Năm 2010, chỉ số giá xây dựng với mã số 1205 đã chính thức nằm trong danh mục các nhóm, chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 43/2010/TTg ngày 02/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là chỉ số giá xây dựng quốc gia). Theo quy định và các hướng dẫn có liên quan thì việc thu thập, tính toán loại chỉ số này sẽ do Bộ Xây dựng thực hiện và định kỳ hàng quý, năm và gửi Tổng cục Thống kê tổng hợp để công bố chung. Cho đến hết quý III năm 2016, Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc tính toán 1280 chỉ số theo 5 loại công trình tại biểu mẫu số 007.H/BCB-XD và cụ thể đối với một số loại hình công trình thuộc 5 loại công trình trên tại biểu mẫu số 008.H/BCB-XD. Với kết quả nêu trên, chỉ số giá xây dựng quốc gia đã góp phần bổ sung thêm thông tin về tình hình phát triển ngành xây dựng, phản ánh mức độ biến động (tăng/giảm) của chi phí xây dựng theo thời gian trên phạm vi cả nước, đồng thời cũng là công cụ quản lý điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày ngày 11/07/2016 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia (thay thế Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 28/06/2012), các nội dung liên quan đến cuộc điều tra giá xây dựng để phục vụ tính chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1106 đã được quy định cụ thể các nội dung cần triển khai thực hiện, trong đó có quy định về trách nhiệm chủ trì thực hiện cuộc điều tra giá xây dựng là Bộ Xây dựng. Như vậy việc Bộ Xây dựng tổ chức triển khai xây dựng phương án điều tra thống kê phục vụ việc tính toán chỉ số giá xây dựng quốc gia là công việc phải thực hiện trong thời gian tới để kịp thời cho việc tính toán bắt đầu từ năm 2017.
2. Xây dựng phương án điều tra thống kê
Tại Điều 31 Luật Thống kê ngày 23/11/2015 đã quy định 10 nội dung chủ yếu của phương án điều tra thống kê. Theo đó khi xây dựng phương án điều tra thống kê cụ thể đối với cuộc điều tra giá xây dựng tại Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg cần phải được xây dựng chi tiết, cụ thể hóa các yêu cầu theo 10 nội dung chủ yếu trên và gắn kết theo đặc điểm, tính chất của ngành xây dựng. Các nội dung cơ bản cần tiếp tục được cụ thể trong phương án điều tra thống kê được trình bày như dưới đây:
2.1. Mục đích, yêu cầu điều tra
– Tổng hợp các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu của ngành xây dựng để công bố theo Luật định;
– Thu thập dữ liệu để chuyển đổi năm gốc so sánh;
– Thu thập dữ liệu phục vụ tính toán, tổng hợp các chỉ tiêu ngành xây dựng;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu về các cuộc điều tra theo định kỳ, tính toán công bố chỉ số giá xây dựng quốc gia theo định kỳ và các chỉ tiêu khác của ngành xây dựng theo yêu cầu, nhiệm vụ thống kê.
2.2. Đối tượng, đơn vị và phạm vi điều tra
– Đối tượng và đơn vị điều tra: Gồm các nhóm có liên quan: (1) Nhóm các cơ quan quản lý nhà nước; (2) Nhóm các Tập đoàn, Tổng Công ty, Ban quản lý dự án; (3) Nhóm các đơn vị sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, máy và thiết bị thi công; (4) Nhóm các đơn vị tư vấn, nhà thầu; (5) Nhóm các đơn vị khác có liên quan.
– Phạm vi điều tra: các đơn vị trực thuộc đối tượng, đơn vị điều tra nêu trên đóng trên phạm vi toàn quốc.
2.3. Nội dung điều tra
– Thông tin về dữ liệu giá trị sản xuất xây dựng theo tỉnh/thành phố.
– Thông tin về cơ cấu chi phí tại thời kỳ gốc tính chỉ số giá xây dựng quốc gia trong thời gian qua theo Quyết định số 43/QĐ-Ttg, gồm: tỷ trọng từng loại vật liệu chủ yếu; tỷ trọng bình quân chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công; tỷ trọng bình quân chi phí xây dựng, thiết bị, chi phí khác theo nhóm công trình thuộc 5 loại hình công trình xây dựng (Công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn).
– Thông tin về chi phí đầu tư xây dựng của các công trình được xây dựng phổ biến trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015 theo 5 loại hình công trình xây dựng để xác định tỷ trọng tại thời kỳ gốc mới.
– Thông tin về danh mục mặt hàng đại diện để tính toán chỉ tiêu phản ánh biến động về giá theo yếu tố chi phí, theo cơ cấu chi phí, theo loại công trình.
