Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Trả lời bạn đọc

    Kính gửi: Viện kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng

    - Tôi mới làm công tác tại bộ phận thẩm định đầu tư xây dựng cơ bản, có một số vấn đề xin Quý Viện chỉ giúp.

    - Thưa Quý Viện, phương pháp lập Bổ sung báo cáo kinh tế - kỹ thuật của tôi như vậy đã đúng theo quy định của pháp luật chưa ? Nếu sai, xin Quý Viện chỉ giúp. Bổ sung như vậy có phải phê duyệt lại Tổng mức đầu tư hay không? (Công trình đã thi công xong và đủ điều kiện để áp dựng Thông tư 05/2009/TT-BXD ngày 15/4/2009 của Bộ Xây dựng).

    - Tôi xin cảm ơn Quý Viện rất nhiều.

    Trả lời
    Ngô Văn Dũng - ngovan_dung@yahoo.com - 12/07/2018

    Sau khi nghiên cứu, Viện Kinh tế Xây dựng có ý kiến như sau:
    1. Đối với chi phí quản lý dự án.
    Chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình xác định trên cơ sở định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình công bố kèm theo văn bản số 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng không bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
    2. Đối với chi phí khác trong dự toán xây dựng công trình.
    Theo quy định tại Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09/4/2007 của Bộ Tài Chính về việc hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước, một số khoản mục chi phí trong phần chi phí khác của dự toán xây dựng công trình được tính toán như sau:
    - Chi phí kiểm toán dự án hoàn thành: định mức chi phí kiểm toán dự án hoàn thành được tính đủ như quy định tại mục VIII Phần II của Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09/4/2007 của Bộ Tài Chính.
    - Chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành: trong trường hợp dự án đã thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán thì định mức chi phí thẩm tra được tính bằng 50% định mức chi phí tương ứng quy định tại mục VIII Phần II của Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09/4/2007 của Bộ Tài Chính. 
    Như vậy việc tính toán hai khoản mục chi phí trên trong văn bản thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật của Bạn là chưa chuẩn xác.
    3. Đối với việc áp dụng Thông tư số 05/2009/TT-BXD ngày 15/4/2009 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn điều chỉnh dự toán xây dựng công trình.
    Thông tư này hướng dẫn điều chỉnh dự toán từ ngày 01/01/2009 theo mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 110/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ đối với những khối lượng còn lại của công trình, gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước đang thực hiện dở dang mà Người quyết định đầu tư chưa quyết định chuyển tiếp thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ. Như vậy, công trình của Bạn đã thi công xong thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.  

    Tôi đang lập dự toán công trình xây dựng về nhà ở, khi áp dụng định mức xây dựng công trình ban hành kèm theo Văn bản số 1776/BXD-VP và có một số khó khăn như sau: - Đổ bê tông tường có chiều cao 52m, chiều dày <45m thì có được áp dụng mã AF.22140 (chiều cao >50m) cho cả khối bê tông hay tách riêng khối lượng với các chiều cao <4m, từ trên 4m đến < 16m, từ trên 16m đến < 50m và trên 50m. - Mốc để tính chiều cao công trình là tính từ mặt đất hay chân móng công trình?

    Trả lời
    - - 29/05/2018

    Theo Định mức dự toán xây dựng công trình – Phần Xây dựng công bố kèm theo Văn bản số 1776/BXD-VP ngày 16/08/2007 của Bộ Xây dựng, chiều cao quy định để áp dụng định mức là chiều cao của công trình. Theo đó khối lượng thi công của toàn bộ công trình có chiều cao công trình tương ứng với chiều cao quy định trong định mức thì sử dụng theo định mức tương ứng với chiều cao của công trình, không phân tách khối lượng công trình theo các chiều cao như nhau. Vì vậy, công tác đổ bê tông tường có chiều cao 52m sẽ sử dụng mã định mức có chiều cao > 50m.
    - Mốc để tính chiều cao công trình là tính từ cốt + 0,00.

