Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Tính đúng, tính đủ chi phí thiết bị trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình

    10/05/2017 - 04:27
    1485
    0
    0

    ThS. TÔ THỊ HƯƠNG QUỲNH & PGS. TS. ĐINH ĐĂNG QUANG
    KHOA KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG, TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG

    Thực trạng nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước ở nước ta thời gian qua phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, thậm chí tăng hơn 2 lần so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu đang được cả xã hội quan tâm. Vấn đề “tính đúng, tính đủ” chi phí đầu tư xây dựng công trình nhằm giảm thiểu tình trạng “đội vốn” đã được Nghị định số 32/2015/NĐ-CP đặt ra như một nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Bài viết này đề cập đến vấn đề tính đúng, tính đủ chi phí thiết bị trong tổng mức đầu tư và những đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan đến phương pháp xác định chi phí thiết bị trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước.

     
    1. Các quan điểm khác nhau về “tính đúng, tính đủ” chi phí đầu tư xây dựng và sự cần thiết tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật
                Tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư xây dựng luôn là điều quan tâm của các chủ đầu tư dự án xây dựng công trình cũng như tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng công trình vì trên cơ sở đó chủ đầu tư mới có thể đánh giá chuẩn xác tính hiệu quả của dự án để có thể quyết định đầu tư hay không đầu tư dự án.
                Một trong những nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP (trong bài viết này gọi tắt là NĐ32), đó là: “Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường tại thời điểm xác định chi phí và khu vực xây dựng công trình” (Điều 4 – NĐ32).
                Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước (từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng lớn hơn 5 tỷ đồng), việc tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư xây dựng công trình là một yêu cầu quan trọng của Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng thời gian qua nhiều dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước bị “đội vốn” không tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư xây dựng.
                Hiện nay, khi lập tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng (TMĐT), mặc dù các quy định pháp luật có liên quan đã được ban hành khá đầy đủ nhưng chưa thật chi tiết nên các chủ đầu tư và tư vấn lập dự án trên thực tế đã vận dụng các quy định pháp luật không giống nhau khi xác định các nội dung chi phí của TMĐT, đặc biệt là “Chi phí thiết bị” trong TMĐT được quy định. Thực tế này đã gây không ít khó khăn cho việc thẩm định của các cơ quan thẩm định dự án sử dụng vốn nhà nước nói chung và TMĐT nói riêng vì việc phân định đúng sai là rất khó khăn.
                Theo kết quả nghiên cứu của đề tài “Hoàn thiện phương pháp xác định chi phí thiết bị trong tổng mức đầu tư và dự toán xây dựng công trình dân dụng” (Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp trường) được thực hiện tại trường Đại học Xây dựng năm 2015, hai trong những nguyên nhân quan trọng của việc không tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư xây dựng nói chung và “Chi phí thiết bị trong TMĐT nói riêng ở nhiều dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước thời gian qua ở nước ta là:
                Thứ nhất, quan điểm về “tính đúng, tính đủ” TMĐT còn khác nhau, không thống nhất:
                (1) Có quan điểm cho rằng “tính đúng, tính đủ” là tính đúng theo phương pháp tính toán được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan;
                (2) Quan điểm khác lại cho rằng “tính đúng” là việc đảm bảo kết quả tính toán không có lỗi số học và “tính đủ” là dự trù chi phí đầu tư sao cho “an toàn” cho dự án, công trình về mặt chi phí.  
                Về vấn đề này, quan điểm của nhóm nghiên cứu đề tài là: “Tính đúng” cần được hiểu là áp dụng đúng phương pháp tính toán đã được thiết lập đảm bảo tính khoa học, và “tính đủ” cần được hiểu là kết quả tính toán đạt được trên cơ sở áp dụng phương pháp tính toán phù hợp đảm bảo đủ chi phí cần thiết hợp lý để có thể tạo nên được các công trình, hạng mục công trình với chất lượng đã được xác định trong dự án.
                Thứ hai, quy định pháp luật liên quan đến việc xác định TMĐT còn những điểm không đủ rõ hoặc còn thiếu những quy định hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định một số nội dung chi phí, nhất là “Chi phí thiết bị” trong TMĐT dẫn đến việc áp dụng các quy định pháp luật không giống nhau.
                Từ điểm nhìn này cho thấy, việc nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan đến phương pháp xác định chi phí thiết bị trong TMĐT dự án sử dụng vốn nhà nước là rất cần thiết vì quy định pháp luật được hoàn thiện, bổ sung không những sẽ giúp chủ đầu tư dự án và tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước có cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án mà còn giúp các cơ quan, tổ chức thẩm định TMĐT có cơ sở để xác định “đúng, sai” trong TMĐT được thẩm định.

