Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • ĐỀ TÀI: Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nhà ở hiện trường của công nhân tại các công trình xây dựng

    09/07/2020 - 02:49
    532
    0
    0

    1. Sự cần thiết nghiên cứu

    – Điều 23 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền quy định: “Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp”.

    – Tại Việt Nam, một hệ thống các quy định pháp luật đặt ra nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động nói chung và công nhân ngành xây dựng nói riêng, trong đó nêu rõ quyền được có điều kiện làm việc công bằng, an toàn [1]. Tuy vậy, về mặt pháp lý, Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 và hệ thống văn bản hướng dẫn cũng như hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành của ngành Xây dựng mới chỉ đề cập đến biện pháp an toàn lao động và đảm bảo vệ sinh tại nơi làm việc mà chưa kể đến đặc thù của ngành xây dựng, nơi làm việc là các công trường xây dựng thường gắn liền với chỗ ở của công nhân xây dựng [2] trong hoặc gần khu vực công trường. Trong đầu tư xây dựng, nhà nước và các chủ đầu tư rõ ràng phải chi một khoản chi phí không nhỏ để nhà thầu lo chỗ ở cho công nhân xây dựng, nhưng trong các văn bản pháp luật hiện hành chưa có một văn bản nào nêu ra tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn về điều kiện tối thiểu về chỗ ở cho các công nhân, vì thế nhà thầu sử dụng tiền ấy một cách tùy ý. Trong thực tế đã có nhiều bài báo đề cập đến sự tạm bợ, nhếch nhác, không đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh [3], dễ xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ và đã được báo chí nêu nhiều trong những năm gần đây [4,5,6,7]. Tại nhiều dự án, nhà tạm cho công nhân xây dựng sau khi hết thi công không được dọn dẹp hoàn trả mặt bằng gây mất mỹ quan, an ninh, an toàn đô thị [8,9]. Mặt khác, có sự khác biệt rất lớn về chất lượng, điều kiện sinh hoạt của công nhân xây dựng trên các công trình xây dựng có nguồn vốn khác nhau (nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tư nhân và vốn nước ngoài đầu tư) [10], điều đó tạo sự bất bình đẳng về quyền của người lao động tại nơi làm việc.

    – Nâng cao chất lượng nhà ở tạm cho công nhân tại công trường sẽ đảm bảo hơn về mặt sức khỏe, tinh thần, chất lượng cuộc sống cho người lao động, giúp người công nhân có chỗ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, nâng cao năng suất lao động và giảm thiểu việc mất an toàn lao động trong xây dựng, nâng cao vị thế nhất định cho người công nhân, cho thấy họ được quan tâm và tôn trọng. Điều đó là thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống của người lao động, là động lực của sự nghiệp xây dựng xã hội mới đồng thời từng bước đáp ứng mục tiêu của chủ nghĩa xã hội về phát triển con người.

    2. Mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu

    2.1. Mục tiêu nghiên cứu

    – Tìm hiểu cơ sở lý luận về quản lý xây dựng nhà tạm, quản lý chi phí nhà tạm.
    – Đánh giá thực trạng điều kiện ở công nhân xây dựng tại một số công trình, đưa ra những nguyên nhân của thực trạng.
    – Thu thập dữ liệu đánh giá lại mối quan hệ giữa chi phí xây dựng và chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công để xem xét xem quy định về chi phí cho nhà tạm như vậy liệu có còn phù hợp, đảm bảo việc tính toán chi phí đầu vào hợp lý và tương thích với đầu ra là chỗ ở có chất lượng tốt hơn cho công nhân.
    – Nghiên cứu tham khảo quy định của tổ chức nước ngoài về vấn đề nhà ở tại hiện trường cho công nhân.
    – Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm nâng cao điều kiện ở cho công nhân tham gia thi công xây dựng.

    2.2. Đối tượng nghiên cứu

    Đối tượng nghiên cứu của đề tài là chất lượng nhà ở hiện trường của công nhân xây dựng.

    2.3. Phạm vi nghiên cứu

    – Về khách thể nghiên cứu: Nhà tạm có thể có nhiều hình thức tổ chức như xây mới, cải tạo chỗ ở đã có, đi thuê, tận dụng lại hạng mục đã xây dựng ở công trường,… Nghiên cứu tập trung vào trường hợp có xây dựng nhà tạm gần công trình cho công nhân xây dựng, được giới hạn chủ yếu đối với công trình giao thông (đại diện cho công trình theo tuyến) và công trình dân dụng, công nghiệp (đại diện cho công trình không theo tuyến).
    – Về phạm vi tiến hành khảo sát: lựa chọn một số dự án có xây dựng nhà tạm tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam để khảo sát (khoảng 10 công trình).
    – Về thời gian thực hiện khảo sát tại các công trình: 7/2018 – 8/2019.

    3. Phương pháp nghiên cứu

    Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau để đạt được mục tiêu đề ra:
    – Phương pháp nghiên cứu phân tích – tổng hợp để nghiên cứu cơ sở lý luận về lập và quản lý chi phí nhà tạm, xây dựng nhà tạm trong các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn hiện hành tại Việt Nam và một số nước, tổ chức quốc tế.
    – Phương pháp khảo sát:
    + Qua các phiếu khảo sát với đối tượng là kỹ sư, tư vấn giám sát, cán bộ tại các ban quản lý dự án, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước tại các Sở Xây dựng,…là người có hiểu biết nhất định về thực trạng nhà tạm, quản lý chi phí nhà tạm
    + Khảo sát trực tiếp tại một số công trình xây dựng có nhà tạm.
    + Khảo sát số liệu thông qua hồ sơ dự án, hợp đồng, biểu đồ nhân lực,…
    – Thông qua việc xử lý số liệu thống kê, phân tích và tổng hợp kết quả thu thập được làm cơ sở đề xuất, kiến nghị.

    Bình luận