phép đã tạo nên sự khan hiếm vật liệu, các chủ mỏ đất do tư nhân quản lý được địa phương cấp phép khai thác đều đang đẩy giá vật liệu lên rất cao, cao gấp hai đến ba lần so với giá khảo sát ban đầu khiến các nhà thầu đứng trước nguy cơ phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng. Giá vật liệu đất đắp nền dao động khoảng từ 20 đến 22 nghìn đồng/m3, hiện nay đã lên tới 35 đến 37 nghìn đồng/m3, gấp gần hai lần mà vẫn không có đủ vật liệu để mua.

    Bảng 4: Đánh giá ảnh hưởng của biến động giá đất đắp trong dự toán gói thầu
    xây dựng công trình giao thông
    Đơn vị tính: %

    STT Mức tăng giá đất đắp Tỷ trọng đất đắp so với dự toán gói thầu Tỷ trọng đất đắp tăng so với dự toán gói thầu Giá trị dự toán gói thầu tăng
    1 50% 4% 5,88% 102,00%
    2 50% 8% 11,54% 104,00%
    3 100% 4% 7,69% 104,00%
    4 100% 8% 14,81% 108,00%
     

    Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác đất san lấp cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020. Cụ thể, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng mà thực hiện đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; xem xét ưu tiên cấp cho các nhà thầu đã trúng thầu thi công tuyến cao tốc để chủ động nguồn nguyên vật liệu, chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia. Sau khi đã cung cấp đủ khối lượng theo yêu cầu của Dự án thì chấm dứt hoạt động khai thác, không tiếp tục áp dụng cơ chế này, đơn vị khai thác phải đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với khối lượng khoáng sản đã khai thác (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường,…) theo quy định.[[6]]

    Song song với Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị có liên quan, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh cũng cần có những cơ chế phù hợp để cung cấp đủ nhu cầu vật liệu và đúng tiến độ thi công của dự án.

    4. Nhựa đường

    Nhựa đường là loại mặt hàng nhập khẩu, nên phụ thuộc vào ngoại tệ, xăng dầu và chi phí vận chuyển.   

    Đơn vị: đồng/kg

    Biểu đồ 7: Diễn biến giá nhựa đường các loại từ năm 2019-2021
    Như vậy, giá nhựa đường quý II/2021 tại các nguồn cung cấp biến động  giảm 1-2% so với quý I/2021 và tăng 25-30% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá nhựa đường tăng 13-15% so với 6 tháng đầu năm 2020 và tăng 10-13% so với cả năm 2020.                
    Bảng 5: Giá nhựa đường tại các nhà máy năm 2020- 2021
    Đơn vị: đồng/kg 

    Chủng loại nhựa đường Nhựa đường đặc nóng 60/70 Nhựa đường phuy 60/70 Nhựa đường Nhũ tương Nhựa đường lỏng MC
    I/2020           12.390      13.790   11.274     17.212
    II/2020             9.880      11.265     8.892     13.288
    III/2020           11.762      13.243   10.938     16.924
    IV/2020           11.500      12.979   11.471     15.686
    I/2021           12.767      14.262   12.676     17.286
    II/2021           12.586      14.057   12.471     17.252

    Dự báo giá nhựa đường quý III/2021 trên thị trường sẽ ổn định dần khi tình hình thế giới ổn định.

    5. Các loại vật liệu khác
    5.1. Cát xây dựng

    Giá cát xây dựng tại cả 6 khu vực thị trường trên cả nước trong Quý II về cơ bản ổn định không có sự tăng giá bất thường. Giá cát xây dựng có tăng nhẹ 5-10 % do nhu cầu sử dụng trong các công trình giao thông trọng điểm tăng cao, các công trình xây dựng bất động sản cũng được triển khai với số lượng và quy mô lớn trên cả nước.

    Bảng 6: Giá cát xây dựng tại các khu vực thị trường quý II/2021
    Đơn vị tính: đồng/m3

    Khu vực thị trường Cát đắp Cát xây trát Cát vàng
    Trung du và miền núi phía Bắc   145.527      287.046           331.184
    Đồng bằng sông Hồng          124.832       174.672            451.078
    Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung           123.251       299.202                   336.624
    Tây Nguyên 312.142 363.180          471.274
    Đông Nam Bộ 193.878 383.167 462.374
    Đồng bằng sông Cửu Long 261.843 405.451 547.769
     

                 Dự báo sang quý III/2021, giá cát xây dựng vẫn tăng nhẹ do nhu cầu sử dụng và cung vẫn không đủ cho nhu cầu xây dựng.

    5.2. Đá xây dựng 

    Với việc các mỏ đá phân bố tại tất các vùng trên Việt Nam và nguồn cung trong nước đang ổn định thì đủ để thỏa mãn mọi nhu cầu xây dựng trong nước.

