Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Trả lời bạn đọc

    Kính nhờ Bộ Xây dựng giúp tôi hiểu rõ hơn những vấn đề sau:

    Việc điều chỉnh chi phí nhân công trong dự toán xây dựng công trình, khi áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản địa phương tính theo mức lương tối thiểu từ 144.000 đ/tháng lên mức lương tối thiểu 540.000 đ/tháng thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 và Thông tư số 03/2008/TT-BXD ngày 25/01/2008 để áp dụng bù giá nhân công thì còn có công văn nào hướng dẫn cụ thể hơn không ?

    Trần Công Vĩnh - Phòng kế hoạch kỹ thuật Cty TNHH XD-TM Quang Minh

    DDC: 243 Tô Hiến  Thành - P13 - Quận 10 - Tp. HCM

    Trả lời
    anh - theanh@moc.gov.vn - 12/07/2018

    Vấn đề bạn hỏi Viện kinh tế xây dựng xin giải đáp như sau:

    1. Thông tư số 07/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 hướng dẫn điều chỉnh dự toán xây dựng công trình sử dụng vốn Nhà nước lập theo các bộ đơn giá do các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương ban hành phù hợp với các định mức của Nhà nước lên mức lương tối thiểu 450.000 đ/tháng. nếu đơn giá XDCB địa phương tính theo mức lương tối thiểu là 144.000 đ/tháng thì chi phí nhân công và máy thi công được điều chỉnh với hệ số 4,32 và hệ số 1,55.

    Thông tư số 03/2008/TT-BXD ngày 25/01/2008 hướng dẫn đều chỉnh dự toán những khối lượng thực hiện từ 01/01/2008 của dự toán xây dựng công trinh sử dụng vốn Nhà nước mà Người quyết định đầu tư chưa quyết định thực hiện chuyển tiếp theo Nghị định số 99/2007/NĐ-CP và đã được lập theo các đơn giá do các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương ban hành (tính theo thang lương thuộc bảng lương A.1.8 của Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 với mức lương tối thiểu 450.000 đ/tháng) lên mức lương tối thiểu 540.000 đ/tháng.

    Trong trường hợp điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 144.000 đ/tháng lên mức lương tối thiểu 540.000 đ/tháng thì Knc=4,32x1,2 và Kmtc=1,55x1,08.

    2. Thông tư 09/2008/TT-BXD và công văn số 1551/BXD-KTXD bổ sung Thông tư 09/2008/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng, còn việc điều chỉnh dự toán XDCT theo chế độ tiền lương thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 07/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006; Thông tư số 03/2008/TT-BXD ngày 25/01/2008 và Thông tư số 05/2009/TT-BXD ngày 15/04/2009.

    Dự án đầu tư xây dựng công trình của chúng tôi có quy mô lớn, nguồn kinh phí cấp cho dự án không kịp thời nên kéo dài thời gian tiến hành quyết toán hợp đồng. Hợp đồng thực hiện theo Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ. 14 tháng sau khi hoàn thành khối lượng xây lắp công trình, chủ đầu tư mới phê duyệt phần phát sinh và hai bên mới tiến hành lập phụ lục bổ sung hợp đồng đã ký và quyết toán. Vậy việc chủ đầu tư ra quyết định và ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu sau 14 tháng kể từ ngày hoàn thành khối lượng công việc theo tiến độ trong hợp đồng có vi phạm quy định của pháp luật không?

    Trả lời
    Nguyen Van Hung - hungvan@yahoo.com - 12/07/2018

    Việc chủ đầu tư ra quyết định và ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu sau 14 tháng kể từ ngày hoàn thành khối lượng công việc theo tiến độ trong hợp đồng không đúng quy định. Tuy nhiên, dù có chậm nhưng đây là thủ tục bắt buộc để hoàn thiện hồ sơ thanh toán theo hướng dẫn tại Điều 19 Hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng của Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ và khoản 1.7, Điều 11 thanh toán khối lượng hoàn thành của Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.