– Thông tin về giá của các yếu tố đầu vào cấu thành trong chi phí xây dựng tại năm điều tra và chu kỳ điều tra hàng tháng.
+ Về giá vật liệu đầu vào: gồm giá của một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu như: xi măng, thép xây dựng, gạch xây, cát, đá sỏi xây dựng, gỗ xây dựng, nhiên liệu năng lượng…, được lấy theo công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương phù hợp với thời điểm, mục đích điều tra và giá thị trường tại địa phương.
+ Về tiền lương nhân công xây dựng: nhóm loại lao động phổ thông, thợ nề, thờ điện, thợ nước, thợ mộc, thợ cốt thép, thợ lắp đặt kết cấu, cấu kiện xây dựng…
+ Về giá ca máy của một số loại máy, thiết bị thi công xây dựng: theo từng nhóm máy: Nhóm máy làm đất; nhóm máy vận tải; nhóm máy phục vụ công tác làm đường; nhóm máy phục vụ công tác bê tông; nhóm máy phục vụ công tác gia công kim loại…
2.4. Phiếu điều tra
– Thông tin về dự án/công trình: Cơ sở pháp lý; Tên công trình, dự án; Địa điểm xây dựng công trình; Thời gian xây dựng công trình; Loại công trình; Cấp công trình; Nguồn vốn; Năm phê duyệt dự án/công trình; Mô tả công trình (quy mô, kết cấu, loại thiết bị, công suất, năng lực khai thác,….).
– Nội dung các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư, dự toán công trình.
– Danh mục, giá vật liệu đại diện được lựa chọn để điều tra tại các địa điểm, khu vực điều tra.
– Các loại nhân công và chi phí trên địa bàn điều tra.
– Giá ca máy thi công xây dựng theo nhóm loại máy trên địa bàn điều tra. 2.5. Thời điểm điều tra và thời kỳ thu thập thông tin
– Thời điểm điều tra là ngày hàng tháng được thống nhất sử dụng để thực hiện điều tra.
– Thời kỳ thu thập thông tin: Điều tra giá thời kỳ gốc và điều tra định kỳ hàng tháng.
2.6. Danh sách đơn vị điều tra: Lựa chọn các đơn vị đại diện thuộc các nhóm đã nêu ở mục 2.2
2.7. Phương pháp thu thập số liệu
– Thu thập trực tiếp là Điều tra viên phỏng vấn trực tiếp tại các địa điểm điều tra đã được chọn về nội dung điều tra theo mẫu phiếu điều tra có sẵn và ghi vào phiếu điều tra.
– Thu thập gián tiếp là Tổ chức hội nghị tập huấn cho các điều tra viên về phương án điều tra, nội dung điều tra và hướng dẫn cách ghi thông tin vào phiếu điều tra, đồng thời qui định về địa chỉ nơi nhận, thời gian để các điều tra viên tự ghi vào phiếu điều tra và gửi cho cơ quan điều tra.
– Thu thập số liệu từ các nguồn thông tin khác: Trong trường hợp các phương pháp điều tra trực tiếp hoặc gián tiếp không thể thực hiện được, điều tra viên có thể khai thác các nguồn thông tin từ công bố giá liên Sở Tài chính – Xây dựng của các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, công bố đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công do UBND các tỉnh/thành phố công bố và các nguồn thông tin tin cậy khác.
2.8. Kế hoạch tiến hành
Xác định thời gian thực hiện của bước 1 để hoàn thành các công việc: Ra quyết định điều tra; Xây dựng phương án điều tra; Phối hợp với Tổng cục Thống kê lập và rà soát các tỉnh/thành phố, các đơn vị điều tra xây dựng mạng lưới điều tra; Chuẩn bị mẫu phiếu điều tra; In phương án và mẫu phiếu điều tra; Tổng hợp kết quả điều tra để phục vụ làm dữ liệu tính toán chỉ số giá xây dựng quốc gia.
Bước 2. Triển khai điều tra
Xác định thời gian thực hiện của bước 2 để hoàn thành các công việc: Xây dựng mạng lưới điều tra; Tổ chức tập huấn điều tra; Tổ chức điều tra thu thập số liệu; Xây dựng phần mềm nhập tin và tính chỉ số giá xây dựng quốc gia.
