Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng bền vững – giai đoạn 2017 – 2011

    28/06/2017 - 02:33
    410
    0
    0

    Ngày 28/6/2017, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng bền vững – giai đoạn 2017 – 2011. Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione.

    Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione trao Biên bản ghi nhớ

    Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã giúp đỡ Bộ Xây dựng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là việc tổ chức thành công Hội nghị đối thoại APEC 2017 về phát triển đô thị bền vững.

    Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, Việt Nam ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của đô thị hóa đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, Bộ Xây dựng tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những định hướng, chiến lược mới về phát triển đô thị, trong đó chú trọng đặc biệt đến nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý đô thị và đội ngũ công chức thực hiện các nhiệm vụ, chức năng chuyên môn của Ngành.

    Vừa qua, Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng những vấn đề liên quan đến đô thị hóa của Việt Nam cũng như nghiên cứu Báo cáo về đô thị hóa Việt Nam của Ngân hàng Thế giới để có cách nhìn đầy đủ và toàn diện về đô thị hóa ở Việt Nam, qua đó đề ra những định hướng, chiến lược phát triển phù hợp nhất trong điều kiện cụ thể của từng giai đoạn.

    Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tin tưởng, với việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Xây dựng với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về quan hệ đối tác phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng bền vững – giai đoạn 2017 – 2011, quan hệ giữa Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới sẽ được mở rộng và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

    Bày tỏ sự vui mừng trong buổi lễ ký kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Xây dựng, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho biết: Quan hệ đối tác giữa Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới diễn ra tốt đẹp từ nhiều năm nay và sẽ được tăng cường hơn nữa thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng bền vững – giai đoạn 2017 – 2011. Biên bản ghi nhớ này với 6 nội dung chính là những ưu tiên mà Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới cùng hướng tới thực hiện.

    Biên bản ghi nhớ thể hiện sự cam kết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng, hỗ trợ công tác phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng bền vững của Việt Nam, phù hợp với mục tiêu chung và điều kiện thực tế của mỗi bên. Bên cạnh đó, việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam còn mở ra cơ hội hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực quản lý đô thị thông qua các hoạt động đào tạo cho các cơ quan chức năng của địa phương và nâng cao năng lực đào tạo cho Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh định hướng quy hoạch phát triển đô thị quốc gia và lồng ghép tính chống chịu của đô thị với quản lý rủi ro lũ lụt.

    Quan hệ đối tác giữa Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thông qua tăng cường các hoạt động hợp tác, tìm kiếm các cơ hội hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực sau: Hoàn thiện các văn bản pháp luật, quy định và các cơ chế thể chế về phát triển và quản lý đô thị; quản lý đô thị thông qua các hoạt động đào tạo cho các cơ quan chức năng của địa phương và nâng cao năng lực đào tạo cho Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; điều chỉnh định hướng quy hoạch quốc gia, xây dựng chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 – 2030 và các sáng kiến quy hoạch phát triển vùng; xây dựng các công cụ hiệu quả để chuẩn bị các dự án đầu tư phát triển đô thị nhằm đáp ứng các thách thức của đô thị hóa; cải cách ngành nước, bao gồm: Cơ cấu thể chế, giá nước, xây dựng chương trình đầu tư, sự tham gia của khối tư nhân, học tập các mô hình cấp nước và các tiêu chuẩn dịch vụ; lồng ghép tính chống chịu của đô thị với quản lý rủi ro lũ lụt và quản lý tổng hợp cấp nước đô thị có sự phối hợp với các Bộ, ngành liên quan.

    Theo CTTĐT Bộ Xây dựng

    Bình luận