Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: Nghiên cứu hướng dẫn phân loại vật liệu và thiết bị xây dựng phục vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình

    26/10/2021 - 02:19
    839
    0
    0

    1. Sự cần thiết nghiên cứu đề tài

    – Cùng với sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là của công nghệ xây dựng, nhiều loại vật liệu xây dựng, thiết bị dùng trong lĩnh vực xây dựng được phát minh mới, có tính năng hiện đại như: tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, … góp phần vào sự hình thành các công trình hiện đại.

    – Mặt khác, chi phí vật liệu xây dựng, chi phí thiết bị công trình, chi phí thiết bị công nghệ của dự án (gọi chung là chi phí thiết bị công trình) thường chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu chi phí xây dựng công trình. Vì vậy, việc nghiên cứu về các đặc điểm, tính chất của các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, đánh giá thực trạng việc hướng dẫn phân loại vật liệu, thiết bị công trình trong xác định dự toán xây dựng có ý nghĩa khoa học và từ các cơ sở lý luận đó đề xuất các tiêu chí, nguyên tắc, phương pháp phân loại vật liệu, thiết bị làm cơ sở lập dự toán xây dựng.

    – Từ trước năm 2000, đã có một số tác giả nghiên cứu về vấn đề này. Từ các các kết quả nghiên cứu được đề xuất, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 17/2000/TT-BXD ngày 29/12/2000 quy định hướng dẫn phân loại vật liệu tính vào chi phí trực tiếp trong dự toán xây dựng công trình (gọi tắt là Thông tư 17/2000). Trong khoảng thời gian ban đầu, các quy định này đã góp phần làm rõ và giúp cho các chủ thể hoạt động thực hiện tốt vai trò trong lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, qua thời gian áp dụng, các quy định này đã bộc lộ các điểm chưa phù hợp, lạc hậu về các quy định về chủng loại vật liệu, số lượng vật liệu, các đặc điểm kỹ thuật về vật liệu, làm ảnh hưởng đến quá trình lập dự toán xây dựng … như:
    + Quy định hạn chế cho một số loại vật liệu thông dụng như: gạch, cát, xi măng, …
    + Hạn chế về kích thước vật liệu tính vào chi phí xây dựng.
    + Các cấu kiện thép, cấu kiện bê tông đúc sẵn phụ thuộc vào trọng lượng dẫn đến sự khác nhau khi lập dự toán xây dựng.

    – Từ các hạn chế này, đã có một số các nghiên cứu nhằm hoàn thiện lại phương pháp, đưa ra các hướng dẫn mang tính cụ thể. Tuy nhiên theo kết quả rà soát ban đầu của nhóm đề xuất nghiên cứu thì hiện nay chưa có một nghiên cứu xuyên suốt, đầy đủ, chi tiết, tổng thể nào về các vấn đề như nghiên cứu tổng thể, đánh giá các thực trạng, tồn tại hạn chế, đánh giá và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc phân loại vật tư, vật liệu, thiết bị xây dựng công trình và các quy định mang tính pháp lý và từ đó đề xuất các cơ chế chính sách, các giải pháp, các quy định phù hợp, nhằm hoàn thiện việc hướng dẫn phân loại vật liệu, thiết bị trong lập dự toán xây dựng, nâng cao chất lượng quản lý chi phí đầu tư xây dựng.  

    – Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 thì Thông tư số 17/2000 hết hiệu lực thi hành. Vì vậy, trong quá trình lập dự toán xây dựng công trình thì việc hướng dẫn tính, phân loại vật tư, vật liệu, thiết bị vào dự toán xây dựng theo quy định tại Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (gọi tắt là Thông tư 06/2016) và bây giờ là Thông tư số 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (gọi tắt là Thông tư 09/2019).

    – Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Phụ lục số 4 Thông tư số 06/2016 hoặc phụ lục số 3 Thông tư 09/2019  thì không có một quy định cụ thể, rõ ràng nào trong việc lựa chọn, phân biệt các loại vật liệu, thiết bị xây dựng công trình tính vào dự toán xây dựng công trình.

    – Điều này dẫn đến trong quá trình xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng sẽ ảnh hưởng các nội dung sau:
    + Việc xác định Tổng mức đầu tư của dự án theo phương pháp khối lượng đơn giá, xác định dự toán xây dựng công trình bị hạn chế, thiếu tính chính xác. Các khoản mục chi phí được tính theo chi phí xây dựng, thiết bị công trình như các chi phí Quản lý dự án, chi phí tư vấn sẽ bị ảnh hưởng, gây thất thoát chi phí.
    + Ảnh hưởng đến việc xác định giá công trình, giá gói thầu xây dựng,  Ảnh hưởng đến công tác quản lý chi phí như: quá trình thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, thanh tra, kiểm toán, …   

    – Vì vậy, việc nghiên cứu một các tổng quan về thực trạng việc phân loại vật tư, thiết bị công trình trong quá trình lập dự toán; phân tích đánh gía các yếu tố ảnh hưởng đến việc phân loại … từ đó đề xuất các giải pháp, các hướng dẫn, quy định nhằm hoàn thiện việc hướng dẫn phân loại vật liệu, thiết bị công trình trong lập dự toán xây dựng, nâng cao chất lượng quản lý chi phí đầu tư xây dựng là hết sức cần thiết.