    Chúng tôi đang làm chủ đầu tư một dự án cải tạo – mở rộng nhà máy trong đó có gói thầu Thi công san lấp mặt bằng. Giá gói thầu được duyệt là 61,344 tỷ đồng, đấu thầu rộng rãi trong nước. Hồ sơ dự thầu của nhà thầu trúng thầu có giá ghi trong đơn dự thầu là 61,32 tỷ đồng và giảm giá 12,264 tỷ đồng. Tháng 10/2010 chủ đầu tư và nhà thầu ký hợp đồng với giá là 48 tỷ đồng, loại hợp đồng theo đơn giá cố định, thời gian thực hiện hợp đồng là 180 ngày.

    Quá trình thực hiện do công tác giải phóng mặt bằng chậm nên chủ đầu tư chỉ bàn giao được từng phần mặt bằng cho nhà thầu thi công và đều chậm hơn nhiều so với quy định trong Hợp đồng đã ký. Hai bên đã nghiệm thu và thanh toán khối lượng công việc do nhà thầu thi công trong thời gian thực hiện hợp đồng (180 ngày) theo đơn giá ghi trong HSDT của nhà thầu (có tính giảm giá theo tỷ lệ giảm giá ghi trong HSDT). Để tiếp tục thi công khối lượng công việc còn lại chủ đầu tư và nhà thầu đã ký phụ lục điều chỉnh tiến độ thực hiện Hợp đồng cho phù hợp. Hiện nay hai bên đang lập dự toán để bổ sung chi phí phát sinh do trượt giá từ việc chậm bàn giao mặt bằng, đồng thời điều chỉnh chi phí nhân công và tiền lương thợ điều khiển máy thi công do Nhà nước có thay đổi chính sách chế độ tiền lương để ký phụ lục hợp đồng. Nhưng chúng tôi chưa thống nhất được phần chi phí phát sinh này có phải giảm giá theo tỷ lệ giảm giá ghi trong HSDT của nhà thầu hay không?

    Trả lời
    binh - binhnguyen@gmail.com - 12/07/2018

    Khối lượng phát sinh trong thi công xây dựng là khối lượng không được ghi trong hợp đồng xây dựng đã ký kết. Khi nộp hồ sơ dự thầu, nhà thầu chào giảm giá là chào cho khối lượng dự thầu. Phần phát sinh ngoài dự thầu có giảm giá theo tỷ lệ giảm giá ghi trong HSDT của nhà thầu hay không là do thỏa thuận giữa 2 bên. Trong trường hợp nói trên do không phải là một hạng mục phát sinh mới mà là “bổ sung chi phí xây dựng do yếu tố trượt giá từ việc kéo dài thời gian thi công do chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng” vì vậy vẫn giảm giá thầu theo hồ sơ ban đầu. Cần lưu ý hợp đồng theo đơn giá cố định cần được phép của cấp quyết định đầu tư khi “điều chỉnh chi phí nhân công và tiền lương thợ điều khiển máy thi công do Nhà nước có thay đổi chính sách chế độ tiền lương”.

    Trong quá trình làm hồ sơ điều chỉnh giá theo hợp đồng đã ký, chúng tôi có gặp vướng mắc như sau xin được giải đáp:

    Tiến độ thực hiện hợp đồng là 180 ngày, thời gian từ 06/05/2011 đến 06/11/2011. Trong quá trình thi công do một số nguyên nhân khách quan không do lỗi của Nhà thầu như: thời tiết mưa bão, thay đổi thiết kế, thay đổi chủng loại vật tư, tiến độ thanh toán của Chủ đầu tư không kịp thời,... nên thời gian thi công bị kéo dài và phần lớn khối lượng thi công được thực hiện vào thời gian từ tháng 10/2011 đến thời gian được Chủ đầu tư xác nhận gia hạn.

