Viện Kinh tế xây dựng được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng, trên cơ sở đó đề xuất bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) ngành Xây dựng đến năm 2020”. Viện Kinh tế Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê và Viện Năng suất Việt Nam và một số đơn vị khác cùng tham gia thực hiện đề tài. Trong khuôn khổ phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu bạn đọc tổng quan một số kết quả nghiên cứu đề tài này như sau:
Thứ nhất, Tổng quan về năng suất lao động của Việt Nam
Chỉ tiêu NSLĐ thường được phân tổ theo ngành kinh tế, với nước ta hiện nay là 20 ngành hoặc khu vực kinh tế và loại hình kinh tế. Năng suất lao động của một ngành được biểu hiện bằng tổng giá trị gia tăng của ngành trên tổng số lao động làm việc trong ngành tính toán trong một kỳ đánh giá, thường tính trong một năm dương lịch. Giá trị gia tăng của ngành là một chỉ tiêu tổng hợp, được tính toán trên cơ sở toàn bộ giá trị sản phẩm, dịch vụ của ngành đóng góp vào GDP của cả nước sau khi loại trừ phần giá trị đã sử dụng hết trong quá trình tạo ra các sản phẩm, dịch vụ. Số lao động làm việc của ngành là toàn bộ lao động trực tiếp, gián tiếp từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thuộc ngành. Đối với cấp độ doanh nghiệp thì NSLĐ được tính bằng tổng giá trị gia tăng trong năm của doanh nghiệp chia cho tổng số lao động có việc làm trong năm của doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành tại Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Quyết định số 337/2007/QĐ-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng suất lao động của ngành Xây dựng được công bố trên Niên giám Thống kê chỉ giới hạn tính cho lĩnh vực thi công xây dựng, cung ứng, lắp đặt thiết bị công trình để cải tạo, sửa chữa, xây mới các loại công trình xây dựng chuyên ngành dân dụng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, an ninh và quốc phòng. Số lao động làm việc của ngành Xây dựng là toàn bộ lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tham gia vào các hoạt động nêu trên.
Tăng năng suất lao động là “sự tăng lên của sức sản xuất”, được hiểu là sự thay đổi làm rút ngắn thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra nhiều giá trị sử dụng hơn. Nâng cao năng suất lao động có thể đạt được thông qua tái cơ cấu hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu của ngành, doanh nghiệp.
Năng suất lao động của Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực, tốc độ tăng năng suất lao động các năm gần đây chưa cao, còn nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua để bắt kịp năng suất lao động của các nước trong khu vực. Theo đánh giá từ Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam, tác giả Nguyễn Tú Anh, năm 2016 [4], tính chung giai đoạn 1992-2014, NSLĐ tính theo sức mua tương đương năm 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4,64%/năm (Để so sánh được NSLĐ giữa các quốc gia đòi hỏi phải sử dụng số liệu về GDP theo sức mua tương đương (PPP). GDP theo PPP của Việt Nam và các nước trong báo cáo được tính theo Đô la Mỹ, giá cố định năm 2011, gọi tắt là PPP 2011). Đây là mức tăng cao nhất trong số các nước ASEAN nhưng vẫn thấp xa so với Trung Quốc trong cùng kỳ (9,07%). Tính chung cả giai đoạn 1992-2014 tốc độ tăng NSLĐ hàng năm của Việt Nam khá ổn định nhưng không thể hiện sự vượt trội so với các nước Đông Á và Đông Nam Á và luôn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
Do xuất phát điểm của Việt Nam rất thấp nên đến năm 2014 NSLĐ của Việt Nam còn ở mức rất thấp so với khu vực và châu Á, mới đạt 9.138,6 theo giá USD ngang giá sức mua của năm 2005, tương đương 40,36% của Trung Quốc, 6,41% của Singapore, 13,56% của Hàn Quốc, 55,58% của Philippines.
