Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Báo cáo nghiên cứu thị trường nhân công xây dựng 6 tháng đầu năm 2021

    23/11/2021 - 01:29
    566
    0
    0
    I.  Tổng quan về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2021

    Từ cuối năm 2020 sang đầu năm 2021, vacxin phòng bệnh Covic-19 ra đời trên thế giới giúp kiểm soát đại dịch và khôi phục hoạt động kinh tế, nền kinh tế thế giới đã có những sự hồi phục đáng kể, dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu tướng đối khả quan.

    Tại Việt Nam, dịch Covic-19 đã bùng phát ở một số địa phương vào dịp Tết Nguyên Đán, nhất là vào những tháng của Quý 2 năm nay ở các vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh… kinh tế – xã hội nước ta bị ảnh hưởng đến đà phục hồi từ các tháng cuối năm 2020. Hầu hết các ngành sản xuất, hoạt động thương mại, vận tải và dịch vụ đều bị ảnh hưởng.
    Trước tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội đảm bảo đời sống cho nhân dân.

    Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covic-19, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64% cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019[1]. Mặc dù tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NĐ-CP là 7,11%, tuy nhiên đây là tốc độ tăng tương đối ấn tượng là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt và đúng đắn của Chính phủ. (Tốc độ tăng GDP Quý 1 năm 2021 khoảng 4,65% so với cùng kỳ năm trước, cùng kỳ năm 2020 tăng khoảng 3,68%, Quý 2 GDP ước tính tăng 6,61% cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý 2/2020).
     
    Hình 1. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm

    Khu vực công nghiệp và xây dựng là một trong động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong đó ngành xây dựng luôn có sự đóng góp đáng kể, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05% (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%). Trong đó ngành xây dựng tăng 5,59% ( quý 1 tăng 5,17%, quý 2 ước tăng 6%) cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2020 (4,54%).

    Để đạt được kết quả tăng trưởng GDP, Đảng và Nhà nước đã có các chính sách kịp thời về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội và người dân.

    Từ đầu năm 2021, dịch COVID-19 ở Việt Nam bùng phát trở lại, tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành Xây dựng. Nhiều lĩnh vực trong ngành Xây dựng gặp khó khăn đặc biệt là khu vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; một số dự án nằm trong vùng dịch cũng bị ảnh hưởng …
    Một trong các yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của ngành xây dựng là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng: như xi măng, nhựa đường, cát, đá đều tăng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên không có sự biến động bất thường. Riêng giá thép đã có những biến động bất thường, chỉ từ đầu năm đến nay tăng mạnh giá thép tăng 40%-45% so với thời điểm cuối năm 2020. Giá thép tăng đột biến không theo quy luật tăng giá thông thường  làm cho một số doanh nghiệp xây dựng điêu đứng, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, nguy cơ dẫn đến thua lỗ, thậm chí phá sản.

    Mặc dù vậy, ngành xây dựng vẫn được đánh giá tương đối tích cực trong bức tranh của nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021. GDP Quý 1 ước tính tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước, ngành xây dựng ước tăng 6,53%. Tính chung 6 tháng đầu năm GDP ước tăng 5,64% so với cùng kỳ năm ngoái, ngành xây dựng ước tăng 5,59%[2].



    Hình 2. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng và kinh tế Việt Nam
     
     
    – Cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9,11%.
     
    Hình 3. Cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021

     

    Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 295,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng vốn và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 660,1 nghìn tỷ đồng, bằng 56,4% và tăng 7,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 214,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% và tăng 6,7%[3].
     
    Hình 4. Tổng Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội  6 tháng đầu năm 2021
    Tính đến cuối tháng 6 năm 2021, khoảng gần 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484,3 nghìn lao động, tăng 8,1% về số doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước (trong đó lĩnh vực xây dựng và công nghiệp 18,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,6%). Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 6 có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, tạm ngừng kinh doanh có thời hạn kinh doanh có thời hạn tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó lĩnh vực xây dựng có 881 doanh nghiệp).

    – Về tình hình lao động việc làm:

    Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào dịp Tết Nguyên đán (khoảng cuối tháng 1/2021) đã tác động tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm của lao động cả nước, là nguyên nhân làm giảm thu nhập của người lao động. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào tháng 4/2021 lây lan ở phạm vi rộng, xuất hiện trên nhiều tỉnh thành, tốc độ lây lan mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân cũng như của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Số giờ làm việc của người lao động sụt giảm bao gồm cả số giờ làm việc bị giảm của những người có việc làm và những người bị mất việc.