    Bảng 7: Trữ lượng và phân bố đá xây dựng tại Việt Nam

    Loại đá Trữ lượng (tỷ m3)
    Đá xây dựng có nguồn gốc macma (cấp A+B+C1+C2+P)
    Phân bố ở miền Bắc, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa.
    Đá granit 31,0
    Đá diorit 1,0
    Đá ryorit 1,0
    Đá bazan 1,1
    Đá anderit 0,2
    Đá xây dựng có nguồn gốc trầm tích (cấp B+C1+ C2)
    Chủ yếu là đá vôi có nhiều nhất ở miền Bắc, chất lượng tốt, phần lớn lộ thiên, lớp phủ mỏng, gần các trục giao thông và trung tâm kinh tế của địa phương, điều kiện khai thác thuận lợi bằng phương pháp lộ thiên.
    Đá vôi 4,2
    Cát kết, cuội kết 0,7
    Laterit 0,1
    Đá xây dựng có nguồn gốc biến chất (cấp C1+ P)
    Phần lớn phân bố ở vùng cao phía Bắc và miền Trung, địa hình phức tạp, giao thông và cơ sở hạ tầng không thuận lợi cho việc khai thác.
    Đá hoa 0,39
    Quaczit 0,37
    Silic 0,14

    Các mỏ đá đã được tìm kiếm, khảo sát thăm dò làm đá xây dựng

    Cấp A >0,1
    Cấp B >0,22
    Cấp C1 >0,25
    Cấp C2 >0,5
    Cấp P >42

    Năm 2021, Bộ Giao thông sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng khác như cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách; các dự án ODA chuyển tiếp; đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án ODA mới bổ sung, các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước, các dự án sử dụng vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016 – 2020; triển khai các dự án: Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…[[7]]

    Bảng 8: Giá đá xây dựng tại các khu vực thị trường quý II/2021
       Đơn vị: đồng/m3

    Khu vực thị trường Đá 1×2 Đá 2×4 Đá 4×6 Đá hộc Cấp phối đá dăm 0,075-50mm (lớp dưới) Cấp phối đá dăm 0,075-50mm (lớp trên)
    Trung du và miền núi phía Bắc 254.794 246.193 236.370 188.475 196.741 217.982
    Đồng bằng sông Hồng 278.787 269.008 234.116 221.080 215.158 222.981
    Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 279.308 233.528 198.556 158.984 152.633 166.629
    Tây Nguyên 280.190 261.008 241.494 198.013 215.955 215.955
    Đông Nam Bộ 348.845 314.824 294.513 264.046 248.812 248.812
    Đồng bằng sông Cửu Long 408.750 360.272 367.054 335.058 351.564 366.048
     

    Do những yếu tố cung và cầu, giá vật liệu đá xây dựng quý III/2021 tăng 2-7% so với quý II/2021. 
    Dự báo quý III/2021, giá đá xây dựng vẫn ổn định, có khả năng tăng trong thời gian ngắn do nhu cầu xây dựng các dự án xây dựng giao thông trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ.


     
    II. Nhận xét biến động giá vật liệu của các địa phương theo công bố giá vật liệu xây dựng trong quý II/2021

    Tính đến ngày 11/6/2021 đã có 49/63 tỉnh, thành phố đã có công bố giá vật liệu quý II/2021. Trong đó, mới chỉ có 02/05 thành phố trực thuộc trung ương đã công bố giá vật liệu xây dựng.
    Đơn vị: tỉnh, thành phố

    Biểu đồ 8: Thống kê các tỉnh đã có công bố giá vật liệu xây dựng quý II/2021 theo các khu vực
               
    Về vật liệu thép: 
    Trước tình hình giá thép biến động bất thường diễn ra từ cuối tháng 10/2020, các địa phương đã có những biện pháp nhằm cập nhật giá thép tại các công bố giá vật liệu theo tháng trong quý II/2021. Giá thép trong công bố giá vật liệu của các địa phương trong quý II/2021 đã tăng từ 10-25% so với quý I/2021. Tuy nhiên, giá thép trong công bố giá vẫn thấp hơn giá thép trên thị trường từ 500-1.200 đ/kg.

    Về vật liệu cát, đá, xi măng,…: Các vật liệu trong công bố giá vật liệu quý II/2021  không có sự biến động nhiều so với quý I/2021, khoảng từ 3-10%. 

     
     

    [1] – Nguồn Tổng cục Thống kê
    [2] – Số liệu Hiệp hội Thép thế giới – WSA.
    [3] – Nguồn Tradingeconomics.com
    [4] – Nguồn Reuters
    [5] – baodautu.vn
    [6] – Nguồn Bộ Giao thông vận tải
    [7] – Nguồn Bộ Giao thông vận tải
    Bình luận
    Các bài viết liên quan