Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Một số vấn đề về đánh giá, công bố xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng Việt Nam

    13/03/2019 - 09:26
    607
    0
    0
    Đánh giá đúng thực trạng và công bố công khai, minh bạch năng lực nhà thầu xây dựng là cơ sở hết sức cần thiết để đảm bảo lựa chọn nhà thầu phù hợp cung cấp sản phẩm, công trình xây dựng đạt chất lượng, hiệu quả kinh tế. Đây đang là mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng. Mặt khác, năng lực nhà thầu xây dựng được công bố công khai, minh bạch sẽ hỗ trợ thiết thực cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, các cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong việc lựa chọn được nhà thầu có năng lực phù hợp thực hiện các gói thầu xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời tránh các hiện tượng tiêu cực trong việc lựa chọn nhà thầu như “thông thầu”, “hồ sơ đẹp” đang tương đối phổ biến và gây nhiều hậu quả hiện nay. Năng lực nhà thầu xây dựng cần được xem xét, đánh giá từ các tiêu chí tổng quát về năng lực kỹ thuật (trang thiết bị kỹ thuật, năng lực nhân sự), năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện các gói thầu, công trình tương tự. Về mặt lý thuyết, để đánh giá toàn diện, đầy đủ năng lực của nhà thầu xây dựng cần sử dụng hệ thống tiêu chí đánh giá tương đối chi tiết từ các tiêu chí tổng quát nêu trên. Chẳng hạn như năng lực tài chính là tổng hợp từ các tiêu chí như vốn, doanh thu, lợi nhuận, khả năng thanh toán. Tuy nhiên, trên thực tế do thiếu hệ thống thông tin đầy đủ, minh bạch về năng lực, kinh nghiệm thực tế của nhà thầu mà chỉ căn cứ vào kê khai của nhà thầu, hạn chế về chuyên môn của bên mời thầu, sự thúc ép về thời gian đánh giá… nên không ít trường hợp không chọn được nhà thầu như mong muốn. Để khắc phục tình trạng này, nhiều nước đã và đang phát triển xây dựng và công bố hàng năm thông tin công khai, minh bạch về danh sách xếp hạng năng lực thực tế của nhà thầu xây dựng theo số liệu về doanh thu/năm và kinh nghiệm thực hiện gói thầu, công trình xây dựng. Kết quả công bố này giúp bên mời thầu rút ngắn được thời gian xem xét năng lực, kinh nghiệm nhà thầu và đảm bảo được độ tin cậy, khách quan của thông tin cung cấp. Đồng thời đây cũng là kênh thông tin để nhà thầu tự nhìn nhận rõ năng lực của mình trong tương quan so sánh với các nhà thầu khác mà phấn đấu vươn lên. 

    Ở nước ta, thời gian qua mới chỉ có thông tin công bố hàng năm về xếp hạng doanh nghiệp nói chung của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam mà chưa có các thông tin công bố chính thức về xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, trong khuôn khổ của bài viết, tác giả phân tích và đề xuất một số vấn đề liên quan tới đánh giá và xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng (giới hạn với nhà thầu thi công xây dựng công trình) ở Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

    1. Về kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tế ở Việt nam trong thời gian qua

    Những năm qua, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam quan tâm nhiều về vấn đề này. Tháng 12 năm 2012,  Hiệp hội đã tổ chức một hội thảo chuyên đề về chủ đề đánh giá xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng Việt Nam. Tại hội thảo đã có nhiều bài tham luận của các chuyên gia đại diện cho các hội nhà thầu xây dựng, đơn vị đào tạo, nghiên cứu, các doanh nghiệp xây dựng (Nội dung chi tiết các bài tham luận được đăng trên Tạp chí Nhà thầu và thị trường xây dựng, số 06/2012). Trong đó có những bài viết giới thiệu về kinh nghiệm quốc tế cũng như các đề xuất áp dụng đối với nước ta về xác định tiêu chí đánh giá và xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng.

