Ảnh minh họa
Thủ tục kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước
Nghị định 11/2020/NĐ-CP ban hành ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 16/03/2020.
Nghị định này quy định về thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, bao gồm: TTHC thuộc lĩnh vực thu và hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước; TTHC thuộc lĩnh vực kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (không bao gồm phần vốn nhà nước tham gia trong dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP); TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
Bãi bỏ 3 văn bản về Quỹ bảo trì đường bộ
Có hiệu lực từ ngày 1/3/2020, Nghị định 09/2020/NĐ-CP ban hành ngày 13/01/2020 bãi bỏ 3 văn bản quy phạm pháp luật về Quỹ bảo trì đường bộ gồm:
1- Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
2- Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
3- Nghị định số 28/2016/NĐ-CP ngày 20/4/2016 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014 và Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
Hướng dẫn chi tiết về thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi
Nghị định 13/2020/NĐ-CP ban hành ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, trong đó quy định cụ thể về thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi có hiệu lực thi hành từ ngày 05/03/2020.
Trợ cấp nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên
Nghị định số 14/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/01/2020 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/03/2020.
Nhà giáo đã nghỉ hưu được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ các điều kiện: Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng BHXH từ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên; nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến 31/5/2011; đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam
Nghị định 16/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20/03/2020.
Trong đó, Nghị định quy định một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam gồm:
1- Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
2- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú.
Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
3- Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Tạm dừng giấy phép kinh doanh với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có bản đồ vi phạm chủ quyền
Có hiệu lực thi hành từ ngày 22/03/2020, Nghị định 17/2020/NĐ-CP ban hành ngày 05/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bão dưỡng ô tô.
Trong đó, Nghị định bổ sung quy định tạm dừng hiệu lực, thu hồi Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu và tạm nhập ô tô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Nghị định 19/2020/NĐ-CP ban hành ngày 12/02/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 31/03/2020.
Nghị định này quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Mục đích kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.
Bên cạnh đó, phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Kéo dài thí điểm cho vay vốn với người sau cai nghiện
Có hiệu lực từ ngày 1/3/2020, Quyết định 02/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục thí điểm chương trình tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg tại 15 tỉnh, thành phố đến hết 31/12/2020.
Đối tượng vay vốn gồm: 1- Cá nhân vay vốn: Người nhiễm HIV, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương; 2- Hộ gia đình vay vốn là hộ gia đình có thành viên thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.
Bằng đại học không còn ghi hệ đào tạo chính quy hay tại chức
Theo Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 1/3/2020, trên văn bằng có các nội dung: Tiêu đề, tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, ngành đào tạo, tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng, họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có), số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng…
Như vậy, thông tin về hình thức đào tạo (chính quy, tại chức hay vừa làm vừa học…) không được ghi trong nội dung chính của văn bằng. Nội dung này sẽ được ghi trên phụ lục và kèm theo đó là các nội dung khác về chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Chế độ gặp của phạm nhân
Thông tư số 14/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/3/2020. Thông tư này quy định chi tiết chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ trong Công an nhân dân.
Mỗi giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2
Thông tư 03/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo có hiệu lực từ ngày 27/3/2020. Thông tư quy định rõ về diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên. Theo đó, mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 18m2; mỗi phó giáo sư cần có diện tích làm việc 15m2; mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2. 20 phòng học có 01 phòng chờ cho giảng viên. Diện tích chuyên dùng của phòng chờ là 3m2/giảng viên, với diện tích phòng không nhỏ hơn 24m2/phòng.
Theo BĐT Chính phủ