Ngày 11/10/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thông báo nhanh các kết quả của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. Đảng ủy Bộ Xây dựng đã tổ chức kết nối với 22 điểm cầu tại các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc để quán triệt. Tại điểm cầu Bộ Xây dựng có sự tham dự của các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Văn Sinh – Bí thư Đảng ủy Bộ Xây dựng, Lê Quang Hùng, Bùi Hồng Minh và lãnh đạo các Đảng bộ, chi bộ khối cơ quan Bộ.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã truyền đạt những kết quả quan trọng của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII và khẳng định việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết, kết luận của Trung ương tại Hội nghị lần này sẽ góp phần quan trọng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị – xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Lại Xuân Môn cho biết, Hội nghị Trung ương 4 diễn ra từ ngày 04-07/10/2021 tại Hà Nội đã bàn và cho ý kiến về các nội dung quan trọng như: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; Kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới; Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Sửa đổi, bổ sung quy định về những điều đảng viên không được làm và một số vấn đề quan trọng khác.
Về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất nhận định, năm 2021 – năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bên cạnh thuận lợi, nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 trong nước cũng thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, phát triển kinh tế -xã hội và đời sống của người dân. Trong bối cảnh đó, nước ta vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác…. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt 35% GDP, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 10,7% so với năm 2020. Mặt bằng lãi suất bình quân giảm, tỉ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố. Tuy nhiên, do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế vĩ mô tiềm ẩn một số rủi ro, sức ép lạm phát tăng, xuất khẩu giảm tốc trong khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh; xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa ách tắc cục bộ; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp, chậm được khắc phục, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài; tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề.
Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, bám sát với tình hình thực tiễn, nhất là tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới, Trung ương xác định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể cho năm 2022, bảo đảm bám sát thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước hằng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Từ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn và bài học kinh nghiệm được rút ra, Ban Chấp hành Trung ương xác định nhiệm vụ giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2021 là: Chủ động theo dõi, dự báo sát tình hình quốc tế, trong nước, quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lan rộng, chủ động dự báo, hoàn thành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển mạnh thị trường nội địa, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu, khôi phục thị trường lao động gắn với kiểm soát, bảo đảm an toàn dịch bệnh, thu hút hiệu quả các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế; Thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội; Chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phát triển văn hóa-giáo dục, trong đó dựa trên tình hình thực tế để đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, triển khai quyết liệt ngoại giao vắc-xin, ổn định đời sống nhân dân đưa nước ta trở về trạng thái bình thường mới. Trong năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Xây dựng
Về việc thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương xác định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Về công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, điểm mới của Hội nghị Trung ương lần này là đã mở rộng phạm vi ra toàn bộ hệ thống chính trị; Nhận diện rõ hơn, đầy đủ hơn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”; Đảm bảo hài hòa giữa “xây” và “chống”; Chủ động tiến công, đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, các nhân có biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa; Khẳng định phòng chống tham nhũng gắn liền với phòng, chống tiêu cực; Tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu… Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cần ban hành Quy định mới thay thế Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm, theo hướng giữ nguyên 19 Điều theo Quy định trước, kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp, bổ sung một số nội dung mới. Quy định mới có tính pháp quy cao, nội dung cần hết sức cụ thể, chặt chẽ, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát và xử lý đảng viên vi phạm.
Theo CTTĐT Bộ Xây dựng