    Do đợt dịch bùng phát vào cuối tháng 4 ở phạm vi rộng trên nhiều tỉnh thành, việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, giãn cách xã hội ở một số địa phương, cho đến nay số người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covic-19 lến đến hơn 9 triệu người, trong đó có khoảng 0,54 triệu người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh; khoảng hơn 3 triệu người bị cắt giảm giờ làm và khoảng gần 7 triệu lao động bị giảm thu nhập. Lao động khu vực thành thị chịu ảnh hưởng nhiều hơn khu vực nông thôn. Lao động khu vực kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là dịch vụ chiếm hơn 20%, khu vực ít chịu ảnh hưởng nhất là khu vực nông, lâm, thủy sản với tỷ lệ khoảng 7,5%. Lao động khu vực công nghiệp và xây dựng cũng chịu ảnh hưởng với tỷ lệ khoảng 17%.

    Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên Qúy 1 năm 2021 là khoảng 50,6 triệu người, sang đến Quý 2 không có nhiều biến động so với Quý 1 (khoảng 51,1 triệu người). Tính chung 6 tháng đầu năm khoảng 51 triệu người, tăng khoảng 738 nghìn người.

    Số người lao động có việc làm trong Quý 1 ước khoảng 49,9 triệu người giảm 1,8% so với 50,9 triệu người của Quý 4/2020 và giảm 0,36% so với 50,1 triệu người cùng kỳ năm 2020, Quý 2 ước tính 49,8 triệu người. Tính chung 6 tháng đầu năm, số người lao động có việc làm khoảng 49,9 triệu người, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 13,9 triệu người chiếm 27,9% tổng số, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,4 triệu người, chiếm 32,8%, tăng 0,5%; khu vực dịch vụ 19,6 triệu người, chiếm 39,3%, tăng 2,4%.
    Đơn vị: Triệu người

    Hình 5: Số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm các quý, giai đoạn 2019-2021

    II.  Diễn biến thị trường lao động ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2021

    Trên thế giới dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi cách thức hoạt động trong ngành công nghiệp xây dựng, các xu hướng mở ra của ngành xây dựng: (1) các quy định của Nhà nước về phòng chống Covic có thể làm tăng thêm các chi phí và thời gian cho các dự án. (2) làm tăng sự phụ thuộc vào công nghệ xây dựng và ngày càng phổ biến như sử dụng drone (máy bay không người lái) trong xây dựng; hợp đồng thông minh cung cấp cho tất cả các tổ chức trong dự án một hệ thống dùng chung để kinh doanh, cho phép họ mua, theo dõi và thanh toán cho các dịch vụ; mô hình thông tin xây dựng (BIM). (3) nhu cầu lao động có chất lượng ngày càng tăng. (4) ứng dụng di động làm việc từ xa trong ngành xây dựng. (5) Chi phí vật liệu tăng do việc sử dụng công nghệ và vật liệu xây dựng đổi mới, tuy nhiên sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế cho người sử dụng lâu dài. (6) Công trình xanh mang tính bền vững và thân thiện với môi trường. (7) xu hướng xây dựng mô-đun và nhà lắp ghép sẵn. (8) phần mềm quản lý xây dựng toàn diện. (9) tập trung vào các dự án khu dân cư với rủi ro ít hơn các dự án giao thông. (10) xây dựng thành phố thông minh.

    Ở Việt Nam, tuy không có được sự tiếp cận ngay với xu thế chung của thế giới, nhưng thời gian qua đã không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, bước đầu có sự áp dụng công nghệ vào thiết kế, xây dựng công trình xanh, làm việc từ xa, chú trọng đến tính bền vững, gia tăng mức độ quan tâm của khách hàng đến các tòa nhà thông minh ứng dụng kỹ thuật số, sử dụng năng lượng vận hành hiệu quả, nhu cầu cao về lao động lành nghề…

    Tuy vậy, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 làm tác động không nhỏ đến tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Quý 1 tỷ lệ thiếu việc làm khoảng 1,51%, 6 tháng đầu năm khoảng 1,54%, tính chung cho toàn nền kinh tế lần lượt là 2,2% và 2,58%[4].

