Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Về tình hình tăng giá thép và đề xuất một số giải pháp khắc phục

    27/05/2021 - 03:56
    527
    0
    0
    Trong thời gian vừa qua, giá thép trong nước đã tăng đột biến và không theo quy luật tăng giá thông thường, tác động đến các hoạt động đầu tư xây dựng. Để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng đã có báo cáo về tình hình tăng giá thép xây dựng và đề xuất một số giải pháp khắc phục. Trang tin điện tử Viện Kinh tế xây dựng xin giới thiệu nội dung báo cáo này.

    Diễn biến giá thép xây dựng thời gian qua

    Theo kết quả khảo sát, thu thập thông tin của Viện Kinh tế xây dựng, tình hình biến động giá thép xây dựng ở nước ta thời gian qua được biểu thị ở biểu đồ dưới đây:

    Đơn vị tính: đồng/kg
     

    Biểu đồ: Diễn biến giá thép xây dựng bình quân tại các khu vực từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2021
             
    Từ số liệu trên cho thấy, giá thép xây dựng trên thị trường cả nước đều tăng và thời điểm bắt đầu tăng từ 11/2020 đến nay. Cụ thể, vào thời điểm từ tháng 11/2020 trở về trước, thép xây dựng có giá bình quân chỉ từ 14.000 đ/kg đến 14.500 đ/kg nhưng đến đầu tháng 5/2021 giá đã tăng bình quân trên 20.000 đ/kg, thậm chí ở một số khu vực đã tăng đến gần 21.000 đ/kg. Như vậy, nếu so sánh mức giá của thời kỳ ổn định (thời điểm tháng 11/2020 trở về trước) với mức giá của thời điểm tăng giá cao (thời điểm tháng 5/2021) cho thấy giá thép trên thị trường đã tăng khoảng từ 30% đến 40%. Mức tăng giá này có thể gọi là mức tăng giá không theo quy luật thông thường của giá thép xây dựng  trong những giai đoạn trước đây (thông thường giá thép xây dựng chỉ tăng bình quân từ 3% đến 5% /năm trong 02 năm vừa qua).

    Theo kết quả dự báo, nếu không có những giải pháp quản lý thị trường thép xây dựng một cách hữu hiệu, giá thép xây dựng có thể còn tăng đến hết quý III/2021 và sau đó sẽ có xu hướng giảm nhưng sẽ xác lập mặt bằng giá mới. Mặt bằng giá mới của thép xây dựng được thiết lập chắc chắc sẽ cao hơn mặt bằng giá trước khi xảy ra biến động giá (thời điểm tháng 11/2020 trở về trước).

    Ảnh hưởng của biến động giá thép xây dựng

    Hiện tượng giá thép xây dựng đã tăng cao trong thời gian qua và nếu còn diễn biến tiếp sẽ có tác động lớn đến hoạt động sản xuất của ngành xây dựng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tác động không nhỏ đến các vấn đề kinh tế-xã hội khác.

    Xét riêng góc độ quản lý chi phí đầu tư xây dựng, giá thép xây dựng tăng như phân tích trên đây sẽ có tác động đến việc quản chi phí của dự án đầu tư xây dựng, đến việc thực hiện các hợp xây dựng đang triển khai, nhất là các hợp đồng theo hình thức trọn gói và hợp đồng theo hình thức đơn giá cố định; cụ thể:

    – Do chi phí thép xây dựng chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí vật liệu của của dự toán gói thầu, chiếm khoảng từ 9% đến 16% tùy theo loại hình công trình (khoảng hơn 16% đối với công trình dân dụng và khoảng 9% đối với công trình giao thông) nên đối với các hợp đồng xây dựng theo hình thức hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định đã ký kết trước thời điểm tăng giá thép xây dựng (trước thời điểm tháng 11/2020) và ký kết thời điểm đầu năm 2021sẽ gặp khó do những ràng buộc của hợp đồng là không được điều chỉnh giá theo thực tế và do giá đã được xác định trong hợp đồng (kể cả dự kiến mức độ trượt giá trước đã dự tính trong giá hợp đồng) đã không dự kiến cho trường hợp giá có sự biến động lớn, bất thường.

    – Đối với các hợp đồng đã ký theo hình thức đơn giá điều chỉnh cũng sẽ gặp khó khăn do thông tin giá thép theo công bố của địa phương có sự chênh lệch khá lớn so giá thực tế thị trường và do nhiều địa phương chưa thực hiện việc công bố kịp thời hoặc đã công bố nhưng giá chưa theo kịp diễn biến giá trên thị trường (cụ thể: theo số liệu khảo sát của Viện Kinh tế xây dựng, tính đến thời điểm hiện nay mới có 49/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cập nhật diễn biến giá thép xây dựng trong công bố giá vật liệu của địa phương. Mặc dù đã cập nhật giá thép có sự biến động nhưng giá thép theo công bố của 49 địa phương nhìn chung còn thấp hơn mức giá trên thị trường từ khoảng 11% đến 15%; trong khi các mức giá thép xây của các địa phương khác chưa cập nhật theo giá thị trường đã thấp hơn thậm chí từ 30% đến 40 % so với giá thị trường).

    – Chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý chi phí, quản lý hợp đồng. Việc sử dụng hết chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu và dự phòng trong tổng mức đầu tư cũng sẽ không đủ kinh phí để bù cho việc tăng giá thép xây dựng.

    – Đối với các hợp đồng thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư của khu vực tư nhân phần lớn là hợp đồng theo hình thức đơn giá cố định hoặc trọn gói nên gặp rất nhiều khó khăn khi giá thép tăng ngoài dự kiến của hợp đồng. Hiệu quả kinh doanh của các nhà thầu xây lắp bị ảnh hưởng lớn do những vấn đề ràng buộc hợp đồng xây dựng đã ký kết đặt ra. Nếu tình trạng này còn diễn biến tiếp có khả năng ảnh hưởng nặng nề đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà thầu và có khả năng xuất hiện các hiện tượng chây ỳ, vỡ tiến độ, chậm đưa công trình vào sử dụng.

    – Đối với các dự án đang chuẩn bị để tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định giá gói thầu cũng như đề xuất giá dự thầu đảm bảo đáp ứng yêu cầu về mức giá thép tăng cao như hiện nay.

    – Việc quản lý vốn đầu tư công năm 2021 và kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sẽ gặp khó khăn nếu chi phí của các dự án đầu tư công vượt hạn mức đầu tư đã được phê duyệt.

    Nguyên nhân của giá thép xây dựng tăng trong thời gian qua

    Nguyên nhân của việc giá thép xây dựng tăng trong giai đoạn vừa qua có nguyên nhân khách quan và cả nguyên nhân chủ quan; cụ thể:

    – Nguyên nhân khách quan:

    + Nguyên liệu phục vụ sản xuất thép trong nước như quặng, phôi thép phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩutrong khi giá của các nguyên liệu này trên thế giới đều tăng (cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3/2021 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước, giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn tăng 44% so cùng kỳ năm trước) cộng thêm chi phí vận chuyển, chi phí logistic đều tăng so với giai đoạn trước đây.

    + Kinh tế thế giới đã được dần phục hồi sau dịch bệnh, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của nhiều nước tăng trở lại đã dẫn đến nhu cầu sử dụng thép xây dựng tăng đột cao (nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước) và đã tác động không nhỏ đến thị trường thép xây dựng của nước ta.

    + Chính sách của Trung Quốc (nước sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới) cắt giảm sản xuất thép để bảo vệ môi trường, tăng cường nhập khẩu cũng có thể được coi là một trong những nguyên nhân khiến giá thép thế giới tăng cao.

    – Nguyên nhân chủ quan:

    + Đã xuất hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng ở một số địa phương nên đã tạo ra hiện tượng khan hiếm giả tạo; trong khi sản lượng sản xuất thép xây dựng của nước ta trong thời gian qua có xu hướng tăng và cộng với nguồn thép nhập khẩu nên đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.

    + Phản ứng của cơ quan quản lý nhà nước đối với diễn biến giá bất thường của thị trường thép xây dựng trong thời gian qua được cho là chưa kịp thời và hữu hiệu (kiểm tra thị trường để hạn chế đầu cơ, bình ổn thị trường thép xây dựng; điều chỉnh chính sách để giảm chi phí nguyên liệu đầu vào; công bố giá theo diễn biến thị trường; đánh giá tác động ảnh hưởng…).

    + Các quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng đã quy định các điều kiện để điều chỉnh điều chỉnh giá hợp đồng, kể cả hợp đồng theo hình thức trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định; trong đó quy định nguyên tắc thỏa thuận xử lý trường hợp bất khả kháng, xử lý khi thay đổi chính sách của nhà nước (Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2015/NĐ-HĐ ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng đã bổ sung quy định được điều chỉnh giá hợp đồng trong trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng) nhưng chưa có quy định cụ thể để nhận diện hiện tượng biến động giá vật liệu một cách “bất thường” và được coi là bất khả kháng để làm cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng.

    + Các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng trong nước chưa có giải pháp kịp thời để điều chỉnh hoạt hoạt động sản xuất kinh doanh để thích ứng với hiện tượng tăng chi phí đầu vào của sản xuất thép nhằm ổn định giá thép cũng như tăng cường sản lượng sản xuất thép.