    Hiện nay, chúng tôi đang lập dự toán tạo mặt bằng cho thi công xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, trong các tập định mức xây dựng hiện hành chưa có công tác san lấn hồ tạo mặt bằng. Vì vậy đơn vị chúng tôi đang vận dụng định mức công tác san mái ta luy theo định mức công tác san đầm mặt bằng (mã AB.62121) và san đầm nền đường (mã AB.64121), có loại bỏ hao phí ca máy của máy đầm cho phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công để lập dự toán cho công việc san lấn hồ tạo mặt bằng thi công xây dựng nhà máy. Chúng tôi xin hỏi việc vận dụng như vậy có phù hợp hay không?

    Trả lời
    - - 08/05/2018

    Công tác san lấn hồ chưa có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được công bố. Theo quy định tại điểm 3.1, khoản 3 điều 16 Quản lý định mức xây dựng của Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/05/2010 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình:

    Chủ đầu tư, nhà thầu và các tổ chức tư vấn căn cứ vào phương pháp xây dựng định mức theo hướng dẫn tại Phụ lục số 5 của Thông tư này tổ chức điều chỉnh đối với những định mức đã được công bố nhưng chưa phù hợp với biện pháp, điều kiện thi công, yêu cầu kỹ thuật của công trình, xây dựng các định mức chưa có trong hệ thống định mức đã được công bố quy định tại khoản 1 Điều này hoặc vận dụng các định mức xây dựng tương tự đã và đang sử dụng ở công trình khác để áp dụng cho công trình”.

    Như vậy, việc vận dụng định mức cho công tác san mái ta luy theo định mức công tác san đầm mặt bằng (mã AB.62121) và san đầm nền đường (mã AB.64121) có loại bỏ hao phí ca máy của máy đầm cho phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công để lập dự toán cho công việc san lấn hồ tạo mặt bằng thi công xây dựng nhà máy là phù hợp với quy định hiện hành.

    Chúng tôi đang lập dự toán công trình xây dựng về nhà ở, khi áp dụng định mức xây dựng công trình ban hành kèm theo Văn bản số 1776/BXD-VP và có một số khó khăn như sau:

    - Đổ bê tông tường có chiều cao 52m, chiều dày <45m thì có được áp dụng mã AF.22140 (chiều cao >50m) cho cả khối bê tông hay tách riêng khối lượng với các chiều cao <4m, từ trên 4m đến < 16m, từ trên 16m đến < 50m và trên 50m?
    - Mốc để tính chiều cao công trình là tính từ mặt đất hay chân móng công trình?

    Trả lời
    - - 07/05/2018

    Theo Định mức dự toán xây dựng công trình – Phần Xây dựng công bố kèm theo Văn bản số 1776/BXD-VP ngày 16/08/2007 của Bộ Xây dựng, chiều cao quy định để áp dụng định mức là chiều cao của công trình. Theo đó khối lượng thi công của toàn bộ công trình có chiều cao công trình tương ứng với chiều cao quy định trong định mức thì sử dụng theo định mức tương ứng với chiều cao của công trình, không phân tách khối lượng công trình theo các chiều cao như nhau. Vì vậy, công tác đổ bê tông tường có chiều cao 52m sẽ sử dụng mã định mức có chiều cao > 50m.
    - Mốc để tính chiều cao công trình là tính từ cốt + 0,00.

    Công ty chúng tôi có trụ sở tại số Hải Phòng, chúng tôi có ký hợp đồng về việc Thi công xây lắp phần thô 9 biệt thự mẫu. Hiện nay, công trình đã thi công xong và đang tiến hành làm quyết toán công trình. Công ty chúng tôi xin có câu hỏi như sau:
             Tại Hồ sơ mời thầu của bên mời thầu có nêu: Nếu nhà thầu phát hiện tiên lượng chưa chính xác so với thiết kế, nhà thầu lập một bảng chào giá riêng cho phần khối lượng sai khác này để bên mời thầu xem xét. Nhà thầu không được tính toán phần khối lượng sai khác này vào giá đề xuất thầu. Về phần khối lượng thiếu so với Hồ sơ mời thầu, nhà thầu đã lập bảng giá trị riêng cho phần khối lượng sai khác là 129.771.000 đồng. Giá trị này được đưa vào mục riêng của Hợp đồng kinh tế và có nêu: “Phần giá trị phát sinh sẽ được thanh toán cho nhà thầu theo khối lượng thực tế trong quá trình thi công”. Trong quá trình thi công, nhà thầu tiếp tục phát hiện thêm một số khối lượng có trong hồ sơ thiết kế nhưng trong tiên lượng mời thầu không có (do ban đầu nhà thầu chưa phát hiện hết). Hiện tại theo quan điểm của Chủ đầu tư những khối lượng có trong hồ sơ thiết kế mà trong quá trình chào thầu không phát hiện ra thì vẫn phải thi công mà không được thanh toán (chỉ thanh toán cho phần khối lượng nhà thầu phát hiện và đã lập bảng giá trị phát sinh trong hồ sơ dự thầu).

