Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Tập trung triển khai đúng tiến độ, chất lượng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP

    08/03/2022 - 02:12
    659
    0
    0

    Bộ Xây dựng đã đề ra Chương trình hành động và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần sớm đưa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy tác động, hiệu quả.


    Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị – Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

    Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về Chương trình hành động và các giải pháp của Bộ Xây dựng xung quanh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

    Thưa Bộ trưởng, vừa qua Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, xin Bộ trưởng cho biết những điểm nhấn quan trọng và những giải pháp lớn của Bộ Xây dựng nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này?

    Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Trong Nghị quyết số 11/NQ-CP Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, liên quan đến lĩnh vực ngành xây dựng, có hai gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển cả hai chiều cung–cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

    Cụ thể là: Cho vay ưu đãi tối đa 15.000 tỷ đồng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội và cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.

    Cùng với sự thành công của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trước đó, Bộ Xây dựng rất hoan nghênh và tin tưởng vào sự thành công và hiệu quả gói tín dụng của Chính phủ hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ lần này.

    Để khẩn trương triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ đã ban hành Chương trình hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ với 13 nhóm nội dung công việc cụ thể và phân công trách nhiệm rõ tới từng đơn vị có liên quan để triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất và hiệu quả, bao quát toàn diện các mặt công tác từ xây dựng và hoàn thiện thể chế; mở cửa đi đối với phòng, chống, thích ứng tình hình dịch bệnh COVID -19; cho đến các vấn đề về an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và các nhiệm vụ cụ thể Bộ Xây dựng được giao trong Nghị quyết.

    Đồng thời, Bộ Xây dựng đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội trực tiếp đến một số địa phương trọng điểm ngay trong quý I năm 2022 để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ nhằm kịp thời thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

    Xin Bộ trưởng cho biết chi tiết hơn về mục tiêu, các nhiệm vụ cụ thể và cách thức triển khai Chương trình hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ trong thời gian tới?

    Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Ngay từ giai đoạn đầu dự thảo Chương trình hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã chỉ đạo xây dựng đề cương Chương trình, tập trung toàn diện trên cả phương diện xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám quá trình thực hiện.

    Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Bộ Xây dựng đã tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong phạm vi toàn quốc; xác định các tồn tại, vướng mắc và đề xuất bộ giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ từ tháng 6/2021.

    Chương trình hành động của Bộ Xây dựng đã xác định nhiệm vụ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản trong năm 2022 (đã được Chính phủ thông qua Hồ sơ trình các dự luật và đã được đưa vào Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội năm 2022) để khắc phục các hạn chế, bất cập về thể chế trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện nay; xây dựng chính sách khuyến khích thực chất hơn cũng như xây dựng tiêu chuẩn thiết kế phù hợp, bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đồng bộ hạ tầng, hài hòa kiến trúc, cảnh quan, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy…

    Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, ban hành các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà lưu trú công nhân, áp dụng công nghệ mới để giảm thiểu các chi phí ban đầu, đơn giản hóa quy trình phê duyệt các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của các nước có bối cảnh tương đồng để nghiên cứu, thay đổi căn bản tư duy, cách thức trong phát triển nhà ở xã hội, đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

    Bên cạnh đó, Bộ cũng đang khẩn trương tổng hợp, rà soát các bất cập, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng nói chung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Bộ Xây dựng để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong quý I/2022 trong Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và các thông tư hướng dẫn của Bộ

    Về tổ chức thực hiện Chương trình hành động, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội; tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; nhu cầu vay vốn ưu đãi (nếu có) của Chủ đầu tư các dự án này để tổng hợp, báo cáo và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chỉ đạo phù hợp.

    Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc xây dựng hành lang pháp lý, xác định đối tượng cho vay và các thức cho vay để khẩn trương đưa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ nhanh chóng phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

    Về đôn đốc, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, Tổ công tác liên ngành do Bộ Xây dựng thành lập sẽ tăng cường bám sát các địa phương, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ nhằm kịp thời thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng như các chỉ đạo của Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ.

    Bộ cũng đã xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2022, trong đó một trong ba trọng tâm là việc thanh tra tại 11 tỉnh, thành phố về việc dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Bộ sẽ khẩn trương thành lập các đoàn Thanh tra theo kế hoạch ngay sau khi nhận được đầy đủ báo cáo của các địa phương phục vụ tổ chức thanh tra.

    Bộ Xây dựng tin rằng với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần sớm đưa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy tác động, hiệu quả mong đợi.

    Cùng với Chương trình hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, xin Bộ trưởng cho biết thêm “3 đột phá chiến lược’ của ngành Xây dựng đã được nhắc đến trong Hội nghị tổng kết ngành xây dựng năm 2021 vừa qua?

    Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Năm 2022, Bộ Xây dựng xác định mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành các công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao về hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: Quy hoạch, kiến trúc; hoạt động xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở, bất động sản; vật liệu xây dựng; tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. 

    Trong đó tập trung thực hiện 3 khâu đột phá của ngành xây dựng:

    Một là, hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương. Trọng tâm là tập trung lập Hồ sơ đề xuất xây dựng một số Luật mới như: Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp thoát nước, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý không gian ngầm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. 

    Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022. Trước mắt, sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ngay trong quý I/2022 Nghị định sửa các nghị định trong các lĩnh vực của ngành xây dựng để tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, gây cản trở sự phát triển của ngành.

    Hai là, tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị với trọng tâm. Nâng cao chất lượng công tác lập Quy hoạch bảo đảm tầm nhìn, dự báo và tính khả thi. Kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về công tác quy hoạch. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị đồng bộ, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch để triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    Nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất Luật Quản lý phát triển đô thị và các văn bản pháp luật có liên quan về quản lý phát triển đô thị theo hướng hình thành các công cụ mới, hiệu quả hơn trong việc kiểm soát và thúc đẩy phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch, nâng cao sức cạnh tranh khu vực đô thị, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai, từ phát triển không gian đô thị; đầu tư phát triển và quản lý đô thị đồng bộ về hạ tầng, thông minh, xanh, văn minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu; có bản sắc.

    Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu. Phối hợp với một số địa phương có điều kiện phù hợp để thí điểm xây dựng một số đô thị thông minh kiểu mẫu, là tiền đề tổng kết, đánh giá và nhân rộng.

    Bám sát, kịp thời giải trình ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan về sửa đổi Nghị quyết 1210 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong việc đầu tư, cải thiện các chỉ tiêu còn thiếu, còn yếu ở các đô thị được phân loại và các đô thị có sự sáp nhập các xã, vùng nông thôn vào đô thị để thành lập đơn vị hành chính mới khi thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

    Tập trung nguồn lực thích đáng để sớm hoàn thiện Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, ban hành trong năm 2022.

    Ba là, đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững. Trong đó, tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Xây dựng kế hoạch triển khai và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình; khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.

    Tập trung triển khai đúng tiến độ, có chất lượng Chương trình hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

    Theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, phấn đấu năm 2022 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn

    Thường xuyên bám sát diễn biến thị trường bất động sản để có giải pháp kịp thời xử lý các biến động tiêu cực của thị trường, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

    Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng !

    Nguồn: Chinhphu.vn

    Bình luận