Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: Nghiên cứu xây dựng tiêu chí giám sát, đánh giá các dự án thí điểm áp dụng BIM

    09/08/2020 - 02:44
    635
    0
    0
    1. Sự cần thiết nghiên cứu đề tài

    – Ngày 22/12/2016 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình tại Quyết định 2500/QĐ-TTg, theo đó, khuyến khích áp dụng BIM để nâng cao năng suất, chất lượng trong các dự án đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, trong thực tế, các vấn đề như chi phí đầu tư ban đầu cao liên quan đến thiết lập phần mềm và phần cứng và đào tạo người dùng BIM, kết hợp với những khó khăn khi kết hợp BIM vào quy trình vận hành và hệ thống quản lý hiện tại, vẫn là những thách thức đối với các nhà quản lý, chủ đầu tư cũng như các doanh nghiệp tư vấn, thi công xây lắp khi nghiên cứu áp dụng BIM. Kinh nghiệm cho thấy, hiệu quả, lợi ích bắt nguồn từ việc áp dụng BIM sẽ ảnh hưởng đến sự tích cực và nhiệt tình của các chủ thể liên quan trong vấn đề triển khai BIM. BIM là công nghệ mới, có nhiều lợi thế. Tuy nhiên để có thể khai thác được có hiệu quả, ngoài việc lựa chọn mục tiêu áp dụng phù hợp thì quá trình triển khai đúng quy trình, phân bổ nguồn lực hợp ý có vai trò quan trọng.

    – Trong đầu tư nói chung, giám sát và đánh giá là chức năng quản lý có vai trò quan trọng giúp nâng cao tính hiệu quả trong hỗ trợ quá trình phát triển. Mục đích chính của giám sát và đánh giá là để các đối tác thực hiện có thể đưa ra các quyết định, có đầy đủ thông tin nhằm giúp họ đạt được các mục tiêu phát triển của mình và thể hiện các kết quả đó. Việc giám sát và đánh giá dự án đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng để đồng vốn đầu tư được sử dụng đúng mục tiêu và đảm bảo sự tăng trưởng. Đối với việc triển khai BIM trong dự án đầu tư xây dựng, cũng qua nhiều công đoạn, có sự tham gia của nhiều chủ thể, khi xác định ứng dụng BIM là công cụ chủ đạo trong quá trình phối hợp thực hiện dự án thì việc xem xét, đánh giá quá trình triển khai là cần thiết.

    – Nhằm mục đích làm rõ căn cứ để đánh giá, nhận biết nội dung, yêu cầu quá trình triển khai áp dụng BIM thì việc xây dựng bộ tiêu chí giám sát, đánh giá là cấp thiết. Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá sẽ là công cụ để nhận biết, theo dõi đo lường đánh giá hoạt động áp dụng BIM, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu có thể nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu trong hoạt động áp dụng BIM, từ đó cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động quá trình áp dụng đáp ứng mục tiêu áp dụng BIM cho dự án. 

    1. Mục đích nghiên cứu

              Xây dựng bộ tiêu chí giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng giai đoạn thực hiện thí điểm nhằm giúp các chủ đầu tư nhận biết, theo dõi, đánh giá quá trình áp dụng BIM, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu để cải thiện, nâng cao chất lượng quá trình triển khai áp dụng BIM cho dự án. Kết quả đánh giá theo tiêu chí cũng là cơ sở để Ban chỉ đạo BIM Bộ Xây dựng tổng kết, hoàn thiện các hướng dẫn, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ việc áp dụng rộng rãi BIM trong lĩnh vực xây dựng.

    1. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

    – Làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến việc xây dựng các tiêu chí giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM trong dự án đầu tư xây dựng;
    – Đánh giá thực trạng việc tổ chức thực hiện áp dụng BIM, công tác giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM tại Việt Nam (trọng tâm là các dự án thí điểm áp dụng);
    – Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM trong dự án đầu tư xây dựng (giai đoạn thí điểm) phù hợp với định hướng việc áp dụng và các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng.

    1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

    3.1 Đối tượng nghiên cứu: Tiêu chí giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM trong dự án đầu tư xây dựng.
    3.2 Phạm vi nghiên cứu của đề tài
    – Chủ thể giám sát, đánh giá: Chủ đầu tư dự án
    – Đối tượng giám sát, đánh giá: việc áp dụng BIM trong dự án đầu tư xây dựng.
    Đề tài tập trung nghiên cứu công tác giám sát, đánh giá việc áp dụng thí điểm BIM tại các dự án đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2016-2018 (Giai đoạn bắt đầu thực hiện Đề án 2500 của Thủ tướng Chính phủ). Việc áp dụng BIM trong quản lý vận hành hiện chưa được các dự án thực hiện, mặt khác nội dung áp dụng trong quản lý vận hành hiện vẫn chưa có hướng dẫn, do vậy đề tài chỉ đưa ra nội dung có thể ứng dụng BIM, một số tiêu chí có thể tham khảo cho các công trình áp dụng BIM trong quản lý vận hành.

    1. Phương pháp nghiên cứu

    – Hồi cứu tài liệu: tham khảo các tài liệu trong và ngoài nước có liên quan về giám sát, đánh giá, xác định lợi ích việc áp dụng BIM.
    – Nghiên cứu lý luận: hệ thống các khái niệm về chỉ tiêu giám sát, đánh giá, lý thuyết về phương pháp đánh giá và hệ thống chỉ tiêu đánh giá.
    – Khảo sát đánh giá: khảo sát thực trạng công tác giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM tại một số dự án thí điểm;
    – Tham vấn với một số đơn vị, tổ chức, cá nhân về tính phù hợp của các tiêu chí giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM cho dự án.

    1. Kết cấu của đề tài

    Kết cấu đề tài gồm có: Phần mở đầu, kết luận và kiến nghị, tài liệu tham khảo, phụ lục và có 3 chương nội dung.
    Nội dung của 3 chương như sau:
    Chương I: Cơ sở lý luận liên quan đến tiêu chí giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM trong dự án đầu tư xây dựng
    Chương II: Thực trạng về công tác giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM tại các dự án thí điểm
    Chương III: Đề xuất một số tiêu chí giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM tại các dự án thí điểm
    Phần phụ lục:
    Phụ lục số 1: Tình hình triển khai thực hiện áp dụng BIM tại một số dự án thí điểm
    Phụ lục số 2: Điều tra thăm dò về tiêu chí giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM tại dự án đầu tư xây dựng
    Phụ lục số 3: Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM tại các dự án đầu tư xây dựng (giai đoạn thí điểm)
    Phụ lục số 4: Mẫu bảng thu thập thông tin xác định lợi ích của việc áp dụng BIM

    Bình luận