             Hợp đồng kinh tế hai bên ký kết ở đây là loại “Hợp đồng theo đơn giá”.
             Vậy xin hỏi: Khối lượng có trong hồ sơ thiết kế mà trong quá trình chào thầu, nhà thầu không phát hiện ra mà vẫn phải thi công thì có được thanh toán không?

    Trả lời
    - - 07/05/2018

    - Về nguyên tắc, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh áp dụng cho trường hợp tại thời điểm ký kết hợp đồng các Bên chưa thể xác định chính xác khối lượng và đơn giá thanh toán hợp đồng. Khối lượng công việc sẽ được chuẩn xác trên cơ sở khối lượng thực tế thực hiện được các bên thống nhất nghiệm thu, đơn giá điều chỉnh sẽ được hai bên xác định theo các quy định tại hợp đồng và mặt bằng giá tại thời điểm thực hiện. Việc điều chỉnh hợp đồng được thực hiện thông qua điều chỉnh khối lượng hợp đồng và điều chỉnh đơn giá hợp đồng.

              - Về điều chỉnh khối lượng hợp đồng:
              + Tại Điểm a Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/05/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng quy định “Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh: trường hợp khối lượng thực tế hoàn thành được nghiệm thu ít hơn hoặc nhiều hơn so với khối lượng trong hợp đồng đã ký đều thanh toán theo khối lượng hoàn toàn thực tế được nghiệm thu”.

              + Tại Khoản 2 Điều 49 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu Thầu và Lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng quy định “Trường hợp khối lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện để hoàn thành theo đúng thiết kế nhiều hơn khối lượng công việc nêu trong hợp đồng, nhà thầu được thanh toán cho phần chênh lệch khối lượng công việc này”.

              - Về điều chỉnh đơn giá hợp đồng:
              + Tại Điểm a Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/05/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng quy định “Trường hợp khối lượng công việc phát sinh lớn hơn 20% khối lượng tương ứng ghi trong hợp đồng hoặc khối lượng phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng thì các bên thống nhất đơn giá mới theo nguyên tắc thỏa thuận trong hợp đồng về đơn giá cho khối lượng phát sinh”.

              + Tại Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và Lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng quy định “Trường hợp khối lượng phát sinh này từ 20% khối lượng công việc tương ứng trở lên ghi trong hợp đồng hoặc khối lượng công việc phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng thì chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất xác định đơn giá mới theo các nguyên tắc quy định trong hợp đồng về đơn giá các khối lượng phát sinh”.
              - Từ các phân tích nêu trên và các quy định của hợp đồng giao nhận xây lắp giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu cho thấy, nhà thầu được thanh toán cho các khối lượng công việc phát sinh tăng mà nhà thầu đã thực hiện, để hoàn thành theo đúng thiết kế không phụ thuộc vào việc nhà thầu có phát hiện hay không phát hiện, hoặc phát hiện chưa hết các khối lượng này khi dự thầu và ký kết hợp đồng. Đơn giá thanh toán cho các khối lượng này sẽ được hai Bên thương thảo, ký phụ lục hợp đồng theo các quy định về điều chỉnh đơn giá trong hợp đồng.

    Câu hỏi: Hiện tại công ty chúng tôi đã ký hợp đồng với Ban quản lý dự án để thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải từ năm 2008 đến nay.

