Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Đổi mới cơ chế xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

    08/05/2018 - 08:35
    522
    0
    0

    Tác giả: TS. LÊ VĂN CƯ & ThS. HOÀNG XUÂN HIỆP
    VIỆN KINH TẾ XÂY DỰNG, BỘ XÂY DỰNG

    1. Các yếu tố ảnh hướng đến chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

    Hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng là công việc đòi hỏi người thực hiện (chuyên gia tư vấn) phải có trình độ, kỹ năng, có tính chuyên nghiệp, luôn cập nhật với trình độ phát triển của thế giới (nhất là đối với công tác thiết kế) để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khách hàng, đồng thời phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật liên quan. Chi phí của hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng chịu sự tác động của một số yếu tố:

    – Các yếu tố có liên quan đến đặc điểm, điều kiện cụ thể của công trình:

    + Loại, cấp, quy mô và mức độ phức tạp của công trình là yếu tố rất quan trọng có ảnh hưởng quyết định đến chi phí cần bỏ ra để thực hiện các công việc tư vấn. Với cùng một loại công trình, nếu công trình quy mô lớn, yêu cầu phức tạp sẽ cần chuyên gia tư vấn có trình độ cao, giầu kinh nghiệm hơn so chuyên gia tư vấn của công trình quy mô nhỏ, yêu cầu kỹ thuật đơn giản.
    + Các yếu tố về điều kiện tự nhiên, điều kiện địa chất thủy văn, điều kiện kinh tế xã hội ở nơi đầu tư xây dựng công trình có ảnh hưởng đến các hao phí để hình thành sản phẩm của hoạt động tư vấn. Hay nói cách khác, hoạt động tư vấn có thể thích hợp đối với một thực thể cụ thể, trong một bối cảnh, tình huống và thời gian nhất định nhưng có thể lại không thích hợp cho một thực thể khác, hoàn cảnh cũng như thời gian khác.
    + Yêu cầu về tiến độ thực hiện cũng là nhân tố tác động lớn đến chi phí thực hiện công việc tư vấn. Khi công trình có yêu cầu thời gian thực công việc tư vấn nhanh, khẩn trương thì hao phí cho công tác tư vấn cũng sẽ đòi hỏi có sự khác biệt so với yêu cầu tiến độ thông thường.
    – Các yếu tố thuộc về về trình độ chuyên môn của chuyên gia tư vấn. Do yêu cầu phức tạp của công việc, các chuyên gia tư vấn thường có trình độ từ đại học trở lên và phải tham gia các lớp đào tạo để được cấp chứng chỉ hành nghề (quản lý dự án, giám sát, kỹ sư định giá) phù hợp với công việc tư vấn thực hiện. Do vậy, khi xác định chi phí tư vấn cần lưu ý chi phí tiền lương của chuyên gia tư vấn khác với tiền lương của lao động phổ thông thông thường. Ngoài ra, kinh nghiệm của chuyên gia tư vấn cũng là vấn đề quan trọng. Kinh nghiệm được coi như một trong những yếu tố ảnh hưởng đến các kỹ năng của chuyên gia khi đưa ra các lời khuyên hữu ích cho chủ đầu tư. Thông thường chuyên gia tư vấn có thời gian làm việc càng lâu thì mức tiền lương càng cao.
    – Các yếu tố thuộc về môi trường, điều kiện làm việc của doanh nghiệp tư vấn. Môi trường, điều kiện làm việc của từng doanh nghiệp tư vấn có ảnh hưởng nhất định đến chi phí tư vấn. Nếu doanh nghiệp đầu tư trụ sở, máy móc thiết bị hiện đại thì các chi phí này sẽ được phân bổ nhiều vào sản phẩm, chi phí tư vấn sẽ tăng cao. Tuy nhiên nếu các công ty không đầu tư thì lại không bắt kịp sự phát triển của ngành nghề, không cập nhật được các tiến bộ trong công tác tư vấn. Do vậy, việc đầu tư cho môi trường, điều kiện làm việc của các doanh nghiệp tư vấn sẽ khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu phát triển của từng doanh nghiệp cụ thể.
    – Các yếu tố thuộc về môi trường xã hội. Tư vấn đầu tư xây dựng công trình đòi hỏi chuyên gia phải có “chất xám” nhưng đồng thời cũng là một nghề trong xã hội. Do vậy, cũng cần phải được đặt trong thực trạng chung trên cơ sở các yếu tố: Đặc thù của ngành nghề, tình hình cung cấp lao động (chuyên gia) trên thị trường, mức thu nhập bình quân của xã hội, mặt bằng giá sinh hoạt… Các yếu tố này là các tổng hòa không tách rời khi xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.

