- Sự cần thiết nghiên cứu đề tài
– Năm 2011 Bộ Xây dựng đã công bố định mức dự toán cho các công tác xây gạch bê tông khí chưng áp (AAC) bằng vữa xây bê tông nhẹ và bằng vữa thông thường kèm theo Quyết định số 1091/QĐ-BXD ngày 26/12/2011. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ và với các ưu điểm của vật liệu xây không nung và cấu kiện không nung trong thời gian qua, các loại vật liệu này được phát triển mạnh ở các địa phương cùng với gạch bê tông, gạch bê tông khí chưng áp (AAC) còn có gạch bê tông bọt, khí không chưng áp, tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn (tấm Acotec), tấm Panel bê tông khí chưng áp,… Do đó cần nghiên cứu xây dựng định mức dự toán cho các loại vật liệu, cấu kiện trên và hoàn thiện định mức dự toán xây gạch bê tông, gạch bê tông khí chưng áp (AAC) đã được công bố.
– Hiện nay, việc sử dụng vật liệu không nung trong xây dựng công trình là rất cần thiết nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên đất. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành, Bộ Xây dựng đã công bố tập Định mức dự toán xây dựng công trình – Phần xây dựng (kèm theo văn bản số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 và các Quyết định số 1091/QĐ-BXD ngày 26/12/2011, số 1172/QĐ-BXD ngày 26/12/2012, số 588/QĐ-BXD ngày 29/5/2014, số 235/QĐ-BXD ngày 04/4/2017). Trong đó có 391 định mức dự toán sử dụng vật liệu xây không nung gồm (36 định mức dự toán cho công tác xây gạch bê tông; 320 định mức cho công tác xây tường gạch bê tông khí chưng áp AAC; 04 định mức cho công tác xây gạch silicát; 06 định mức cho công tác trát tường xây gạch bê tông khí chưng áp AAC bằng vữa cho bê tông nhẹ; 03 định mức làm khe chống nứt và căng lưới thép gia cố; 22 định mức công tác lắp dựng tấm V-3D, tấm 3D-SG) là cơ sở cơ sở để các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan sử dụng để xác định và quản lý chi phí xây dựng công trình.
– Theo dõi quá trình áp dụng các định mức sử dụng vật liệu không nung cho thấy các định mức đã được công bố về cơ bản là phù hợp với thực tế thi công các công trình có sử dụng loại vật liệu này. Tuy nhiên, do lần đầu công bố nên một số định mức còn có sự bất cập nhất định. Mặt khác, hiện nay cùng với sự phát triển của ngành xây dựng nói chung và để hạn chế việc sử dụng gạch đất sét nung theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Các sản phẩm sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung ngày càng phát triển như gạch bê tông, gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt, khí không chưng áp, tấm Acotec, tấm Panel bê tông khí chưng áp. Vì vậy việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung định mức cho công tác sử dụng vật liệu không nung trong công trình xây dựng công bố kèm theo văn bản số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 và Quyết định số 1091/QĐ-BXD ngày 26/12/ của Bộ Xây dựng là cần thiết để để thúc đẩy việc phát triển sử dụng vật liệu không nung trong đầu tư xây dựng.
- Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
Khắc phục một số bất cập, tồn tại của các định mức dự toán sử dụng vật liệu không nung đã được công bố để sửa đổi cho phù hợp yêu cầu kỹ thuật và thực tế thi công xây dựng.
Bổ sung định mức dự toán công tác sử dụng vật liệu và cấu kiện không nung chưa có định mức được Nhà nước công bố nhằm hoàn thiện công cụ phục vụ xác định chi phí xây dựng công trình có sử dụng vật liệu không nung góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng loại vật liệu này.
- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
3.1. Đối tượng nghiên cứu của đề tài
Định mức dự toán công tác sử dụng vật liệu và cấu kiện không nung.
3.2. Phạm vi nghiên cứu của đề tài
Trên cơ sở hệ thống định mức dự toán xây dựng công trình đã được công bố cho công tác xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung định mức dự toán công tác sử dụng vật liệu và cấu kiện không nung cho công trình xây dựng trong giai đoạn hiện nay.
- Phương pháp nghiên cứu của đề tài
Các phương pháp được sử dụng trong quá trình triển khai thực hiện đề tài là phương pháp kết hợp giữa các phương pháp sau:
– Phương pháp khảo sát thực tế tại hiện trường.
– Phương pháp thống kê – kinh nghiệm.
– Phương pháp phân tích – tính toán.
- Sản phẩm của đề tài
– Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài.
– Dự thảo Tập định mức dự toán sửa đổi, bổ sung đối với công tác xây dựng sử dụng vật liệu và cấu kiện không nung.
6. Kết cấu của đề tài
Báo cáo kết quả thực hiện đề tài có kết cấu ngoài phần mở đầu, kết luận và các phụ lục bao gồm 03 chương:
Chương 1: Tổng quan về vật liệu không nung và thực trạng áp dụng định mức dự toán công tác xây dựng sử dụng vật liệu và cấu kiện không nung.
Chương 2: Cơ sở lý luận có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung định mức dự toán công tác xây dựng sử dụng vật liệu và cấu kiện không nung.
Chương 3: Kết quả sửa đổi, bổ sung một số định mức dự toán công tác xây dựng sử dụng vật liệu và cấu kiện không nung.