Ngày 14/01 tại Hà Nội, Công đoàn Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ 2018 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2021 và phát động phong trào thi đua năm 2021 tới toàn thể công nhân viên chức lao động trong Ngành.
Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng, các Công đoàn trực thuộc.
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trao bằng khen cho ông Dương Đức Cường – Trưởng Ban Tuyên giáo Công đoàn Xây dựng Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam Nguyễn Thị Thuỷ Lệ đã nhấn mạnh những nỗ lực của Công đoàn Xây dựng Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ qua. Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tích cực, chủ động tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hướng hoạt động về cơ sở, tập trung chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; xây dựng và triển khai các chương trình theo chuyên đề; chủ động phối hợp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn ngành Xây dựng ngày càng vững mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ Lệ – Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị.
Trong năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công đoàn Xây dựng Việt Nam về thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các Công đoàn trực thuộc triển khai thực hiện; tổ chức thăm hỏi, trợ cấp 16.252 lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng; 10 đoàn viên được hỗ trợ sửa chữa nhà với số tiền 76 triệu đồng. Các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với chuyên môn tổ chức bữa ăn ca cho người lao động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Kết quả, có 88,6% doanh nghiệp tổ chức ăn ca cho người lao động, trong đó có 98,6% doanh nghiệp có mức ăn ca từ 15.000 đồng/suất trở lên. 2.565 đoàn viên công đoàn gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 đã được hỗ trợ với số tiền gần 1,37 tỷ đồng;
Trong đó, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp thăm hỏi, trợ cấp 691 đoàn viên thuộc 7 Tổng Công ty: HUD, Miền Trung, Coma, Vinaconex, Vicem, Sông Đà, Licogi. Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ phòng, chống dịch như: Hiến máu cứu người; giúp đỡ nông dân tiêu thụ nông sản; ủng hộ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và các địa phương kinh phí, nước diệt khuẩn, khẩu trang…
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát huy những kết quả tích cực đạt được trong năm 2020, sang năm mới 2021, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như sau: Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; Chăm lo lợi ích, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; Công tác tuyên truyền giáo dục; Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; Công tác tổ chức, cán bộ, phát triển đoàn viên và Công đoàn cơ sở; tập trung đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ Công đoàn; Công tác nữ công; Công tác tài chính; Công tác kiểm tra, giám sát và hoạt động của Uỷ ban kiểm tra…
Các đơn vị đón nhận Cờ thi đua của Công đoàn Xây dựng Việt Nam.
Tại Hội nghị, đại diện Công đoàn Tổng Công ty Vinaconex đã có tham luận với chủ đề “Đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động trong điều kiện thay đổi chủ sở hữu, không còn vốn Nhà nước”, ây cũng là chủ đề mà đại diện các Công đoàn cơ sở rất quan tâm, chia sẻ tại Hội nghị. Ông Nguyễn Mạnh Cường – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Vinaconex cho biết: “Chúng tôi đã nhanh chóng nhận thức đầy đủ cơ chế vận hành theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh sòng phẳng, quyết liệt và khắc nghiệt. Muốn giữ được việc làm, có thu nhập cao hơn đòi hỏi cần đổi mới tư duy làm việc, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Làm việc với tinh thần thái độ rất nghiêm túc và cường độ cao, đạt năng suất và chất lượng. Đảm bảo mang lại lợi ích cao cho chính người lao động, cổ đông và Nhà nước”.
Cũng chung chủ đề về vai trò của Công đoàn sau tái cấu trúc doanh nghiệp, bà Vũ Thị Lê – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Fico chia sẻ: “Công đoàn Tổng Công ty đã phải chủ động đổi mới, thích ứng mô hình mới. Cùng chính quyền sắp xếp lao động hợp lý, giải quyết chính sách cho lao động dôi dư, thực hiện tốt quy chế dân chủ, thương lượng thoả ước lao động tập thể có nhiều điều lợi hơn cho người lao động. Nhờ vậy thu nhập của người lao động được nâng cao hơn, các phong trào thi đua được bảo đảm”.
Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao những kết quả hoạt động của Công đoàn Xây dựng Việt Nam và các cấp Công đoàn Ngành trong năm 2020. Bộ trưởng cũng lưu ý Công đoàn Xây dựng Việt Nam cần tập trung vào một số nhiệm vụ: Tổ chức tốt việc quán triệt và triển khai Nghị quyết đại hội đại biểu Công đoàn toàn quốc lần thứ 12; bám sát chương trình hành động thực hiện nghị quyết của ngành Xây dựng để bổ sung các nghiệp vụ giải pháp thực hiện của Công đoàn Xây dựng Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo; Đặc biệt chú trọng các cơ sở nhất là các tổ chức Công đoàn trong và ngoài doanh nghiệp Nhà nước và phải hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ lợi ích thiết thực của người lao động.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh hiệu quả các phong trào thi đua, mong muốn Công đoàn Xây dựng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy để lan tỏa các phong trào thi đua đem lại sức mạnh của ngành Xây dựng: Tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động của các tổ chức Công đoàn trong ngành Xây dựng phù hợp với yêu cầu đặc điểm định hướng phát triển của ngành Xây dựng trong tình hình mới.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tin tưởng, với truyền thống đoàn kết và luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình, Công đoàn Xây dựng Việt Nam và các cấp Công đoàn Ngành sẽ hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra cho năm 2021.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trong năm 2020, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động, nhất là trong công tác xây dựng thoả ước lao động tập thể, kiểm tra, giám sát đảm bảo quyền lợi người lao động; quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, vận động đối với người lao động; tổ chức phát động và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, chủ động đề xuất các giải pháp với chuyên môn để vượt khó… Bên cạnh đó, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã quan tâm đến đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn…
Các Công đoàn cơ sở được nhận cờ thi đua xuất sắc của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Trong năm 2021, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị, Bộ luật Lao động 2019 có nhiều điểm mới, với nhiều thách thức đối với tổ chức công đoàn; là năm có nhiều sự kiện quan trọng, bên cạnh đó là sự ảnh hưởng của Covid-19… nên Công đoàn Xây dựng Việt Nam cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ cốt lõi căn bản của tổ chức Công đoàn là chăm lo đại diện bảo vệ đoàn viên, người lao động. Công đoàn Xây dựng Việt Nam cần tiếp tục quan tâm đến công tác đối thoại, thương lượng thoả ước lao động tập thể, đảm bảo quyền lợi người lao động, phù hợp điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp; quan tâm nhiều hơn đến công tác an toàn vệ sinh lao động; giải quyết những tồn tại hiện có, nhất là vấn đề lương, bảo hiểm của người lao động; chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho người lao động; tiếp tục tuyên truyền giáo dục kỷ luật, tác phong cho người lao động; xây dựng bản lĩnh chính trị cho người lao động. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn; đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua; nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức…
Tại Hội nghị 7 tập thể thuộc Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã nhận Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 19 tập thể nhận Cờ thi đua của Công đoàn Xây dựng Việt Nam. Cá nhân ông Dương Đức Cường- Trưởng Ban Tuyên giáo Công đoàn Xây dựng Việt Nam được nhận Bằng khen Chính phủ.
Nguồn: Báo Xây dựng