Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Tăng cường quản lý đầu tư công thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015-2020

    07/12/2017 - 04:46
    551
    0
    0
    Luật Đầu tư công số 49; Luật Xây dựng số 50 ngày 18 tháng 06 năm 2014 ra đời đã tạo bước cải tiến đột phá trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nói chung và công tác tổ chức quản lý nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình từ ngân sách nhà nước. Cải tổ công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và công tác quản lý nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác… là chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Thành phố Cần Thơ sắp xếp, tổ chức lại các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm 2016-2020 nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển phù hợp với tình hình mới.
     
    1.      Thực trạng đầu tư phát triển của Thành phố Cần Thơ trong thời gian qua

    Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 45 – NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và gần 6 năm thực hiện Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 20 tháng 03 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ giai đoạn 2009 – 2015, thành phố Cần Thơ đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương phát triển toàn diện các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng…. Thành phố đã đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt như tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, đúng hướng, đạt được những kết quả cao trên nhiều lĩnh vực: công nghiệp, thương mại-dịch vụ, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội… đều có hướng phát triển vượt bậc; công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn ở mức thấp  nhất trong vùng.
     Về đầu tư xây dựng tại thành phố Cần Thơ đã đạt được những kết quả đáng kể. Trong thời gian qua một số dự án đã được nghiệm thu đưa vào khai thác và sử dụng, phát huy rất tốt hiệu quả đầu tư, trong nhiều lĩnh vực quan trọng như:
    – Hệ thống giao thông đường bộ nối giữa các quận, huyện vùng sâu, vùng xa của thành phố Cần Thơ mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, an ninh chính trị như Dự án Đường Mậu Thân – Sân bay Trà Nóc, Dự án giao thông tuyến Bốn Tổng – Một Ngàn kết nối 3 huyện vùng sâu, vùng xa là huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh với trung tâm thành phố Cần Thơ, ,Dự án Quốc lộ 91B, đường Nguyễn Văn Cừ, đường Võ Nguyên Giáp, đường nối thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ,… đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội không chỉ cho thành phố Cần Thơ mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
    – Cơ sở vật chất ngành giáo dục đào tạo tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa. Đến giữa tháng 07 năm 2015 trên địa bàn thành phố có 05 trường đại học, phân hiệu đại học, Học viện Chính trị – Hành chính Khu vực IV; 10 trường cao đẳng và phân hiệu trường cao đẳng; 15 trường trung cấp chuyên nghiệp; 73 cơ sở dạy nghề; quy mô hệ thống giáo dục bậc đại học và cao đẳng thành phố đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 42,04% tổng số sinh viên đại học và cao đẳng toàn vùng và 36,5% tổng số giáo viên đại học và cao đẳng toàn vùng.
    – Tăng cường đầu tư mạng lưới y tế cơ sở; hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cơ bản hoàn thành vào năm 2015; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; số giường bệnh/vạn dân đạt 32,21 giường; số bác sĩ trên vạn dân đạt 11,33 bác sĩ. Hệ thống y tế tư nhân hoạt động phát triển đều khắp trên địa bàn thành phố.  
    – Về khoa học-công nghệ, đã đầu tư và đưa vào hoạt động Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng Công nghệ vùng, Trung tâm Thông tin Tư liệu Cần Thơ và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ. Các phòng thí nghiệm, trung tâm, cơ sở khoa học và công nghệ hoạt động có hiệu quả ngày càng cao, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, từng bước phát huy vai trò là trung tâm của vùng về khoa học và công nghệ.
    Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay làm cản trở sự phát triển của thành phố Cần Thơ là hạ tầng cơ sở chưa phát triển đồng bộ, chưa mang tính liên kết liên thông (cấp độ vùng, quốc tế và các loại hình giao thông…), nguồn nhân lực chưa có điều kiện phát triển, thu hút đầu tư còn rất hạn chế. Điều đó đòi hỏi phải có cơ chế chính sách để huy động được nguồn lực, rà soát lại các danh mục đầu tư theo Quyết định 366 đã nêu để sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên, đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng danh mục công trình, dự án và tăng cường quản lý để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn nhà nước. 
    Về quản lý đầu tư sử dụng vốn nhà nước, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn đã được Thành phố triển khai thực hiện và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, đang tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển nhằm đưa Thành phố trở thành Thành phố công nghiệp trước năm 2020; từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu là vai trò trung tâm, động lực trên nhiều lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
    Bên cạnh những kết quả đạt được đáng biểu dương vẫn còn đó những tồn tại trong công tác quản lý đầu tư công giai đoạn từ năm 2011-2015 như:
    – Vẫn còn dự án đã có quyết định đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn (03 dự án với tổng mức đầu tư là 992,951 tỷ đồng do chưa cân đối được nguồn vốn đầu tư);
    – Nhiều dự án thực hiện chậm tiến độ so với quyết định đầu tư ban đầu (10 dự án với thời gian chậm tiến độ từ 1-3 năm);
    – Nhiều  dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư so với quyết định ban đầu (54 dự án với Tổng mức đầu tư ban đầu 4.434, 616 tỷ đồng, điều chỉnh tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu 4.325,607 tỷ đồng (197,54%)
    Nguyên nhân tồn tại, hạn chế:
    – Từ trước khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ: Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án chỉ dựa vào nhu cầu bức thiết tại thời điểm phê duyệt, chủ quan hình thức và rập theo khuôn mẫu … chưa chú trọng đến việc đánh giá tác động của dự án tới phát triển kinh tế, hiệu quả đầu tư toàn diện. Đặc biệt việc quyết định đầu tư chưa chú ý về nguồn vốn đảm bảo thực hiện dự án, cá biệt một số dự án đã có quyết định đầu tư, nhưng việc bố trí vốn chưa được tập trung để đầu tư hoàn thành công trình, dẫn đến việc tồn đọng, kéo dài thời gian, làm thay đổi tổng mức đầu tư và điều chỉnh dự án.
    – Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa thật sự nhịp nhàng. Năng lực, kinh nghiệm một số Chủ đầu tư (Sở, ngành được giao nhiệm vụ chủ đầu tư), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây lắp chưa đáp ứng yêu cầu. Từ đó dẫn đến quá trình quản lý dự án đầu tư xây dựng tại thành phố Cần Thơ còn nhiều bất cập trong quá trình lập kế hoạch, điều phối thời gian, nguồn lực và giám sát quá trình phát triển của dự án nhằm đảm bảo cho dự án hoàn thành đúng thời hạn, trong phạm vi ngân sách được duyệt và đạt các yêu cầu đã định về kỹ thuật và chất lượng sản phẩm dịch vụ…
     – Đối với công tác thẩm định dự án: cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định trình phê duyệt dự án chưa có cán bộ có chuyên môn sâu về lĩnh vực xây dựng từ đó không phát hiện những sai sót trong hồ sơ dự án do các đơn vị tư vấn lập cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí, làm cho hiệu quả đầu tư chưa cao. 