    Về kinh nghiệm quốc tế, bài tham luận của Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam đã tổng quan thực tế từ một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Nam Phi, Singapore…là những nước đã thực hiện công bố việc đánh giá xếp hạng năng lực của nhà thầu xây dựng. Kinh nghiệm chung từ các nước đã chỉ ra, năng lực các nhà thầu xây dựng được đánh giá, công bố xếp hạng theo 2 nhóm chính là nhóm tổng thầu/thầu chính xây dựng (nhà thầu có kinh nghiệm, nhận thầu thi công xây dựng toàn bộ công trình, dự án) và nhóm nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật (nhà thầu có kinh nghiệm, nhận thầu thực hiện các công đoạn, công việc chuyên môn hoặc hạng mục của công trình xây dựng). Đối với nhóm tổng thầu/thầu chính xây dựng, được tiếp tục phân loại nhà thầu theo kinh nghiệm xây dựng công trình chuyên ngành để đánh giá, so sánh xếp hạng năng lực phù hợp như: Xây dựng công trình nhà ở, xây dựng công trình đường bộ, xây dựng công trình thủy lợi… Trong mỗi loại tổng thầu/thầu chính xây dựng công trình được sắp xếp theo một số bậc so sánh (có thể là 3, 4 bậc hoặc nhiều hơn) trên cơ sở doanh thu xây lắp bình quân/năm, được tính trong một số năm gần nhất, có thể bình quân của 3 hoặc 5 năm gần nhất mà nhà thầu đã thực hiện được. Ví dụ: Tại Singapore có 7 loại nhà thầu thi công xây dựng công trình chuyên ngành, trong mỗi loại có một số bậc so sánh về năng lực, như loại nhà thầu xây dựng công trình dân dụng có 7 bậc so sánh; Tại Tanzania tương ứng có 5 loại nhà thầu xây dựng công trình chuyên ngành, mỗi loại có 7 bậc so sánh; tại Trung Quốc là 12 loại nhà thầu xây dựng công trình chuyên ngành, mỗi loại phân chia theo 4 bậc so sánh… Đối với nhóm thầu chuyên môn kỹ thuật (là các thầu phụ) cũng được phân loại theo kinh nghiệm thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong các công trình xây dựng để tiến hành so sánh, xếp hạng như: xây dựng nền móng; công tác bê tông; lắp đặt cơ khí, thiết bị công trình; lắp đặt hệ thống thông tin, tín hiệu; hoàn thiện công trình dân dụng…  

    Cũng tại hội thảo này, có nhiều bài tham luận khác của các chuyên gia như TS. Dương Văn Cận, PGS.TS. Đinh Đăng Quang, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP đầu tư dầu khí Toàn cầu Nguyễn Quốc Hiệp… đã nghiên cứu, đề xuất các vấn đề có liên quan tới xác định tiêu chí đánh giá và phương pháp đánh giá, xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng Việt Nam. Nhìn chung các tác giả đều thống nhất, năng lực các nhà thầu tổng thầu/thầu chính xây dựng cần phân loại để so sánh phù hợp với loại công trình xây dựng; trong mỗi loại các nhà thầu được xếp hạng so sánh theo các bậc so sánh A, B, C… phù hợp với các khoảng doanh thu bình quân năm của nhà thầu xây dựng. Ở mỗi nhóm các nhà thầu được xếp vị trí cao thấp căn cứ theo các tiêu chí đánh giá về doanh thu, kinh nghiệm thực hiện thực tế và các tiêu chí khác như trang bị kỹ thuật, năng lực đội ngũ nhân sự…. Cách thức này cũng được thực hiện tương tự khi xếp hạng năng lực các nhà thầu phụ (nhà thầu chuyên môn). Đề xuất của TS. Dương Văn Cận đã chỉ ra: Để so sánh năng lực các nhà thầu tổng thầu/thầu chính xây dựng cần được phân loại theo các lĩnh vực hoạt động gồm: Xây dựng Dân dụng; Giao thông; Thủy lợi; Thủy điện, nhiệt điện; Hạ tầng kỹ thuật; Công nghiệp vật liệu xây dựng; Công nghiệp khác… Để so sánh năng lực các nhà thầu chuyên môn cần được phân loại so sánh theo các lĩnh vực như: Thi công san nền và xử lý nền móng; gia công và lắp đặt cơ khí xây dựng; lắp đặt thiết bị dân dụng vào công nghiệp; đường ống dẫn dầu, khí, cấp, thoát nước. Các đề xuất này là phù hợp với thực tế và kinh nghiệm các nước.
    Vấn đề xác định số lượng các tiêu chí đánh giá và phương pháp so sánh để xếp hạng các nhà thầu thì còn một số ý kiến khác nhau, việc lựa chọn nhiều tiêu chí đánh giá chi tiết sẽ khó thu thập chính xác và chưa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay ở nước ta. Đồng thời khi sử dụng phương pháp đánh giá bằng chấm điểm (khi áp dụng nhiều tiêu chí đánh giá) cũng dẫn tới sự lúng túng khi so sánh đồng thời các tiêu chí này, vì hệ số quan trọng của mỗi tiêu chí xác định theo ý kiến chuyên gia dẫn đến định tính, khó thực hiện, thiếu sức thuyết phục.

