Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • DỰ ÁN: Điều tra, khảo sát và xây dựng định mức dự toán cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn

    28/04/2022 - 03:53
    1030
    0
    0
    1. Sự cần thiết của nhiệm vụ
    – Dân số Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn tập trung ở khu vực nông thôn với khoảng 63,086 triệu người, chiếm gần 65,6% dân số cả nước (TCTK, 2019). Trong những năm gần đây, ở khu vực nông thôn, mặc dù tỷ lệ dân số có giảm, nhưng vẫn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các vùng nông thôn nói chung và khu dân cư nói riêng ngày càng phong phú và đa dạng. Đây cũng là nguyên nhân chính làm gia tăng thành phần và tải lượng rác thải sinh hoạt nông thôn.
    – Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh từ các nguồn: các hộ gia đình, chợ, nhà kho, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính…. Chất thải rắn sinh hoat khu vực nông thôn có tỷ lệ chất hữu cơ khá cao, chủ yếu là từ thực phẩm thải, chất thải vườn và phần lớn đều là chất hữu cơ dễ phân hủy (tỷ lệ các thành phần dễ phân hủy chiếm tới 65% trong chất thải sinh hoạt gia đình ở nông thôn).

    – Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, ô nhiễm chất thải rắn tiếp tục là một trong những vấn đề môi trường trọng điểm. Tại các khu vực nông thôn, ước tính mỗi năm tại khu vực này phát sinh khoảng 7 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, hơn 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được tiến hành ngay tại hộ gia đình đối với một số loại chất thải như giấy, các tông, kim loại (để bán), thức ăn thừa, lá cải, su hào, … (sử dụng cho chăn nuôi). Các chất thải rắn sinh hoạt khác không sử dụng được hầu hết không được phân loại mà để lẫn lộn, bao gồm cả các loại rác có khả năng phân hủy và khó phân hủy như túi nilon, thủy tinh, cành cây, lá cây, hoa quả ôi thối, xác động vật chết…

    – Hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn vào khoảng 40% – 55%. Theo thống kê có khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ; trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản. Việc thu gom rác còn rất thô sơ bằng các xe cải tiến.
    – Nhiều xã không có quy hoạch các bãi rác tập trung, không có bãi rác công cộng, không quy định chỗ tập trung rác, không có người và phương tiện chuyên chở rác. Do đó, các bãi rác tự phát đã hình thành ở rất nhiều nơi, làm cho tình trạng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trở thành vấn đề nan giải khó quản lý. Một số huyện, xã mặc dù đã có quy hoạch bãi rác, nhưng vẫn chưa có các cơ quan quản lý, biện pháp xử lý đúng kỹ thuật và người dân vẫn chưa có ý thức đổ rác theo quy định. Đối với công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, nhiều địa phương xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hoặc đổ thải lộ thiên, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh môi trường. Một số địa phương khác lại sử dụng phương pháp ủ phân compost. Tuy nhiên, hai phương pháp này chưa thể áp dụng rộng rãi tại khu vực nông thôn. Trong những năm gần đây, một số địa phương đã đầu tư, lắp đặt các lò đốt chất thải rắn với công suất nhỏ, phục vụ việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho một vùng nông thôn hoặc cho một khu vực dân cư. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý cũng như quá trình vận hành có đảm bảo tiêu chuẩn môi trường hay không là vấn đề chưa được kiểm tra, xác nhận.

    – Trước tình trạng nêu trên, vấn đề quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn đã nhận được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước thông qua việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, lồng ghép vào các văn bản quản lý môi trường nói chung, các văn bản quản lý sản xuất chuyên ngành nói riêng. Công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn cũng đang được đẩy mạnh và bước đầu thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, quản lý môi trường nông thôn vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ quản lý khác nhau; nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ; một số quy định pháp luật liên quan bảo vệ môi trường khu vực nông thôn thiếu tính khả thi, nhất là tình trạng chồng chéo trong phân công trách nhiệm giữa các cơ quan có liên quan; đầu tư cho quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn chưa nhận được sự quan tâm, kinh phí thích đáng từ trung ương, địa phương; công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn chưa chú trọng đến việc quản lý và kiểm soát chất thải từ khu vực này một cách thật sự có hiệu quả…

    – Liên quan đến kinh phí để phục vụ việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải khu vực nông thôn còn tồn tại nhiều bất cập. Ngân sách nhà nước của các địa phương chỉ bố trí một khoảng kinh phí nhất định, không đủ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ. Việc xác định và quản lý nguồn kinh phí ngân sách cũng như sự đóng góp của người dân còn nhiều vướng mắc.

