1. Sự cần thiết nghiên cứu dự án sự nghiệp kinh tế
– Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo quy định của cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành. Bộ Xây dựng đã công bố tập Định mức Dự toán xây dựng công trình – Phần Khảo sát xây dựng kèm theo Văn bản số 1779/BXD-VP ngày 16/8/2007. Theo đó, tập định mức công bố là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo, vận dụng khi lập và quản lý chi phí khảo sát xây dựng.
– Qua theo dõi quá trình áp dụng định mức cho thấy, định mức đã phù hợp với yêu cầu, nội dung công việc khảo sát và thuận tiện cho việc vận dụng, xác định chi phí khảo sát xây dựng. Tuy nhiên, một số định mức dự toán khảo sát xây dựng còn mang tính bình quân chưa phù hợp với điều kiện thực tế, đặc điểm cụ thể của từng công trình, dự án. Nhiều định mức khảo sát xây dựng có mức hao phí nhân công, máy thi công của máy, thiết bị cũ, đã lạc hậu. Đến nay, yêu cầu thực hiện, quy trình công nghệ của các công tác khảo sát như quan trắc, đo lưới khống chế, đo vẽ bản đồ đã thay đổi do được sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại được tự động hóa như máy toàn đạc điện tử, máy thủy bình điện tử, hệ thống thiết bị GPS… dẫn đến năng suất lao động, mức tiêu hao vật chất trong quá trình thực hiện đã có nhiều thay đổi. Một số công tác khảo sát xây dựng mới nhưng chưa được công bố định mức nên việc xác định và quản lý chi phí cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, cũng cần phải rà soát lại hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy phạm kỹ thuật, thiết kế thi công nghiệm thu và những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực khảo sát xây dựng để phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
– Với những yêu cầu nói trên, việc nghiên cứu, thực hiện dự án “Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng việc áp dụng tập Định mức dự toán xây dựng công trình – Phần Khảo sát xây dựng (công bố kèm theo văn bản số 1779/BXD ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng) làm cơ sở sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh tập định mức này” là cần thiết.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Dự án có các mục tiêu chủ yếu sau:
– Đánh giá việc áp dụng Định mức dự toán xây dựng công trình – Phần Khảo sát xây dựng (công bố kèm theo Văn bản số 1779/BXD ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng) để làm rõ những bất cập, tồn tại của tập định mức này.
– Phát hiện nguyên nhân những bất cập liên quan đến việc xác định định mức dự toán khảo sát xây dựng.
– Sửa đổi định mức dự toán một số công tác khảo sát xây dựng đã được công bố để phù hợp với thực tế hiện nay.
– Bổ sung định mức dự toán một số các công tác khảo sát xây dựng mới chưa được công bố định mức.
– Dự thảo tập Định mức dự toán xây dựng công trình – Phần Khảo sát xây dựng (sửa đổi, bổ sung) để trình Bộ Xây dựng công bố.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của dự án là các công tác khảo sát đã được công bố định mức dự toán và các công tác khảo sát sử dụng công nghệ mới chưa được Bộ Xây dựng công bố định mức dự toán.
3.2. Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu của dự án là toàn bộ tập định mức dự toán khảo sát xây dựng hiện hành. Dự án được nghiên cứu trên phạm vi cả nước với thời gian tổng kết, nghiên cứu từ năm 2007 đến nay, tuy nhiên do kinh phí hạn chế nên dự án chỉ bổ sung một số định mức dự toán cho một số công tác khảo sát đang được sử dụng rộng rãi, phổ biến.
4. Phương pháp nghiên cứu
Quá trình thực hiện, dự án sẽ vận dụng cơ sở lý luận về xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, định mức dự toán kết hợp với số liệu điều tra, khảo sát từ thực tế quá trình áp dụng định mức khảo sát xây dựng để sửa đổi, bổ sung định mức. Ngoài ra, để giải quyết những nội dung chủ yếu của dự án, việc triển khai thực hiện dự án sẽ sử dụng phương pháp thống kê, phân tích – tổng hợp, phỏng vấn trong quá trình thu thập thông tin, dữ liệu.
5. Sản phẩm của dự án
– Báo cáo kết quả thực hiện dự án:
– Tập Định mức dự toán xây dựng công trình – Phần Khảo sát xây dựng (sửa đổi, bổ sung).
6. Hiệu quả dự án và địa chỉ áp dụng
– Hiệu quả dự án: Kết quả thực hiện dự án để phục vụ công tác lập và quản lý chi phí khảo sát xây dựng theo các hướng dẫn hiện hành đồng thời tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
– Địa chỉ áp dụng của dự án: Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý và thực hiện công tác khảo sát xây dựng.
7. Kết cấu báo cáo kết quả thực hiện dự án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục kèm theo, báo cáo kết quả thực hiện dự án gồm 02 chương:
– Chương 1: Một số vấn đề chung về khảo sát xây dựng; định mức dự toán khảo sát xây dựng và thực trạng sử dụng định mức dự toán khảo sát xây dựng.
– Chương 2: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tập định mức dự toán khảo sát xây dựng.