    Một số năm gần đây, trên Tạp chí Nhà thầu và thị trường xây dựng của Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam tiếp tục có một số bài viết bàn luận tới vấn đề này. Đặc biệt tại số 03 năm 2017 của Tạp chí này có nêu ra Chương trình hoạt động năm 2018 của Hiệp hội và trong đó có xác định nhiệm vụ triển khai công tác xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng.
     Căn cứ từ một số kinh nghiệm các nước nêu trên, tình hình thực thực tế và đặc điểm quản lý xây dựng hiện nay ở nước ta, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi trình bày một số vấn đề liên quan về đánh giá, xếp hạng, công bố năng lực nhà thầu tổng thầu/thầu chính xây dựng (giới hạn với nhà thầu thi công xây dựng công trình) và nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật.

    2. Về xếp hạng, so sánh năng lực nhà thầu thi công xây dựng công trình chuyên ngành

    Việc xếp hạng, so sánh năng lực nhà thầu thi công xây dựng công trình được thực hiện theo trình tự các bước như sau:
    – Phân loại nhà thầu.
    – Phân bậc so sánh trong mỗi loại nhà thầu.
    – Xếp hạng, đánh giá, so sánh năng lực của nhà thầu trong mỗi bậc so sánh.
    2.1. Phân loại nhà thầu
    Các nhà thầu thi công xây dựng công trình được phân chia theo 6 loại nhà thầu thi công xây dựng công trình chuyên ngành phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật xây dựng, để thực hiện so sánh như sau:
    – Loại 1: Nhà thầu xây dựng công trình dân dụng (nhà ở, công trình công cộng);
     – Loại 2: Nhà thầu xây dựng công trình giao thông (đường bộ, đường sắt, cầu, cảng, công trình hàng không, công trình biển, công trình hầm, giao thông ngầm, bãi đỗ xe ngầm trong đô thị…);
    – Loại 3: Nhà thầu xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (đê, đập, kè, hồ chứa nước, kênh mương…);
    – Loại 4: Nhà thầu xây dựng công trình công nghiệp (công nghiệp VLXD, hóa chất, năng lượng…);
    – Loại 5: Nhà thầu xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ( Cấp nước,  thoát nước; xử lý chất thải rắn…);
    – Loại 6: Nhà thầu xây dựng công trình quốc phòng, an ninh.
    2.2. Phân bậc so sánh trong mỗi loại nhà thầu
    Với mỗi loại nhà thầu thi công xây dựng công trình chuyên ngành được phân chia theo một số bậc so sánh phù hợp với các mức doanh thu xây lắp bình quân/năm của nhà thầu (tính trong vòng 3 hoặc 5 năm gần nhất) để làm cơ sở so sánh năng lực của các nhà thầu. Theo ý kiến chúng tôi, trong mỗi loại nhà thầu thi công xây dựng công trình chuyên ngành có thể lựa chọn ra 3 bậc so sánh theo mức doanh thu xây lắp bình quân/năm gồm : Bậc A, B và C như sau:
    + Bậc A: Gồm các nhà thầu có doanh thu bình quân/năm >500 tỷ VNĐ
    + Bậc B: Gồm các nhà thầu có doanh thu bình quân/năm ≥ 100-500 tỷ VNĐ
    + Bậc C: Gồm các nhà thầu có doanh thu bình quân/năm < 100 tỷ VNĐ
