Đây là đề xuất tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP.
Số tiền bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường là 100 triệu đồng/người/vụ
Về bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường, dự thảo quy định đối tượng bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường là trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng đối với người lao động thi công trên công trường theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 119/2015/NĐ-CP.
Số tiền bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường là 100 triệu đồng/người/vụ.
Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường theo quy định.
Thời hạn bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật.
Khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thi công trên công trường, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Đối với bên mua bảo hiểm: Lập tức thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc, sau đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thi công trên công trường, bên mua bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm theo mẫu quy định.
Cung cấp các tài liệu trong hồ sơ bồi thường theo quy định và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu đó.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm: Hướng dẫn bên mua bảo hiểm, phối hợp với bên mua bảo hiểm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập đầy đủ tài liệu để lập hồ sơ bồi thường; xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại.
Trường hợp chấp nhận bồi thường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản thông báo bồi thường bảo hiểm. Trường hợp từ chối bồi thường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản giải thích lý do.
Khi người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thuộc trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả những khoản tiền theo thỏa thuận giữa nhà thầu thi công và người lao động hoặc đại diện hợp pháp của người lao động (trong trường hợp người lao động đã chết), bao gồm các khoản chi trả sau:
– Phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ điều trị được tính căn cứ vào mức tiền lương theo hợp đồng lao động nhưng không vượt quá 6 tháng lương trong mỗi sự kiện bảo hiểm.
– Chi phí y tế thực tế (bao gồm chi phí cấp cứu, chi phí điều trị nội, ngoại trú cần thiết và hợp lý) không vượt quá 100 triệu đồng/người/vụ…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo BĐT Chính phủ