Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: Nghiên cứu hướng dẫn chi tiết đo bóc khối lượng công trình giao thông, công trình cấp nước và thoát nước

    29/10/2021 - 02:14
    511
    0
    0
    1. Sự cần thiết nghiên cứu đề tài
    – Bộ Xây dựng đã có các hướng dẫn về đo bóc khối lượng như: Văn bản số 737/BXD-VP ngày 22/04/2008, Quyết định số 788/QĐ-BXD ngày 26/08/2010, Quyết định số 451/QĐ-BXD ngày 23/05/2017 và gần đây nhất là Thông tư 17/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019. Việc đưa ra các hướng dẫn về đo bóc khối lượng xây dựng công trình phù hợp với từng giai đoạn là một yêu cầu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý chi phí. Tuy nhiên, do nội hàm của các văn bản hướng dẫn chủ yếu chỉ đưa ra các yêu cầu, nguyên tắc chung để quản lý công tác đo bóc khối lượng nên các vấn đề cụ thể thuộc về chuyên môn đo bóc cho từng loại công tác để đảm bảo phù hợp với hệ thống định mức, đơn giá chưa thể đề cập chi tiết. Bên cạnh đó, người thực hiện đo bóc khối lượng khi thực hiện công việc không chỉ phải sử dụng các quy phạm mà còn phải sử dụng nhiều tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn khác có liên quan. Do không có hướng dẫn chi tiết nên trong một số trường hợp còn có các cách hiểu khác nhau dẫn đến không thống nhất giữa các bên hoặc tranh chấp trong quá trình nghiệm thu, thanh toán, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị chức năng.
    – Trên thế giới, chi phí đầu tư xây dựng được thiết lập và chính xác hóa theo các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, phụ thuộc vào mức độ đầy đủ của các thông tin thể hiện. Khối lượng dùng để lập chi phí đầu tư xây dựng được đo bóc từ bản vẽ thiết kế, yêu cầu thực hiện của dự án và phải phù hợp với phương pháp xác định chi phí, hệ thống đơn giá hiện có (được xác định từ hệ thống (ngân hàng) dữ liệu, báo giá thị trường của các nhà cung cấp).
    – Để phục vụ công tác đo bóc khối lượng xây dựng, nhiều nước đã đưa ra các hướng dẫn về phương pháp chuẩn đo bóc khối lượng để tránh việc sử dụng các phương pháp đo bóc khối lượng khác nhau đối với cùng một loại công trình/công tác. Ngoài ưu điểm thống nhất về cách thức đo bóc khối lượng xây dựng, việc sử dụng các hướng dẫn này giúp người đo bóc khối lượng thuận lợi trong việc tra cứu, sử dụng, qua đó nâng cao tính chính xác, độ tin cậy của kết quả đo bóc khối lượng. Ở Trung Quốc hầu hết các loại công trình đều có Quy chuẩn tính khối lượng như: Quy chuẩn tính khối lượng công trình xây dựng nhà ở và công trình trang trí, Quy chuẩn tính khối lượng công trình mỏ, Quy chuẩn tính khối lượng công trình hạ tầng kỹ thuật, Quy chuẩn tính khối lượng nổ mìn, Quy chuẩn tính khối lượng công trình cổ…do nhà nước công bố. Một số nước có nền kinh tế thị trường phát triển như Anh, Hồng Kông, Singapore sử dụng các quy định hướng dẫn đo bóc khối lượng công trình mới (NRM2) và đo bóc khối lượng công trình hạ tầng kỹ thuật (CESMM4) do các tổ chức tư vấn có uy tín công bố để áp dụng. Các hướng dẫn này thường xuyên được cập nhật các công tác mới, công cụ mới.
    – Xuất phát từ những lý do trên, việc xây dựng hướng dẫn chi tiết công tác đo bóc khối lượng phù hợp với đặc thù xây dựng từng loại công trình là cần thiết nhằm đáp ứng được nguyên tắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình là tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu.
    2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
    – Hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến đo bóc khối lượng đối với công trình giao thông, cấp nước, thoát nước phục vụ lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
    – Đánh giá thực trạng công tác đo bóc khối lượng xây dựng công trình giao thông, cấp nước và thoát nước hiện nay;
    – Đề xuất xây dựng sổ tay đo bóc khối lượng xây dựng công trình giao thông (tập trung chủ yếu cho công trình cầu, đường bộ), cấp nước và thoát nước (hệ thống, mạng lưới truyền tải, hệ thống thu gom và một số công tác khác) làm công cụ giúp các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn xây dựng và các đơn vị khác có liên quan sử dụng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    3.1. Đối tượng nghiên cứu: Công tác đo bóc khối lượng công trình giao thông, cấp nước, thoát nước.
    3.2. Phạm vi nghiên cứu của đề tài
    – Theo quy định hiện hành, công trình giao thông, công trình cấp nước, thoát nước bao gồm rất nhiều hạng mục với các chức năng khác nhau.
    – Hướng dẫn chi tiết đo bóc khối lượng đầy đủ cho các công tác phù hợp với từng loại công trình như trên đòi hỏi rất nhiều thời gian và nguồn lực do khối lượng rất lớn (yêu cầu công tác đo bóc phải gắn với từng loại công tác trong hệ thống đơn giá, định mức hiện hành; đặc điểm đa dạng của các bộ phận, thành phần thuộc từng loại công trình).
    – Để phù hợp với thời gian thực hiện đề tài và đáp ứng yêu cầu đầu tư hiện nay đang tập trung chủ yếu cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, trước mắt tập trung hướng dẫn đo bóc khối lượng chi tiết cho các loại công trình có tỷ trọng đầu tư lớn đó là xây dựng cầu, đường bộ trong xây dựng giao thông; hệ thống mạng lưới đường ống truyền dẫn trong cấp cấp nước và hệ thống thu gom nước thải trong loại công trình thoát nước.
    4. Phương pháp nghiên cứu
    Đề tài đã sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu, gồm: Nghiên cứu tài liệu (tài liệu đo bóc của một số nước trên thế giới, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các nghiên cứu trước có liên quan); tổng kết kinh nghiệm; phân tích các số liệu thống kê, khảo sát; và phương pháp chuyên gia (qua hội thảo, tham vấn).
    5. Sản phẩm của đề tài:
    Các hướng dẫn cho công trình giao thông bao gồm (các công tác thuộc loại công trình cầu, đường bộ); công trình cấp nước (tuyến ống phân phối, một số công tác chủ yếu khác); công trình thoát nước (hệ thống thu gom, một số công tác chủ yếu khác)
    6. Kết cấu của đề tài
    Kết cấu của đề tài gồm Phần mở đầu, kết luận và 3 chương nội dung, cụ thể như sau:
    – Chương I: Một số vấn đề lý luận về đo bóc khối lượng công trình giao thông đường bộ, cấp nước, thoát nước trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
    – Chương II: Thực trạng đo bóc khối lượng trong lập và quản lý chi phí công trình giao thông, cấp nước và thoát nước.
    – Chương III: Xây dựng sổ tay hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình giao thông, cấp nước, thoát nước.
    Phần phụ lục:
    – Phụ lục số 1: Điều tra thực trạng đo bóc khối lượng xây dựng công trình giao thông, cấp nước, thoát nước.
    – Phụ lục số 2: Dự thảo Sổ tay hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình giao thông, cấp nước, thoát nước.
    Bình luận