    2. Mục đích, mục tiêu nghiên cứu của đề tài

    – Nghiên cứu của đề tài đi sâu về lý luận, phân tích, tổng hợp các dữ liệu thu thập thông qua các nghiên cứu, các số liệu điều tra, khảo sát, các thực tiễn thực hiện …. tìm ra được các yếu tố ảnh hưởng đến việc phân loại vật liệu, thiết bị công trình xây dựng; Các tồn tại hạn chế về các quy định trong các hướng dẫn của các văn bản quy phạm pháp luật; Nghiên cứu các nguyên tắc, tiêu chí ảnh hưởng đến việc phân loại vật liệu, thiết bị công trình xây dựng; …. .
    – Từ các nghiên cứu trên đề xuất các giải pháp, các hướng dẫn, quy định nhằm hoàn thiện việc hướng dẫn phân loại vật liệu, thiết bị công trình trong lập dự toán xây dựng.
    Mục tiêu nghiên cứu
    – Nghiên cứu các thực trạng, các cơ sở pháp lý quy định về hướng dẫn phương pháp phân loại vật tư, vật liệu, thiết bị trong lập dự toán xây dựng công trình.
    – Nghiên cứu đánh giá, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc phân loại vật liệu, thiết bị trong lập dự toán xây dựng.
    – Nghiên cứu đề xuất các nguyên tắc, tiêu chí hướng dẫn phân loại vật liệu, thiết bị trong lập dự toán xây dựng nhằm nâng cao chất lượng quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
    – Đề xuất các nguyên tắc cơ bản nhất về phương pháp mã hóa các danh mục vật liệu phù hợp với hệ thống định mức đầu tư xây dựng phục vụ công tác quản lý chi phí.

    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

    3.1. Đối tượng nghiên cứu
    – Thực trạng, các cơ sở pháp lý quy định về hướng dẫn phương pháp phân loại vật tư, vật liệu, thiết bị trong lập dự toán xây dựng công trình.
    – Mối liên hệ và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phân biệt đối với vật tư và thiết bị xây dựng công trình được sử dụng trong các công trình xây dựng
    – Các hướng dẫn về phân loại vật tư, thiết bị trong lập dự toán xây dựng công trình
    – Phương pháp mã hóa thống nhất các loại vật tư phù hợp với hệ thống định mức hiện nay (một sô nguyên tắc cơ bản).
    3.2. Phạm vi nghiên cứu
    Đề xuất các hướng dẫn phân loại vật liệu, thiết bị xây dựng phục vụ công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở các giai đoạn của dự án:
    + Lập Tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.
    + Lập Tổng dự toán dự án, dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu xây dựng, …
    – Do việc nghiên cứu hướng dẫn phân loại các loại vật liệu xây dựng và thiết bị trên là rất rộng cho các đối tượng là các chủng loại vật liệu xây dựng, các thiết bị lắp đặt cho công trình xây dựng và áp dụng cho các loại hình công trình xây dựng. Vì vậy, phạm vi nghiên cứu của đề tài đề xuất chỉ nghiên cứu đến một số loại vật liệu xây dựng thông dụng và một số thiết bị phổ biến được lắp đặt vào một số công trình thông dụng thuộc loại hình công trình Dân dụng, Giao thông và một số loại công trình như công trình Điện thuộc loại hình công trình Công nghiệp. 
    – Mặt khác, do thời gian và nguồn lực nghiên cứu có hạn, nên đối với việc: “Đề xuất nguyên tắc, phương pháp mã hóa các danh mục vật liệu phù hợp với hệ thống định mức ĐTXD phục vụ công tác quản lý chi phí”, nhóm tác giả chỉ đề xuất nêu một số nguyên tắc có bản trong phương pháp mã hóa vật liệu. Để nghiên cứu kỹ vấn đề này, nhóm tác giả đề xuất bằng một nội dung nghiên cứu hoàn chỉnh khác nằm ngoài phạm vi của đề tài này.  

    4. Phương pháp nghiên cứu.

    – Sử dụng phương pháp nghiên cứu tổng hợp – phân tích để đánh giá thực trạng. Từ những kết quả điều tra khảo sát, tổng kết những vấn đề tồn tại sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích tổng hợp số liệu khảo sát để thực hiện các nghiên cứu của đề tài.

    5. Sản phầm của đề tài

    Sản phẩm dự kiến của đề tài bao gồm:
    – Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài.
    – Các hướng dẫn cụ thể cho việc phân loại vật liệu, thiết bị công trình xây dựng cho một số công trình chủ yếu (trong báo cáo Tổng hợp của đề tài).
    – Dự thảo Quyết định của Bộ Xây dựng hướng dẫn phân loại vật liệu, thiết bị trong lập dự toán xây dựng thay thế Thông tư số 17/2000.

    Bình luận