Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • DỰ ÁN: Điều tra, khảo sát thực trạng việc xác định và quản lý chi phí dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng làm cơ sở đề xuất phương pháp định giá loại hình dịch vụ này

    11/11/2021 - 10:33
    571
    0
    0

    1. Sự cần thiết phải thực hiện dự án
    – Theo thống kê dân số thế giới đến tháng 1 năm 2017, dân số Việt Nam là 94,970 triệu người và đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới, tỷ lệ gia tăng dân số là 1,03%. Dân số đô thị 33,121 triệu dân, chiếm 34,7% dân số toàn quốc. Việt Nam không có các thành phố cực lớn với 10 triệu người hoặc hơn nhưng dân số tại Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 8 triệu người) và Hà Nội (khoảng 7 triệu người) nằm trong số các thành phố lớn nhất trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hoá nhanh làm gia tăng nhu cầu sống của người dân, đặc biệt tại các đô thị. Vấn đề chôn cất người chết tại các vùng đô thị và nông thôn Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn trên toàn quốc.

    – Theo quy định của pháp luật, nghĩa trang là nơi an táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau, thuộc các đối tượng khác nhau và được quản lý, xây dựng theo quy hoạch. Thực tế cho thấy, những năm qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động của lĩnh vực này (như Nghị định 35/2008/NĐ-CP, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 và các văn bản hướng dẫn) đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy đầu tư và nâng cao chất lượng quản lý, vận hành các khu nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về nội dung, cách thức xác định giá cả của dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hoả táng nên đã dẫn đến một số bất cập trong quản lý loại hình dịch vụ này. Giá cả của dịch vụ có sự khác biệt đáng kể giữa các dự án ở các địa phương và ngay trên cùng địa bàn của một tỉnh, thành phố. Về phía cơ quản quản lý nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương gặp khó khăn, lúng túng khi xem xét giá cả của dịch vụ do các nhà đầu tư đề xuất; khi kiểm tra, kiểm soát giá cả của loại hình dịch vụ này. Các nhà đầu tư gặp vướng mắc khi tính toán xác định giá dịch vụ, thời gian thu hồi vốn đầu tư khi đề xuất dự án đầu tư cơ sở hỏa táng, nghĩa trang. Người dân gặp bất lợi khi thỏa thuận giá cả dịch vụ để ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ hỏa táng, dịch chôn lấp và duy trì phần mộ tại nghĩa trang do không biết cơ sở xác định giá cả của dịch vụ. Để khắc phục những bất cập trên, tại Nghị định số 23/2016/NĐ-CP đã quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng. Như vậy, việc tổ chức triển khai nghiên cứu, đánh giá thực trạng xác định và quản lý chi phí dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ tang lễ làm cơ sở để đề xuất phương pháp định giá các dịch vụ này – một trong những giải pháp quản lý góp phần nâng cao chất lượng loại hình dịch vụ này là hết sức cần thiết.

    – Theo dự kiến của kết quả thực hiện dự án, giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng được xác định theo phương pháp do Bộ Xây dựng hướng dẫn cần phải đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ (kể cả chi phí đầu tư nếu có) của dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng với mức lợi nhuận hợp lý theo quy định của pháp luật. Mặt khác, giá của các dịch vụ trên cần phải gắn với chất lượng cung cấp dịch vụ, phù hợp với chế độ, chính sách nhà nước, đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và người sử dụng dịch vụ và cần phải được minh bạch, niêm yết công khai.

    2. Mục tiêu của dự án
    – Mục tiêu tổng quát của dự án là nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc xác định và quản lý chi phí dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng tại một số địa phương trên cả nước, trên cơ sở đó đề xuất phương pháp định giá loại hình dịch vụ này.
    – Mục tiêu này được thực hiện thông qua việc thực hiện các mục tiêu chi tiết sau:
    + Làm rõ thực trạng quản lý giá của dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng hiện nay ở nước ta để khẳng định sự cần thiết phải có giải pháp quản lý của Nhà nước thông qua việc hướng dẫn phương pháp định giá các dịch vụ này.
    + Đề xuất công cụ phục vụ công tác quản lý của Nhà nước và phục vụ nhu cầu của các đối tượng có liên quan trong việc xác định giá của loại hình dịch vụ này.