    2. Một số đề xuất hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật nhằm tạo nên sự thống nhất trong việc xác định chi phí thiết bị trong tổng mức đầu tư

                Tại Điều 3 – Luật Xây dựng 2014, các từ ngữ “công trình xây dựng” và “dự án đầu tư xây dựng” được giải thích như sau:
                “Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế”.
                “Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác”.
                “Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định”.
                Mặc dù sự giải thích về “Công trình xây dựng” trong Luật Xây dựng 2014 còn chưa thật thuyết phục (do chưa đề cập đến sự tham gia của máy móc thiết bị xây dựng, chưa đề cập đến những thiết bị không cần lắp đặt cố định vào công trình, …) nhưng từ đó thể hiểu rằng: Các thành tố cơ bản tạo nên công trình xây dựng bao gồm: “sức lao động của con người”, “vật liệu xây dựng” và “thiết bị”. Theo đó, tổng chi phí đầu tư cho các thành tố này thể hiện chi phí đầu tư xây dựng công trình. Như vậy, để đảm bảo “tính đúng, tính đủ” chi phí đầu tư xây dựng công trình đòi hỏi phải “tính đúng, tính đủ” chi phí của từng thành tố đó.
                Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, quy định pháp luật chưa thật rõ ràng và đầy đủ về thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình, và quy định pháp luật về vật liệu xây dựng được tính vào chi phí trực tiếp xây dựng tại Thông tư 17/2000/TT-BXD còn thiếu cơ sở khoa học được nhận định là những nguyên nhân chủ yếu đã và đang gây nên sự không thống nhất giữa tư vấn lập TMĐT với các cơ quan, tổ chức thẩm định TMĐT dự án sử dụng vốn nhà nước làm ảnh hưởng tới thời gian phê duyệt TMĐT trên thực tế.
                Xuất phát từ nhận thức rằng, nếu có thêm quy định pháp luật về các tiêu chí nhận dạng thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng, để tránh nhầm lẫn thiết bị với vật liệu xây dựng; và có thêm quy định về chi phí những loại thiết bị nào được tính vào khoản mục “Chi phí thiết bị”, chi phí những loại thiết bị nào được tính vào các khoản mục khác trong TMĐT, thì sẽ khắc phục được tồn tại nêu trên, tác giả xin nêu 3 đề xuất sau:
                Đề xuất thứ nhất: Bổ sung quy định pháp luật về các tiêu chí nhận dạng thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng nhằm giúp cho việc phân biệt vật liệu xây dựng và thiết bị được dễ dàng khi xác định chi phí thiết bị trong TMĐT.
                Để tính đúng, tính đủ chi phí thiết bị trong TMĐT trước hết cần phải nhận dạng được thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng gồm những thiết bị nào, nghĩa là tài sản nào được đầu tư cho dự án được xem là thiết bị.
                Thực tế là trong các quy định pháp luật hiện nay còn thiếu quy định về tiêu chí nhận dạng thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng. Điều này dẫn đến việc nhận dạng thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng trên thực tế không có cơ sở để thống nhất, việc phân biệt thiết bị với vật liệu xây dựng cũng vì vậy gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
                Vì thế, theo tác giả, nhà nước cần bổ sung thêm quy định pháp luật về tiêu chí nhận dạng thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng nhằm tạo nên cơ sở pháp lý cần thiết cho việc phân biệt thiết bị và vật liệu xây dựng một cách dễ dàng hơn, từ đó giúp cho việc xác định chính xác chi phí thiết bị trong TMĐT. 
                Theo tác giả, việc nhận dạng thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cần xem xét các tài sản được đầu tư trong dự án, theo 05 tiêu chí sau:
