Bộ Xây dựng đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị.
Ảnh minh họa
Bộ Xây dựng cho biết, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 là các đạo luật quan trọng điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng; quy hoạch xây dựng; phát triển đô thị; nhà ở; kinh doanh bất động sản…. Các đạo luật này đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; khắc phục tư tưởng “nhà nước hóa”, cũng như tư tưởng “thị trường hóa” một cách cực đoan trong quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng 4 Luật nêu trên, các thủ tục hành chính luôn được rà soát, cải cách, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, giảm tối đa về thời gian, hồ sơ và chi phí cho doanh nghiệp và người dân bảo đảm các thủ tục hành chính được ban hành thực sự cần thiết, hợp pháp và hợp lý. Các điều kiện đầu tư, kinh doanh cũng được rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục hành chính, đẩy mạnh cơ chế phân cấp kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực hiện thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, qua thực tiễn quá trình thực hiện Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị và các Luật về đầu tư, kinh doanh khác như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…, cũng bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với thực tiễn như: Thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng còn dài, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với một số đối tượng công trình còn chưa phù hợp với thực tiễn; một số quy định về đất ở, quyết định chủ trương đầu tư chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với một số ngành nghề còn phức tạp; lựa chọn tư vấn lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tế…
Các Nghị quyết của Chính phủ đều nhấn mạnh việc rà soát, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, không phù hợp; tăng cường lấy ý kiến, đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội để tạo sự đồng thuận, tính minh bạch trong việc ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời với việc rà soát, chủ động sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch chuẩn bị thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các luật này nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Do vậy, theo Bộ Xây dựng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Xây dựng đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng giảm bớt điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp. Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Theo BĐT Chính phủ