Thứ hai, Đóng góp của ngành Xây dựng đối với nền kinh tế
Thứ ba, Thực trạng năng suất lao động ngành Xây dựng
a) Năng suất lao động của lĩnh vực xây lắp thuộc ngành Xây dựng còn thấp so với các ngành kinh tế khác
Bảng 1. Năng suất lao động xã hội theo giá hiện hành của các ngành kinh tế
TT | Ngành kinh tế | Năng suất lao động xã hội phân theo ngành kinh tế (ĐVT: Triệu đồng/người) | ||||
---|---|---|---|---|---|---|
2010 | 2012 | 2013 | 2014 | Sơ bộ 2015 | ||
Giá trị của ngành Xây dựng | 42,7 | 53,4 | 55,6 | 60,7 | 66,5 | |
Giá trị của ngành có giá trị cao nhất | 1.300 | 1.298,6 | 1.474,3 | 1683,3 | 1.695,6 | |
Giá trị của ngành có giá trị thấp nhất | 15 | 25,4 | 26,4 | 28,6 | 30,6 | |
Giá trị bình quân của tất cả các ngành | 44,0 | 63,1 | 68,7 | 74,7 | 79,4 | |
1 | Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản | 16,3 | 25,6 | 26,4 | 28,6 | 30,6 |
2 | Khai khoáng | 742,2 | 1298,6 | 1474,3 | 1.683,3 | 1.695,6 |
3 | Công nghiệp chế biến, chế tạo | 42,0 | 60,7 | 65,8 | 70,0 | 71,0 |
4 | Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí | 504,8 | 751,3 | 862,2 | 1.024,7 | 1.146,6 |
5 | Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải | 94,6 | 141,8 | 164,4 | 179,0 | 179,9 |
6 | Xây dựng | 42,7 | 53,4 | 55,6 | 60,7 | 66,5 |
7 | Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác | 31,1 | 47,4 | 51,7 | 58,3 | 63,4 |
8 | Vận tải, kho bãi | 43,8 | 62,2 | 67,0 | 73,2 | 71,9 |
9 | Dịch vụ lưu trú và ăn uống | 45,5 | 55,3 | 60,7 | 64,2 | 63,7 |
10 | Thông tin và truyền thông | 77,3 | 80,3 | 82,8 | 84,9 | 87,0 |
11 | Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm | 457,8 | 547,7 | 581,9 | 588,2 | 631,1 |
12 | Hoạt động kinh doanh bất động sản | 1.300 | 1.204,8 | 1.263,6 | 1.278,6 | 1.284,7 |
13 | Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ | 128,8 | 166,5 | 190,2 | 204,2 | 220,7 |
14 | Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ | 42,5 | 51,3 | 55,0 | 56,3 | 56,6 |
15 | Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội; quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng; đảm bảo xã hội bắt buộc | 35,2 | 51,9 | 57,9 | 62,5 | 66,9 |
16 | Giáo dục và đào tạo | 30,0 | 47,6 | 58,0 | 64,9 | 72,1 |
17 | Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội | 53,4 | 69,2 | 119,5 | 134,4 | 133,8 |
18 | Nghệ thuật, vui chơi và giải trí | 62,8 | 73 | 78,1 | 80,7 | 84,6 |
19 | Hoạt động dịch vụ khác | 50,0 | 68,5 | 76,9 | 85,6 | 90,0 |
20 | Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tiêu dùng của hộ gia đình | 15,0 | 25,4 | 28,7,0 | 32,9 | 35,9 |
Tư số liệu bảng 1 cho thấy NSLĐ ngành Xây dựng tương đối thấp, có năng suất lao động bình quân năm trong giai đoạn 2010 – 2015 là 42,7 – 53,4 – 55,6 – 60,7 – 66,5 triệu đồng/người và đang xếp ở vị trí 15 trong 20 ngành so sánh. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm gần nhất, mức tăng NSLĐ đã có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng bình quân xấp xỉ 10% /năm. Xét theo các yếu tố cấu thành nội hàm giá trị năng suất lao động thì có hai nguyên nhân cơ bản dẫn tới năng suất lao động của ngành Xây dựng còn thấp là tổng giá trị gia tăng của toàn ngành không cao trong khi thu hút số lượng lớn lao động có việc làm, nhưng chất lượng lao động thấp.
