Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • DỰ ÁN: “ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ KHAI THÁC, SỬ DỤNG CÁC KHU ĐÔ THỊ MỚI. TRÊN CƠ SỞ ĐÓ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐỂ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH CÓ LIÊN QUAN GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ CỦA CÁC KHU ĐÔ THỊ MỚI”

    19/09/2019 - 10:38
    455
    0
    0

    – Trong thời gian qua, với chính sách đổi mới, hội nhập, cùng với sự phát triển nhanh về các mặt kinh tế – xã hội, hệ thống các đô thị ở nước ta đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Trong các thành tựu đạt được phải kể đến sự thành công của việc hình thành, phát triển các KĐTM. Sự hiện diện của các KĐTM đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội nhiều mặt. Các dự án này đã góp phần đáng kể giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân đô thị, tạo lập nhiều diện tích văn phòng làm việc, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo lập môi trường đô thị hiện đại, kích thích các ngành kiến trúc, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất,… phát triển theo hướng hiện đại, chất lượng,…

    – Trước yêu cầu quản lý việc phát triển đô thị nói chung và các KĐTM nói riêng, hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực phát triển đô thị và các lĩnh vực khác có liên quan (như đất đai, nhà ở và hoạt động của thị trường bất động sản) đã từng bước được hoàn thiện, hình thành khung pháp lý, tạo điều kiện cho việc đầu tư phát triển KĐTM ngày càng thông thoáng và thuận lợi cho cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

    – Tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển các KĐTM những năm gần đây cũng đang đặt ra một số vấn đề như: Việc triển khai thực hiện dự án chậm làm ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các đô thị; Tình trạng điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, giảm bớt các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế xã hội thật sự của dự án; Việc quản lý sản phẩm đầu ra về nhà ở, đất ở chưa chặt chẽ, tạo nhiều dư luận xã hội xung quanh vấn đề mua bán nhà ở, đất ở; Việc quản lý các hoạt động công ích trong các KĐTM gặp rất nhiều khó khăn và đang cần có những đổi mới về cơ chế chính sách cũng như về mô hình tổ chức, quản lý các hoạt động này,…

    – Xuất phát từ thực trạng quản lý, yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn tới cũng như để xã hội hóa tạo cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia quản lý, khai thác KĐTM, đẩy nhanh tốc độ phát triển, nâng cao tác dụng và vai trò của các KĐTM, cần thiết phải xem xét đánh giá toàn diện về tình hình quản lý, khai thác, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý phát triển các KĐTM cho phù hợp với mục tiêu đặt ra của quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

    Mục tiêu dự án:
    Trên cơ sở các điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình thực hiện công tác quản lý, khai thác, sử dụng các khu đô thị mới, đưa ra đề xuất sửa đổi bổ sung một số nội dung quản lý có liên quan đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng khu đô thị mới.

    Phạm vi, quy mô và đối tượng điều tra:
    – Phạm vi, quy mô:
    + Điều tra, khảo sát các khu đô thị mới ở một số vùng, địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,…;
    + Đánh giá thực trạng tình hình thực hiện các quy định có liên quan trong lĩnh vực quản lý, khai thác sử dung khu đô thị mới.
    – Đối tượng điều tra khảo sát:
    Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng quản lý khai thác sử dụng khu đô thị mới theo các nội dung: Mô hình tổ chức và quản lý dịch vụ trong khu đô thị mới; Việc thực hiện quy chế quản lý khu đô thị mới; Chất lượng dịch vụ và điều kiện sống trong khu đô thị mới; Vai trò của các chủ thể có liên quan trong việc quản lý, khai thác, sử dụng khu đô thị mới; Các vấn đề về tài sản trong khu đô thị mới; Quản lý khai thác hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu đô thị mới,..

    Phương pháp nghiên cứu:
    – Nghiên cứu định tính: Vận dụng cơ sở lý luận của kinh tế học trong nền kinh tế thị trường, khoa học quản lý về kinh tế và những kinh nghiệm, thực tiễn quản lý.
    – Nghiên cứu định lượng: Sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp đối chiếu, so sánh và kinh nghiệm chuyên gia quản lý.

    Kết cấu của báo cáo dự án:
    Kết cấu của Báo cáo dự án bao gồm: Phần mở đầu, ba chương, phần kết luận kiến nghị và các phụ lục, cụ thể:
    Phần mở đầu
    Chương I: Tổng quan về sự hình thành và phát triển các khu đô thị mới ở nước ta
    Chương II: Thực trạng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác khu đô thị mới
    Chương III: Kiến nghị một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác các khu đô thị mới
    Kết luận, kiến nghị
    Phụ lục

    Bình luận