    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    3.1. Đối tượng nghiên cứu của dự án
    – Để đạt được các mục tiêu đề ra, đối tượng nghiên cứu của dự án được xác định là các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn ngoài ngân sách nhà nước, trong đó tập trung vào hiện trạng đầu tư xây dựng, quản lý vận hành và quản lý chi phí của các cơ sở này.
    3.2. Phạm vi nghiên cứu
    – Chi phí, giá cả của dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng của các dự án ở một số địa phương được lựa chọn nghiên cứu làm cơ sở để đề xuất phương pháp định giá dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng phù hợp với quy định tại Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

    4. Nôi dung nghiên cứu
    Để đạt được những mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu các nội dung sau:
    – Thực trạng xác định và quản lý chi phí, giá cả của dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hoả táng. Với nội dung nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đánh giá tổng quan dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng, thực trạng công tác quản lý các dịch vụ này, thực trạng xác định và quản lý chi phí, giá cả của các dịch vụ này.
    – Trên cơ sở đánh giá thực trạng quản lý dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng hiện nay tại các địa phương (đặc biệt là đánh giá thực trạng quản lý chi phí các dịch vụ này), các quy định, quan điểm và nguyên tắc định giá dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hoả táng, nhóm nghiên cứu đề xuất phương pháp định giá dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hoả táng.
    – Biên soạn Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định giá dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng.

    5. Phương pháp nghiên cứu
    Dự án được thực hiện với các phương pháp nghiên cứu như sau:
    – Phương pháp điều tra, khảo sát thu thập tài liệu, số liệu: Nhóm nghiên cứu đã tiến hành lựa chọn một số nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, thu thập các tài liệu, số liệu liên quan đến thực trạng công tác quản lý dịch vụ nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, thực trạng xác định chi phí dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng tại các địa phương.
    – Phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp số liệu, tài liệu: trên cơ sở tài liệu, số liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu tiến hành phân loại, thống kê, phân tích số liệu để cơ bản phản ánh được thực trạng công tác quản lý dịch vụ nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, thực trạng xác định chi phí dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng tại các địa phương
    – Phương pháp chuyên gia: bên cạnh những phương pháp nghiên cứu trên, dự án sử dụng kinh nghiệm của một số chuyên gia trong lĩnh vực quản lý chi phí, hạ tầng kỹ thuật, … để phân tích, đánh giá số liệu, tham gia góp ý cho phương pháp xác định giá dịch vụ được đề xuất.

    6. Sản phẩm của dự án Sản phẩm của dự án bao gồm:
    – Báo cáo kết quả thực hiện dự án sự nghiệp kinh tế “Điều tra, khảo sát thực trạng việc xác định và quản lý chi phí dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng làm cơ sở đề xuất phương pháp định giá loại hình dịch vụ này”.
    – Thông tư hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng do Bộ Xây dựng ban hành.

    7. Địa chỉ áp dụng
    – Các cơ quan quản lý hoạt động dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng tại các địa phương.
    – Các nhà đầu tư, các tổ chức liên quan đến các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang (trừ nghĩa trang liệt sỹ) và cơ sở hỏa táng tại các địa phương và người sử dụng các dịch vụ nói trên.

    8. Kết cấu của báo cáo kết quả thực hiện dự án
    Ngoài phần mở đầu và kết luận, Báo cáo kết quả thực hiện dự án được trình bày theo 2 chương:
    – Chương 1: Thực trạng xác định và quản lý chi phí, giá cả của dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hoả táng
    – Chương 2: Đề xuất phương pháp định giá dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hoả táng.

    Bình luận