    Kiến nghị một số giải pháp

    – Trong thời gian qua, một số cơ quan quản lý nhà nước đã có những động thái quản lý cụ thể để bước đầu có giải pháp hạn chế ảnh hưởng của việc tăng giá thép xây dựng; cụ thể:

    + Về phía Bộ Xây dựng, trên cơ sở đề xuất của Viện Kinh tế xây dựng, Bộ  Xây dựng đã có văn bản đề nghị các Bộ, địa phương báo cáo phản ánh mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá thép và kiến nghị giải pháp khắc phục. Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để cập nhật giá thép xây dựng, giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý trên địa bàn của địa phương. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra thị trường để tránh hiện tượng đầu cơ, găm giá vật liệu xây dựng, giá thép xây dựng.

    + Các Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng đã đề xuất một số biện pháp bước đầu nhằm hạn chế hiện tượng tăng giá thép xây dựng (điều chỉnh chính sách thuế tự vệ thương mại đối với phôi thép và các sản phẩm thép; cân nhắc giảm thuế nhập khẩu thép; kiến nghị tăng sản lượng sản xuất trong nước để cân đối cung – cầu thép; tăng cường kiểm tra thị trường chống đầu cơ, tăng giá…).

    – Tuy nhiên, do các giải pháp trên đây đang là những giải pháp bước đầu và để giải pháp có tác động cần phải có thời gian để thực hiện. Mặt khác, theo kinh nghiệm trong quản lý chi phí khi có sự biến động bất thường của giá cả vật liệu xây thì cần phải có giải pháp cụ thể hơn. Theo đó:

    + Để khắc phục khó khăn đối với các hợp đồng xây dựng thực hiện các dự án của khu vực tư nhân, ngoài nỗ lực để giải quyết giữa các bên của hợp đồng thì trách nhiệm của Nhà nước cần sớm bình ổn giá thép xây dựng sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất.

    + Đối với các hợp đồng xây dựng thực hiện các dự án đầu tư công thì cần thiết xem xét bổ sung quy định pháp lý để công nhận hiện tượng tăng giá “đột biến” là điều kiện bất khả kháng để quản lý các hợp đồng xây dựng. Thực hiện được giải pháp trên đòi hỏi phải tính toán được mức độ tăng chi phí do giá thép xây dựng tăng “đột biến” so với chi phí dự phòng trượt giá đã tính toán trong dự toán gói thầu, trong hợp đồng để xác định được cụ thể thời điểm tăng giá và mức độ tăng giá. Trên cơ sở đó để đề xuất có cần hay không cần phải có văn bản pháp luật hướng dẫn (kinh nghiệm xử lý biến động giá bất thường của vật liệu xây dựng giai đoạn 2007- 2008, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư số 09/2008/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ).

    – Theo kết quả tính toán của Viện Kinh tế xây dựng cho thấynếu giá thép xây dựng tăng (so với mặt bằng giá 10/2020) dưới mức 35% thì không cần can thiệp cho việc điều chỉnh giá hợp đồng; trong khi đó nếu giá thép tăng vượt mức 35% thì được coi là tăng “đột biến” cần phải có giải pháp xử lý. Tuy nhiên, kết quả tính toán trên đã dựa trên các số liệu do Viện Kinh tế xây dựng chủ động khảo sát, thu thập thông tin từ thị trường. Để đảm bảo độ tin cậy hơn của kết tính toán thì cần phải đươc kiểm chứng thêm từ số liệu phản ánh từ thực tế quản lý của các bộ ngành và các địa phương. Do vậy, Viện Kinh tế xây dựng kiến nghị Bộ trưởng giao Viện Kinh tế xây dựng phối hợp với Cục Kinh tế xây dựng để tổng hợp, phân tích, tính toán dựa trên các số liệu báo cáo thực tế và đối chiếu với pháp luật về quản lý giá nói chung để xác định cụ thể mức độ tăng và thời điểm tăng giá thép xây dựng được coi là tăng “đột biến” và là trường hợp bất khả kháng để kiến nghị giải pháp quản lý cụ thể đối với các dự án đầu tư công (ví dụ: Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng các giải pháp và kiến nghị giao Bộ Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn xử lý vấn đề trên).

    – Viện Kinh tế xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kể cả thanh tra nhiêm vụ quản lý nhà nước của các địa phương đối với giá vật liệu nói chung và giá thép xây dựng; trong đó có kiểm tra trách nhiệm công bố giá vật liệu kịp, bám sát diễn biến giá cả của thị trường.
     

    (Viện Kinh tế xây dựng)
    Bình luận