              Các nhà thầu có kinh nghiệm xây dựng cùng loại công trình chuyên ngành có các mức doanh thu ở cùng bậc so sánh được lựa chọn vào các phân nhóm để thực hiện việc đánh giá, công bố, xếp hạng năng lực nhà thầu. Theo đó sẽ có 18 phân nhóm nhà thầu thi công xây dựng công trình chuyên ngành theo loại và bậc so sánh khác nhau.Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế phát triển doanh nghiệp xây dựng và phân nhóm tập trung hơn, số lượng phân bậc so sánh có thể tăng lên, tương ứng khoảng doanh thu trong mỗi bậc thu hẹp hơn.
    2.3. Xếp hạng, lựa chọn tiêu chí đánh giá năng lực của nhà thầu trong mỗi bậc so sánh
    a) Xếp hạng nhà thầu
     Việc xếp hạng nhà thầu làm cơ sở để so sánh, đánh giá năng lực nhà thầu thi công xây dựng công trình chuyên ngành được căn cứ theo kinh nghiệm thực tế về cấp công trình mà nhà thầu đã thực hiện, thông qua số lượng các hợp đồng nhà thầu đã hoàn thành với tư cách là tổng thầu/thầu chính. Cách lựa chọn này là phù hợp với yêu cầu, quy định hiện hành của pháp luật xây dựng về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.
    Theo đó trong mỗi bậc so sánh A,B,C của nhà thầu thi công xây dựng công trình chuyên ngành  được xếp theo 3 hạng như sau:
    – Hạng I: Gồm những nhà thầu đã từng thi công từ 2 công trình cấp II hoặc 1 công trình cấp I trở lên.
    – Hạng II: Gồm những nhà thầu đã từng thi công tối đa 1 công trình cấp I1 hoặc từ 2 công trình cấp III trở lên.
    – Hạng III: Là các nhà thầu còn lại.
    Ví dụ: Nhà thầu thi công xây dựng công trình dân dụng thuộc bậc B – doanh thu bình quân/năm ≥ 100-500 tỷ VNĐ sẽ được phân chia theo 3 hạng năng lực để đánh giá, so sánh, gồm :
    + Hạng I: Gồm các nhà thầu đã xây dựng ít nhất 2 công trình dân dụng  cấp II hoặc một công trình dân dụng cấp I.
    + Hạng II: Gồm các nhà thầu đã xây dựng tối đa một công trình dân dụng cấp II hoặc 2 công trình dân dụng cấp III trở lên.
    + Hạng III:  Gồm các nhà thầu đã xây dựng tối đa 1 công trình dân dụng cấp III và các công trình dân dụng IV.
    b) Lựa chọn tiêu chí đánh giá
    Các tiêu chí được sử dụng để đánh giá gồm có tiêu chí chính và tiêu chí phụ.
    – Tiêu chí chính: Tiêu chí chính được sử dụng để đánh giá, so sánh, xếp hạng năng lực nhà thầu căn cứ theo số lượng nhiều/ít các gói thầu của công trình cùng loại, cấp mà nhà thầu đã thực hiện, hoàn thành trong vòng 3 hoặc 5 năm gần nhất không có sai phạm, sự cố kỹ thuật.
    – Tiêu chí phụ gồm :
    + Các nhà thầu có gây ra sai phạm, sự cố kỹ thuật xây dựng công trình nhà thầu sẽ không được đánh giá, so sánh công bố xếp hạng năng lực.
    + Các nhà thầu có giải thưởng về chất lượng xây dựng công trình được khuyến khích ưu tiên lựa chọn so với nhà thầu có cùng số hợp đồng, cấp công trình đã thực hiện tương đương.
    2.4. So sánh, đánh giá năng lực nhà thầu thi công xây dựng chuyên ngành
    Việc so sánh, đánh giá năng lực nhà thầu thi công xây dựng công trình chuyên ngành thể hiện qua một số ví dụ sau:
    Ví dụ 1. Kết quả xếp hạng năng lực và thứ tự so sánh của 5 nhà thầu xây dựng công trình Dân dụng có doanh thu bình quân/năm ≥ 100-500 tỷ VNĐ (thuộc Bậc so sánh B) như bảng 1.