                1) Tài sản được đầu tư mua sắm cho dự án không sử dụng để tạo nên các bộ phận kết cấu của công trình xây dựng.
                Theo tiêu chí này, thiết bị được phân biệt với vật liệu xây dựng ở chỗ tài sản đầu tư có được sử dụng để tạo nên các bộ phận kết cấu của công trình hay không. Nếu tài sản đầu tư cho dự án được sử dụng để tạo nên các bộ phận kết cấu chịu lực hoặc không chịu lực của công trình xây dựng thì đó là vật liệu xây dựng, nếu không chúng là thiết bị (ví dụ: đèn chiếu sáng là thiết bị; hệ thống cấp thoát nước trong nhà, chậu rửa, sứ vệ sinh, … là thiết bị).
                2) Tài sản đầu tư mua sắm cho dự án là động sản (không phải là bất động sản) có thể cần hoặc không cần lắp đặt cố định vào công trình xây dựng.
                Khác với bất động sản là tài sản gắn liền với đất, động sản là tài sản không gắn liền với đất và có thể di dời dễ dàng. Nhận dạng thiết bị theo tiêu chí này xuất phát từ đặc điểm của thiết bị là tài sản không gắn liền với đất, mặc dù chúng có thể cần được lắp đặt cố định vào công trình xây dựng.
                3) Tài sản đầu tư cho dự án sử dụng vào mục đích sản xuất hàng hóa hay cung cấp dịch vụ hoặc mục đích khác.
                Những thiết bị công nghệ thuộc dây chuyền sản xuất hàng hóa, hay dịch vụ cần hoặc không cần lắp đặt cố định vào công trình xây dựng của dự án là những thiết bị được nhận dạng theo tiêu chí này.
                4) Tài sản đầu tư mua sắm cho dự án được sử dụng làm vật dụng hoặc vật trang trí nội, ngoại thất công trình xây dựng.
                Trong các công trình xây dựng thường có những vật dụng (ví dụ như giường, tủ, bàn ghế, tình hình vi, tủ lạnh, cốc chén, … trang bị cho các phòng khách sạn hay phòng làm việc, phòng chơi thể thao, …) hoặc vật trang trí (ví dụ như tranh ảnh treo tường, tranh phù điêu, tượng điêu khắc, tượng thạch cao, … được đầu tư nhằm mục đích trang trí cho công trình xây dựng) được xếp đặt hay lắp đặt bên trong hoặc bên ngoài công trình xây dựng, chúng không tham gia vào quá trình tạo nên các bộ phận kết cấu công trình nên được xem là thiết bị và được nhận dạng theo tiêu chí này.
                5) Tài sản đầu tư cho dự án được sử dụng làm công cụ, dụng cụ phục vụ quản lý vận hành công trình.
                Những tài sản được đầu tư để phục vụ hoạt động quản lý vận hành khai thác công trình (như thiết bị văn phòng, vật dụng cho bộ phận quản lý tòa nhà, …) không tham gia vào việc tạo nên các bộ phận kết cấu công trình được xem là thiết bị và được nhận dạng theo tiêu chí này.
                Việc nhận dạng thiết bị theo các tiêu chí đề xuất trên, nếu được chấp nhận và bổ sung vào quy định pháp luật xây dựng hiện hành, kỳ vọng sẽ tạo nên cơ sở để thống nhất phân biệt thiết bị và vật liệu xây dựng khi tính toán xác định TMĐT, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc và không thống nhất hiện nay, khi vận dụng quy định tại Thông tư 17/2000/TT-BXD để nhận dạng vật liệu xây dựng và để từ đó suy ra thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng.
                Đề xuất thứ hai: Bổ sung quy định pháp luật về phân loại thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng nhằm giúp cho việc  thống nhất định dạng thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng.
                Do tính đa dạng về mặt chủng loại và về mục đích sử dụng của thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình, cần thiết phải có quy định pháp luật về phân loại thiết bị thuộc dự án thành các nhóm thiết bị khác nhau, làm cơ sở để quy định thống nhất việc tính toán chi phí thiết bị trong TMĐT.