    2. Sự cần thiết phải thay đổi cơ chế xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

    Cơ chế xác định chi phí tư vấn theo định mức chi phí tư vấn công bố tại Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/09/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (Quyết định 957/QĐ-BXD) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được đánh giá là tương đối thuận lợi, phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên đến nay, cơ chế xác định này cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập đòi hỏi cần phải khắc phục. Việc xác định chi phí tư vấn trong tổng mức đầu tư hoặc trong dự toán trên cơ sở sử dụng định mức chi phí theo tỷ lệ phần trăm (%) của chi phí xây dựng, chi phí thiết bị trong tổng mức đầu tư được duyệt hoặc chi phí xây dựng trong dự toán được duyệt là chưa hợp lý (sử dụng dữ liệu của bước sau để dự tính chi phí ở thời điểm hiện tại). Cơ chế xác định này đã dẫn đến việc vận dụng không phù hợp khi xác định giá của một số loại hợp đồng tư vấn; đồng thời tạo ra sự thiếu nhất quán đối với hoạt động thanh toán, kiểm soát chi phí tư vấn. Mặt khác, cơ chế xác định chi phí thiết kế theo định mức tỉ lệ % của chi phí xây dựng trong dự toán được duyệt được cho đã tạo kẽ hở để nhà thầu tư vấn thiết kế cố tình “đẩy” chi phí xây dựng của công trình thông qua việc không lựa chọn phương án sử dụng vật tư, thiết bị của công trình tối ưu về mặt chi phí. Hay nói cách khác, cơ chế xác định chi phí thiết kế nêu trên đã gây ra hiện tượng lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, do thiếu hướng dẫn cách xác định chi phí tư vấn hình thành trong các quá trình đầu tư xây dựng (chi phí trong dự toán giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán công trình, dự toán gói thầu tư vấn) nên đã gây ra một số khó khăn khi xác định chi phí của dự án. Do thiếu chế  tài để kiểm soát chi phí thuê tư vấn nước ngoài, nhất là đối với các dự án sử dụng nguồn vốn của nhà nước nên đã gây ra hiện tượng “đắt đỏ” khi thuê tư vấn nước ngoài, tạo ra sự bất bình đẳng với đội ngũ tư vấn trong nước. Trị số định mức chi phí tư vấn theo công bố tại Quyết định 957/QĐ-BXD đến thời điểm hiện tại đã chưa theo kịp tốc độ trượt giá và những yếu tố khách quan tác động đến giá dịch vụ tư vấn.

    Các bất cập trên đòi hỏi phải có những giải pháp khắc phục để đảm bảo cơ chế xác định chi phí tư vấn phù hợp với cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành, góp phần chống lãng phí, thất thoát.