    Trong quá trình thực hiện công việc, hai bên đã ký hợp đồng dịch vụ công ích theo hình thức đặt hàng, căn cứ theo nghị định 31/2005/NĐ-CP ngày 11/03/2005 về quy định về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và quyết định 256/2006/QĐ-Ttg ngày 09/11/2006 về “Ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích”.

    Dự toán công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải hàng năm trên địa bàn được lập theo thông tư 06/2008/TT-BXD ngày 20/03/2008 về “Hướng dẫn quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị”; quyết định 13/2007/QĐ-BXD ngày 23/04/2007 về “Định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp rác thải đô thị” và các văn bản hiện hành.

    Tuy nhiên, theo quyết định 13/2007/QĐ-BXD ngày 23/04/2007, các dự toán hàng năm được xây dựng và phê duyệt chỉ bao gồm chi phí nhân công, ca máy, hóa chất và nguyên vật liệu phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Chi phí khấu hao Tài sản cố định (TSCĐ) mới chỉ được tính cho phương tiện vận chuyển và thiết bị chứa chất thải. Các chi phí khấu hao TSCĐ khác chưa được kết cấu trong dự toán hàng năm.

    Mặt khác, căn cứ theo các Quyết định, Thông tư của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định; Quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ, thì khấu hao TSCĐ được tính vào cơ cấu chi phí và giá thành toàn bộ hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh.

    Để có cơ sở pháp lý tính chi phí khấu hao TSCĐ cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn gửi cho Ban quản lý dự án, chúng tôi mong được hướng dẫn các nội dung sau:
    • Các cơ sở pháp lý để cho phép tính toán chi phí khấu hao TSCĐ cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn;
    • Thời điểm cho phép hỗ trợ kinh phí chi trả chi phí khấu hao TSCĐ.
    Chúng tôi gửi kèm theo toàn bộ hồ sơ tổng hợp chi phí khấu hao TSCĐ từ năm 2008 đến năm 2014
    Trả lời
    - - 07/05/2018

    1. Theo quy định tại Thông tư số 06/2008/TT-BXD ngày 20/03/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị, dự toán chi phí công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn bao gồm các chi phí trực tiếp (nhân công, máy, hóa chất, nguyên vật liệu), chi phí quản lý chung và lợi nhuận định mức. Trong các khoản mục chi phí cầu thành dự toán, chi phí khấu hao máy và thiết bị thu gom, vận chuyển đã được xác định trong giá ca máy thu gom, vận chuyển chất thải rắn; chi phí khấu hao tài sản cố định của bộ phận quản lý (văn phòng làm việc, các trang thiết bị phục vụ quản lý) đã xác định trong chi phí quản lý chung. Riêng chi phí khấu hao các hạng mục công trình của khu xử lý chất thải rắn (bãi chôn lấp, khu xử lý nước rỉ rác, đường giao thông dẫn vào bãi chôn lấp, trạm bơm,…) chưa được xác định trong đơn giá xử lý chôn lấp chất thải rắn (đơn giá tính theo định mức do Bộ Xây dựng công bố chưa bao gồm chi phí khấu hao tài sản cố định của khu xử lý chất thải rắn).

    2. Theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ, khi xác định giá hàng hóa, dịch vụ theo phương pháp chi phí được phép tính khấu hao tài sản cố định vào giá hàng hóa, dịch vụ. Theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013 của Bộ Tài chính, tất cả tài sản cố định của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao tài sản cố định (trừ một số tài sản cố định quy định tại Khoản 1, Điều 9 của Thông tư số 45/2013/TT-BTC) và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

    Như vậy, việc phân bổ chi phí khấu hao các hạng mục công trình của khu xử lý chất thải rắn trong dự toán chi phí công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp chất thải rắn là cần thiết đối với các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn không sử dụng vốn của nhà nước.

    3. Việc Quý Công ty tính, phân bổ chi phí khấu hao các hạng mục công trình của khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt (bãi chôn lấp, khu xử lý nước rỉ rác, đường giao thông dẫn vào bãi chôn lấp, trạm bơm,…) như trong hồ sơ đề xuất là chuẩn xác, ngoại trừ phần chi phí khấu hao văn phòng và thiết bị văn phòng đã được tính trong chi phí quản lý chung. Đối với chi phí khấu hao các hạng mục công trình nêu trên chưa được tính trong dự toán chi phí từ năm 2008 đến nay, Quý công ty và Ban quản lý dự án cần cùng nhau thỏa thuận để có phương thức thanh toán phù hợp.