    Đến ngày 22/08/2011 Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2011/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ ngày 05/10/2011. Vì hiệu lực của Nghị định xảy ra trước ngày chốt tiến độ theo hợp đồng (ngày 06/11/2011) nên chúng tôi tính bù giá nhân công cho toàn bộ phần giá trị công việc hoàn thành kể từ 05/10/2011 trở đi. Vậy cách tính trên có hợp lý hay không?

    Trả lời
    Nguyễn Trung Kiên - kientrung@yahoo.com - 12/07/2018

    Theo quy định của Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/08/2011 của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng, các khối lượng thi công xây dựng thực hiện từ ngày 01/10/2011 được áp dụng mức lương mới quy định tại Nghị định này. Do vậy, đối với các khối lượng xây dựng thực hiện từ ngày 01/10/2011 của gói thầu nói trên, nếu việc chậm tiến độ thi công không do lỗi của nhà thầu và việc gia hạn tiến độ thực hiện hợp đồng đã được chấp thuận thì chi phí nhân công được điều chỉnh theo mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 70/2011/NĐ-CP.

    Tôi đang công tác tại một đơn vị tư vấn xây dựng ở tỉnh và đơn vị chúng tôi có chức năng thực hiện thẩm tra bản vẽ thiết kế và dự toán công trình.Trong quá trình thực hiện, chúng tôi gặp phải vấn đề như sau:

    Đầu tháng 7/2008 đơn vị chúng tôi có nhận thẩm tra bản vẽ thiết kế và dự toán 01 công trình ở địa phương. Đối với kết quả thẩm tra dự toán, do tại thời điểm thực hiện thị trường giá các loại vật liệu xây dựng chủ yếu (thép tròn, thép hình, thép tấm, tấm lợp tole, xà gồ thép….) có biến động mạnh và công bố giá vật liệu xây dựng chủ yếu của liên Sở Xây dựng - Tài chính tháng 7/2008 tại địa phương chưa kịp ban hành nên để đáp ứng yêu cầu và tiến độ công việc đơn vị tư vấn (thiết kế, thẩm tra) có chủ động áp dụng giá vật liệu xây dựng chủ yếu của công trình trên cơ sở công bố giá vật liệu xây dựng chủ yếu của liên Sở Xây dựng - Tài chính tháng 6/2008 có tính thêm yếu tố trượt giá thị trường và tham khảo thêm giá công bố của một số nhà sản xuất. Khoảng thời gian sau đó, khi kiểm tra lại thì phát hiện chênh lệch chung giá các loại vật liệu chủ yếu đã thực hiện trong kết quả thẩm tra có cao hơn công bố giá vật liệu xây dựng chủ yếu của liên Sở Xây dựng - Tài chính tháng 7/2008 được ban hành vào tháng 8/2008 nhưng thấp hơn công bố giá tháng 8/2008 ban hành vào tháng 9/2008.

    Như vậy, xin hỏi Bộ Xây dựng việc thực hiện tư vấn thẩm tra dự toán nêu trên của đơn vị chung tôi đối với trường hợp trên có phù hợp theo các quy định về quản lý đầu tư, quản lý chi phí được áp dụng tại thời điểm đó hay không? Sự chênh lệch giá vật liệu xây dựng chủ yếu làm tăng giá trị dự toán công trình được thẩm tra so với công bố giá vật liệu xây dựng chủ yếu của liên Sở Xây dựng - Tài chính tháng 7/2008 ( khoảng 05% ) có bị kết luận là gây thiệt hại hay không?

    Trả lời
    Nguyễn Quốc Bình - binh_cqc@yahoo.com.vn - 12/07/2018

    Sau khi xem xét, Vụ Kinh tế xây dựng có ý kiến như sau:

    Theo quy định khoản a, điểm 1, Điều 15 Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì giá vật liệu xây dựng xác định trên cơ sở giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp, báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp hoặc giá đã được áp dụng cho công trình khác có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự. Như vậy, trong trường hợp giá do liên Sở Xây dựng – Tài chính công bố chưa phù hợp với giá thị trường thời điểm lập dự toán thì chủ đầu tư, đơn vị tư vấn có thể tham khảo giá thị trường để lập dự toán.

    Theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP thì mức lương mới được áp dụng từ ngày 1/1/2014. Tuy nhiên Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum có văn bản (file đính kèm) thông báo chưa được áp dụng lương mới do chưa có hướng dẫn của Bộ Xây dựng và của UBND tỉnh Kon Tum mà vẫn áp dụng lương theo Nghị định 103/2012/NĐ-CP là đúng hay sai? Trong khi đó mức lương cũ theo Nghị định 103/2012/NĐ-CP đã hết hiệu lực.

    Trả lời
    Bùi Minh Vương - B.vuong@yahoo.com.vn - 12/07/2018

    Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đã quy định: “Giá nhân công xây dựng được xác định trên cơ sở tính đúng, tính đủ tiền lương nhân công và phù hợp với mặt bằng thị trường lao động phổ biến của từng khu vực, tỉnh theo từng ngành nghề cần sử dụng”. Như vậy, trường hợp chi phí nhân công trong dự toán công trình đã phù hợp mặt bằng giá nhân công thực tế trên thị trường tại từng khu vực và đảm bảo theo đúng quy định của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng thì không phải điều chỉnh dự toán công trình.

    Dự án đầu tư xây dựng mới Trường A tại Hà nội do Trường A làm chủ đầu tư, đang trong quá trình triển khai, trong đó có hạng mục San lấp mặt bằng vật liệu đất đắp với độ chặt yêu cầu 0.9
    Theo định mức dự toán xây dựng công trình - Phần xây dựng (ban hành kèm theo công văn số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007  của Bộ Xây dựng) có quy định về  hệ số chuyển đổi bình quân từ đất đào sang đất đắp K90 là 1,1. Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4447:1987 Công tác đất - Quy trình thi công và nghiệm thu quy định về hệ số chuyển thể tích từ đất nguyên thổ sang đất rời - Hệ số tơi xốp của đất tại Phụ lục 3, tuỳ từng loại đất có giá trị trong khoảng 1,14 - 1,32. Như vậy hệ số chuyển đổi từ trạng thái đất rời sang đất đầm chặt K90 phải bằng 1,1 x (1,14 - 1,32).
    Qua tham khảo Công văn của Bộ Giao thông Vận tải về việc áp dụng hệ số chuyển đổi từ đất rời được vận chuyển đến chân hiện trường xây lắp sang đất đắp nền đường đã được lu lèn K95, K98 cho một Dự án B đang thực hiện trong đó có nội dung: "đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, thống nhất để Bộ GTVT ban hành cho áp dụng hệ số chuyển đổi từ đất rời được vận chuyển đến chân công trình: xây lắp sang đất đắp nền đường đã được lu lèn K95, K98 với hệ số là K 1,37 cho dự án ".
    Xét thấy về địa điểm xây dựng và tính chất đất đắp của Dự án B đã được áp dụng với hạng mục San lấp mặt bằng Trường A có đặc điểm tương đồng. Để phục vụ cho việc lập, quản lý và điều chỉnh dự toán công trình, Trường A dự kiến tạm thời áp dụng hệ số chuyển đổi này là 1,35 = 1,1x1,23 (lm3 đầm chặt K90 cần 1,35m3 đất rời). Hệ số chính thức phục vụ cho việc thanh quyết toán của công trình sẽ được Chủ đầu tư cùng các tổ chức Tư vấn xác định cụ thể trong quá trình thi công. Trường A xin hỏi việc tạm thời áp dụng như vậy có được không và xin ý kiến hướng dẫn của Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng.
    Rất mong nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của Quý Viện để tạo điều kiện cho việc triển khai dự án được thuận lợi.

