Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế thi công bằng ván khuôn leo xây dựng nhà cao tầng

    08/12/2017 - 08:25
    623
    0
    0
    Ván khuôn leo (VKL) dùng để đổ bê tông những công trình có chiều cao lớn như lõi nhà cao tầng, xi lô, ống khói, đập nước, tường dài và cao … VKL là một giải pháp thi công hiệu quả cho các tòa nhà có các cấu kiện thẳng đứng lặp đi lặp lại nhiều lần.
    Đối với những công trình cao tầng sử dụng hệ VKL thi công kết cấu lõi vách bê tông toàn khối mang lại nhiều ưu thế và hiệu quả (tiến độ nhanh; chất lượng đảm bảo; giảm công lao động lắp dựng, tháo dỡ; an toàn cao và giảm sự phụ thuộc của tác động gió, chi phí giảm). Do vậy, nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế thi công bằng VKL xây dựng nhà cao tầng là cần thiết. Một số giải pháp sau, cần được cân nhắc áp dụng.

    1. Tổ chức thi công hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của công nghệ VKL xây dựng nhà cao tầng
     

    1.1. Tổ chức mặt bằng thi công hợp lý để giảm chi phí
    Tổ chức mặt bằng thi công là khâu rất quan trọng, một kế hoạch tổ chức thi công tốt giúp cho việc thi công trên công trường được thuận lợi, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc thiết kế tổng mặt bằng theo đúng quy định của tiêu chuẩn thiết kế về các chỉ tiêu kỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, chỉ tiêu về kinh tế, về xã hội… để nâng cao hiệu quả kinh tế khi thi công bằng công nghệ VKL, cần quan tâm:
    – Chọn vị trí đứng thuận lợi nhất để thực hiện cẩu lắp, tầm bao quát cao toàn công trình của cẩu tháp. Vì hệ VKL đã lắp ghép giữa hệ khung, mặt ván, sàn thao tác, lan can an toàn… thành một hệ nên tải trọng bản thân hệ VKL là lớn hơn nhiều so với các ván khuôn vách thông thường. Vì thế năng lực cẩu tháp phải được chọn cao hơn, phải được liên kết với công trình bằng nhiều thanh giằng hơn và vị trí đặt cẩu tháp càng gần vị trí lõi thang càng tốt.
    – Hệ VKL khác biệt so với các hệ ván khuôn truyền thống là chỉ một lần lắp ráp, thi công trước và độc lập với sàn, luôn gắn trên hệ vách (lõi) công trình nên trên mặt bằng thi công không cần kho bãi cho việc tập kết các tấm vách thang sau mỗi đợt thi công từng tầng.
    1.2. Tổ hợp máy thi công hợp lý để tiết kiệm hao phí nhân công và máy
    Việc tổ hợp máy thi công phụ thuộc vào sự tổ chức vận hành thi công và năng lực thiết bị máy móc của nhà thầu. Với công nghệ VKL thi công lõi nhà cao tầng. Hệ ván khuôn chỉ một lần lắp ráp và liên kết trực tiếp với lõi công trình, cần cẩu tháp chủ yếu phục vụ công tác leo (nâng lên và lắp vào vị trí đã định vị từ trước) của hệ ván khuôn và cung cấp vật tư thi công như cốt thép và bê tông.
    – Vận hành máy móc tốt đảm bảo cho thi công nhịp nhàng, tiết kiệm vật liệu và nâng cao chất lượng công trình cũng như tiết kiệm được chi phí. Vì vậy cần có kế hoạch chi tiết các công việc trong ngày, trong tuần; kế hoạch về vật tư, vật liệu cũng như kế hoạch triển khai thi công từng các tổ đội để phân công sử dụng hợp lý máy móc.
    – Với công tác thi công bê tông, là tổ hợp thi công kết hợp nhiều máy móc và con người để đạt được hiệu quả công việc. Từ việc lên tiến độ, kế hoạch đổ bê tông, đến chuẩn bị các dụng cụ máy móc cầm tay như đầm dùi, còn phụ thuộc nhiều đến sự cung ứng vật tư bê tông.
    – Việc thi công lõi thang cần được thực hiện theo đúng quy trình đổ bê tông, tránh bê tông bị phân tầng và không để tải trọng một vị trí quá nhiều bê tông. Khi khối lượng bê tông của vách nhỏ, tiến hành đổ bằng cẩu tháp, xả bê tông bằng ống bạt. Với khối lượng lõi vách lớn, nên tính toán đưa cần phân phối bê tông vào để thi công, kết hợp để thi công dầm sàn dưới để giảm thời gian chờ thi công bê tông lõi.