    Câu hỏi: Công trình Hầm chui đường sắt do Công ty chúng tôi thi công đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010. Trong quá trình lập dự toán chi phí biện pháp thi công cho hạng mục trên, làm cơ sở thực hiện thanh toán, chúng tôi gặp phải vướng mắc như sau:

    Do đặc điểm của Công trình Hầm chui đường sắt có biện pháp tổ chức thi công xây dựng phức tạp, nhà thầu đã thiết kế và trình Biện pháp tổ chức thi công xây dựng và được chủ đầu tư chấp thuận. Cụ thể:

    1. Đối với hệ khung chống thép thi công đốt H3- Hầm kín: các hệ thanh thép có chiều dài L<=1,5m do có liên kết trong hệ văng chống rất phức tạp, việc thu hồi khi tháo dỡ buộc phải cắt nhỏ vụn thì mới tháo dỡ khỏi công trình được. Tại biên bản hiện trường, các bên thống nhất đánh giá và xác nhận giá trị thu hồi còn lại cho phần khối lượng này là 30% (thực hiện khấu hao phân bổ 70% cho hao phí vật liệu thép vào giá trị vào công trình).

    2. Đối với cọc ván thép chống sạt trượt tuyến đường tránh đường bộ: biện pháp thi công phải tổ chức nhiều lớp cọc ván thép chống sạt trượt do đặc điểm địa chất khu vực đóng cọc ván thép chống sạt trượt tuyến có cấu tạo cát chảy liên tục và chịu lực tác động từ mặt đường dồn xuống khiến cho nhiều cọc ván thép bị gãy, hư hỏng và cong vênh khi nhổ lên. Tại biên bản hiện trường, các bên thống nhất đánh giá và xác nhận giá trị thu hồi còn lại cho phần khối lượng này là 50% (thực hiện khấu hao phân bổ 50% cho hao phí vật liệu cọc vào giá trị vào công trình).

    Chúng tôi xin hỏi phương án xác định hao hụt vật liệu như trên có phù hợp không?

    Trả lời
    - - 07/05/2018
    Việc xác định hao hụt vật liệu chính (thép, cọc thép) đối với công tác sản xuất hệ khung chống thép và công tác đóng cọc ván thép đã được hướng dẫn tại Định mức dự toán xây dựng công trình Phần xây dựng công bố kèm theo Văn bản số 1776/VP-BXD ngày 16/08/2007 và Định mức vật tư xây dựng công trình công bố kèm theo Văn bản số 1784/VP-BXD ngày 16/08/2007 của Bộ Xây dựng. Theo quy định tại khoản 3, Điều 13 Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/06/2007 và Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì đối với định mức dự toán đã có trong hệ thống định mức xây dựng được công bố nhưng chưa phù hợp với biện pháp, điều kiện thi công hoặc yêu cầu kỹ thuật của công trình thì chủ đầu tư, nhà thầu, tổ chức tư vấn được điều chỉnh những định mức đó cho phù hợp để áp dụng cho công trình.

              Trường hợp do biện pháp thi công công trình Hầm chui đường sắt phải cắt nhỏ vụn các thanh thép, và cọc ván thép bị gãy, hư hỏng và cong vênh khi nhổ lên do yếu tố địa chất có cấu tạo phức tạp như nội dung nêu trên, thì việc chủ đầu tư và các bên liên quan tổ chức công tác khảo sát, đánh giá xác định phần giá trị khối lượng vật liệu thép và cọc thép còn lại thu hồi sau khi hoàn thành tháo dỡ, và căn cứ thời gian thực tế thi công, mức độ hao mòn hư hỏng thực tế làm cơ sở xác định tỷ lệ hao hụt vật liệu thép phân bổ vào công trình là phù hợp.