b) Năng suất lao động của lĩnh vực khác do ngành Xây dựng quản lý cũng chưa cao
Bảng 2. Năng suất lao động khối doanh nghiệp xây dựng phân theo lĩnh vực theo giá hiện hành
Lĩnh vực | Năm | |||||
2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | |
Sản xuất vật liệu XD | 38 | 25 | 67 | 56 | 66 | 75,9 |
Cơ khí xây dựng | 39 | 34 | 47 | 52 | 54 | 56,7 |
Tư vấn xây dựng | 113 | 36 | 62 | 58 | 59 | 64,9 |
c) Tổng hợp kết quả năng suất lao động trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng
Bảng 3. Tổng hợp năng suất lao động trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng
Lĩnh vực | Năm | |||||
2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | |
Thi công xây dựng | 42,7 | ——— | 53,4 | 55,6 | 60,7 | 66,5 |
Sản xuất vật liệu XD | 38 | 25 | 67 | 56 | 66 | 75,9 |
Cơ khí xây dựng | 39 | 34 | 47 | 52 | 54 | 56,7 |
Tư vấn xây dựng | 113 | 36 | 62 | 58 | 59 | 64,9 |
Từ số liệu Bảng 3 nêu trên cho thấy trong năng suất lao động ngành Xây dựng thì năng suất lao động của lĩnh vực cơ khí xây dựng và thi công xây dựng có năng suất thấp so với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và tư vấn xây dựng.
Thứ tư, Các yếu tố đã dẫn đến hạn chế năng suất lao động của ngành Xây dựng
a) Về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ của ngành Xây dựng
– Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng: Chúng ta chưa làm chủ được trong sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng đòi hỏi công nghệ sản xuất tiên tiến như: Xi măng chất lượng cao, kính an toàn trong công trình cao tầng, vật liệu mới có hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng,… công nghệ sản xuất vật liệu ở nước ta còn sử dụng những công nghệ có tiêu tốn nhiều yếu tố đầu vào, công nghệ còn lạc hậu.
– Lĩnh vực cơ khí xây dựng: Trang thiết bị cơ khí xây dựng nói chung là cũ, lạc hậu; chưa có khả năng về thiết kế, chế tạo các thiết bị chính và thiết kế tổng thể cho cả hệ thống nhà máy công nghiệp như nhiệt điện, dầu khí, hóa chất…, các công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp, kỹ thuật cao. Cho đến nay cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp cơ khí, thì phần lớn các doanh nghiệp đều thiếu vốn, gặp khó khăn cho nguồn vốn đầu tư phát triển. Phần lớn thiết bị đã qua nhiều năm sử dụng, lạc hậu về tính kỹ thuật, thiếu phụ tùng thay thế nên các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức là nhà thầu phụ cho các gói thầu thông thường. Việc thiết kế các thiết bị chính và thiết kế tổng thể cho cả hệ thống nhà máy công nghiệp (phần E của gói thầu EPC) thì các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam không có khả năng thực hiện.
– Lĩnh vực tư vấn xây dựng: Năng lực về khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, kiểm định chất lượng công trình, quản lý dự án còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được với những dự án, công trình xây dựng phức tạp, chưa áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện và quản lý. Nhiều dự án được lập trong thời gian qua chủ yếu đối phó với thủ tục đầu tư xây dựng, các phân tích tài chính tuy có lập nhưng chưa đủ độ tin cậy, tính khả thi kinh tế-kỹ thuật không cao. Chưa áp dụng nhiều về thiết kế sử dụng theo phương pháp mô hình, ứng dụng thông tin công trình. Chưa hình thành được mối quan hệ hợp tác, chưa tạo được mối liên hệ chặt chẽ giữa tư vấn với các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp. Trang thiết bị trong công tác khảo sát xây dựng còn chậm đổi mới, phần lớn vẫn là thiết bị cũ với công nghệ tương ứng.
