Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: Nghiên cứu xây dựng Định mức dự toán hao phí xử lý nước thải sinh hoạt theo một số công nghệ xử lý phục vụ công tác quản lý dịch vụ xử lý nước thải

    09/09/2020 - 02:37
    673
    0
    0
    1. Sự cần thiết của việc triển khai nghiên cứu đề tài
    – Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính Phủ về thoát nước và xử lý nước thải đã quy định Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn phương pháp xác định giá dịch vụ thoát nước. Theo đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2015/TT-BXD ngày 02/4/2015 hướng dẫn phương pháp xác định giá dịch vụ thoát nước. Để có cơ sở cho việc xác định chi phí đầu tư cũng như dự kiến chi phí xử lý nước thải, Bộ Xây dựng đã công bố suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý nước thải tại Quyết định số 451/QĐ-BXD ngày 21/4/2015. Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng đã công bố định mức dự toán nạo vét, duy trì hệ thống thoát nước đô thị tại Quyết định số 591/QĐ-BXD ngày 30/5/2014. Các văn bản nêu trên là những căn cứ quan trọng phục vụ cho việc xác định và quản lý chi phí của dịch vụ thoát nước.
    – Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi xác định giá dịch vụ thoát nước cần phải xác định được đầy đủ, đúng quy định chi phí của công đoạn nạo vét, duy trì hệ thống thu gom nước thải và công đoạn xử lý nước thải. Một trong những yêu cầu để xác định chi phí của các công đoạn này là cần phải có các định mức do cơ quan có thẩm quyền công bố; bao gồm định mức dự toán cho các công việc nạo vét, duy trì hệ thống thu gom nước thải và định mức dự toán cho công tác xử lý nước thải. Mặt khác, trong bối cảnh nhiều địa phương chưa xác định được giá dịch vụ thoát nước, chưa xác định giá để thanh toán hợp đồng xử lý nước thải đòi hỏi cần phải xác định được mức giá riêng của công đoạn xử lý nước thải. Ngoài ra, trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các dự án xử lý nước thải đã gặp khó khăn lúng túng khi không có đủ cơ sở để đánh giá các tiêu hao về vật tư, nhiên liệu, điện năng; lao động; thiết bị của quá trình xử lý nước thải cũng như đánh giá chi phí duy trì việc xử lý nước thải, một yếu tố quan trọng khi xem xét góc độ tài chính, hiệu quả kinh tế, tài chính của dự án đầu tư cơ sở xử lý nước thải. Định mức dự toán cho các công việc nạo vét, duy trì hệ thống thu gom nước thải hiện đã được Bộ Xây dựng công bố chung, nhiều địa phương đã công bố riêng định mức này dựa trên định mức của Bộ Xây dựng và điều chỉnh để phù hợp với thực tế của địa phương. Tuy nhiên, do chưa có định mức của công đoạn xử lý nước thải nên việc lập kế hoạch vốn, lựa chọn đơn vị quản lý vận hành và thanh toán chi phí xử lý nước thải sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, do chưa có định mức của công đoạn này nên việc xác định và quản lý giá dịch vụ thoát nước gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc tiến hành nghiên cứu xem xét, đánh giá các công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đang được sử dụng hiện nay làm cơ sở để xác định định mức các hao phí có liên quan đến quá trình xử lý nước thải sinh hoạt (định mức dự toán xử lý nước thải sinh hoạt) phục vụ yêu cầu công tác quản lý dịch vụ này là cần thiết.
    2. Mục tiêu, phạm vi và đối tượng nghiên cứu
    2.1. Mục tiêu: Đề xuất các công cụ (định mức hao phí xử lý nước thải) phù hợp với các công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đang được sử dụng hiện nay phục vụ công tác quản lý dịch vụ thoát nước đô thị.
    2.2. Phạm vi nghiên cứu:
    – Về không gian: Lựa chọn một số công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đang áp dụng ở một số đô thị đại diện; trong đó tập trung đối với công nghệ xử lý bùn hoạt tính, công nghệ hồ sinh học và công nghệ lọc sinh học.
    – Về thời gian: Nghiên cứu sử dụng các tài liệu, số liệu có liên quan từ thời điểm cơ sở xử lý nước thải đầu tiên sử dụng công nghệ xử lý bùn hoạt tính, công nghệ hồ sinh học và công nghệ lọc sinh học ở nước ta đi vào hoạt động đến nay.
    2.3. Đối tượng nghiên cứu: Các hao phí của quá trình xử lý nước thải theo công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đang được áp dụng hiện nay.
    3. Phương pháp nghiên cứu
    Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, đề tài sử dụng kết hợp một số phương pháp nghiên cứu sau:
    – Phương pháp thống kê: thu thập các tài liệu, số liệu thống kê có liên quan công nghệ, công suất; thành phần và mức tiêu hao của nguyên vật liệu, vật tư, hóa chất, nhân lực, máy công nghệ trong quá trình xử lý nước thải sinh hoạt. Các thông tin được xử lý theo chủ đề làm cơ sở dữ liệu phục vụ việc tính toán hao phí định mức.
    – Phương pháp khảo sát thực tế: lựa chọn một số cơ sở xử lý nước thải sinh hoạt để khảo sát, theo dõi số liệu có liên quan đến quá trình vận hành xử lý nước thải. Số liệu thu thập từ khảo sát thực tế là nguồn dữ liệu kết hợp với số liệu thống kê để phục vụ việc tính toán các hao phí định mức.
    – Phương pháp phân tích, tổng hợp và kinh nghiệm chuyên gia: phân tích các tài liệu, số liệu thu thập được làm cơ sở để tổng hợp kết quả nghiên cứu, tính toán xác định các hao phí định mức. Sử dụng kinh nghiệm chuyên gia để đánh giá kết quả tính toán các hao phí định mức xử lý nước thải sinh hoạt.
    4. Sản phẩm của đề tài
    Sản phẩm chủ yếu của đề tài bao gồm:
    – Báo cáo tổng hợp kết nghiên cứu của đề tài.
    – Định mức hao phí xử lý nước thải sinh hoạt theo công nghệ xử lý bùn hoạt tính, công nghệ hồ sinh học và công nghệ lọc sinh học.
    – Dự thảo văn bản của Bộ Xây dựng hướng dẫn áp dụng Định mức hao phí xử lý nước thải sinh hoạt.
    5. Kết cấu của báo cáo kết quả thực hiện đề tài
    Báo cáo kết quả thực hiện đề tài ngoài Phần mở đầu, Kết luận và các Phụ lục bao gồm:
    – Chương 1. Cơ sở lý luận liên quan đến xác định mức hao phí xử lý nước thải sinh hoạt.
    – Chương 2. Thực trạng xác định hao phí và quản lý chi phí xử lý nước thải sinh hoạt.
    – Chương 3. Xác định hao phí xử lý nước thải sinh hoạt
    Bình luận