    Từ đầu năm 2021, dịch COVID-19 ở Việt Nam bùng phát trở lại, tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành Xây dựng. Nhiều lĩnh vực trong ngành Xây dựng gặp khó khăn đặc biệt là khu vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; một số dự án nằm trong vùng dịch cũng bị ảnh hưởng.

    Một số giá vật liệu xây dựng chủ yếu tăng (như xi măng, cát, đá….) đặc biệt là giá thép xây dựng tăng đột biến bất thường, không tuân theo quy luật thông thường, tăng 40%-45% so với thời điểm cuối năm 2020 ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình, ảnh hưởng đến tình hình giải ngân vốn, nguy cơ dẫn đến thua lỗ, thậm chí phá sản của một số doanh nghiệp xây dựng. Tất cả những yếu tố trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường nhân công xây dựng. Tỷ lệ thiếu việc làm, thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng đến thu nhập bình quân của công nhân ngành xây dựng.

    Tuy nhiên, GDP Quý 1 ước tính tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước, ngành xây dựng ước tăng 6,53%. Tính chung 6 tháng đầu năm GDP ước tăng 5,64% so với cùng kỳ năm ngoái, ngành xây dựng ước tăng 5,59%[5].

    Việc thực hiện Nghị quyết 01/NĐ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán NSNN năm 2021 nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ngay từ đầu năm là phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021. Tuy nhiên giải ngân vốn đầu tư công Quý 1 năm 2021 vẫn còn thấp, cho đến 31/3/2021 mới đạt 11,95% kế hoạch đề ra một phần còn đang tập trung giải ngân vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021, một số dự án lớn trong giao thông thực hiện điều chỉnh các thủ tục đầu tư, một nguyên nhân khác là vấn đề đền bù GPMB chậm trễ hoặc các dự án bị ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Trong Quý 2 các Bộ, Ban, ngành và các địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án[6], tuy nhiên ước tính 6 tháng đầu năm mới đạt 29,02% kế hoạch, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (34%).

              Theo kế hoạch, trong năm 2021 Bộ Giao thông vận tải bên cạnh việc hoàn thành 24 dự án, sẽ khởi công xây dựng 19 dự án, công trình giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 200.000 tỷ đồng, bao gồm: Dự án Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; Dự án tuyến tránh Quốc lộ  1A đoạn qua thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam ngoài 6 dự án thành phần đang được triển khai thi công thì 5 dự án thành phần còn lại là đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, đoạn Nha Trang – Cam Lâm, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ được triển khai thi công trong năm nay …

    Các dự án giao thông dự kiến hoàn thành trong năm 2021, gồm: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông; Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh; Dự án Quốc lộ 27, đoạn tránh Liên Khương; Dự án cải tạo mặt đường tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh – Long Toàn tỉnh Trà Vinh; Dự án nâng cấp Quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; Dự án Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2) …

    Tại Hà Nội, một số dự án lớn đã được cấp phép trong năm 2021 như: Dự án thành phố thông minh huyện Đông Anh; dự án KĐT Tây Mỗ – Đại Mỗ; dự án KĐT Gia Lâm; dự án Khu phức hợp quận Hà Đông; dự án KĐT Nhịp sống mới huyện Đan Phượng…

    Tại Hải Phòng năm 2021 có các dự án trọng điểm như: Khu đô thị Hoàng Huy New City, Khu đô thị Hoàng Huy Green River, Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi, Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng, Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào I, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tràng Duệ (Giai đoạn 3), Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thủy Nguyên, Khu công nghiệp Nam Tràng Cát, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải, Dự án đầu tư xây dựng bến số 3, 4 Cảng Lạch Huyện, Dự án đầu tư xây dựng nhà ga T2 – Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng Thái Bình đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng từ km0+000 đến km19+645 và nhiều dự án quan trọng khác.

    Tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 có các dự án giao thông trọng điểm như: dự án Vành đai 2 (đoạn 3), dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội, Xây dựng cầu vượt Bến xe Miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội, cầu Thủ Thiêm 2, đường Vành đai 2 – đoạn 3 (từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa), 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án đường Lương Định Của, đường Nguyễn Văn Hưởng, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa và nhiều dự án quan trọng khác.

    Ngay từ đầu năm các dự án Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được khởi công, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan phần lớn các dự án quan trọng vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị hoặc chậm tiến độ, dẫn đến việc giải ngân vốn 6 tháng đầu năm bị chậm trễ. Tính đến hết tháng 5/2021, giải ngân kế hoạch vốn 5 tháng đầu năm 2021 mới đạt trên 102.029 tỷ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%)[7].

    Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và được dự báo là còn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư nhất là nguồn vốn đầu tư kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

    Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng mất việc làm, thiếu việc làm, giảm giờ làm trong ngành xây dựng không thể tránh khỏi, dẫn đến tình trạng thu nhập bình quân bị ảnh hưởng trong ngành xây dựng. Việc giải ngân vốn đầu tư chậm trễ các tháng đầu năm 2021 cũng là tác nhân dẫn đến tình trạng thiếu việc làm cho công nhân ngành xây dựng.

    II.1.  Lực lượng lao động ngành xây dựng và chất lượng
              Việt Nam là đất nước đang phát triển nên việc xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, đô thị hóa… vẫn liên tục thực hiện. Vì vậy nhu cầu về lao động trong xây dựng là rất lớn, đặc biệt là lao động có tay nghề cao.

    II.1.1. Lực lượng lao động phân theo giới tính và theo khu vực

    Sự bùng phát trở lại của đại dịch đã làm giảm đà hồi phục của thị trường lao động đạt được các tháng cuối năm 2020. Trong tổng số lao động khoảng 50 triệu lao động có việc làm, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 32,2%.
    Do đặc thù của ngành xây dựng, nên ưu thế lao động nam vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn lao động nữ (67,4% so với 32,6%). Lao động ở nông thôn chiếm tỷ lệ cao hơn khu vực thành thị (59,3% so với 40,7%). Cơ cấu không có nhiều thay đổi so với thời gian qua.
    Lực lượng lao động trực tiếp ngành xây dựng chiếm khoảng 2,37 triệu người, tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm nhẹ so với cuối năm 2020.
    Bảng 1. Lực lượng lao động ngành xây dựng

     
    Hình 6. Biều đồ lực lượng lao động
    ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2021
     
    Đơn vị tính: Triệu người
    Nội dung 6 tháng đầu 2020 6 tháng cuối 2020 6 tháng đầu 2021
    LLLĐ ngành  xây dựng 2,23 2,38 2,37
    – Nam 1,48 1,60 1,60
    – Nữ 0,74 0,78 0,77
    – Thành thị 0,91 0,96 0,96
    – Nông thôn 1,32 1,42 1,41
    II.1.2. Chất lượng lao động ngành xây dựng:
    Cho đến nay chất lượng lao động ngành xây dựng vẫn là một một bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Mỗi năm Việt Nam dành từ 30 – 40% GDP cho đầu tư xây dựng, là ngành tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, nhu cầu về nhân lực rất lớn. Theo xu hướng mới về ngành công nghiệp xây dựng trong những năm gần đây và trong tương lai, thì nhu cầu về lao động có chất lượng là mội đòi hỏi cấp thiết.

     Tuy nhiên, người lao động làm việc trong ngành xây dựng, ngoài một số ít đã qua đào tạo thì đa phần là lao động phổ thông thời vụ chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo chưa bài bản.

    Để nâng cao chất lượng lao động nói chung trong đó có ngành xây dựng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng hai Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và “Nâng cao năng lực dự báo nhu cung – cầu lao động” là để hướng tới một thị trường lao động hiện đại, đồng bộ, vận hành theo quy chế thị trường đúng nghĩa. Chắc chắn trong thời gian ngắn tới đây, chất lượng lao động ngành xây dựng có sự thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu của ngành kinh tế chiếm tỷ trọng GDP tương đối trong nền kinh tế.  
    II.2.  Lao động có việc làm trong ngành xây dựng

    Sáu tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 ở Việt Nam bùng phát trở lại tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của Việt Nam, trong đó có ngành Xây dựng. Nhiều lĩnh vực trong ngành xây dựng gặp khó khăn đặc biệt là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; một số các dự án nằm trong vùng dịch bị ảnh hưởng. Mặc dù, GDP ngành xây dựng trong Quý 1 ước tăng 6,53%, tính chung 6 tháng đầu năm ước tăng 5,59%, tuy nhiên tính đến hết tháng 5/2021, giải ngân kế hoạch vốn 5 tháng đầu năm 2021 mới đạt trên 102.029 tỷ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%) cũng làm ảnh hưởng đến lao động có việc làm trong ngành xây dựng cũng như thu nhập của người lao động.