    Hạng mục thi công tường vây của dự án do chúng tôi thi công có một số công việc sử dụng loại máy móc ngoài Định mức 1776 của Bộ Xây dựng như: công việc AF.67110 – Cốt thép tường Barrette trên cạn, đường kính d<=18 mm; AF.67120 – Cốt thép tường Barrette trên cạn, đường kính d>18 mm,… và một số công việc khác liên quan đến chênh lệch giá ca máy. Do vậy, trong quá trình làm Hồ sơ quyết toán công trình còn một số vướng mắc liên quan đến cách tính các loại chi phí của phần chênh lệch giá ca máy như sau:

    + Do trọng lượng lồng thép thực tế trong công việc AF.67110, AF.67120 – Cốt thép tường barrette trên cạn loại d<=18 mm, d>18 mm lên đến 75 tấn. Định mức 1776 của Bộ Xây dựng sử dụng cẩu 25 tấn cho công tác này là không thể thi công được. Chủ đầu tư đã phê duyệt biện pháp thi công của Nhà thầu sử dụng cẩu 150 tấn để thi công. Đơn giá ca cẩu 150 tấn sau khi chiết tính (bao gồm cả nhiên liệu) là: ~27.150.000 đồng/ca – Đơn giá trực tiếp này chưa bao gồm thuế VAT 10% và các loại chi phí khác.
    + Theo Định mức 1776 của Bộ Xây dựng và Đơn giá 5481/QĐ-UBND ngày 24/11/2011 của Ủy ban nhân dân T.p Hà Nội tại thời điểm thi công, Đơn giá ca cẩu 25 tấn sau khi chiết tính (bao gồm cả nhiên liệu) là: ~2.577.000 đồng/ca – Đơn giá trực tiếp này chưa bao gồm thuế VAT 10% và các loại chi phí khác.

    + Chênh lệch giá giữa cẩu 150 tấn và cẩu 25 tấn là: 27.150.000-2.577.000=24.573.000 đồng/ca.

              Vậy chúng tôi xin hỏi Phần chênh lệch giá ca máy Nhà thầu có được tính các loại chi phí như: Chi phí trực tiếp khác, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng VAT 10% hay không? Và văn bản nào hướng dẫn cách tính này?

    Trả lời
    - - 07/05/2018

     Trường hợp việc thay đổi biện pháp tổ chức thi công đối với công tác thi công tường barrette trên cạn liên quan đến việc sử dụng cần cẩu 150T thay cho cần cẩu 25T để nâng hạ lồng thép tường barrette như nội dung nêu trên, đã được chủ đầu tư chấp thuận thì việc lập dự toán chi phí xây dựng bổ sung do thay đổi biện pháp thi công là phù hợp với quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BXD ngày 26/05/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

              Phương pháp xác định dự toán chi phí xây dựng bổ sung được xác định tại Phụ lục số 4 của Thông tư 04/2010/TT-BXD. Theo đó, trường hợp dự toán chi phí xây dựng bổ sung đối với chi phí máy thi công (chênh lệch giá giữa chi phí máy thi công của cần cẩu 150T và cần cẩu 25T) được lập theo phương pháp bù trực tiếp, thì cơ cấu dự toán chi phí xây dựng bổ sung theo hướng dẫn tại Bảng 4.1 bao gồm các thành phần chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng.

    Công ty chúng tôi là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hiện đang là chủ đầu tư dự án một khu phức hợp tại thành phố Hồ Chí Minh.

    Theo quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, khu phức hợp có diện tích 43 ha được quy hoạch là khu đô thị mới, hiện đại với nhiều tòa nhà có quy mô 30-40 tầng, đặc biệt khu vực này có tòa nhà hỗn hợp 80 tầng, là điểm nhấn kiến trúc tại cửa ngõ thành phố.

    Hiện nay, Công ty chúng tôi đang làm việc với Sở Xây dựng thành phố về thủ tục công nhận chủ đầu tư theo tinh thần Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên khi tính toán tổng mức đầu tư dự án trên cơ sở Quyết định số 439 ngày 26/04/2013 của Bộ Xây dựng về suất vốn đầu tư, chúng tôi gặp phải vấn đề sau: Suất vốn đầu tư Bộ Xây dựng theo Quyết định 439 không có đơn giá đầu tư xây dựng cho các công trình hỗn hợp có quy mô trên 25 tầng hay chung cư cao tầng trên 30 tầng.

