Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư về quản lý chất thải rắn xây dựng. Thông tư này quy định chi tiết về việc phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn xây dựng (CTRXD) được quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
Ảnh minh họa
Theo Thông tư, CTRXD phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP thành các loại sau đây: 1- Chất thải rắn có khả năng tái chế được; 2- Chất thải rắn có thể được tái sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các công trường xây dựng khác; 3- Chất thải không tái chế, tái sử dụng được và phải đem đi chôn lấp; 4- Chất thải nguy hại được phân loại riêng và quản lý theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật hướng dẫn về quản lý chất thải nguy hại.
CTRXD sau khi phân loại không được để lẫn với các chất thải khác và phải được lưu giữ riêng theo quy định. Trong trường hợp CTRXD thông thường có lẫn với chất thải nguy hại thì phải thực hiện việc phân tách phần chất thải nguy hại. Nếu không thể tách được thì toàn bộ hỗn hợp phải được quản lý như chất thải nguy hại.
Vận chuyển chất thải rắn xây dựng không gây phát tán bụi
Theo Thông tư, CTRXD phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng.
Việc vận chuyển phải theo thời gian và lộ trình về tuyến đường, an toàn giao thông và tuân thủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông tại địa phương. Các phương tiện vận chuyển CTRXD phải là phương tiện bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định và được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành theo quy định. Trong quá trình vận chuyển, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi.
Trong trường hợp chủ nguồn thải tự vận chuyển CTRXD thì phải tuân thủ các quy định trên.
Xử lý chất thải rắn xây dựng
Theo Thông tư, cơ sở xử lý CTRXD phải được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khuyến khích việc xử lý CTRXD tại nơi phát sinh với quy trình, công nghệ phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường.
Công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng gồm: 1- Nghiền, sàng; 2- Sản xuất vật liệu xây dựng; 3- Chôn lấp; 4- Các công nghệ khác.
Công nghệ xử lý CTRXD phải phù hợp với quy mô, công suất và điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế xã hội. Việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRXD phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
Theo BĐT Chính phủ!