    2. Mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020

    Thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công, Thành phố Cần Thơ đang triển khai thực hiện xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn để trình duyệt vào cuối năm 2015. Nhiệm vụ cơ bản của Kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố được xác định như sau:
    – Duy trì mức đầu tư các nguồn vốn Nhà nước với tỷ trọng hợp lý trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn tài trợ nước ngoài (ODA), tăng cường huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng đô thị, các công trình trọng điểm đã được xác định; áp dụng thí điểm một số hình thức đầu tư mới trong xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như: BOT, PPP,…; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học – công nghệ, thể thao, môi trường, đáp ứng vai trò, nhiệm vụ là đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
    – Nâng cao hiệu quả công tác quản lý các nguồn vốn đầu tư phát triển; phân bổ vốn tập trung, bố trí vốn đúng quy định; chống thất thoát, chống lãng phí đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm.
    – Quan tâm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, mang tính động lực. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, tạo sức hấp dẫn cho nhà đầu tư khi đến Cần Thơ, trọng tâm là mở các tuyến hàng không kết nối các địa bàn trọng điểm trong nước và quốc tế đến sân bay Cần Thơ; hoàn thành dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào Sông Hậu.
    – Tiếp tục tranh thủ các mối quan hệ đối tác vận động tài trợ cho các dự án ưu tiên theo Quyết định số 2515/QĐ-UBND ngày 13 tháng 08 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chính thức giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ; đẩy mạnh công tác vận động viện trợ theo đúng định hướng Chương trình số 05/CTr-UBND ngày 11 tháng 03 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về xúc tiến vận động phi Chính phủ nước ngoài của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2014-2017 và Danh mục dự án kêu gọi viện trợ phi Chính phủ nước ngoài giai đoạn 2014-2017 ban hành kèm theo Quyết định số 2582/QĐ-UBND ngày 12 tháng 09 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố.

    3. Các giải pháp, chính sách triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020

    Để thực hiện được các nhiệm vụ của Kế hoạch đầu tư 5 năm tới, cần thực hiện tốt những giải pháp và chính sách lớn sau:
    – Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 08 năm 2014 và các Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011; Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012; Chỉ thị số 09/CT-TTg  ngày 24 tháng 05 năm 2013 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28 tháng 06 năm 2013 nhằm tăng cường quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh nợ đọng.
    – Tổ chức triển khai Luật Đầu tư công, các Nghị định và văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch trung hạn về đầu tư xây dựng cơ bản 05 năm 2016-2020 theo đúng quy định. Song song đó ban hành cơ chế chính sách để huy động được nguồn lực cho thành phố.  
    – Thành lập Ban quản lý dự án xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực nhằm tăng cường công tác quản dự án; đồng thời nghiên cứu hay đổi hình thức quản lý dự án hiện tại theo hướng quản lý dự án “Hợp tác công tư” hoặc đặt hàng sản phẩm, dịch vụ.
    – Tăng thời gian bảo hành dự án, công trình xây dựng từ 12 tháng lên 24 hoặc 36 tháng để đảm bảo chất lượng công trình.
    – Tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng thẩm định các dự án đầu tư xây dựng thành phố về xét chủ trương và thẩm định các dự án đầu tư. Thường xuyên củng cố, tăng cường năng lực, chất lượng hoạt động của các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, chống lãng phí, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công.
    – Xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, các chủ đầu tư để tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các nguồn vốn đã bố trí.
    – Thực hiện rà soát, thống kê danh sách các đơn vị tư vấn, đơn vị giám sát, nhà thầu thi công có nhiều sai phạm để xử lý theo đúng quy định. 
    – Không được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu chưa được bố trí vốn. Đối với các gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, phải tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán theo đúng quy định không để xảy ra nợ đọng và quyết toán dự án không kịp thời.
                – Xã hội hóa lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội như các công trình y tế; giáo dục.
                Với quyết tâm và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, các đơn vị, ban ngành chức năng liên quan cần cố gắng thực hiện tốt các giải pháp, chính sách nêu trên trong lĩnh vực đầu tư công; từ đó phát huy mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, an ninh chính trị, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  

    Tác giả: ThS. KS. NGUYỄN KIÊN SƠN

    TRƯỞNG PHÒNG TÀI CHÍNH – KẾ HOẠCH, BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG 2, THÀNH PHỐ CẦN THƠ

    Bình luận