Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: Nghiên cứu hoàn thiện chính sách, định mức kinh tế, chi phí cho bảo vệ môi trường và giá dịch vụ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt

    09/09/2020 - 02:34
    412
    0
    0
    1. Sự cần thiết của việc triển khai nghiên cứu đề tài
    – Trong những năm vừa qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng môi trường sống ở đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, công nghiệp hóa diễn ra ở khắp các địa phương trên cả nước. Cùng với quá trình phát triển trên, lượng chất thải từ quá trình sản xuất, dịch vụ thương mại và sinh hoạt ngày càng gia tăng cả về khối lượng, thành phần cũng như đặc diểm, tính chất. Việc quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng đang là thách thức to lớn không chỉ của các cấp quản lý nhà nước mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để quản lý việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; để huy động các nguồn của xã hội tham gia thực hiện nhiệm vụ này; thông qua đó chất lượng môi trường đô thị đã được cải thiện từng bước. Mặc dù vậy, một số cơ chế, chính sách của Nhà nước còn chưa thực sự có tính khả thi, khó triển khai ứng dụng trong thực tế; trong đó có chính sách huy động các nguồn lực xã hội tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
    – Liên quan đến cơ chế quản lý chi phí của hoạt động đầu tư, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quy định cơ chế quản lý chi phí, hướng dẫn áp dụng một số chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật như công bố hướng dẫn áp dụng suất vốn đầu tư, mức chi phí xử lý, định mức dự toán thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt… Tuy nhiên, ở công đoạn xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhất là xử lý chất thải rắn theo các công nghệ không chôn lấp hiện còn thiếu một số chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật cần thiết phục vụ việc xác định và quản lý chi phí (suất vốn đầu tư, mức chi phí xử lý chưa đầy đủ cho các công nghệ và quy mô xử lý; chưa có định mức hao phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo các công nghệ xử lý…). Do còn thiếu một số công cụ nêu trên nên việc xác định chi phí, giá dịch vụ xử lý chất thải rắn, ký kết hợp đồng với đơn vị thực hiện dịch vụ đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

    – Từ những vấn đề thực tế đặt ra trên đây cho thấy việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ: ‘‘Nghiên cứu hoàn thiện chính sách, định mức kinh tế, chi phí cho bảo vệ môi trường và giá dịch vụ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt’’ (nội dung của nhiệm vụ này đã được Bộ Xây dựng giao trong kế hoạch ban đầu) nhằm góp phần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; bổ sung các công cụ phục vụ việc xác định, quản lý chi phí, giá của dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt là rất cần thiết. Tuy nhiên, do nội dung nhiệm vụ giao rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề và đòi hỏi một lượng kinh phí đủ lớn cũng như thời gian thực hiện trong khoảng thời gian dài; trong khi nguồn kinh phí thực tế được cấp để thực hiện nhiệm vụ trên là hạn hẹp. Do đó, theo đề nghị của Bộ Xây dựng tại văn bản số 32/BXD-KHCN ngày 08/02/2017 và kết quả cuộc họp thẩm định các nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2017 do Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường chủ trì ngày 20/01/2017 và ngày 23/01/2017, Viện Kinh tế đã giải trình và đề xuất thu hẹp phạm vi nghiên cứu của đề tài cho phù hợp với khả năng cấp kinh phí và tiến độ thực hiện đề tài. Trên cơ sở đó, ngày 22/6/2017, Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 578/QĐ-BXD phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm ‘‘Nghiên cứu hoàn thiện chính sách, định mức kinh tế, chi phí cho bảo vệ môi trường và giá dịch vụ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt’’, phạm vi nghiên cứu của nhiệm vụ đã được giới hạn hẹp hơn; đó là, tập trung nghiên cứu để đề xuất xây dựng công cụ kinh tế còn thiếu phục vụ công tác quản lý chi phí, giá cả của loại dịch vụ này; cụ thể là nghiên cứu xây dựng Định mức hao phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo các công nghệ xử lý hiện đang được ứng dụng thành công trong xử lý chất thải rắn ở các địa phương.

    2. Mục tiêu, phạm vi và đối tượng nghiên cứu
    2.1. Mục tiêu: Đề xuất các công cụ (định mức dự toán các hao phí xử lý chất thải rắn) phù hợp với các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang được sử dụng hiện nay phục vụ công tác quản lý dịch vụ xử lý chất thải rắn đô thị.
    2.2. Phạm vi nghiên cứu:
    – Về không gian: Lựa chọn một số công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang áp dụng ở một số tỉnh/thành phố đại diện; trong đó tập trung đối với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công nghệ chế biến phân vi sinh và công nghệ đốt.
    – Về thời gian: Nghiên cứu sử dụng các tài liệu, số liệu có liên quan từ thời điểm cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đầu tiên sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công nghệ chế biến phân vi sinh và công nghệ đốt ở nước ta đi vào hoạt động đến nay.
    2.3. Đối tượng nghiên cứu: Các hao phí của quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang được áp dụng hiện nay.
    3. Phương pháp nghiên cứu
    Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, đề tài sử dụng kết hợp một số phương pháp nghiên cứu sau:
    – Phương pháp thống kê: thu thập các tài liệu, số liệu thống kê có liên quan công nghệ, công suất; thành phần và mức tiêu hao của nguyên vật liệu, vật tư, hóa chất, nhân lực, máy công nghệ trong quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Các thông tin được xử lý theo chủ đề làm cơ sở dữ liệu phục vụ việc tính toán hao phí định mức.
    – Phương pháp khảo sát thực tế: lựa chọn một số cơ sở xử lý chất thải rắn để khảo sát, theo dõi số liệu có liên quan đến quá trình vận hành xử lý chất thải rắn. Số liệu thu thập từ khảo sát thực tế là nguồn dữ liệu kết hợp với số liệu thống kê để phục vụ việc tính toán các hao phí định mức.
    – Phương pháp phân tích, tổng hợp và kinh nghiệm chuyên gia: phân tích các tài liệu, số liệu thu thập được làm cơ sở để tổng hợp kết quả nghiên cứu, tính toán xác định các hao phí định mức. Sử dụng kinh nghiệm chuyên gia để đánh giá kết quả tính toán các hao phí định mức xử lý chất thải rắn.
    4. Sản phẩm của đề tài
    Sản phẩm chủ yếu của đề tài bao gồm:
    – Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài.
    – Định mức dự toán các hao phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt
    theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công nghệ chế biến phân vi sinh và công nghệ đốt.
    – Dự thảo văn bản của Bộ Xây dựng hướng dẫn áp dụng Định mức hao phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
    5. Kết cấu của báo cáo kết quả thực hiện đề tài
    Báo cáo kết quả thực hiện đề tài ngoài Phần mở đầu, Kết luận và các Phụ lục bao gồm:
    – Chương 1. Tổng quan về chất thải rắn sinh hoạt và định mức hao phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
    – Chương 2. Thực trạng phát sinh, xử lý và quản lý chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta giai đoạn vừa qua.
    – Chương 3. Xác định định mức hao phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
    Bình luận