Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả: Đơn giản và dễ vận dụng hơn

    28/05/2018 - 04:19
    431
    0
    0

    Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2017/BXD) ban hành mới đây có nội dung ngắn gọn và dễ vận dụng hơn so với phiên bản trước. Đây là đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo giới thiệu về quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD, do Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức ngày 28/5, tại Hà Nội.


    Toàn cảnh Hội nghị.

    13 năm triển khai, áp dụng

    Tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: QCVN 09 đã có 13 năm triển khai, áp dụng, qua mỗi phiên bản đều có sự điều chỉnh phù hợp. Phiên bản đầu tiên là QCVN 09:2005/BXD, tiếp theo là QCVN 09:2013/BXD và đến nay là QCVN 09:2017/BXD ban hành ngày 28/12/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/6/2018.

    Trong giai đoạn 2014 – 2017, Bộ Xây dựng cùng với IFC ký thỏa thuận hợp tác với 03 Sở Xây dựng là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh triển khai QCVN 09:2013/BXD. Tháng 3/2018, Bộ Xây dựng tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với IFC cho giai đoạn từ tháng 3/2018 – tháng 12/2019 triển khai QCVN 09:2017/BXD.

    Đồng thời, Bộ đã làm việc với 03 Sở Xây dựng của các tỉnh: Quảng Ninh, Bình Định và Kiên Giang, để tiến tới đi đến thỏa thuận triển khai QCVN 09:2017/BXD tại các địa phương này trong thời gian tới. Đây cũng là các địa phương đã ban hành kế hoạch riêng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

    Theo Bộ Xây dựng, việc triển khai QCVN 09:2013/BXD và sắp tới là QCVN 09:2017/BXD, có vai trò rất lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng Trung ương và địa phương, đặc biệt là vai trò của các Sở Xây dựng địa phương. Thông qua các hoạt động tập huấn, đào tạo, phổ biến, tăng cường năng lực cho các đối tượng có liên quan, vai trò của các Sở Xây dựng ngày càng được đẩy mạnh và sẽ là cơ quan dẫn dắt, chủ trì việc thực hiện QCVN 09 từ công tác thẩm tra, thẩm định, cấp phép xây dựng, kiểm tra nghiệm thu cũng như giám sát quá trình hoạt động của công trình.

    Dễ vận dụng hơn

    Ông Nguyễn Trung Hòa – Viện trưởng Viện trưởng Viện Kỹ thuật xây dựng (CTI) giới thiệu tóm tắt QCVN 09:2017/BXD, trong đó nhấn mạnh các nội dung của QCVN 09:2017/BXD đã ngắn gọn và dễ triển khai hơn so với QCVN 09:2013/BXD. Đây cũng là quy chuẩn nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều tổ chức quốc tế.

    Vấn đề tiết kiệm năng lượng trong ngành Xây dựng liên quan trực tiếp đến các yếu tố như lớp vỏ bao che, hệ thống thông gió, điêu hòa không khí, chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo, QCVN 09:2013/BXD có nội dung dài đến 40 trang, gồm 38 vấn đề, đến QCVN 09:2017/BXD rút xuống còn khoảng 20 trang và 18 vấn đề. Rõ ràng nội dung là đã được đơn giản hóa và thuận lợi hơn rất nhiều.

    Ông Nguyễn Trung Hòa cũng cho biết: Qua việc thực hiện và khảo sát các công trình trình diễn trong thực tế cho thấy, khả năng tuân thủ quy chuẩn của các chủ đầu tư là rất lớn, trong khi chi phí vận hành giảm từ 27 – 36% đối với bệnh viện, 20 – 27% đối với nhà chung cư, tương đương với chi phí đầu tư tăng lên 4% với bệnh viện và 1% đối với nhà chung cư, khả năng thu hồi vốn trong khoảng từ 2 – 5 năm.

    Các nội dung của QCVN 09:2017/BXD đi vào thực chất vấn đề hơn. Phạm vi điều chỉnh không thay đổi, chủ yếu là các công trình thuộc nhóm: Văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại và chung cư. Các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh gồm: Các lớp phủ bao che (tường không xuyên sáng, xuyên sáng); thông gió tự nhiên, nhân tạo, điều hòa không khí; chiếu sáng (tự nhiên, nhân tạo); thiết bị sử dụng điện khác (thang máy, động cơ điện, nước nóng…).

    Lưu ý, các công trình này phải có diện tích sàn lớn hơn hoặc bằng 2.500m2. Lớp vỏ bao che của công trình rất quan trọng, phải kiểm soát lớp vỏ này vì nó ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiêu hao năng lượng sử dụng trong công trình.

    Kinh nghiệm của Đà Nẵng

    Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, bà Trần Thị Kim Huế đến từ Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: Sở Xây dựng Đà Nẵng là một trong những Sở chuyên ngành đầu tiên ký cam kết triển khai thực hiện QCVN 09:2013/BXD với Bộ Xây dựng và IFC ngay từ giai đoạn đầu.

    Từ năm 2014 – 2015, cơ quan này đã phối hợp với IFC tập huấn về QCVN 09:2013/BXD, thực hiện thẩm tra, thẩm định 01 dự án trình diễn là Văn phòng làm việc FPT tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Tòa nhà này cao 6 tầng với hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời công suất 1.500 L và tấm PV 12kWh/ngày, chi phí gia tăng 435.000 USD, thời gian hoàn vốn 3,7 năm.

    Giai đoạn 2014 – 2015, trong công tác thẩm định, Sở Xây dựng Đà Nẵng kiến nghị các chủ đầu tư áp dụng một số giải pháp như: Sử dụng vật liệu xây dựng không nung, lựa chọn kính có hệ số truyền nhiệt thấp, sử dụng đèn hiệu suất cao, hệ thông đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, thiết bị tiết kiệm nước cho hệ thống cấp nước, ưu tiên sử dụng thang máy có bộ điều khiển VVVF, thiết bị điều hòa tiết kiệm điện (VRV, cảm biến nhiệt).

    Hiện nay, Sở Xây dựng Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với IFC và Bộ Xây dựng tập huấn chuyên sâu về QCVN 09:2013/BXD, tăng cường yêu cầu các chủ đầu tư áp dụng một số giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sử dụng vật liệu khi thực hiện công tác thẩm tra, thẩm định, phối hợp với IFC trong công tác thẩm tra, thẩm định thực tế tại khách sạn Ecogreen, khách sạn Như Minh và Trung tâm Tim mạch TP Đà Nẵng.

    Bà Trần Thị Kim Huế cũng cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Sở Xây dựng Đà Nẵng thí điểm chính sách ưu đãi trong giải quyết thủ tục hành chính như: Rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, cho phép tăng chiều cao công trình, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu.

    Sẽ có một bộ hoàn chỉnh 3 tài liệu liên quan đến QCVN 09:2017 là nội dung QCVN 09:2017, bảng kiểm và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật. Tất cả các nội dung, tài liệu hướng dẫn liên quan đến QCVN 09:2017 được cập nhật trên website về tiết kiệm năng lượng của Bộ Xây dựng.

    Theo BĐT Xây dựng

    Bình luận