Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Tăng cường cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển gạch không nung

    03/07/2017 - 02:36
    448
    0
    0

    Ngày 30/6/2017, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo Cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển gạch không nung, do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh chủ trì. Dự Hội thảo có Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Akiko Fujii, đại diện Bộ Khoa học và công nghệ, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng, lãnh đạo các Sở Xây dựng địa phương và đại diện các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung trên toàn quốc.

    Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh phát biểu tại Hội thảo.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cho biết: Quản lý phát triển vật liệu xây dựng là một trong những chức năng chính, quan trọng của Bộ Xây dựng cũng như của các Sở Xây dựng địa phương. Từ trước tới nay, việc xây dựng các cơ chế chính sách quản lý phát triển vật liệu xây dựng, lập quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng luôn được Chính phủ, Bộ Xây dựng quan tâm đặc biệt.

    Theo quy hoạch tổng thể phát vật triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, nhu cầu sử dụng vật liệu xây ước đạt 30 – 33 tỷ viên quy tiêu chuẩn, tiêu tốn khoảng 50 triệu m3 đất sét, tương đương 2.200 – 2.500ha đất nông nghiệp, đồng thời tiêu tốn khoảng 5 triệu tấn than, thải ra môi trường khoảng 15 triệu tấn khí CO2. Do sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và ảnh hưởng xấu đến môi trường, nên việc nghiên cứu phát triển loại vật liệu xây mới thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với ngành Xây dựng. Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020.

    Mục tiêu của Chương trình là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 30 – 40% vào năm 2020, hàng năm sử dụng khoảng 15 – 20 triệu tấn phế thải công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích chứa phế thải, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung.

    Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành trung ương, chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch triển khai, hỗ trợ sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Chương trình này nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Năm 2015, tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm chính (gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt) đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn, sản xuất đạt 5,8 tỷ viên, chiếm 25% tổng sản lượng vật liệu xây dựng năm 2015.

    Những năm qua, Bộ Khoa học và công nghệ tăng cường phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 567/QĐ-TTg. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của UNDP và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Bộ Khoa học và công nghệ đã chủ trì thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”. Dự án có đóng góp quan trọng trong việc phát triển vật liệu xây không nung ở Việt Nam.

    Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Akiko Fujii phát biểu tại Hội thảo

    Ghi nhận những nỗ lực và kết quả Chính phủ Việt Nam, Bộ Xây dựng đã đạt được trong quá trình thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc tại Việt Nam Akiko Fujii cho biết, tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung không những góp phần bảo vệ tài nguyên đất mà còn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí CO2.

    Bà Akiko Fujii đánh giá cao việc Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, cắt giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong khi đó, Bộ Xây dựng đã ban hành và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về tăng trưởng xanh và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.

    Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Bộ Xây dựng trình bày Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng về Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, đồng thời giới thiệu nội dung xử phạt khi vi phạm quy định về sử dụng gạch không nung trong công trình xây dựng tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

    Là đô thị lớn nhất nước, có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nên nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của TP. Hồ Chí Minh ngày càng lớn nhằm phát triển đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị. Trong bối cảnh đó, việc phát triển đô thị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết với ngành Xây dựng thành phố. Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh chủ động triển động triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 567/QĐ-TTg và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc tổ chức xây dựng hành lang pháp lý phát triển vật liệu xây không nung cũng như tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật liệu xây không nung trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường và sử dụng trong công trình xây dựng.

    Quang cảnh Hội thảo

    Để Chương trình được triển khai hiệu quả hơn nữa, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng: Sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế, thi công và nghiệm thu riêng cho tường xây bằng gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt và gạch xi măng cốt liệu; ban hành chỉ dẫn hoặc hướng dẫn kỹ thuật để đánh giá nguyên nhân, xử lý sự cố khi có hiện tượng nứt tường xây bằng vật liệu xây không nung; rà soát, bổ sung đầy đủ định mức các thao tác xây, xử lý nứt cho định mức công tác xây tương ứng; đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm chấm dứt hoạt động các lò gạch nung thủ công để tạo sự thống nhất và đồng bộ trên cả nước; đưa nội dung kỹ thuật thi công vật liệu xây không nung vào chương trình đào tạo; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và môi trường báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với đất sét dùng để sản xuất gạch ngói, nhằm tạo cân bằng giữa giá thành vật liệu xây không nung và gạch đất sét nung; ban hành các chính sách hỗ trợ về đầu tư xây dựng công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng; ban hành quy định chế độ báo cáo đối với các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư các công trình xây dựng thuộc đối tượng bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây không nung, để các địa phương có cơ sở pháp lý cụ thể đề nghị các đơn vị báo cáo theo quy định; nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn.

    Để phát huy những kết quả đã đạt được của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung ở Việt Nam trong thời gian qua, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đề nghị Bộ Khoa học và công nghệ, UNDP, GEF: Tiếp tục thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg, Chỉ thị số 10/CT-TTg, Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

    Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đề nghị các Sở Xây dựng địa phương: Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh các chính sách về sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung theo Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, có chính sách quản lý chặt chẽ việc sản xuất gạch đất sét nung, ban hành đồng bộ, cụ thể hóa chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung và bắt buộc sử dụng vật liệu mới vào các công trình xây dựng theo các tiêu chí cụ thể; tiếp tục thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà UBND các tỉnh/thành phố đã ban hành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tuân thủ kỹ thuật xây dựng, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng; đóng góp các ý kiến thiết thực để hoàn thiện cơ chế chính sách tăng cường phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung theo quy định.

    Theo CTTĐT Bộ Xây dựng

    Bình luận