    3. Đổi mới cơ chế xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

    Để khắc phục những bất cập trên, Bộ Xây dựng đã công bố định mức chi phí tư vấn tại Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 (Quyết định số 79/QĐ-BXD) để thay thế Quyết định số 957/QĐ-BXD. Cơ chế xác định chi phí tư vấn theo hướng dẫn tại Quyết định số 79/QĐ-BXD là cơ sở để xác định chi phí các công việc tư vấn trong tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng và để xác định giá gói thầu tư vấn phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng, pháp luật về đấu thầu trong hoạt động xây dựng. Theo đó, cơ chế xác định chi phí tư vấn đã được chuyển từ phương thức xác định “sau” (theo dữ liệu chi phí được duyệt) sang phương thức xác định “trước” (sử dụng dữ liệu chi phí dự tính trước, dữ liệu chi phí của bước trước) phù hợp với mục tiêu xác định chi phí “đầu vào” của quá trình quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Mỗi giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, chi phí tư vấn sẽ được chuẩn xác dần theo quan điểm kiểm soát và quản lý chi phí; cụ thể:

    – Trong giai đoạn chuẩn bị dự án:
    + Sử dụng dữ liệu ước tính (suất vốn đầu tư hoặc dữ liệu chi phí của các dự án có tính chất, quy mô tương tự đã hoặc đang thực hiện) để xác định chi phí lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
    + Sử dụng dữ liệu trong sơ bộ tổng mức đầu tư của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được duyệt hoặc ước tính theo suất vốn đầu tư, dữ liệu chi phí của các dự án có tính chất, quy mô tương tự đã hoặc đang thực hiện (trong trường hợp dự án không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) để xác định chi phí lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế – kỹ thuật.

    – Trong giai đoạn thực hiện dự án:
    + Sử dụng dữ liệu chi phí xây dựng, chi phí thiết bị công trình trong tổng mức đầu tư được duyệt để xác định chi phí thiết kế, thẩm tra thiết kế, dự toán.
    + Sử dụng giá gói thầu xây dựng, thiết bị trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt (theo tổng mức đầu tư hoặc dự toán xây dựng công trình) để xác định chi phí lựa chọn nhà thầu, chi phí giám sát thi công xây dựng, giám sát lắp đặt thiết bị.
    – Trong giai đoạn kết thúc dự án: Sử dụng dữ liệu chi phí trong tổng mức đầu tư được duyệt để xác định chi phí quy đổi vốn đầu tư xây dựng.
              – Chi phí thuê tư vấn nước ngoài xác định không vượt quá “mức trần” chi phí để thuê cá nhân, tổ chức tư vấn nước ngoài thực hiện công việc quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
              
    Cơ chế xác định chi phí tư vấn theo hướng dẫn tại Quyết định số 79/QĐ-BXD cơ bản đã khắc phục một số bất cập của cơ chế xác định trước đây. Theo đó, các chỉ tiêu như suất vốn đầu tư, dữ liệu chi phí của các dự án, công trình tương tự đã thực hiện là những chỉ tiêu chủ yếu sử dụng để xác định chi phí tư vấn. Mặt khác, chi phí xây dựng, chi phí thiết bị của tổng mức đầu tư được duyệt, giá gói thầu được duyệt có vai trò rất quan trọng trong việc xác định chi phí tư vấn của công trình. Chi phí tư vấn được xác định đã đáp ứng mục tiêu là chi phí “đầu vào” trong quá trình quản lý chi phí đầu tư xây dựng, không sử dụng để thanh toán hợp đồng và đã khắc phục được hiện tượng “đẩy giá thành công trình xây dựng” để tính chi phí thiết kế theo tỷ lệ % do đối tượng xác định chi phí thiết kế là chi phí xây dựng trong tổng mức đầu tư được duyệt, với bối cảnh tổng mức đầu tư dự án chịu sự ràng buộc của kế hoạch đầu tư công (đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước). Cơ chế xác định này đòi hỏi nhà thầu tư vấn phải có đủ nguồn thông tin dữ liệu, khả năng về chuyên môn để xác định các chi phí của dự án.

    4. Kết luận

    Việc đổi mới cơ chế xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí trong bối cảnh của cơ chế quản lý đầu tư xây dựng có nhiều thay đổi theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cơ chế xác định chi phí tư vấn theo hướng dẫn mới hy vọng sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý tiết kiệm, hiệu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    Bình luận