                Theo đó, bài báo đề xuất: Các thiết bị thuộc đầu tư xây dựng công trình được phân loại thành 3 nhóm theo mục đích sử dụng thiết bị:
                1. Nhóm thiết bị công trình (gọi tắt là nhóm thiết bị CT), bao gồm những thiết bị được lắp đặt hoặc không lắp đặt cố định vào công trình theo thiết kế xây dựng công trình (gần tương tự quy định hiện hành về thiết bị công trình).
                Khác với quy định hiện hành về thiết bị công trình (là những thiết bị lắp lặt vào công trình theo thiết kế xây dựng công trình), thiết bị công trình thuộc nhóm này bao gồm cả thiết bị lắp đặt cố định (ví dụ: điều hòa nhiệt độ gắn tường) và thiết bị không lắp đặt cố định vào công trình (ví dụ: điều hòa nhiệt độ đặt trên sàn).
                Thiết bị công trình thuộc nhóm này bao gồm cả thiết bị chính và phụ kiện kèm theo (ví dụ như: máy điều hòa nhiệt độ bao gồm máy và các phụ kiện đường ống kèm theo, hay các thiết bị điện chiếu sáng trong nhà bao gồm cả đèn (đui đèn và bóng đèn) và đường dây điện, công tắc … có liên quan). Điều này cũng khác với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2000/TT-BXD trong một số trường hợp (ví dụ: TT 17/2000 quy định “Ống đồng, nhôm, tôn và phụ kiện kèm theo của máy điều hoà nhiệt độ”, “Ống thông gió điều hoà trung tâm” được coi là vật liệu và tính vào chi phí trực tiếp của dự toán xây lắp).
                Nhằm mục đích đề xuất chi phí các thiết bị công trình tính vào “Chi phí xây dựng” và chi phí các thiết bị công trình tính vào “Chi phí thiết bị” trong TMĐT (sẽ được trình bày ở phần sau), nhóm thiết bị công trình được đề xuất chia thành 3 nhóm nhỏ hơn:
                (1) Nhóm thiết bị công trình đơn giản, thông dụng cần lắp đặt cố định và công trình mà công nhân kỹ thuật xây dựng có thể lắp đặt được (gọi tắt là nhóm thiết bị CT1), bao gồm các thiết bị công trình như: hệ thống đèn chiếu sáng thông dụng, hệ thống thiết bị cấp thoát nước, chậu rửa, thiết bị vệ sinh, …;
                (2) Nhóm thiết bị công trình đơn giản, thông dụng không cần lắp đặt cố định và công trình (gọi tắt là nhóm thiết bị CT2), bao gồm các thiết bị công trình như: điều hòa nhiệt độ đặt trên sàn, quạt cây, quạt bàn, …;
                (3) Nhóm thiết bị công trình phức tạp mà công nhân kỹ thuật xây dựng không lắp đặt được, việc lắp đặt phải sử dụng công nhân kỹ thuật chuyên nghiệp (gọi tắt là nhóm thiết bị CT3), bao gồm các thiết bị công trình như: thang máy; điều hòa nhiệt độ gắn tường; hệ thống báo khói, báo cháy, thiết bị chữa cháy, …
                2. Nhóm thiết bị công nghệ (gọi tắt là nhóm thiết bị CN), bao gồm những thiết bị được đầu tư cho dự án để sử dụng cho những mục đích sản xuất hàng hóa hay dịch vụ mà việc vận hành chúng phải tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật phù hợp được xác định bởi các nhà chế tạo thiết bị.
                Cũng tương tự thiết bị công trình, thiết bị công nghệ thuộc nhóm này bao gồm cả thiết bị lắp đặt cố định vào công trình (ví dụ: dây chuyền công nghệ sản xuất, thiết bị gây hiệu ứng ánh sáng sân khấu, …) và thiết bị không lắp đặt cố định vào công trình (ví dụ: thiết bị sản xuất, gia công nhỏ di động, thiết bị âm thanh, loa đài sân khấu, …).
                Thiết bị công nghệ thuộc nhóm này cũng bao gồm cả thiết bị chính và thiết bị phụ trợ, phụ kiện kèm theo (hệ thống đường ống, dây dẫn, thiết bị kết nối, …).
                3. Nhóm thiết bị khác (gọi tắt là nhóm thiết bị TK), bao gồm các thiết bị đầu tư cho dự án nhưng không thuộc 2 nhóm trên, ví dụ như: vật dụng trong các phòng khách sạn, phòng làm việc; vật trang trí nội ngoại thất công trình; công cụ, dụng cụ phục vụ quản lý vận hành công trình; …