    Bảng 1. Xếp hạng năng lực và thứ tự so sánh của 5 nhà thầu xây dựng công trình Dân dụng thuộc Bậc so sánh B

      Nhà thầu Số lượng gói thầu và cấp của công trình dân dụng do nhà thầu đã thực hiện Kết quả xếp hạng và thứ tự so sánh nhà thầu
    Cấp đặc biệt, I Cấp II Cấp III
    Nhà thầu 1 4 gói 2 gói   Hạng I, xếp thứ 2
    Nhà thầu 2 5 gói 1 gói   Hạng I, xếp thứ nhất
    Nhà thầu 3 3 gói 4 gói   Hạng I, xếp thứ 3
    Nhà thầu 4   8 gói   Hạng I, xếp thứ 4
    Nhà thầu 5   7 gói   Hạng I, xếp thứ 5
     
    Ví dụ 2. Kết quả xếp hạng năng lực và thứ tự so sánh của 8 nhà thầu xây dựng công trình Giao thông, có doanh thu bình quân/năm < 100 tỷ VNĐ tỷ VNĐ ( thuộc Bậc so sánh C) như bảng 2.

    Bảng 2. Xếp hạng năng lực và thứ tự so sánh của 8 nhà thầu xây dựng công trình Giao thông thuộc Bậc so sánh C

    Nhà thầu tổng thầu/thầu chính Số lượng gói thầu và cấp của công trinh Giao thông do nhà thầu đã thực hiện Kết quả xếp hạng và thứ tự so sánh nhà thầu
    Cấp II Cấp III Cấp IV
    Nhà thầu 1 1 gói 4 gói 2 gói Hạng II, xếp thứ 2
    Nhà thầu 2 1 gói 5 gói 3 gói Hạng II, xếp thứ nhất
    Nhà thầu 3   4 gói 4 gói Hạng II, xếp thứ 5
    Nhà thầu 4   1 gói 5 gói Hạng III, xếp thứ 2
    Nhà thầu 5   1 gói 3 gói Hạng III, xếp thứ 3
    Nhà thầu 6   5 gói 4 gói Hạng II, xếp thứ 4
    Nhà thầu 7   6 gói 2 gói Hạng II, xếp thứ 3
    Nhà thầu 8   1 gói 7 gói Hạng III, xếp thứ nhất
     