    – Ðể giải quyết các vấn đề nêu trên, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý và xử lý rác thải khu vực nông thôn thì cần thiết phải hoàn thành hệ thống định mức dự toán, đơn giá cho vận hành hệ thống xử lý chất thải, thu gom rác thải tập trung tại mỗi địa phương. Chính vì vậy, việc tiến hành nghiên cứu, xem xét, triển khai nhiệm vụ sự nghiệp bảo vệ môi trường “Điều tra, khảo sát và xây dựng định mức dự toán cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn” là thực sự cần thiết.
    2. Mục tiêu của nhiệm vụ
    Từ các cơ sở lý luận về phương pháp xác định định mức, đánh giá các yếu tố có liên quan đến xác định các hao phí về vật tư, nhiên liệu, điện năng, lao động và thiết bị của công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phổ biến tại khu vực nông thôn và trên cơ sở thực tiễn của các số liệu thu thập được để xác định định mức các hao phí của quá trình công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phổ biến tại khu vực tập trung dân cư nông thôn hiện đang được áp dụng tại các địa phương.
    3. Phạm vi và đối tượng của nhiệm vụ
    3.1. Phạm vi nghiên cứu của nhiệm vụ:
    – Các công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phổ biến tại các khu vực dân cư nông thôn tập trung (không bao gồm thị trấn, thị tứ ) đang được áp dụng tại các địa phương.
    – Thời gian thực hiện nhiệm vụ và thu thập số liệu: 2019-2020
    3.2. Đối tượng nghiên cứu của nhiệm vụ:
    – Các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phổ biến tại khu vực nông thôn của các địa phương.
    – Các bước thực hiện công việc, các quy trình – công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phổ biến tại khu vực nông thôn.
    – Hệ thống định mức dự toán hiện hành có tính chất tương tự
    4. Phương pháp thực hiện nhiệm vụ
    – Phương pháp thống kê: Thu thập, tổng hợp các dữ liệu, số liệu về nội dung thực hiện công việc, các quy trình – công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phổ biến tại khu vực nông thôn từ các nguồn thông tin gián tiếp và tham khảo hệ thống định mức dự toán có nội dung và tính chất công tác tương tự đã được các cơ quan chuyên môn và có thẩm quyền công bố hoặc ban hành. Các thông tin được xử lý, phân tích và tổng hợp theo yêu cầu nghiên cứu làm cơ sở dữ liệu xác định định mức dự toán các công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phổ biến tại khu vực nông thôn
    – Phương pháp phân tích và tổng hợp từ số liệu khảo sát trực tiếp: Tính toán xác định các mức hao phí từ tài liệu thiết kế, số liệu khảo sát thực tế của công tác (theo thời gian, địa điểm, khối lượng thực hiện trong một hoặc nhiều chu kỳ…)
    5. Địa chỉ áp dụng
    – Các cơ quan chuyên môn và quản lý của nhà nước có liên quan về theo dõi và quản lý các công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.
    – Các tổ chức và cá nhân có liên quan trực tiếp đến hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.
    6. Kết cấu báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ
    – Phần Mở đầu
    – Chương 1. Cơ sở lý luận liên quan đến việc xây dựng định mức dự toán công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn
    – Chương 2. Thực trạng xác định các hao phí, chi phí và quản lý chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn
    – Chương 3. Xác định định mức dự toán công tác Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn
    – Kết luận
    7. Sản phẩm của nhiệm vụ
    – Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ.
    – Dự thảo định mức dự toán hao phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.
    Bình luận