                Cũng nhằm mục đích đề xuất chi phí các thiết bị khác tính vào khoản mục chi phí nào trong TMĐT (sẽ được trình bày ở phần sau), nhóm thiết bị khác cũng được đề xuất chia thành 2 nhóm nhỏ hơn:
                (1) Nhóm thiết bị là vật dụng hoặc vật trang trí nội thất (gọi tắt là nhóm thiết bị TK1), bao gồm các thiết bị như: rèm cửa, thảm trải nhà, giường, tủ, bàn ghế, tivi, tủ lạnh, tranh nghệ thuật, … trong các phòng khách sạn; bàn ghế, tủ, kệ sách, … trong các phòng làm việc; …;
                (2) Nhóm thiết bị khác còn lại (gọi tắt là nhóm thiết bị TK2), bao gồm các thiết bị như: thiết bị văn phòng; công cụ, dụng cụ phục vụ quản lý vận hành công trình; thiết bị ngoài nhà, vật trang trí ngoại thất; cây xanh, thảm cỏ; tượng nghệ thuật, tranh phù điêu, …
                Đề xuất thứ ba: Bổ sung quy định về tính toán chi phí thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng vào các khoản mục chi phí trong TMĐT.
                Để tạo nên sự thống nhất trong việc tính toán và thẩm định chi phí thiết bị trong TMĐT và phù hợp với đặc điểm khác nhau của các thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình, cần bổ sung quy định pháp luật về việc tính toán chi phí thiết bị vào các khoản mục chi phí của TMĐT.
                 Xuất phát từ đặc điểm của từng nhóm thiết bị đã được phân loại trên đây về yêu cầu lắp đặt cố định vào công trình (hoặc không cần lắp đặt), về yêu cầu trình độ chuyên môn của thợ lắp đặt thiết bị, về mục đích sử dụng thiết bị, để đảm bảo hợp lý trong việc xác định chi phí thiết bị trong TMĐT (trên cơ sở tính tới những chi phí tính theo tỷ lệ chi phí thiết bị theo quy định), chúng tôi đề xuất phương án tính toán chi phí thiết bị trong TMĐT như sau: Không tính chi phí của tất cả các loại thiết bị vào khoản mục “Chi phí thiết bị” trong TMĐT mà tùy theo đặc điểm của các nhóm thiết bị đã được phân loại để quy định loại thiết bị nào chi phí được tính vào khoản mục “Chi phí thiết bị”, loại thiết bị nào chi phí cần tính vào các khoản mục khác trong TMĐT. Theo đó, có thể quy định việc tính toán chi phí thiết bị trong TMĐT như sau:
                – Chi phí thiết bị thuộc nhóm thiết bị CT1 tính vào chi phí trực tiếp của khoản mục “Chi phí xây dựng” trong TMĐT, vì nhóm thiết bị này được lắp đặt vào công trình bởi công nhân kỹ thuật xây dựng, và vì thế chi phí thiết bị có thể xem là chi phí vật liệu trong chi phí trực tiếp xây dựng.
                – Chi phí thiết bị thuộc nhóm thiết bị CT3, nhóm thiết bị CN và nhóm thiết bị TK1 tính vào khoản mục “Chi phí thiết bị” trong TMĐT, vì các thiết bị này dù có được lắp đặt cố định hay không cần lắp đặt vào công trình đều phải tuân thủ thiết kế công nghệ hay thiết kế nội thất.
                – Chi phí thiết bị thuộc nhóm thiết bị CT2 và nhóm thiết bị TK2 tính vào khoản mục “Chi phí khác” trong TMĐT, vì các thiết bị thuộc các nhóm này thường là những hàng hóa có sẵn được mua sắm (CT2), hoặc đặt hàng gia công, chế tạo, sáng tác để sắp đặt hoặc gắn kết vào công trình (TK2), và thường được tính toán chi phí bằng cách lập dự toán hoặc dựa vào công trình tương tự đã thực hiện để dự trù chi phí.
                Với 3 đề xuất nêu trên, có thể hình dung được một “quy trình” tính toán chi phí thiết bị trong TMĐT gồm 3 bước sau:
                Bước 1: Nhận dạng thiết bị (theo những tiêu chí được quy định) để xác định thiết bị các loại của dự án đầu tư xây dựng.
                Bước 2: Phân loại thiết bị thành các nhóm CT1, CT2, CT3, CN, TK1, TK2.
                Bước 3: Thực hiện tính toán chi phí thiết bị từng nhóm và đưa vào các khoản mục chi phí phù hợp trong TMĐT.