    Xin trân trọng cảm ơn

    Trả lời
    Truong - truonga@gmail.com - 12/07/2018
    Ngày 16-8-2007 Bộ xây dựng có văn bản số 1776/BXD-VP về việc công bố định mức dự toán xây dựng công trình phần xây dựng. Theo hướng dẫn của văn bản này thì hệ số chuyển đổi bình quân từ đất đào sang đất đắp hệ số đầm nén K = 0,9 là 1,1 . Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4447:1987 Công tác đất - quy trình thi công và nghiệm thu quy định về hệ số chuyển thể tích từ đất nguyên thổ sang đất rời, tuỳ từng loại đất thì hệ số tơi xốp của đất có giá trị từ 1,14 - 1,32. Như vậy hệ số chuyển đổi từ đất rời sang đất đắp nằm trong khoảng từ 1,1 x 1,4  đến 1,1 x 1,32 tuỳ từng loại đất.

    Trong quá trình thực hiện dự án, việc vận dụng hệ số chuyển đổi từ đất rời, tơi xốp sang đất đắp của các công trình tương tự để lập dự toán là phù hợp với quy định tại Nghị định số 112/2009/ND-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Việc thanh toán khối lượng hoàn thành sẽ căn cứ vào thí nghiệm thực tế tại hiện trường để xác định hệ số chuyển đổi từ đất rời, tơi xốp sang đất đắp.

    Kính gửi: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng

    Tôi đang kiểm tra hồ sơ đấu thầu của nhà thầu trúng thầu có một điều muốn hỏi quý Viện.
    Trong phần thuyết minh biện pháp thi công trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu thì công việc đào đất nền đường, khuôn đường thi công bằng máy, không dùng thủ công; Biện pháp đắp đất công trình thì sử dụng máy đầm lu, trừ một số vị trí không sử dụng máy đầm được thì dùng đầm cóc. Nhưng ở biểu tổng hợp giá dự thầu và đơn giá chi tiết thì nhà thầu lại tính: Khối lượng đào đất nền đường, khuôn đường 60% đào bằng máy, 40% bằng thủ công (đơn giá tổng hợp đào đất nền đường = (M*6+TC*4)/10). Khối lượng đầm đất nền công trình 100% bằng đầm cóc. Vậy quý Viện cho tôi hỏi có được chiết tính lại đơn giá đào đất bằng máy cho tất cả khối lượng đào như theo biện pháp thi công trong hồ sơ dự thầu không? Khối lượng đắp đất bằng đầm cóc có được thay bằng đầm bằng đầm lu không?

    Trả lời
    Huong Ly - huongly1111988@yahoo.com - 12/07/2018

    Về vấn đề này, Viện Kinh tế Xây dựng có ý kiến trao đổi như sau:

    - Công tác đào đất nền đường, khuôn đường và công tác đắp đất công trình thi công bằng máy hay thủ công do tư vấn thiết kế căn cứ điều kiện kỹ thuật cụ thể của công trình để chỉ định biện pháp thi công.
    - Khối lượng đào đất nền đường, khuôn đường thi công bằng máy sử dụng mã đơn giá đào đất bằng máy vì trong đơn giá đã bao gồm chi phí nhân công sửa nền đường, khuôn đường hoàn thiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật, không phân tách khối lượng như trong câu hỏi của quý bạn.

    Kính gửi: Viện Kinh tế Bộ Xây dựng

    Tôi được giao lập dự toán công trình xây dựng về nhà ở, khi áp dụng định mức xây dựng công trình ban hành kèm theo công văn số 1776/BXD-VP tôi gặp một số khó khăn sau kính chuyển Viện Kinh tế trả lời giúp:

    Với một số công tác không quy định chiều cao công trình thì rất dễ áp dụng. Tuy nhiên, đối với một số công tác có quy định chiều cao công trình như công tác xây công tác bê tông, công tác cốt thép, công tác ván khuôn thì em không biết phải áp dụng định mức như thế nào cho phù hợp. Cụ thể:

    Đổ bê tông tường có chiều cao 52, chiều dày < 45m thì tính như thế nào:

    Cách l: áp dụng mã AF.22140 (chiều cao >50m) cho cả khối bê tông.

