Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Kinh nghiệm quản lý định mức và giá xây dựng trên thế giới

    23/05/2017 - 01:45
    429
    0
    0

    Tại Nhật Bản, định mức và giá xây dựng được thống nhất quản lý trên toàn quốc bởi Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT). Ở Trung Quốc, việc quản lý này cũng được thực hiện theo hình thức tương tự và giao cho Bộ Xây dựng.

    Kiểm soát giá thị trường xây dựng

    Tại Nhật Bản, Bộ MLIT thống nhất quản lý định mức và giá xây dựng trên toàn quốc. Định mức xây dựng được công bố hằng năm và bổ sung thường xuyên, còn giá xây dựng được công bố hằng tháng hoặc hằng năm trên phạm vi cả nước.

    Và để đảm bảo Nhà nước kiểm soát giá thị trường xây dựng vận hành thông suốt, công khai và công bằng, Bộ MLIT đã thành lập Cục Quản lý giá xây dựng. Cục này có bộ máy nhân sự hơn 300 người, làm việc trực tiếp tại các Ban quản lý dự án khu vực và các địa phương để đảm bảo 2 nhiệm vụ cốt lõi là: Truyền tải các quy định của Nhà nước và thu thập thông tin thị trường, giúp Bộ MLIT công bố giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên khắp lãnh thổ. Bộ này cũng ban hành tiêu chuẩn dự toán cho tất cả các loại công trình.

    Ảnh minh họa.

    Còn tại Trung Quốc, Bộ Xây dựng nước này cũng đảm bảo nhiệm vụ thống nhất quản lý định mức và giá xây dựng trên phạm vi toàn quốc, ban hành cơ chế chính sách liên quan đến quản lý định mức xây dựng, phương pháp xây dựng định mức và định mức xây dựng áp dụng cho các dự án công trên phảm vi cả nước.

    Tuy nhiên, do đặc thù có diện tích lãnh thổ rộng lớn nên Trung Quốc cho phép các tỉnh, thành ban hành cơ chế chính sách và định mức đặc thù nhưng phải phù hợp với cơ chế chính sách và phương pháp xây dựng định mức của Bộ Xây dựng. Trường hợp việc áp dụng định mức do nhà nước ban hành không phù hợp, chủ thề được phép thay đổi nhưng phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.

    Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng Trung Quốc được phép thành lập 2 cơ quan tham mưu, trong đó, Vụ Tiêu chuẩn định mức có nhiệm vụ giúp Bộ Xây dựng quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, định mức xây dựng. Các tỉnh, thành và các Bộ, ngành cũng có phòng quản lý định mức và giá xây dựng thực thi chính sách của Trung ương, đồng thời bổ sung thêm các định mức đặc thù của địa phương dưới sự hướng dẫn của Trung ương. Vụ này có thể thuê các chuyên gia, các Cty tư vấn lập định mức bằng kinh phí của nhà nước.

    Cục Quản lý thị trường có nhiệm vụ quản lý giá xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, phương pháp lập và quản lý giá xây dựng, ban hành giá xây dựng (vật liệu, nhân công, máy, công suất vốn đầu tư, chỉ số giá). Từ năm 2003, pháp luật của Trung Quốc buộc áp dụng thống nhất: mã hiệu, tên, đơn vị tính, nội dung của giá, và ghi rõ tiêu chuẩn giá vật liệu.

    Bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ

    Phương pháp lập mức và giá xây dựng tại Nhật Bản và Trung Quốc đều theo cơ chế thị trường, phù hợp với đặc điểm của công trình xây dựng và quá trình hình thành sản phẩm xây dựng. Tại Nhật Bản, giá công trình được lập theo gói thầu, trên cơ sở hồ sơ thiết kế, tiến độ thi công, điều kiện thi công, biện pháp thi công, định mức năng suất và đơn giá xây dựng thị trường (do Bộ MLIT công bố).

    Chi phí vật liệu xác định trên cơ sở khối lượng vật liệu theo thiết kế, hao hụt vật liệu theo kết quả điều tra thị trường và đơn giá vật liệu theo thị trường. Giá vật liệu xác định theo kết quả điều tra thị trường, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng, khối lượng cần tiêu thụ. Chi phí nhân công xác định trên cơ sở khối lượng công việc theo thiết kế, định mức năng suất lao động và đơn giá nhân công của công việc.

    Định mức năng suất lao động được xác định trên cơ sở điều tra thị trường, điều kiện làm việc, mức độ phức tạp của công việc. Đơn giá nhân công theo công việc được xác định trên cơ sở điều tra giá nhân công thị trường, theo trình độ thợ (thợ chính, thợ phụ, thợ bậc cao), theo thời gian thi công (đêm, mưa tuyết, mưa, bão).

    Chi phí máy thi công được xác định trên cơ sở khối lượng công việc theo thiết kế, tiến độ và biện pháp thi công dự kiến, định mức năng suất máy và giá ca máy. Định mức năng suất ca máy xác định trên cơ sở điều tra thị trường. Giá ca máy không bao gồm chi phí nhân công và chi phí nhiên liệu, năng lượng. Chi phí nhân công và chi phí nhiên liệu, năng lượng của chi phí máy xác định theo thời gian vận hành máy (trên cơ sở tiến độ thi công) và giá nhân công, giá nhiên liệu theo thị trường.

    Còn tại Trung Quốc, nếu như trước năm 1990 phương pháp lập định mức và giá xây dựng vẫn theo cơ chế bao cấp, thì từ năm 1990 đến nay, phương pháp lập định mức và giá xây dựng đã theo cơ chế thị trường, bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.

    Từ thực tiễn tại Nhật Bản, Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, Bộ Xây dựng Việt Nam cần sớm ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, phương pháp xây dựng định mức và giá xây dựng áp dụng cho tất cả các dự án sử dụng vốn nhà nước, dự án đối tác công tư (PPP) trên phạm vi cả nước.

    Trường hợp các tỉnh, Bộ chuyên ngành ban hành định mức đặc thù hay thay đổi mức do Nhà nước ban hành khi không phù hợp phải được Bộ Xây dựng chấp thuận. Vụ Kinh tế Xây dựng giúp Bộ Xây dựng quản lý định mức và giá xây dựng trên toàn quốc. Việc lập định mức, giá xây dựng do các Viện nghiên cứu, Cty tư vấn, chuyên gia có năng lực thực hiện.

    Theo BĐT Bộ Xây dựng

    Bình luận