            Căn cứ số liệu ngân sách xây dựng đưa vào quyết toán đối với các công trình có quy mô 27-35 tầng và 3 tầng hầm tại dự án Times City – Hà Nội của Tập đoàn Vingroup- Công ty CP, cổ đông chính của Công ty chúng tôi, đơn giá đầu tư xây dựng công trình hoàn chỉnh trước thuế dao động từ 9.800,000 đ/m2 đến 10.500,000 đ/m2.

            Chúng tôi có một số vấn đề sau muốn được giải đáp:
              - Đối với dự án khu phức hợp, trong khái toán tổng mức đầu tư các công trình có quy mô từ 25 đến 41 tầng, cho phép áp dụng đơn giá đầu tư 10,500,000 đ/m2 (trước thuế) của Tập đoàn Vingroup, đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư các dự án bất động sản và cũng là nhà đầu tư chính tại dự án này.
              - Đối với tòa nhà điểm nhấn 80 tầng, các thông tin xác thực về chi phí đầu tư xây dựng đối với các công trình có quy mô tương tự vẫn còn hạn chế. Hiện chúng tôi đang tập hợp tài liệu hướng dẫn, trong đó văn bản số 1489/BXD-KTXD ngày 31/08/2012 hướng dẫn về suất vốn đầu tư XDCT cao tầng. Đề nghị Quý cơ quan cho ý kiến hướng dẫn về việc áp dụng suất vốn đầu tư cho khu nhà 80 tầng nói trên.

    Trả lời
    - - 07/05/2018

    Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 5 – Lập tổng mức đầu tư của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì tổng mức đầu tư có thể được lập trên cơ sở số liệu của các dự án có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tương tự đã thực hiện. Như vậy, các công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp có quy mô phức tạp, và chưa có trong hệ thống chỉ tiêu công cụ suất vốn đầu tư xây dựng công trình do cơ quan có thẩm quyền công bố như nội dung nêu trên, thì có thể lập tổng mức đầu tư trên cơ sở số liệu của các dự án có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tương tự đã thực hiện. Trường hợp Dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp Tân Cảng Sài Gòn có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tương tự (cùng loại, cấp công trình, quy mô) với dự án Times City Hà Nội thì việc vận dụng số liệu chi phí đầu tư xây dựng của dự án Times City Hà Nội để lập tổng mức đầu tư cho các công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp là phù hợp.

              Ngày 09/06/2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 634/QĐ-BXD về việc công bố Suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2013. Trường hợp, các công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp có đặc điểm, tính chất, công nghệ thi công phù hợp với các quy định của các loại công trình được quy định trong Quyết định số 634/QĐ-BXD nêu trên thì có thể nghiên cứu, tham khảo sử dụng Suất vốn đầu tư xây dựng công trình này để xác định tổng mức đầu tư xây dựng công trình.

              Riêng đối với công trình điểm nhấn chiều cao 80 tầng có quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp và chưa có nhiều công trình tương tự tại Việt Nam thì việc xác định tổng mức đầu tư cho công trình này có thể tham khảo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1489/BXD-KTXD ngày 31/08/2012.

    Chúng tôi đã ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu  trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi để thực hiện hợp đồng theo hình thức trọn gói. Tuy nhiên, do sơ suất trong hợp đồng thiếu 1 nội dung (1 hạng mục), vậy nên xử lý tình huống này như thế nào? 

