Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Phát triển nhà ở thu nhập thấp

    17/01/2018 - 02:18
    423
    0
    0

    Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay diện tích nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ, gọi chung là nhà ở thu nhập thấp (TNT) khoảng bốn triệu m2, đạt gần 40% yêu cầu theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Ðiều này cho thấy, tiềm năng của phân khúc này còn rất lớn, hằng năm tiếp tục gia tăng, nhất là tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, gần đây thị trường nhà TNT đang có xu hướng chững lại, khiến mơ ước của nhiều người dân về một nơi “an cư lạc nghiệp” càng khó khăn hơn.

    Vài năm trước đây, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng, phân khúc nhà TNT có điều kiện phát triển, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho đại bộ phận người dân, từng bước bình ổn thị trường bất động sản. Nhưng khi gói hỗ trợ kết thúc, phân khúc này cũng “chìm” theo. Việc triển khai các nguồn vốn hỗ trợ tiếp theo khá chậm chạp, dẫn đến nguồn cung nhà TNT đã ít, nay còn khan hiếm hơn. Hơn một năm qua, không có thêm nhiều dự án khởi công, nhất là nhà ở xã hội, chủ yếu vẫn là các dự án đã triển khai từ trước đó. Việc dành 20% quỹ đất sạch trong các dự án phát triển khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội chưa được thực hiện nghiêm túc nên việc triển khai xây dựng gặp khó khăn, doanh nghiệp giảm sự “mặn mà” đối với phân khúc này. Ngoài ra, một số dự án nhà TNT xây dựng ở những địa điểm nằm xa trung tâm, giao thông không thuận tiện, hạ tầng chưa đầy đủ, do đó không thu hút được người dân vào ở,…

    Ðể thúc đẩy phân khúc nhà TNT, cần có cách tiếp cận và tư duy mới, nhất là tập trung giải quyết hai vướng mắc về nguồn vốn và nguồn cung. Hiệu quả của gói hỗ trợ nhà ở đã thấy rõ, do vậy Nhà nước cần xem xét tạo nguồn vốn hỗ trợ ổn định hằng năm. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, việc mỗi năm dành ra khoảng 1.000 đến 2.000 tỷ đồng ưu đãi phát triển các loại hình nhà ở phù hợp với phần lớn đối tượng TNT là cần thiết và không phải quá lớn so với nhu cầu đầu tư kinh tế – xã hội hằng năm của cả nước. Theo tính toán sơ bộ, một đồng đầu tư vào nhà TNT sẽ thu hút khoảng 16 đồng nguồn lực đầu tư ngoài xã hội. Những gói hỗ trợ như vậy sẽ thật sự đem lại nhiều lợi ích hơn từ việc người dân TNT có nhà ở đến hàng loạt thị trường ăn theo.

    Nhằm tạo nguồn cung ổn định, ngoài việc thực hiện quyết liệt, nghiêm túc và minh bạch việc sử dụng quỹ đất sạch để phát triển nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại cũng nên dành một phần diện tích phát triển nhà ở TNT một cách hợp lý với các loại diện tích linh hoạt, phù hợp để bảo đảm người TNT cũng được hưởng hệ thống hạ tầng, vui chơi giải trí, sinh hoạt,… như những đối tượng khác. Ðiều này sẽ giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo thêm sức hấp dẫn cho phân khúc nhà TNT. Ðồng thời tiếp tục cải thiện tính minh bạch trên thị trường bất động sản nhằm tránh việc lợi dụng các chính sách ưu đãi để trục lợi, hạn chế việc đầu cơ nhà TNT bằng các chính sách tín dụng chặt chẽ…, bảo đảm mục tiêu “kép” phát triển ổn định thị trường bất động sản và an sinh xã hội.

    Theo Báo Nhân dân điện tử

    Bình luận