    3. Về xếp hạng, so sánh năng lực nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật

    Việc xếp hạng, so sánh năng lực nhà thầu xây dựng công trình chuyên môn kỹ thuật được thực hiện theo trình tự các bước như sau:
    – Phân loại nhà thầu.
    – Phân bậc so sánh trong mỗi loại nhà thầu.
    – Xếp hạng, đánh giá, so sánh năng lực của nhà thầu trong mỗi bậc so sánh.
    3.1. Phân loại nhà thầu
    Các nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật có thể được phân chia theo những loại như sau:
    – Nhà thầu thi công nền, móng công trình;
    – Nhà thầu gia công lắp đặt cơ khí xây dựng;
    – Nhà thầu lắp đặt thiết bị công trình dân dụng;
    – Nhà thầu lắp đặt thiết bị công trình thủy điện, công nghiệp;
    – Nhà thầu xây dựng lắp đặt đường ống dẫn khí, dầu;
    – Nhà thầu lắp đặt hệ thống thông tin, điều khiển tự động tín hiệu trong công trình xây dựng.
    ……………..
              Như vậy loại nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật có thể sẽ đa dạng hơn so với loại nhà thầu thi công xây dựng công trình chuyên ngành do quá trình chuyên môn hóa xây dựng ngày càng sâu.
    3.2. Phân bậc so sánh trong mỗi loại nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật
     Việc phân bậc trong mỗi loại nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật cũng được phân chia theo các mức doanh thu xây lắp bình quân/năm của nhà thầu (tính trong vòng 3 hoặc 5 năm gần nhất) để làm cơ sở so sánh năng lực của các nhà thầu. Theo ý kiến chúng tôi, căn cứ vào thực tế doanh thu có thể của các nhà thầu này, với mỗi loại nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật có thể lựa chọn 3 bậc so sánh A, B và C theo các mức doanh thu như sau:
    – Bậc A: Gồm các nhà thầu có doanh thu bình quân/năm: >50 tỷ VNĐ
    – Bậc B: Gồm các nhà thầu có doanh thu bình quân/năm: 20-50 tỷ VNĐ
    – Bậc C: Gồm các nhà thầu có doanh thu bình quân/năm: <20 tỷ VNĐ
              Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế phát triển doanh nghiệp xây dựng và phân nhóm tập trung hơn, số lượng phân bậc so sánh có thể tăng lên, tương ứng với khoảng doanh thu trong mỗi bậc thu hẹp hơn.
    3.3. Xếp hạng, lựa chọn tiêu chí đánh giá năng lực của nhà thầu trong mỗi bậc so sánh
    a) Xếp hạng nhà thầu
     Việc xếp hạng nhà thầu làm cơ sở để so sánh, đánh giá năng lực nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật cũng được căn cứ theo kinh nghiệm thực tế về cấp công trình mà nhà thầu đã thực hiện, thông qua số lượng các hợp đồng nhà thầu đã hoàn thành với tư cách là nhà thầu chuyên môn kỹ thuật. Cách lựa chọn này là phù hợp với yêu cầu, quy định hiện hành  của pháp luật xây dựng về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.
    Theo đó trong mỗi bậc so sánh A,B,C của nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật được xếp theo 3 hạng như sau:
    – Hạng I: Gồm những nhà thầu đã từng thực hiện gói thầu chuyên môn kỹ thuật của 2 công trình cấp II hoặc 1 công trình cấp I trở lên
    – Hạng II : Gồm những nhà thầu đã từng thực hiện gói thầu chuyên môn kỹ thuật của tối đa 1 công trình cấp II hoặc từ 2 công trình cấp III trở lên
    – Hạng III : Là các nhà thầu còn lại
    b) Lựa chọn tiêu chí đánh giá
    Việc lựa chọn tiêu chí đánh giá thực hiện tương tự Mục 1.4, cụ thể như sau
    – Tiêu chí chính: Tiêu chí chính được sử dung để so sánh, đánh giá, xếp hạng năng lực nhà thầu căn cứ theo số lượng nhiều/ít các gói thầu của công trình cùng loại, cấp mà nhà thầu đã thực hiện, hoàn thành  trong vòng 5 năm gần nhất không có sai phạm , sự cố kỹ thuật.
    – Tiêu chí phụ gồm :
    + Các nhà thầu có gây ra sai phạm, sự cố kỹ thuật xây dựng công trình nhà thầu sẽ không được đánh giá, so sánh công bố xếp hạng năng lực.
    + Các nhà thầu có giải thưởng về chất lượng xây dựng công trình được khuyến khích ưu tiên lựa chọn so với nhà thầu có cùng số hợp đồng, cấp công trình đã thực hiện tương đương.
    3.4. So sánh, đánh giá năng lực nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật
    Việc so sánh, đánh giá năng lực nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật thể hiện qua ví dụ 3.
    Ví dụ 3. Kết quả đánh giá, xếp hạng năng lực của 5 nhà thầu xây dựng nền, móng công trình, có doanh thu bình quân/năm 20-50 tỷ (Bậc so sánh B) như sau :