    Trả lời
    Nguyen Van A - nguyenvana@yahoo.com - 18/04/2018

    Hợp đồng trong các hoạt động đấu thầu là sản phẩm  Cuối cùng được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để gắn trách nhiệm của mỗi bên (trách nhiệm thực hiện và thanh toán) trong quá trình thực hiện hợp đồng. Hợp đồng xây dựng được định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 48/2010/NĐ-CP là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu  về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên để thực hiện một, một số hay toàn bộ công việc trong hoạt động xây dựng. 
    Do vậy, việc xử lý tình huống trên không thể tách rời hợp đồng đã ký giữa hai bên, các quy định pháp luật liên quan được sử dụng làm căn cứ để xây dựng hợp đồng. Trong đó, cần lưu ý các quy định về  nội dung của hợp đồng trọn gói tại Điều 48 Nghị định 85/2009/NĐ-CP: 
    - Hợp đồng theo hình thức trọn gói không được điều chỉnh giá hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng theo thỏa thuận trong hợp đồng. Việc thanh toán phải căn cứ vào giá hợp đồng các điều khoản thanh toán nêu trong hợp đồng; không căn cứ vào dự toán cũng như các quy định hướng dẫn hiện hành của Nhà nước về định mức,  đơn giá; không căn cứ vào đơn giá trong hóa đơn tài chính đối với các yếu tố đầu vào của nhà thầu như vật tư, máy móc, thiết bị và các yếu tố đầu vào khác 
    - Đối với hợp đồng xây lắp sau khi hợp đồng theo hình thức trọn gói được ký, khối lượng công việc thực tế nhà thầu đã thực hiện để hoàn thành công việc theo thiết kế (nhiều hơn hay ít hơn khối lượng nêu trong hợp đồng) không ảnh hưởng tới số tiến thanh toán cho nhà thầu. 
    Căn cứ quy định nêu trên, trở lại tình huống của Bạn đối với hợp đồng trọn gói trong xây lắp thì có 2 tình huống dặt ra như sau: 
    a) Nội dung công việc của gói thầu là đủ rõ, giá hợp đồng là phù hợp với giá trúng thầu nhưng nội dung chi tiết lại thiếu giá của một hạng mục nào đó, ví dụ hợp đồng ghi: 
    Hạng mục A: 40 
    Hạng mục B: 30 
    Hạng mục D: 50 
    Tổng cộng : Giá hợp đồng ghi là 160 (thiếu giá của hạng mục C: 40) 
    Nếu trong hợp đồng ghi như trên với tổng là 160 nhưng bỏ sót giá của hạng mục C thì việc xử lý là đơn giản. Trong hợp đồng xây lắp thì việc nghiệm thu căn cứ theo thiết kế, còn việc thanh toán là theo hình thức hợp đồng Đối với hình thức hợp đồng trọn gói, khi nhà thầu hoàn thành theo đúng thiết kế thì được thanh toán bằng số tiễn ghi trong hợp đồng (tức giá hợp đồng) mà không phụ thuộc vào khối lượng thực tế thực hiện nhiều hơn hay ít hơn như nêu trong hợp đồng (Điều 48 Nghị đình 85/2009/NĐ- CP). Như vậy, nhà thầu được thanh toán là 160 như giá hợp đồng đã ký, miễn là công việc thực hiện được nghiệm thu theo thiết kế. 
    b. Trong hợp đồng ghi như sau: 
    Hạng mục A: 40 
    Hạng mục B: 30 
    Hạng mục D: 50 
    Tổng cộng : 120 
    Do hợp đồng đã ký là trọn gói theo thiết kế thì căn cứ Điều 48 Nghị định 85/2009/NĐ-CP, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện để đạt được theo thiết kế nhưng việc thanh toán chỉ là 120. Nói khác đi đây là sơ suất "chết người của nhà thầu. Nhưng hợp đồng đã ký thì phải thực hiện như thường nói là "bút sa gà chết . 
    Đối với hợp đồng theo đơn giá thì giá hợp đồng là 160 hay 120 đều không có nhiều ý nghĩa. Vì số tiền thanh toán cho nhà thầu căn cứ vào khối lượng thực tế (được xác nhận bởi nhà thầu, tư vấn giám sát và chủ đầu tư) và trên cơ sở đơn giá mà nhà thầu nêu trong hồ sơ dự thầu. 
    Như vậy, việc đưa ra lời giải cho một tình huống cụ thể phụ thuộc vào nhiều chi tiết liên quan. Tuy nhiên, sự sơ suất đặc biệt trong hợp đồng là điều không nên có, bởi lẽ có khi phải trả giá dắt.

    TS. Nguyễn Việt Hùng    
    (Nguồn Báo Đấu thầu số 82 ngày 8/5/2012.)