– Trang bị tài sản cố định cho lao động của doanh nghiệp ngành Xây dựng ở mức thấp
Mức trang bị tài sản cố định cho lao động của doanh nghiệp là một chỉ tiêu tổng hợp phản ánh mức độ phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. NSLĐ có mối quan hệ chặt chẽ với mức độ trang bị tài sản trên một lao động, tầm quan trọng của mức độ trang bị về tài sản của người lao động được phản ánh qua tỷ lệ tương quan: Nếu tăng 1% giá trị tài sản trên lao động sẽ làm tăng năng suất lao động 0,2% [4]. Theo số liệu thống kê trong 5 năm gần nhất [1] cho thấy, vốn trang bị tài sản cố định tính bình quân cho một lao động trong doanh nghiệp ngành Xây dựng ở mức rất thấp khi so sánh với các ngành khác, thông thường xếp vị trí 15/18 ngành kinh tế được đánh giá so sánh. Mặt khác, về giá trị đang có xu hướng thay đổi không ổn định qua các năm. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng bất lợi tới NSLĐ của doanh nghiệp ngành Xây dựng.
b) Về Chất lượng lao động và đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng
– Chất lượng lao động còn nhiều hạn chế, bất cập
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong ngành Xây dựng còn rất thấp
+ Tỷ lệ lao động xây dựng mất cân đối, không đáp ứng yêu cầu thực tế
– Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực xây dựng chưa theo kịp nhu cầu thực tế
+ Về đào tạo trung học chuyên nghiệp, chủ yếu vẫn đào tạo được cán bộ kỹ thuật của các ngành – nghề có tính chất cổ điển chung như xây dựng dân dụng và công nghiệp, thi công cơ giới, cấp – thoát nước, cơ khí xây dựng; không coi trọng việc đào tạo cao đẳng, trung cấp kiến trúc, kinh tế xây dựng, là bậc học trước đây phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu hành nghề tại các đơn vị cơ sở, các khâu trực tiếp công trường, tổ đội xây dựng.
+ Về đào tạo công nhân: Chương trình đào tạo chưa phù hợp dẫn đến việc tuyển sinh đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, học viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc đào tạo các nghề chuyên biệt, thợ bậc cao, kiểm tra sát hạch nghề còn hạn chế. Cơ sở vật chất các trường dạy nghề, đặc biệt là các xưởng thực hành nói chung là yếu kém, lạc hậu, thiết bị nghèo nàn, thô sơ.
+ Về chương trình đào tạo: Đã thường xuyên đổi mới cải tiến theo hướng đa dạng hoá, hiện đại hoá, mềm hoá, tuy nhiên vẫn còn nặng về lý thuyết, ít thời gian thực hành, chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng; chậm cập nhật kiến thức mới, công nghệ mới và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn mà người học khi ra trường phải tiếp cận, đảm nhiệm.
+ Về hệ thống cơ chế chính sách: Hệ thống chính sách chưa gắn kết được giữa cung và cầu, giữa đào tạo với sử dụng; chưa tạo dựng được mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp… Chưa tạo được sự cân đối về quy mô và cơ cấu đào tạo các bậc học, cấp học dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Chưa có các cơ chế chính sách đối với các trường trực thuộc doanh nghiệp, đặc biệt là cơ chế tài chính.
c) Về chính sách tiền lương, thu nhập người lao động ngành Xây dựng
d) Về hiệu quả sản xuất kinh doanh và quy mô của doanh nghiệp xây dựng
– Tỷ suất lợi nhuận hàng năm (Lợi nhuận trước thuế/Doanh thu thuần) còn nhiều hạn chế
– Quy mô của doanh nghiệp Xây dựng chưa hợp lý, ảnh hưởng bất lợi tới năng suất lao động
Thứ năm, Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao năng suất lao động ngành Xây dựng trong thời gian tới
a) Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ngành Xây dựng
– Tập trung rà soát và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đặc biệt trong các lĩnh vực cơ khí xây dựng, xây lắp; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển.
– Sắp xếp lực lượng lao động hợp lý trong các doanh nghiệp; rà soát, kiểm tra, đánh giá điều kiện năng lực thực tế các tổ chức, các nhân tham gia hoạt động xây dựng hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ số doanh nghiệp xây dựng nhỏ, siêu nhỏ.
b) Đổi mới đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
– Rà soát, điều chỉnh và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011 – 2020 [2] đã được phê duyệt tại Quyết định số 838/QĐ-BXD ngày 13 tháng 09 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, với một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
– Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng theo Quyết định số 1961/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2010 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010 – 2015”.
