Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Đổi mới cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

    29/11/2017 - 04:38
    460
    0
    0
    Ngày 23 tháng 07 năm 2014 Đề án “Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1196/QĐ-TTg. Đề án được phê duyệt là căn cứ hết sức quan trọng để triển khai hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, tổ chức huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực nêu trên, hoàn thành mục tiêu đặt ra của Chính phủ. Trong phạm vi bài viết, nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án giới thiệu một số nội dung cơ bản có liên quan của Đề án. Những năm qua, cơ chế chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển trong các lĩnh vực này đã tồn tại nhiều bất cập, thiếu khả thi, kém sức thu hút các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Đề án được phê duyệt đã chỉ rõ mục tiêu, định hướng phát triển, đồng thời là cơ sở pháp lý để triển khai nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện một cách đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách có liên quan, đảm bảo tính khả thi và thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho giai đoạn 2014 – 2020.
     
    Nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nói chung và hệ thống cấp, thoát nước, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng bao gồm nguồn lực về vốn đầu tư; về lợi thế của điều kiện tự nhiên, đất đai; về con người; về khoa học công nghệ và một số nguồn lực khác. Hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp của Nhà nước sẽ là cơ sở để phát huy tối đa các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Trên thực tế, trong những năm vừa qua Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, triển khai nhiều chương trình để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong đó có các lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên còn thiếu đồng bộ, chưa tạo được sự thay đổi lớn.
    Ở nước ta, sự phát triển nhanh chóng của các đô thị đã đặt ra nhu cầu lớn về vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Thực tế thời gian qua cho thấy, trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp, khả năng vay vốn ODA ngày càng khó khăn thì đã xuất hiện một số dự án do các nhà đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, tuy nhiên còn hạn chế về hình thức đầu tư cũng như quy mô đầu tư. Trước thực trạng trên và yêu cầu phát triển trong những năm sắp tới, ngày 08 tháng 06 năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhằm mục tiêu tới năm 2020 nước ta giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng, cung cấp ổn định nước sạch và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng xây dựng Đề án “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”. Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng được giao chủ trì đề xuất, nghiên cứu soạn thảo, lấy ý kiến các Bộ, ngành để hoàn thiện, báo cáo Bộ Xây dựng và trình Chính phủ xem xét phê duyệt đề án này. Sau một năm thực hiện nghiên cứu và hoàn thiện, ngày 23 tháng 07 năm 2014 Đề án “Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1196/QĐ-TTg. Đề án được phê duyệt là căn cứ hết sức quan trọng để triển khai hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, tổ chức huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực nêu trên, hoàn thành mục tiêu đặt ra của Chính phủ. Nhóm nghiên cứu trình bày một số nội dung cơ bản của Đề án như sau:

    1.     Về một số  bất cập, hạn chế trong thời gian qua
    Trong giai đoạn vừa qua, việc đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu sử dụng nguồn vốn nhà nước (trong đó vốn vay ODA là chính), trong khi nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư còn rất khiêm tốn. Trong lĩnh vực cấp nước, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nguồn vốn để đầu tư xây dựng chiếm đến 80% là vốn nhà nước, riêng lĩnh vực xử lý nước thải vốn nhà nước chiếm 100% vốn đầu tư xây dựng. Hầu như chưa có sự huy động nguồn lực về đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn nông thôn.
    Cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đã được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư, đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, cơ chế chính sách ưu đãi trong các lĩnh vực này còn tồn tại một số bất cập:
    – Công tác lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch đối với các lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị còn chậm, chất lượng chưa cao ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị dự án cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Cơ chế chính sách về đầu tư xây dựng còn chưa được đồng bộ, chồng chéo; thủ tục hành chính còn rườm rà đã gây khó khăn trong quá trình đầu tư xây dựng. Cơ chế chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đầy đủ, thiếu hướng dẫn cụ thể. Một số khuyến khích đầu tư đã ban hành còn chưa thực sự khả thi (ví dụ, cơ chế hỗ trợ trực tiếp bằng vốn ngân sách đối với các dự án đầu tư trong các lĩnh vực này của khu vực kinh tế ngoài nhà nước là chưa thực hiện được do điều kiện ngân sách rất hạn hẹp).
    – Cơ chế, chính sách về giá, phí trong các lĩnh vực này còn chậm đổi mới. Mức giá, phí của các sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực này còn thấp, chậm điều chỉnh nên chưa hấp dẫn khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể như: Giá nước sạch của một số địa phương chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí hợp lý như khấu hao tài sản cố định, lãi vay vốn sản xuất…. Mặt khác, giá nước sạch cũng không được điều chỉnh kịp thời nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cấp nước, làm tăng gánh nặng bù lỗ từ ngân sách của địa phương; Phí thoát nước theo quy định hiện hành là quá thấp. Đa số các địa phương thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải ở mức 10% giá nước sạch, mức phí này chỉ đáp ứng được khoảng từ 20% – 30% chi phí cho việc nạo vét, sửa chữa hệ thống thu gom nước thải, chưa kể đến chi phí cho việc xử lý nước thải sinh hoạt; Phí vệ sinh môi trường bình quân ở các địa phương hiện nay là rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0.125% – 0.167% mức thu nhập bình quân hộ gia đình ở các đô thị. Nguồn kinh phí thu được từ phí vệ sinh môi trường chỉ đủ bù đắp khoảng 20% – 25% chi phí thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đô thị.
    – Năng lực của chính quyền địa phương còn hạn chế. Các cam kết của chính quyền địa phương đối với các nhà đầu tư tư nhân để đảm bảo lợi ích hợp pháp, chia sẻ rủi ro còn chưa cụ thể, thiếu nhất quán; Năng lực tài chính và kinh nghiệm của các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư và khai thác, vận hành trong các lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cạnh tranh hầu như chưa được áp dụng trong các lĩnh vực này.