    III.2.1. Theo loại hình công trình xây dựng:

    Số lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2021 trong ngành xây dựng được phân bố theo tỷ lệ cho các loại hình công trình: xây dựng dân dụng chiếm khoảng 34,0%, xây dựng giao thông chiếm khoảng 32,1%, xây dựng công nghiệp chiếm khoảng 13,8% và xây dựng công trình thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật chiếm khoảng 20,1%.

    Hình 8: Biểu đồ phân bổ việc làm  theo loại hình công trình
     

    Hình 9: Biểu đồ phân bổ việc làm                                                                             theo trình độ tay nghề
    III.2.3. Theo trình độ tay nghề
    Trong tổng số lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2021 của ngành xây dựng, lao động có trình độ tay nghề cao vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, kế đến là công nhân có tay nghề trung bình, công nhân có tay nghề thấp và lao động phổ thông chiếm tỷ lệ nhiều cao nhất, chưa có nhiều sự thay đổi tích cực so với cùng kỳ năm ngoái.

    II.3.  Thu nhập bình quân của lao động ngành xây dựng
    Thu nhập bình quân tháng của người lao động Quý I năm 2021 đạt 6,3 triệu đồng tăng 339 nghìn đồng so với quý trước và tăng 106 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước, tính chung trong Quý 1 năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 0,8%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 5,2%, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng là 1,5%.


     
    Đơn vị: Triệu đồng

    Hình 10: Thu nhập bình quân tháng người lao động theo khu vực kinh tế, quý I năm 2020
    và 2021
    Theo số liệu điều tra của nhóm khảo sát, thì thu nhập bình quân của công nhân ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức bình quân khoảng 6,0 – 6,5 triệu đồng/tháng. So với các ngành sản xuất khác mức thu nhập của công nhân ngành xây dựng vẫn ở mức trung bình. Lao động phổ thông chưa qua đào tạo có thu nhập bình quân khoảng 5,2 – 6,0 triệu đồng/tháng. Những thợ lành nghề có tay nghề cao thu nhập khoảng 9,5 – 12 triệu đồng/tháng thể hiện đúng quy luật điều tiết của thị trườn lao động.

    II.4.  Cung, cầu lao động
    Ngành xây dựng là một ngành kinh tế trọng điểm, là ngành kinh tế thu hút lực lượng lao động tương đối lớn, nhất là lao động thời vụ ở các địa phương. Tuy nhiên trong các tháng đầu năm kế hoạch giải ngân vốn còn thấp so với kế hoạch đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cầu của thị trường lao động ngành xây dựng.
    Nhu cầu tìm người lao động có tay nghề, có kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của các dự án luôn được các nhà tuyển dụng ưu tiên, tuy nhiên phần lớn người lao động khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng mà số đông lại là các ứng viên lao động phổ thông, lao động thời vụ chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo theo kiểu truyền miệng.

    II.5.  Đánh giá về thị trường nhân công xây dựng 6 tháng đầu năm 2021

    Bước sang năm 2021, đợt dịch bùng phát trở lại vào cuối tháng 1 đặc biệt đợt bùng phát mạnh vào tháng 4, một số dự án nằm trong khu vực có dịch bị ảnh hưởng, hoặc bị ảnh hưởng do có nhân công đến từ vùng dịch. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố tiêu cực tác động đến hoạt động sản xuất xây dựng là giá cả vật liệu tăng đặc biệt là gía thép xây dựng tăng đột biến. Những tác nhân này là một trong các nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án, ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân xây dựng.
    Tuy nhiên, nhìn chung thị trường nhân công xây dựng trong hoạt động sản xuất xây dựng vẫn tương đối ổn định trong bối cảnh chung, một phần do nhà nước tăng vốn đầu tư toàn xã hội đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 đạt 171,9 nghìn tỷ đồng, bằng 36,8% kế hoạch năm và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án lớn trong lĩnh vực giao thông (vốn chiếm tỷ trọng lớn) vẫn được tiếp tục thực hiện, một số dự án mới như Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được triển khai thi công. Các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các tỉnh thành vẫn tiếp tục được thực hiện. Lĩnh vực xây dựng nhà để ở không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhờ nhu cầu cao của người dân cùng với xu hướng tất yếu đô thị hóa. Lĩnh vực xây dựng nhà không để ở như khách sạn, nơi nghỉ dưỡng… và hạ tầng đi kèm là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
    Mặc khác cho đến cuối tháng 6/2021 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (34%) đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng, tình hình việc làm và thu nhập của người lao động ngành xây dựng. Tỷ lệ thiếu việc làm ngành xây dựng Quý 1 khoảng 1,51%, tính chung 6 tháng đầu năm khoảng 1,54%.
    Về thu nhập bình quân của người lao động ngành xây dựng đạt mức trung bình khoảng 6,0 – 6,4 triệu đồng/tháng.