    2. Nâng cao năng lực quản lý của các chủ thể để nâng cao hiệu quả kinh tế của công nghệ ván khuôn leo xây dựng nhà cao tầng
    2.1. Nâng cao năng lực quản lý của chủ đầu tư và nhà thầu để tăng năng suất lao động, giảm chi phí quản lý
    Nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao trong công nghệ thi công VKL, việc đầu tiên phải xác định trình độ của nhân lực thi công (kỹ năng và kiến thức), về trình độ năng lực quản lý của chủ đầu tư và nhà thầu về công nghệ này.
    Tìm hiểu sâu hơn về công nghệ, với tính ưu việt của công nghệ mang lại, các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của chủ đầu tư cũng như nhà thầu phải có kiến thức về vận hành thi công VKL như: công tác lắp ghép, tháo dỡ ván khuôn, công tác cẩu lắp nâng hệ VKL lên vào thời điểm bê tông đạt được cường độ xác định theo thuyết minh tính toán.
    Cần xây dựng một quy trình chi tiết về việc quản lý, vận hành và tổ chức nghiệm thu quá trình thi công VKL cụ thể; tránh sự bỡ ngỡ, chồng chéo về quy trình nghiệm thu, ảnh hưởng tiến độ thi công thực tế tại hiện trường.
    2.2. Nâng cao biện pháp an toàn và năng lực vận hành của đội ngũ kỹ thuật thi công để hạn chế tới mức tối đa chi phí về mất an toàn lao động
    Với việc thi công nhà cao tầng bằng công nghệ VKL, lõi thang thi công trước so với sàn và thường cao hơn sàn (từ 2 đến 3 tầng). Khi làm việc trên hệ VKL, công nhân thường làm việc tại những vị trí xung quanh chu vi của hệ, trên những bộ phận kết cấu mái đua, công xôn; ngã cao có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
    Sai sót trong lắp dựng, tháo dỡ: khi cẩu lắp VKL, công tác điều chỉnh và xi nhan lắp dựng bằng cẩu không chuẩn, dẫn đến nội lực của các công cụ thi công khi làm việc không đúng với nội lực tính toán trong thiết kế; không bố trí đủ và đúng vị trí các điểm định vị, điểm giằng gió của hệ VKL vào công trình; khi lắp dựng giàn giáo công nhân không đeo dây an toàn, vi phạm trình tự lắp đặt và tháo dỡ.
    Sai sót khi sử dụng hệ sàn thao tác của hệ VKL để thi công: chất vật liệu quá nhiều tại một vị trí, tập trung đông người trên sàn thao tác gây quá tải; không thường xuyên kiểm tra tình trạng của các phương tiện để có biện pháp thay thế, sửa chữa kịp thời các bộ phận đã hư hỏng.
    Ngoài ra những vị trí hệ VKL không lắp lan can an toàn cho sàn công tác, không lắp thang lên xuống giữa các đợt sàn thao tác… cũng là các nguyên nhân dễ gây mất an toàn.
    Từ những nguyên nhân trên, các cán bộ quản lý của nhà thầu, ban quản lý dự án, tư vấn giám sát đề ra được những biện pháp kỹ thuật phòng ngừa chung và các phương tiện kỹ thuật bảo vệ khi làm việc trên hệ VKL nói riêng và làm việc trên cao nói chung.
    Các cán bộ chỉ đạo thi công, cán bộ chuyên trách an toàn lao động có trách nhiệm thường xuyên giám sát, kiểm tra tình hình an toàn lao động đối với những công việc làm ở trên cao để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hiện tượng thiếu an toàn lao động.
    Hàng ngày, trước khi làm việc phải kiểm tra an toàn vị trí làm việc của công nhân, kiểm tra tình trạng giàn giáo, sàn thao tác, thang, lan can an toàn và các phương tiện làm việc trên cao khác.