    3. Kết luận

                Các quy định pháp luật có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước nói chung và chi phí của từng khoản mục trong TMĐT dự án nói riêng. Nếu các khoản mục chi phí trong TMĐT đều đảm bảo việc tính đúng, tính đủ thì chắc chắn TMĐT được tính đúng, tính đủ.
                Các đề xuất bổ sung quy định pháp luật liên quan đến việc nhận dạng thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng, phân loại thiết bị và tính toán một cách hợp lý chi phí trong các khoản mục khác nhau của TMĐT trên đây là kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc, kỳ vọng có thể góp phần giảm thiểu những khó khăn, vướng mắc trên thực tế tính toán xây dựng TMĐT.
     
     
     
    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    [1] Bộ Xây dựng – Dự thảo thông tư thay thế thông tư 04/2010/TT-BXD hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
    [2] Bộ Xây dựng –Thông tư 17/2000/TT-BXD hướng dẫn phân loại vật liệu tính vào chi phí trực tiếp trong dự toán xây lắp công trình xây dựng.
    [3] Chính phủ – Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
    [4] Chính phủ – Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng.
    [5] TS. Đinh Thế Hiển – “Lập & Thẩm định hiệu quả tài chính dự án đầu tư” – Nhà xuất bản Thống kê (2009).
    [6] KS. Nguyễn Văn Hoan – “Một số kiến nghị, đề xuất đổi mới quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình” – Tạp chí Kinh tế xây dựng – số 01/2014.
    [7] Quốc hội – Luật Xây dựng 2014 (Luật số 50/2014/QH13).
    [8] PGS. TS. Trần Văn Tấn – “Đề xuất trình tự tính toán tổng mức đầu tư trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình” – Tạp chí Kinh tế xây dựng – Số 02/2014.
    [9] ThS. Nguyễn Huy Thường – “Một số vấn đề về quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước”  – Tạp chí Kinh tế xây dựng – Số 04/2014.

    Bình luận