    III.  Một số thông tin về thị trường lao động và một số chính sách có liên quan đến tình hình thị trường lao động ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2021

    Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được Chính phủ ban hành ngày 14/8/2019. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Nghị định 68 đã một số vướng mắc và bất cập. Ngày 09/02/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2021/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 68 để hoàn thiện những điểm còn chưa phù hợp. Cho đến nay, do chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, việc hướng dẫn xác định đơn giá nhân công xây dựng vẫn tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 15/2019/TT-BXD.

    III.1.  Một số chính sách, văn bản về lao động, tiền lương nhân công xây dựng và nhận định:
    Cho đến thời điểm hiện tại, từ khi Thông tư số 15/2019/TT-BXD có hiệu lực, 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khảo sát, công bố hoặc có các văn bản hướng dẫn xác định đơn giá nhân công. Như vậy cho đến thời điểm hiện tại hầu hết các tỉnh thành đã thực hiện công bố nhân công theo hướng dẫn tại Quy định của Thông tư 15/2019/TT-BXD  (62/63 tỉnh, thành) chiếm 98,4%; 01 tỉnh chưa công bố đơn giá nhân công xây dựng là thành phố Cần Thơ.
            So với thời điểm cuối năm 2020, đã có thêm 03 tỉnh có công bố nhân công là : Bình Phước, Cà Mau và Vĩnh Long. Một số tỉnh có các quyết định công bố nhân công thay thế cho các công bố tạm thời như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc…


     
    III.2.  Giá nhân công xây dựng tính theo đơn vị sản phẩm và trình độ tay nghề trên thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2021
    III.2.1  Giá nhân công xây dựng tính theo đơn vị sản phẩm trên thị trường lao động ở các khu vực kinh tế trọng điểm [8]
    ĐVT: 1.000đ

    STT Nhân công thực hiện công tác Đơn vị Đơn giá
    Khu vực Miền Bắc Khu vực Miền Nam Khu vực Miền Trung
    Hà Nội TP HCM Đà Nẵng
    1 Xây tường 220mm m3 540-630 700-820 500-600
    2 Xây tường 110mm m3 655 880 600-700
    3 Xây gạch không nung m3 610 580 550
    4 Trát tường trong nhà m2 70 75 55
    5 Trát trần, dầm, cột m2 80 90 75
    6 Trát tường ngoài nhà không trừ cửa sổ và các lỗ (chưa có công bắc giáo) m2 90 95 80
    7 Tháo lắp giáo m2 23 20 20
    8 Ốp m2 110 125 90
    9 Lát m2 85 80 70
    10 Xây bậc thang (chiều dài bậc 1÷1,2m) bậc 75 88 85
    11 Trát bậc thang (chiều dài bậc 1÷1,2m) m2 70 80 65
    12 Làm granito bao gồm trát lót m2 230 200 220
    13 Làm cốp pha m2 85 100 85
    14 Làm cốt thép kg 2,5 4,0 2,5
    15 Đổ bê tông móng m3 110 120 85
    16 Đổ bê tông sàn, dầm m3 150 150 115
    17 Đổ bê tông cột m3 200 220 180
    18 Làm điện m2 135 115 100
    19 Làm nước m2 120 120 85
     
    Qua số liệu khảo sát mà nhóm khảo sát thực tế thu thập giá nhân công bình quân cho một đơn vị sản phẩm tại các khu vực kinh tế trọng điểm không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm ngoái.
    III.2.2  Giá nhân công xây dựng theo trình độ tay nghề qua khảo sát trên thị trường lao động ở một số địa phương[9]
         ĐVT: 1.000đ/công
    STT Trình độ tay nghề Công trình dân dụng
    Khu vực Miền Bắc Khu vực Miền Nam Khu vực Miền Trung
    Hà Nội TP HCM Đà Nẵng
    1 Nhân công có tay nghề thấp 250-280 260-290 235-255
    2 Nhân công có tay nghề trung bình 320-360 350-380 270-320
    3 Nhân công có tay nghề cao 420-430 430-450 370-390
     
    Theo số liệu khảo sát mà nhóm khảo sát điều tra thu thập được, mặc dù trong lĩnh vực xây dựng, tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp gia tăng, tuy nhiên đơn giá ngày công trả cho người lao động không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm ngoái và các tháng cuối năm 2020.

