Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Bộ Xây dựng bám sát thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao

    04/12/2018 - 01:17
    427
    0
    0

    Bộ Xây dựng luôn bám sát thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao nhằm triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2018.

    Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trong một buổi tham quan nhà máy sản xuất gạch của Cty CP Viglacera Tiên Sơn.

    Xây dựng, hoàn thiện thể chế

    Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị đã hoàn thành, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Riêng sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn.

    Dự thảo Luật Kiến trúc đã trình Chính phủ và Quốc hội. Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần 1 về dự thảo đạo luật này.

    Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 25/8/2018 về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng. Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 Quyết định, 02 Chỉ thị và ban hành theo thẩm quyền 08 Thông tư.

    Công tác rà soát, đánh giá tình hình thực thi các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành thường xuyên thực hiện, có sự đối thoại với hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan để tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, phê duyệt Đề án thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính; Ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng phiên bản 1.0.

    Hoạt động xây dựng, kiến trúc, quy hoạch

    Bộ Xây dựng tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 02 Đề án: “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng công trình” và “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”; Công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán công trình xây dựng triển khai theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP; Rà soát, rút ngắn thời gian thẩm định thiết kế cơ sở (giảm tối thiểu 5 ngày), thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công (giảm tối thiểu 4 ngày), cấp phép xây dựng (giảm tối thiểu 10 ngày); Phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để thực hiện đồng thời, song song các thủ tục hành chính; Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh rà soát, cải cách quy trình, thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cấp giấy phép xây dựng.

    Công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật theo phân cấp…

    Triển khai thực hiện Đề án Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 – 2020; Hoàn thành việc nghiên cứu 08 thiết kế đô thị mẫu đặc trưng theo từng vùng miền để áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước; tham gia công tác quản lý quy hoạch và kiến trúc tại các công trình trọng điểm quốc gia.

    Tổ chức triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh các quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị, các quy định về quản lý sử dụng các công trình, giá dịch vụ hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn theo phân cấp.

    Phát triển đô thị và hạ tầng

    Nâng cao thực chất, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phát triển đô thị; Nghiên cứu hình thành các mô hình mới về phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh: Ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch năm 2017; Xây dựng kế hoạch và tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam, điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

    Nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo hướng phù hợp với thực tiễn và đáp ứng các điều kiện yêu cầu phát triển mới, đặc biệt là vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: Nghiên cứu điều chỉnh chiến lược phát triển đô thị quốc gia, xây dựng chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2020 – 2030; Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam; Xây dựng kế hoạch hành động của ngành Xây dựng triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Xây dựng Đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn.

    Triển khai các chương trình: Đề án Nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020; Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020; Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; Điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp; Điều chỉnh định hướng thoát nước đô thị và khu công nghiệp: Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050; Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 – 2020; Chương trình Quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025 và Chương trình chống thất thoát thất thu nước sạch đến năm 2025. Triển khai xây dựng chương trình quốc gia về đầu tư xử lý nước thải, trước mắt tập trung tại các đô thị lớn và các lưu vực sông theo lộ trình hợp lý.

    Thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng

    Tiếp tục xây dựng hệ thống công cụ để quản lý kiểm soát sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) theo hướng ổn định bền vững với cấu trúc hoàn chỉnh và đồng bộ, kết nối liên thông với các thị trường khác của nền kinh tế; Xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình hợp lý để huy động các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; Kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội; Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ nghiên cứu các giải pháp phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương trọng điểm, xây dựng lại chung cũ tại các địa phương.

    Đẩy mạnh các chương trình phát triển nhà: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018 – 2020 (giai đoạn 2), chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp.

    Công tác quản lý vật liệu xây dựng (VLXD) tiếp tục bám sát thực tiễn: Hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm VLXD; Nghiên cứu lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023; Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng; Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Góp ý quy hoạch phát triển VLXD các tỉnh, khoáng sản làm VLXD thành phố trực thuộc Trung ương cho các địa phương; Lấy ý kiến chuyên gia để hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật đối với việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao…

    Kỳ vọng, với việc bám sát nhiệm vụ Chính phủ đề ra cũng như những yêu cầu đang đặt ra từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Xây dựng, Bộ Xây dựng hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước năm 2018.

    Theo BĐT Bộ Xây dựng

    Bình luận