    Phải hướng dẫn, kiểm tra vị trí và cách móc khoá dây an toàn cho công nhân khi sử dụng. Kiểm tra việc sử dụng đúng các phương tiện bảo vệ cá nhân (dây an toàn, mũ, giầy và quần áo bảo hộ lao động). Khi kiểm tra hoặc trong quá trình làm việc phát hiện thấy có tình trạng hư hỏng có thể gây nguy hiểm, phải ngừng ngay công việc và tiến hành khắc phục, sửa chữa. Sau khi kiểm tra thấy đã đảm bảo an toàn mới cho tiếp tục làm việc.
    Thường xuyên theo dõi, nhắc nhở công nhân chấp hành đúng kỷ luật lao động và nội quy an toàn lao động khi thi công trên cao. Trường hợp đã nhắc nhở mà công nhân vẫn tiếp tục vi phạm nội quy an toàn lao động, phải cho học tập và sát hạch lại về an toàn lao động, hoặc xử lý kỷ luật, chuyển sang làm công tác lao động giản đơn, ở dưới thấp.
    Khi sử dụng bất kỳ hệ VKL nào cũng cần phải có một chuyên gia có kinh nghiệm về giám sát thi công hướng dẫn. Việc lắp dựng hệ VKL cần những người có kinh nghiệm thực hiện. Người làm việc trên hệ VKL phải là người đã được huấn luyện sử dụng các trang thiết bị của hệ VKL và các thiết bị an toàn. Khi làm việc trên VKL phải mặc quần áo bảo hộ và phải thắt dây bảo hiểm.
    Đề phòng vật tư rơi trên cao xuống và tránh va đập khi thi công VKL. Để đảm bảo VKL an toàn trong thi công, ngoài việc phải tuân theo những quy định kỹ thuật an toàn có liên quan đề phòng vật rơi từ trên cao, còn phải tôn trọng những yêu cầu kỹ thuật an toàn cụ thể dưới đây:
    – Cùng với việc lập phương án thi công VKL, phải dựa vào đặc điểm kết cấu công trình và điều kiện thi công, lập biện pháp kỹ thuật an toàn tương ứng;
    – Thiết kế VKL phải có độ cứng tổng thể tốt, an toàn và đảm bảo thiết bị VKL vận hành ổn định và an toàn;
    – Xung quanh sàn thao tác leo chính phải bố trí lan can bảo vệ. Lan can có không ít hơn 4 thanh ngang và có treo lưới an toàn, chân của lan can phải bố trí tấm chắn. Tấm lát của sàn thao tác chính và sàn giá treo trong, ngoài phải khít và cố định;
    – Sàn thao tác khung leo ngoài: mặt ngoài phải bố trí lại hàng thanh chắn và một tấm chắn dưới chân ở vị trí cao lm phía trong sàn phải lắp một hàng thanh chắn và thêm một tấm chắn dưới chân;
    – Tháo dỡ thiết bị VKL, phải lập phương án thi công tháo dỡ, lập trình tự tháo dỡ, phương pháp tháo dỡ và biện pháp kỹ thuật an toàn. Trước khi tháo dỡ thiết bị VKL. Trong quá trình tháo dỡ hệ thống ván khuôn xung quanh, cùng với việc tháo dỡ ván khuôn, dựng hệ thống phòng hộ an toàn dọc bên ngoài Trong quá trình tháo dỡ ván khuôn phải đảm bảo tính liên tục phòng hộ dọc bên ngoài;
    – Trong quá trình thi công leo nếu gặp gió cấp 6 trở lên hoặc thời tiết có mây mù lớn, phải dừng công tác cẩu lắp đặt hệ ván khuôn. Kiểm tra và lắp đặt các vị trí giằng gió. Sau khi hết gió, mây mù, đầu tiên phải kiểm tra thiết bị VKL xong mới có thể tiếp tục công việc;
    – Trong quá trình cẩu lắp nâng hệ VKL lên, phải kiểm tra cường độ bê tông sau khi ra khỏi ván khuôn, trạng thái làm việc của hệ thống chống đỡ và sàn thao tác, nếu thấy khác thường phải kịp thời xử lý.

    Tác giả: TS. BÙI MẠNH HÙNG

    ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI

    Bình luận