Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • M&A (Mua bán – sáp nhập) doanh nghiệp, một hướng đi tích cực để tái cơ cấu các doanh nghiệp xây dựng hiện nay

    10/05/2017 - 04:33
    424
    0
    0

    ThS. NGUYỄN TẤN VINH
    PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ XÂY DỰNG, BỘ XÂY DỰNG

    Mua bán – sáp nhập (M&A) là hoạt động kinh doanh đang dần sôi động trên thị trường, với những lợi ích có được từ các thương vụ M&A thành công ở các lĩnh vực tài chính, sản xuất,  rất có thể cũng thành công đối với các doanh nghiệp hoạt động xây dựng. Đây sẽ là hướng đi mới để tái cơ cấu các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hiện nay.

    Chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất khi các cơ quan chức năng như Tổng cục Thống kê, VCCI, Ngân hàng nhà nước công bố những con số không mấy lạc quan về kinh tế những năm qua: tốc độ tăng trưởng giảm, nợ xấu tăng, thị trường tài chính tiềm ẩn những nguy cơ xấu, vốn đầu tư giảm,…Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc rời bỏ thị trường của hơn 100.000 doanh nghiệp.
    Sự ổn định và phát triển kinh tế của Việt Nam không thể tách rời sự khỏi sự phát triển bền vững của thị trường xây dựng. “Ngành xây dựng có thể được sử dụng như là chỉ báo đối với những khó khăn của nền kinh tế” (Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 – Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), đây là một nhận định đúng đắn và phù hợp trong giai đoạn hiện nay của kinh tế Việt Nam. Những nguyên nhân từ kinh tế vĩ mô đã tác động làm trầm trọng hơn những khó khăn của thị trường xây dựng, với sự ảm đạm của thị trường bất động sản, nguồn “Cầu” chủ yếu của thị trường xây dựng đã gây ra hệ lụy rất xấu cho các thị trường “Cung” như vật liệu xây dựng, thi công xây lắp, tư vấn, lao động,…. Bên cạnh đó, với chính sách thắt chặt chi tiêu công cũng đã tác động một phần không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường xây dựng. Trong số những doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong những năm vừa qua, có số lượng không nhỏ của các doanh nghiệp hoạt động xây dựng.
    Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định đây là giai đoạn rất khó khăn của kinh tế Việt Nam, nhưng qua đó mới bộc lộ ra được những yếu kém về quản lý vĩ mô, những khuyết tật của kinh tế thị trường Việt Nam. Tạo nên tiền đề cho những ứng xử phù hợp, tạo đà cho quá trình phục hồi kinh tế. Đối với thị trường xây dựng, đây cũng là cơ hội đào thải những doanh nghiệp yếu kém, cơ hội cho các doanh nghiệp trụ lại, tự nhìn nhận đánh giá lại mình và có những giải pháp, định hướng phát triển thích hợp.
    Một trong những giải pháp đang được thực thi hiện nay là “Tái cơ cấu doanh nghiệp”, đối với các doanh nghiệp xây dựng thuộc phạm vi Nhà nước quản lý là các Tổng công ty xây dựng cũng đang thực hiện lộ trình này. Trong giới hạn bài viết không đề cập đến những nội dung của tái cấu trúc và đổi mới doanh nghiệp xây dựng nhà nước hiện nay, mà chỉ đề xuất một giải pháp cần nghiên cứu để áp dụng đối với các doanh nghiệp xây dựng, đó là giải pháp M&A, đó là  Mua bán (acquisition) và sáp nhập (merger) doanh nghiệp.
    M&A là một phần tất yếu của bất cứ nền kinh tế lành mạnh nào và là một công cụ hiệu quả để tái cơ cấu doanh nghiệp. Quan trọng hơn, đó là cách thức chủ yếu để các doanh nghiệp cơ cấu lại, mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, đem lại thu nhập cho chủ sở hữu và các nhà đầu tư. Nguyên tắc M &A là tạo ra giá trị cho cổ đông bao trùm và lớn hơn tổng giá trị hiện tại của hai doanh nghiệp, khi hai doanh nghiệp tồn tại riêng rẽ.
    M&A là một xu hướng mới trong hoạt động kinh tế nhưng đã được định hình từ trước ở Việt Nam. Theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2005 không có khái niệm mua, bán doanh nghiệp, chỉ có khái niệm hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 152 và Điều 153. 
    – Hợp Nhất: Hai hoặc một số công ty cùng loại (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
    – Sáp nhập: Một hoặc một số công ty cùng loại (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
    Đối với các doanh nghiệp xây dựng khi tiến hành M&A có những lợi ích tổng thể như sau:
    1. Cải thiện tình hình tài chính: Tăng thêm vốn sử dụng; Tăng khả năng tiếp cận thêm nguồn vốn; Chia sẻ rủi ro; Tăng cường tính minh bạch.
