Quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo; quy định về tổ chức lễ hội; bổ sung trường hợp tinh giản biên chế; tăng mức cho vay hộ nông dân khi không có tài sản bảo đảm;… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2018.
Ảnh minh họa
Quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo
Nghị định 107/2018/NĐ-CP, ngày 15/08/2018, của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ 01/10/2018. Nghị định quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như về kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Sửa một số quy định về đăng ký doanh nghiệp
Có hiệu lực từ ngày 10/10/2018, Nghị định 108/2018/NĐ-CP ngày 23/08/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Nghị định bổ sung quy định đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Theo đó, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính. Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh bao gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ quy định khác tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.
Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ
Nghị định 109/2018/NĐ-CP, ngày 29/08/2018, của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ có hiệu lực từ 15/10/2018, trong đó quy định cụ thể chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Cụ thể, ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc.
Cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành gồm: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Bên cạnh đó là chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong nuôi trồng, khai thác dược liệu; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; chính sách hỗ trợ gắn Nhãn xanh Việt Nam, hỗ trợ cơ sở thân thiện với môi trường; các chính sách có liên quan khác. Trong cùng thời điểm và mục tiêu, cơ sở chỉ được lựa chọn 1 chính sách phù hợp nhất.
Quy định về tổ chức lễ hội
Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/08/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.
Theo đó, lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn
Nghị định số 111/2018/NĐ-CP, ngày 31/08/2018, của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.
Nghị định quy định rõ nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống. Theo đó, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền; chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Trường hợp bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm; không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.
Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế
Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, ngày 31/08/2018, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế có hiệu lực từ 15/10/2018.
Cụ thể, Nghị định bổ sung thêm đối tượng tinh giản biên chế là: Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung thêm trường hợp tinh giản biên chế: Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm đ, e, g khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Nghị định số 113/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi một số đối tượng tinh giản biên chế đã quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP. Trong đó có trường hợp những người đã là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước mà dôi dư do cơ cấu lại doanh nghiệp đó.
Vi phạm an toàn thực phẩm bị phạt tới 200 triệu đồng
Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ngày 04/09/2018, của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 quy định mức phạt tiền tối đa áp dụng với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Tăng mức cho vay hộ nông dân khi không có tài sản bảo đảm
Có hiệu lực từ ngày 25/10/2018, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/09/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại khi không có tài sản bảo đảm.
Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau:
– Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (quy định cũ tối đa 50 triệu đồng) (trừ trường hợp cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm).
– Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn (quy định cũ tối đa 100 triệu đồng).
Kết hợp quân dân y trong khám, chữa bệnh
Có hiệu lực từ ngày 30/10/2018, Nghị định 118/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ quy định về công tác kết hợp quân dân y, trong đó quy định cụ thể về kết hợp quân dân y trong phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế.
Theo BĐT Chính phủ