Bước 3. Nhập tin, xử lý và nghiệm thu số liệu
Bước 4. Tổng hợp, phân tích và báo cáo kết quả điều tra
3. Một số nội dung cần thống nhất trong phương án điều tra thống kê
Để đảm bảo tính thống nhất với các quy định trong Luật Xây dựng, kế thừa các cơ sở dữ liệu đã có được sử dụng để tính toán chỉ số giá xây dựng quốc gia trong thời gian qua, khi xây dựng phương án điều tra thống kê cần làm rõ và thống nhất các nội dung sau:
– Khái niệm về “giá dịch vụ xây dựng chuyên dụng”.
– Lựa chọn thời kỳ gốc để xác định tỷ trọng chi phí đối với các loại công trình xây dựng: hiện nay chỉ số giá xây dựng do các Sở Xây dựng địa phương công bố được tính toán với năm gốc được lựa chọn khác nhau (năm: 2010, 2011, 2014, 2016) để phản ánh sát với diễn biến thay đổi về giá các yếu tố đầu vào cấu thành nên sản phẩm xây dựng, sát với thay đổi chủng loại vật tư thiết bị, công nghệ thi công xây dựng, thị trường nhân công xây dựng, thị trường máy thi công trên mỗi tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Còn chỉ số giá xây dựng quốc gia theo quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/06/2010 được tính toán với năm gốc 2010.
– Nhóm, loại công trình xây dựng theo phân tổ chủ yếu.
– Nguyên tắc phân vùng kinh tế xã hội của cả nước và số lượng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được chọn làm đại diện cho các vùng.
– Danh mục các địa điểm điều tra theo 5 nhóm đơn vị thu thập thông tin.
– Danh mục các loại vật liệu chủ yếu đại diện cho nhóm loại công trình lựa chọn.
– Phương pháp thu thập thông tin, nhập thông tin và xử lý theo thời điểm gốc và thời điểm công bố.
– Nhân lực điều tra và mạng lưới điều tra viên.
– Tổ chức thực hiện ở cấp Trung ương và cấp địa phương.
– Kinh phí và các điều kiện vật chất cho điều tra.
4. Đề xuất những nội dung cần phối hợp trong tổ chức thực hiện
Kết quả điều tra giá xây dựng theo phương án điều tra thống kê được Bộ Xây dựng phê duyệt sẽ là cơ sở đầu vào để tính toán chỉ số giá xây dựng quốc gia. Vì vậy để đáp ứng yêu cầu công tác thống kê, đảm bảo tính khoa học, thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, thuận tiện khi thu thập thông tin, xử lý thông tin, tính toán, lưu trữ, chia sẻ thông tin với các chỉ tiêu khác trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia thì cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ, thiết thực, cụ thể giữa Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng và Tổng cục Thống kê ở các nội dung sau:
(1) Xây dựng mạng lưới điều tra trên cơ sở sử dụng hệ thống tổ chức sẵn có của hai bên;
(2) Xây dựng danh mục các thông tin cần thu thập trong mẫu phiếu điều tra;
(3) Tổ chức tập huấn điều tra cho các điều tra viên thuộc mạng lưới điều tra nhằm đảm bảo chất lượng của cuộc điều tra, cách thức tổng hợp báo cáo theo định kỳ hàng tháng từ địa phương lên trung ương;
(4) Chia sẻ số liệu điều tra ở dạng thô, dạng tinh và các thông tin khác có liên quan khác về dữ liệu giá trị sản xuất xây dựng các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương làm cơ sở xác định quyền số tính chỉ số giá xây dựng quốc gia; dữ liệu về tỷ trọng chi phí của các loại công trình, danh mục các loại vật liệu, loại nhân công, loại máy thi công cần thu thập; danh sách các Sở Xây dựng, Chi cục, Cục thống kê, Tập đoàn, Tổng Công ty, Ban quản lý, đơn vị tư vấn; về địa chỉ, nhân sự điều tra viên/cán bộ làm công tác thống kê…;
(5) Xây dựng phần mềm nhập tin và tính chỉ số giá theo cấp địa phương và cấp Trung ương để thống nhất trong sử dụng.
Từ những trình bày về nội dung chủ yếu khi xây dựng phương án điều tra thống kê về giá xây dựng nêu trên cùng với đề xuất về nội dung cần phối hợp trong tổ chức thực hiện cho thấy khối lượng lớn công việc cần tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ tính toán chỉ số giá xây dựng quốc gia trong năm 2017 và các năm tiếp theo của Viện Kinh tế xây dựng theo phân giao của Bộ Xây dựng.
Tác giả: ThS. NGUYỄN NGỌC THANH
TRƯỞNG PHÒNG NGHIÊN CỨU KINH TẾ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, VIỆN KINH TẾ XÂY DỰNG