    2. Củng cố vị thế thị trường: Tăng thị phần; Tăng khách hàng; Tận dụng quan hệ khách hàng; Tận dụng khả năng cung cấp dịch vụ; Tận dụng kinh nghiệm, công nghệ để tạo cơ hội kinh doanh; Nâng cao năng lực cạnh tranh.
    3. Giảm thiểu chi phí ngắn hạn: Giảm thiểu trùng lặp trong phân phối, cung cấp sản phẩm, dịch vụ; Tiết kiệm chi phí hoạt động; Tiết kiệm chi phí quản lý hành chính.
    4. Tận dụng quy mô dài hạn: Tối ưu hóa kết quả đầu tư công nghệ; Tận dụng kinh nghiệm thành công của các bên; Giảm thiểu chi phí chung cho từng đơn vị sản phẩm.
    M&A được thực hiện ở Việt Nam hơn chục năm qua, song đang có những tín hiệu tích cực. Trong 5 năm gần đây, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng giá trị các thương vụ M&A từ năm 2009 đến nay ước đạt 14,8 tỉ USD, tăng trưởng bình quân 65%/năm. Riêng năm 2012, giá trị các thương vụ này đã đạt mức 5 tỉ USD. Giá trị của các thương vụ M&A cũng ngày càng lớn. Bên cạnh đó, xu hướng vốn nội địa tham gia vào M&A cũng ngày càng nhiều, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã đánh giá cao hoạt động này để tham gia mở rộng hoạt động của mình.
    Đối với thị trường xây dựng, các thương vụ M&A chủ yếu được thực hiện tại thị phần sản xuất vật liệu xây dựng. Cuối tháng 12/2012, thương vụ mua lại 70% cổ phần (tương đương 230 triệu USD) Xi măng Thăng Long của Tập đoàn Semen Gresik (Indonesia) từ CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) được dư luận rất quan tâm. Cũng trong ngành xi măng, Tập đoàn The Vissai đã mua lại Xi măng Đô Lương từ Tập đoàn HUD và Xi măng Đồng Bành từ Tổng công ty COMA. Xi măng Hạ Long thuộc Tổng công ty Sông Đà cũng đang được tính toán để bán lại cho Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Cùng với các thương vụ trong ngành xi măng, với việc Tập đoàn Siam của Thái Lan mua lại 85% cổ phần của Tập đoàn Prime (khoảng 5.000 tỷ đồng) – thương hiệu hàng đầu về sản xuất gạch của Việt Nam, với 20% thị phần (bên cạnh đó là việc mua lượng lớn cổ phần ở 2 công ty nhựa lớn nhất Việt Nam là Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong) chứng tỏ thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển.
    Đối với các doanh nghiệp hoạt động thi công xây lắp, hầu như chưa có một thương vụ M&A được tổng kết. Với động cơ tìm kiếm lợi nhuận, hoạt động M&A các doanh nghiệp thi công hiện nay tiềm ẩn rủi ro rất cao do tình hình thị trường xây lắp hiện nay và những khó khăn về tài chính mà các doanh nghiệp này đang phải chống đỡ. Một đặc thù của các thương vụ M&A là tỷ lệ thất bại thường từ 60-65%, khi thực hiện với các doanh nghiệp đang thua lỗ, nợ nần chồng chất như một số doanh nghiệp xây lắp hiện nay, thì tỷ lệ này sẽ còn cao hơn nữa. Vì vậy, việc đầu tư cho các thương vụ M&A các doanh nghiệp thi công xây dựng là đầu tư rủi ro. Tuy nhiên không phải không có cơ hội M&A cho các doanh nghiệp này. Cái đích các nhà đầu tư cần nhắm đến là khối lượng giá trị tài sản rất lớn của các doanh nghiệp này, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước đang kẹt cứng trong các dự án bất động sản, dự án đầu tư sản xuất vật liệu, công nợ với các chủ đầu tư, thiết bị thi công. Thông qua các thương vụ M&A, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể gián tiếp thâu tóm các dự án, các doanh nghiệp khác. Thực tế hiện nay, hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế do các doanh nghiệp này không muốn tái cơ cấu và sắp xếp lại doanh nghiệp, vì không muốn phá vỡ sự ổn định cũng như nếp làm, tư duy cố hữu, mặc dù chính sách cổ phần hóa và thực hiện cổ phần hoá hiện tại đã tiến hành đến cấp độ Tổng công ty.
    Đẩy mạnh các thương vụ M&A là một trong những biện pháp mạnh, triệt để nhằm tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Đối với các doanh nghiệp xây dựng, chủ yếu là doanh nghiệp thi công và sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, rất cần có 1 chính sách nhất quán, những chế tài đủ mạnh cộng với sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp cũng như sự phối hợp, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền. Khi đó, chúng ta mới hy vọng tạo bước đột phá trong tái cơ cấu doanh nghiệp. Trước mắt có thể tổ chức thí điểm, rút kinh nghiệm để tổng kết và nhân rộng đối với các doanh nghiệp xây dựng còn lại.
     
    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    [1] Luật số 60/2005/QH11 của Quốc hội : Luật Doanh nghiệp.
    [2] Các tài liệu tham khảo khác.

    Bình luận