Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Đảng ủy Bộ Xây dựng tham dự trực tuyến Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

    25/11/2021 - 01:11
    454
    0
    0

    Ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra tại Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

    Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

    Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà quản lý văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các Bộ ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành và mở rộng đến tận các xã, phường, thị trấn.

    Ủy viên Ban Cán sự, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh và các đồng chí trong Đảng ủy Bộ Xây dựng tham dự Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Cơ quan Bộ Xây dựng.

    Đảng ủy Bộ Xây dựng tham dự Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Cơ quan Bộ Xây dựng

    Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã báo cáo tóm tắt về “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

    Báo cáo nêu rõ, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường để dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới. Trong chặng đường lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định văn hóa là một mặt trận quan trọng, “văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa Việt Nam mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng.

    Báo cáo cũng nhấn mạnh mục tiêu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn; xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

    Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn thể cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của các lực lượng tham gia mặt trận văn hoá trong thời gian qua.

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị Văn hoá toàn quốc là dịp quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hoá, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của cả nước quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta, đặc biệt là quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

    Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

    Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên mặt trận văn hoá, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục, trong đó có vấn đề văn hoá chưa được các cấp, các ngành nhận thức đầy đủ, chưa được quan tâm một cách tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí; phát triển các lĩnh vực văn hoá chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất; thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người.

    Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để có thể tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

    Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Cơ quan Bộ Xây dựng

    Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

    Thứ nhất, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

    Thứ hai, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại – “Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”.

    Thứ ba, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, môi trường văn hoá, đời sống văn hoá: bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá mới.

    Thứ tư, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hoá, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hoá sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hoá.

    Thứ năm, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

    Thứ sáu, xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh.

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn sau Hội nghị này, công tác văn hoá sẽ có bước chuyển biến mạnh mẽ hơn, ghi dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới.

    Theo CTTĐT Bộ Xây dựng
    Bình luận