- Sự cần thiết nghiên cứu đề tài
– Theo thống kê, hiện cả nước có 331 mỏ cát vàng với tổng trữ lượng khoảng 2.079,72 triệu m³. Trong đó, nhu cầu về cát từ năm 2016 đến năm 2020 cần 2,1 đến 2,3 tỉ m3 do đó nếu sử dụng loại vật liệu này để san lấp mặt bằng thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ hết nguồn tài nguyên cát và nếu chỉ sử dụng cát trong công tác bê tông thì sản lượng cát chỉ đáp ứng được thêm từ 15 – 20 năm là cạn kiệt. [28]
– Mỗi năm nhu cầu cát xây dựng cần khoảng 120 triệu m³, lượng cát khai thác được 28,985 triệu m³/năm (của 559 cơ sở được cấp phép) cũng chỉ đáp ứng được 24,2% nhu cầu sử dụng. Mặt khác, cát tự nhiên là một trong những nguồn tài nguyên không tái tạo việc khai thác cát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây sạt lở, xói mòn bờ sông. Vì vậy trong thời gian qua Chính phủ đã quyết liệt trong việc hạn chế việc khai thác và sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu xây dựng. Do đó việc sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong xây dựng là việc làm cần thiết.
– Hiện nay, định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng công trình chưa được Bộ Xây dựng công bố. Tuy nhiên, tại một số công trình xây dựng có sử dụng cát nghiền từ đá tự nhiên khai thác hoặc tận dụng (như thủy điện Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, thủy lợi Nước Trong, Tân Mỹ,..) và đơn giá cát nghiền các công trình này được xác định theo dây chuyền biện pháp tổ chức sản xuất của từng công trình. Việc nghiên cứu xây dựng định mức sản xuất cát nghiền là cơ sở để các đơn vị quản lý nhà nước tại địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị có sơ cở xác định, quản lý giá thành cát nghiền tại địa phương cũng như khi sử dụng cát nghiền đưa vào thi công xây dựng công trình.
Với các lý do trên cho thấy việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng” là rất cần thiết.
- Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
Nghiên cứu xây dựng định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng nhằm hoàn thiện hệ thống công cụ phục vụ xác định chi phí công tác sản xuất cát nghiền trong xây dựng công trình.
- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
- Đối tượng nghiên cứu
Dây chuyền sản xuất cát nghiền và các hao phí trực tiếp về vật liệu (nếu có), nhân công, máy thi công sản xuất cát nghiền trong xây dựng.
- Phạm vi nghiên cứu của đề tài
– Xây dựng định mức sản xuất cát nghiền từ các loại đá thải, đá tận dụng và đá khai thác nhằm góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.
– Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài định mức sản xuất cát nghiền được xác định đối với công tác sản xuất cát nghiền từ các nguồn nguyên liệu đầu vào như các loại đá thải, đá tận dụng và đá khai thác từ mỏ đá tự nhiên hay đá tận dụng tại hố móng công trình. Định mức trên chưa bao gồm hao phí vật liệu, nhân công và máy thi công phục vụ công tác khai thác đá và các chi phí phân bổ như bóc đá tầng phủ (đối với mỏ tự nhiên), chi phí xây dựng sân bãi tập kết vật liệu đầu vào và chứa cát nghiền, thuế, phí tài nguyên, di chuyền và lắp đặt dây chuyền thiết bị sản xuất,…
- Phương pháp nghiên cứu của đề tài
Các phương pháp được sử dụng trong quá trình triển khai thực hiện đề tài là phương pháp kết hợp giữa các phương pháp sau:
- Phương pháp khảo sát thực tế tại hiện trường;
- Phương pháp thống kê – kinh nghiệm;
- Phương pháp phân tích – tính toán.
- Sản phẩm của đề tài
- Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài.
- Dự thảo định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng.
- Nội dung nghiên cứu của đề tài
Báo cáo kết quả thực hiện đề tài có kết cấu ngoài phần mở đầu, kết luận và các phụ lục bao gồm 03 chương:
Chương 1: Tổng quan về cát nghiền trong xây dựng và định mức sản xuất cát nghiền.
Chương 2: Thực trạng sản xuất, sử dụng cát nghiền trong xây dựng và định mức sản xuất cát nghiền.
Chương 3: Xây dựng định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng.
Phụ lục số 01: Kết quả xác định định mức sản xuất cát nghiền.
Phụ lục số 02: Chi tiết tính toán định mức sản xuất cát nghiền.
Phụ lục số 03: Văn bản số 619/VKT-ĐM ngày 25/3/2019 của Viện Kinh tế xây dựng về định mức sản xuất cát nghiền trong xây dựng.