    Cách 2: Tách riêng khối lượng với các chiều cao < 4m, từ trên 4m đến < 16m, trên 16 m đến < 50m và trên 50m sau đó tính theo các mã tương ứng là AF.22110, AF.22120, AF. 22130, AF.22140.

    Một vấn đề nữa em muốn hỏi là mốc để tính chiều cao công trình là tính từ mặt đất hay chân móng công trình.

    Trên đây là một số vướng mắc trong quá trình lập dự toán thi công Kính xin Viện Kinh tế quan tâm xem xét trả lời giúp.

    Tôi xin chân thành cảm ơn.

    Nhân dịp năm mới Kính chúc toàn thể CBCNV của Viện một năm mới an khang hạnh phúc.

    Trả lời
    Nguyễn Viết Chất - vietchatsdcc@yahoo.com.vn - 12/07/2018

    Về vấn đề này, Viện Kinh tế Xây dựng có ý kiến trao đổi như sau:

    - Theo hướng dẫn trong Định mức dự toán xây dựng công trình - Phần xây dựng công bố kèm theo văn bản số 1776/BXD-VP ngày 16/08/2007 của Bộ Xây dựng thì chiều cao quy định trong định mức là chiều cao công trình. Mọi khối lượng thi công của toàn công trình mà có chiều cao công trình tương ứng với chiều cao quy định trong định mức nói trên thì sử dụng theo định mức chiều cao đó, không phân tách khối lượng công trình theo các chiều cao để tính khối lượng tương ứng với chiều cao để áp dụng định mức. Vì vậy, công tác đổ bê tông tường có chiều cao 52m sẽ sử dụng mã định mức có chiều cao > 50m.

    - Mốc để tính chiều cao công trình là tính từ cốt + 0,00

    Kính gửi: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng

     Tôi có thắc mắc xin hỏi như sau:
    Tại công bố 1776/BXD-VP ngày 16/08/2007 có công bố định mức máy sải PS500 trong công tác "Bê tông đường lăn, sân đỗ máy bay bằng máy rải bê tông", mã hiệu AF.37310 có giảm so với định mức ban hành theo Quyết định 24/2005/QĐ-BXD ngày 29/07/2005, giảm từ 0,022 xuống 0,059. Trong khi đó, bộ đơn giá công bố của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ lập lại theo định mức mới 1776 thì định mức máy thi công bê tông xi măng bằng máy rải SP500 vẫn như bộ định mức 24/2005/QĐ-BXD.
    Vậy cho tôi hỏi:
    1. Có phải công bố 1776 đã in nhầm định mức máy rải SP500 trong công tác "Bê tông đường lăn, sân đỗ máy bay bằng máy rải bê tông, mã hiệu AF.37310".
    2. Có phải bộ đơn giá của các TP nêu trên có sự nhầm lẫn định mức máy rải SP500 trong công tác "Bê tông đường lăn, sân đỗ máy bay bằng máy rải bê tông".

    Tôi xin chân thành cảm ơn./.

    Trả lời
    Đỗ Minh Thắng - minhthang612@yahoo.com - 12/07/2018

    Về vấn đề này, Viện Kinh tế Xây dựng có ý kiến trao đổi như sau:

    Định mức số 24/2005/QĐ-BXD ngày 29/07/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng có quy định định mức máy rải SP.500 cho công tác Bê tông đường lăn, sân đỗ máy bay bằng máy rải bê tông mã hiệu AF.37310 là 0,022. Định mức dự toán xây dựng công trình phần xây dựng công bố kèm theo văn bản số 1776/BXD-VP ngày 16/08/2007 của Bộ Xây dựng đã điều chỉnh lại khối lượng định mức máy rải SP.500 cho công tác bê tông nói trên từ 0,022 xuống còn 0,0059 cho phù hợp với thực tế ở một số công trình đã thi công.