– Đẩy mạnh đào tạo nâng cao, đào tạo lại, mở rộng các hình thức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Xây dựng (cán bộ công chức, cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao, công nhân…) đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho các công trình trọng điểm, có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, đòi hỏi cao về kỹ thuật xây dựng (công trình ngầm, công trình biển, hạ tầng kỹ thuật đô thị,…). Áp dụng chế độ tuyển dụng công khai thông qua thi tuyển.
– Đẩy mạnh đầu tư; thực hiện xã hội hóa, hoàn thiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng.
c) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế
– Tổ chức thực hiện thành công Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình theo Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
– Xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến trong thi công xây lắp, tư vấn xây dựng, quy hoạch xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu bền vững, thẩm mỹ, hạ giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
– Quản lý, gắn kết chặt chẽ, nâng cao tính ứng dụng các hoạt động khoa học và công nghệ với thực tiễn sản xuất và quản lý của ngành; nghiên cứu, từng bước tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến (công nghệ thi công xây dựng công trình ngầm, các công nghệ sản xuất gạch không nung, công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải, các công trình phức tạp khác…); phát triển, cải tiến, hiện đại hóa các công nghệ trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, các công nghệ truyền thống nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xây dựng.
– Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, khuyến khích đầu tư đổi mới, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ đối với doanh nghiệp xây dựng.
d) Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật, chính sách tiền lương làm động lực thúc đẩy tăng NSLĐ
– Xây dựng cơ chế,chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi đối với người lao động ngành Xây dựng phù hợp với điều kiện lao động đặc thù của ngành và phù hợp với đổi mới chung của toàn xã hội.
– Đổi mới hệ thống thang lương, bảng lương ngành Xây dựng phù hợp với yêu cầu của thị trường.
e) Thực hiện xây dựng và quản lý hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu từng lĩnh vực và sản phẩm theo hướng công khai, minh bạch
– Thực hiện cung cấp thông tin, quản lý thông tin của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, thị trường xây dựng, thị trường bất động sản bảo đảm công khai, minh bạch, lành mạnh, chuyên nghiệp.
– Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu, mã hóa, hệ thống phần mềm ứng dụng để quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu chủ yếu của ngành về nguồn lực chung ngành Xây dựng; nguồn nhân lực ngành Xây dựng; các doanh nghiệp ngành Xây dựng (bao gồm cả tư vấn, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng…); các sản phẩm, sản phẩm khoa học công nghệ, sản phẩm ứng dụng công nghệ mới trong ngành Xây dựng; giá thị trường (vật liệu, nhân công, máy thi công); nhà ở, đất ở, thị trường bất động sản; tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống định mức kinh tế – kỹ thuật…).
Kết luận, Theo quy định của pháp luật về thống kê, các số liệu thống kê phục vụ việc xác định năng suất lao động ngành Xây dựng, nhất là năng suất lao động của từng lĩnh vực trong ngành không được tổ chức ghi chép, theo dõi thường xuyên. Do vậy để tính được năng suất lao động của ngành và của từng lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng theo định kỳ đòi hỏi phải có khảo sát, thu thập số liệu bổ sung. Mặt khác, các nghiên cứu kinh tế vĩ mô và thực tiễn đều đã khẳng định, năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) là một chỉ tiêu quan trọng được sử dụng để đánh giá chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế. Ngoài tác động của tốc độ tăng của các yếu tố đầu vào như lao động và vốn, TFP đóng vai trò quan trọng đối với tốc độ tăng GDP. Trong khi tốc độ tăng các yếu tố đầu vào khác là có hạn, TFP có thể là yếu tố vô hạn trong tác động đến tăng trưởng. Tăng TFP có thể phản ánh mức độ đổi mới các quá trình sản xuất, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong quản lý hoặc cũng có thể phản ánh gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế. Từ các yêu cầu này của thực tế, việc triển khai đánh giá định kỳ hàng năm về năng suất lao động các lĩnh vực và nghiên cứu năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của ngành Xây dựng để kịp thời cung cấp các thông tin phục vụ yêu cầu chỉ đạo ngành Xây dựng là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Tác giả bài viết: CVCC. TS. LÊ VĂN CƯ
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ XÂY DỰNG
TS. LÊ VĂN LONG & ThS. VŨ QUYẾT THẮNG
VIỆN KINH TẾ XÂY DỰNG, BỘ XÂY DỰNG