     Bảng 3. Kết quả đánh giá, xếp hạng năng lực của 5 nhà thầu xây dựng nền, móng công trình thuộc Bậc so sánh B

    Nhà thầu xây dựng nên. Móng công trình Số lượng gói thầu xây dựng nền, móng và cấp của công trinh xây dựng do nhà thầu thực hiện Kết quả xếp hạng và thứ tự so sánh nhà thầu
    Cấp đặc biệt, I Cấp II Cấp III
    Nhà thầu 1 6 gói 3 gói   Hạng I, xếp thứ Nhì
    Nhà thầu 2 7 gói 2 gói   Hạng I, xếp thứ Nhất
    Nhà thầu 3 2 gói 8 gói   Hạng I, xếp thứ Ba
    Nhà thầu 4   9 gói 5 gói Hạng I, xếp thứ Bốn
    Nhà thầu 5   8 gói 5 gói Hạng I, xếp thứ Năm

     

    4. Một số đề xuất về tổ chức đánh giá, công bố xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng
    Xuất phát từ điều kiện thực tế hiện nay, chúng tôi đề xuất một số vấn đề về tổ chức đánh giá, công bố xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng như sau:
    – Về nhóm nhà thầu xây dựng: Đánh giá, công bố xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng, trước mắt có thể tiến hành cho hai nhóm nhà thầu là nhóm nhà thầu thi công xây dựng công trình chuyên ngành và nhóm nhà thầu xây dựng chuyên môn kỹ thuật.
    – Việc phân loại, xếp bậc, hạng so sánh năng lực và phương pháp đánh giá, xếp hạng nhà thầu xây dựng cần được khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi được cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quyết định áp dụng trong toàn quốc.
    – Việc kê khai, đánh giá cần được thực hiện theo phương thức có so sánh, đối chứng, nhà thầu và chủ đầu tư tự kê khai theo mẫu biểu thống nhất do Cơ quan quản lý nhà nước về công trình xây dựng chuyên ngành phối hợp với Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam ban hành. Cơ quan, đơn vị này sẽ xem xét đối chiếu mức độ hợp lý, chuẩn xác từ các kê khai để làm cơ sở phục vụ cho công tác đánh giá, công bố xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng.
    – Doanh thu nhà thầu xây dựng phục vụ cho công tác đánh giá, xếp hạng công bố năng lực nhà thầu cần xác định theo doanh thu từ hoạt động xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng.
    –  Công tác đánh giá, công bố xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng cần được tiến hành hàng năm do Cơ quan quản lý nhà nước về công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì phối hợp với Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức thực hiện.
    – Các số liệu về kinh nghiệm, năng lực thực hiện của nhà thầu được tính trong vòng 5 năm gần nhất. Nhà thầu, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của số liệu thực tế cung cấp.
    – Việc đánh giá, công bố xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng cần tiến hành trên phạm vi toàn quốc, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình thực hiện cần được tiếp tục tổng kết, đánh giá và hoàn thiện để phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn phát triển của ngành xây dựng trong những năm tiếp theo.

    Tác giả: TS. LÊ VĂN LONG
    VIỆN KINH TẾ XÂY DỰNG, BỘ XÂY DỰNG

    Bình luận