    V.  Dự báo cho kỳ tiếp theo

    Tình hình giải ngân các dự án vốn NSNN chưa đúng kế hoạch cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 các tháng đầu năm 2021 đã tác động đến hoạt động sản xuất xây dựng. Tình trạng thiếu việc làm đã ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.

    Cùng với kế hoạch đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vào các tháng cuối năm, việc tiếp tục các dự án đang thực hiện, khởi công các dự án trọng điểm ngành giao thông theo kế hoạch và các dự án quan trọng khác, các dự án khu công nghiệp tiếp tục được thực hiện, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát kèm với việc thúc đẩy tiêm vacxin phòng Covid-19, thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ngành xây dựng sẽ vẫn là điểm sáng trong bức tranh của toàn bộ nền kinh tế. Dự báo các tháng cuối năm sự tăng trưởng của ngành xây dựng vẫn là một trong động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, thị trường nhân công xây dựng sẽ tiếp tục phát triển ổn định.

    Với tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại trong Quý 2 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, theo đánh giá tích cực của các chuyên gia kinh tế, triển vọng ngành xây dựng trong các quý tiếp theo sẽ đạt sự tăng trưởng cao hơn Quý 1 và có thể đạt được 7,2% cho năm 2021.

    Đại dịch Covic kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và thị trường lao động, tình trạng mất việc làm, thiếu việc làm, giảm sút thu nhập, nhiều doanh nghiệp đóng của phá sản. Trước tình hình đó, ngày 01/7/2021 Chính phủ đã có Nghị quyết số 68/NQ-CP về gói hỗ trợ trị giá 26 nghìn tỷ đồng với mục tiêu là “hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19” với những thủ tục chính sách đơn giản hóa hơn gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ năm 2020, trong đó có mức hỗ trợ cho người lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do). Nhân công ngành xây dựng cũng nằm trong phạm vi của gói hỗ trợ này, sự hỗ trợ từ gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng tuy không lớn nhưng rất thiết thực, kịp thời và là sự động viên về tinh thần rất lớn đối với người lao động.

    VI.  Kết luận và kiến nghị
             Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Viện Kinh tế xây dựng có báo cáo tình hình diễn biến thị trường nhân công xây dựng 6 tháng đầu năm 2021 như trên và có một số kiến nghị như sau:
    – Cần có những chính sách phù hợp để thu hút khoảng 3,5 triệu lao động đang sản xuất sản phẩm nông nghiệp với mục đích tự cung tự cấp. Phần lớn trong số họ không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và hơn một nửa trong số họ đang trong độ tuổi lao động. Đây là nguồn lao động tiềm năng có thể tận dụng để phát triển thị trường lao động ngành xây dựng.
    – Để thúc đẩy sự phát triển của ngành xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chứ không phải đang dừng ở ngành kinh tế hỗ trợ như hiện tại, bên cạnh các chiến lược, giải pháp vĩ mô từ các cơ quan quản lý nhà nước cao nhất, thì việc ưu tiên hàng đầu mà các Bộ ban ngành, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo có thể thực hiện được đó là cấp thiết nâng cao chất lượng lao động ngành xây dựng nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng thêm thu nhập cho người lao động.
    – Ngày 09/02/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2021/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 68. Đề nghị các địa phương nghiên cứu Nghị định 10, chuẩn bị để khi Bộ Xây dựng có thông tư hướng dẫn quản lý chi phí thì kịp thời có các văn bản hướng dẫn nhân công xây dựng và các văn bản hướng dẫn khác.
     

     

    [1] Nguồn TCTK
    [2] Nguồn TCTK
    [3] Nguồn TCTK
     
    [4] Nguồn TCTK
    [5] Nguồn TCTK
    [6] Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính
    [7] Nguồn Bộ Tài chính
    [8] Nguồn Nhóm khảo sát thực hiện
    [9] Nguồn Nhóm khảo sát thực hiện
    Bình luận