    2. Về quan điểm, mục tiêu, định hướng chính và nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án
    a, Về quan điểm
    Quan điểm về huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được nêu rõ tại quyết định 1196/QĐ-TTg ngày 23 tháng 07 năm  2014 của Thủ tướng chính phủ gồm:
    – Phát triển hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo và mọi người dân có trách nhiệm tham gia đóng góp để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
    – Đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng nước đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; hạn chế tối đa rác thải, nước thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường.
    – Phát triển hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bền vững phải đáp ứng theo nguyên tắc người sử dụng dịch vụ, người gây ô nhiễm phải trả tiền, theo đó các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ cấp, thoát nước, phát sinh chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm đóng góp kinh phí để xử lý.
    – Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước với nhà đầu tư và người dân.
    b, Về mục tiêu
    Mục tiêu cần đạt được của Đề án là:
     Đến năm 2020 đạt mục tiêu đặt ra trong các Định hướng phát triển hệ thống cấp, thoát nước và Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
    – Huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên khai thác nguồn vốn đầu tư của thành phần kinh tế tư nhân để giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư.
    c, Về định hướng
    Theo kết quả báo cáo của Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thì tổng nhu cầu vốn cần huy động cho lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong 5 năm tới (2014-2020) khoảng 226,85 ngàn tỷ đồng trong đó vốn nhà nước chiếm khoảng 67% tổng nhu cầu vốn cần huy động. Để có thể đáp ứng được nhu cầu trên thì cần theo một số định hướng chủ yếu sau:
    – Vốn ngân sách vẫn phải dành một phần nhất định để trực tiếp đầu tư và hỗ trợ đầu tư.
    – Nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (vốn ODA) cũng như nguồn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế và của các nước cần được khai thác tối đa và sử dụng hợp lý.
    – Huy động tối đa sự tham gia của các thành phần kinh tế khác để đầu tư phát triển các lĩnh vực.
    d, Về nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án
    Thực hiện theo quyết định 1196/QĐ-TTg ngày 23 tháng 07 năm 2014 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án” Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt” trong giai đoạn 2014-2015 các Bộ, ngành, địa phương phải hoàn thiện cơ chế, chính sách và ban hành đồng bộ một khối lượng lớn các văn bản hướng dẫn có liên quan như sau:
    – Về quy hoạch và cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng: Rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch chuyên ngành hoặc nội dung quy hoạch cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong các đồ án quy hoạch của các địa phương; Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành; cơ chế, chính sách về đầu tư theo hình thức công – tư, tín dụng đầu tư đối với các hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hướng dẫn phương pháp lựa chọn nhà đầu tư, mẫu hợp đồng dự án trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
    – Về cơ chế, chính sách giá dịch vụ: Nghiên cứu áp dụng giá dịch vụ thoát nước, giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Điều chỉnh khung giá tiêu thụ nước sạch theo hướng dẫn đến năm 2020 không phải trợ giá tiêu thụ nước sạch từ ngân sách nhà nước; Hướng dẫn cụ thể về điều kiện trợ giá, mức trợ giá và thời gian trợ giá đối với sản phẩm của quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phục vụ xác định giá tiêu thụ nước sạch, giá dịch vụ thoát nước và giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
    – Về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư: Sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 04 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn; Nghị định 04/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đảm bảo tính đồng bộ giữa chính sách tài chính đất đai với pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
    – Về cơ chế, chính sách khác: Xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2020. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hoàn thiện cơ chế, chính sách nghiên cứu phát triển công nghệ trong nước và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
    Để triển khai thực hiện thành công Đề án này, ngày 03 tháng 11 năm 2014 Bộ trưởng Bộ Xây dựng – Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định số 1326/QĐ-BXD “Về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt” giao nhiệm vụ thực hiện Đề án cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. Theo chức năng nhiệm vụ được giao, năm 2015 Viện Kinh tế Xây dựng – Bộ Xây dựng thực hiện việc nghiên cứu, hoàn thiện và trình Bộ xem xét, ký ban hành một số văn bản có liên quan như sau: Hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Hướng dẫn chi tiết nội dung hợp đồng dự án của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Xác định tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công – tư đối với các lĩnh vực: Cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Xác định chỉ tiêu suất vốn đầu tư xây dựng và mức xử lý nước thải.

    3. Kết luận
    Năm 2014 với kết quả nghiên cứu thành công và trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt” là sự phấn đấu nỗ lực của tập thể cán bộ nghiên cứu, Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng. Đây cũng là một đóng góp lớn của Viện về nghiên cứu chiến lược phát triển, quản lý kinh tế ngành xây dựng cho giai đoạn 2015 – 2020. Một đóng góp mới và quan trọng của Đề án là đã đề xuất trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, văn bản pháp luật cần hoàn thành, cơ quan chủ trì, phối hợp, lộ trình phải thực hiện. Thực hiện thành công Đề án đồng thời là nhiệm vụ quan trọng của quá trình triển khai cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ về tái cơ cấu đầu tư công ở nước ta trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị.

    Tác giả bài viết: TS. LÊ VĂN LONG & CN. BÙI THỊ NGỌC ANH
    PHÒNG NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC VÀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ KINH TẾ NGÀNH, VIỆN KINH TẾ XÂY DỰNG

    Bình luận