Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN BIỂN VÀ HẢI ĐẢO PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN, TÍNH CHẤT, BIỆN PHÁP THI CÔNG VÀ CÔNG NGHỆ XÂY DỰNG ĐẶC THÙ TRÊN BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

    30/12/2019 - 03:03
    457
    0
    0
    1. Sự cần thiết nghiên cứu đề tài

    – Việt Nam là một quốc gia ven bờ Biển Đông, có các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng khoảng 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền); bờ biển dài khoảng 3.260 km; có khoảng 3 nghìn đảo lớn, nhỏ gần bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% dân số toàn quốc. Nước ta có rất nhiều lợi thế về biển, đảo để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như: dầu khí, khai thác thuỷ sản, du lịch, hàng hải… tạo tiềm lực mạnh mẽ để xây dựng và phát triển đất nước.

    – Xác định rõ tiềm năng và thế mạnh của biển, đảo Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”. Trong đó, mục tiêu cụ thể được xác định là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học – công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.

    – Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi măng, chế biến thuỷ sản chất lượng cao… Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông – biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển… Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”.

    – Với chủ trương như vậy, trong những năm qua, chúng ta đã có những thay đổi mang tính chiến lược, đạt được những thành tựu khá toàn diện trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế biển, đảo. Các công trình biển xây dựng trên thềm lục địa Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt là các công trình xây dựng để phục vụ công tác khai thác dầu khí, phát triển dịch vụ cảng, vận tải biển. Và với sự phát triển của các ngành kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải rộng lớn của nước ta còn đòi hỏi xây dựng thêm ngày càng nhiều các công trình có quy mô ngày càng lớn với những yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao theo xu hướng phát triển.

    – Trong xây dựng cơ bản, bên cạnh việc hoàn thiện, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, an toàn cho công trình, việc xác định, quản lý chi phí đầu tư xây dựng hợp lý đóng vai trò quan trọng do liên quan đến hiệu quả, kế hoạch, tiến độ triển khai dự án. Một trong các công cụ không thể thiếu để thực hiện việc này là hệ thống định mức dự toán xây dựng công trình.
    Để phục vụ việc lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho các công trình thi công trên biển và hải đảo, Bộ Xây dựng đã công bố tập định mức xây dựng công trình trên biển và hải đảo từ những năm 2000, cơ bản đã bao gồm các công tác thi công chủ yếu trên đảo và trên biển. Tuy nhiên, những định mức này đến nay nhìn chung đã lạc hậu do sự phát triển của kỹ thuật-công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng được nâng lên.

    – Bên cạnh đó, do nhu cầu đa dạng trong đầu tư các công trình, việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến ngày càng phổ biến trong xây dựng đã xuất hiện nhiều công tác thi công mới với điều kiện đặc thù của biển đảo (như: thi công trên nền san hô, làm đê ngăn trên biển tránh thiên tai, nạo vét bằng thiết bị công suất lớn,…). Các công tác này chưa được định mức để làm cơ sở xác định chi phí. Vấn đề thiếu các định mức, định mức không phù hợp với các công nghệ thi công phổ biến đã gây nhiều khó khăn cho các chủ thể có liên quan khi lập dự án đầu tư và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, phần nào đó ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả, tiến độ thực hiện dự án.

    – Xuất phát từ những lý do trên, việc nghiên cứu, xây dựng định mức dự toán cho các công tác thi công xây dựng phù hợp với điều kiện, tính chất, biện pháp thi công, công nghệ xây dựng đặc thù trên biển và hải đảo là cần thiết. Việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, bên cạnh ý nghĩa góp phần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng còn có ý nghĩa lớn trong việc góp phần thực hiện Chiến lược biển do Đảng và Nhà nước đề ra.

    1. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

    – Hệ thống hóa những vấn đề liên quan đến công trình trên biển và hải đảo, biện pháp và công nghệ thi công công trình trên biển và hải đảo;
    – Đánh giá thực trạng việc xây dựng và áp dụng hệ thống định mức xây dựng công trình trên biển và hải đảo phục vụ việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
    – Nghiên cứu xây dựng định mức dự toán cho một số công tác thi công xây dựng công trình trên biển và hải đảo phù hợp với điều kiện, tính chất, biện pháp thi công và công nghệ xây dựng đặc thù, các định mức dự toán cho các công tác thi công thí điểm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng tránh thiên tai…và ứng dụng các vật liệu mới phục vụ thi công các công trình trên biển và hải đảo ở Việt Nam.

    1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu        

    3.1 Đối tượng nghiên cứu: Định mức dự toán các công tác thi công trên đảo và trên biển.
    3.2 Phạm vi nghiên cứu của đề tài
    Định mức dự toán cho một số công tác thi công xây dựng phù hợp với điều kiện, tính chất, biện pháp thi công và công nghệ xây dựng đặc thù tại một số đảo và trên biển Việt Nam.

    1. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu chủ yếu trong quá trình thực hiện là nghiên cứu lý luận kết hợp với tổng kết và phân tích các số liệu (thống kê, khảo sát,…) thu thập được từ các công trình đã và đang triển khai xây dựng tại khu vực biển và trên đảo ở Việt Nam.

    1. Kết cấu của đề tài

    Kết cấu của đề tài gồm Phần mở đầu, kết luận và 3 chương nội dung, cụ thể như sau:
    Chương I: Tổng quan về công trình biển và hải đảo, định mức dự toán xây dựng công trình biển và hải đảo
    Chương II: Thực trạng việc áp dụng công nghệ, biện pháp thi công công trình trên biển, hải đảo tại Việt Nam và đề xuất phương pháp xây dựng định mức dự toán xây dựng công trình trên biển và hải đảo
    Chương III: Nghiên cứu xây dựng định mức dự toán cho một số công tác thi công xây dựng công trình trên biển và hải đảo
    Phần phụ lục:
    Phụ lục số 1: Đề xuất danh mục định mức một số công tác thi công xây dựng trên biển và hải đảo
    Phụ lục số 2: Bảng tổng hợp các ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo định mức
    Phụ lục số 3: Dự thảo định mức dự toán cho một số công tác thi công trên biển và hải đảo
    Phụ lục 4. Xác định định mức dự toán một số công tác thi công trên biển và hải đảo

    Bình luận