Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Bài phát biểu của Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội với các chuyên gia về tình hình kinh tế – xã hội

    16/05/2023 - 03:53
    1145
    0
    0

    Chiều 05/5/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với các chuyên gia về tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 và và quý I năm 2023 để phục vụ cho Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV sắp diễn ra trong tháng 5/2023.

    Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh: quochoi.vn)

    Dự buổi làm việc có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế  cùng các chuyên gia kinh tế trong nước.

    Quốc hội đã tổ chức thành công diễn đàn kinh tế – xã hội, tổ chức nhiều phiên tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến kinh tế – xã hội.

    Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng Lê Văn Cư (ngoài cùng bên trái) tại buổi làm việc
    (ảnh: quochoi.vn)

    Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Cư – Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng đã có bài phát biểu về “Đánh giá tình hình ngành xây dựng và đề xuất giải pháp”. Ban biên tập Trang Thông tin điện tử Viện Kinh tế xây dựng xin trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung bài phát biểu.

    1. Tình hình chung của ngành xây dựng

              – Về tăng trưởng: trong các năm vừa qua, tăng trưởng ngành xây dựng bình quân đạt khoảng 7,6%/năm; riêng năm 2022 tăng 8,5%. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2018-2022, đóng góp của ngành xây dựng vào tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6%; năm 2022 là 6,1%. Quý I/2023, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,95% đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng 3,32% của GDP chung; giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

              – Ngành xây dựng tuy đã đạt được một số kết quả tích cực trong năm 2022 nhưng sang năm 2023 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi cần phải có một số giải pháp để khắc phục; đó là:

              + Các doanh nghiệp xây dựng có hiệu quả sản xuất thấp, sản xuất đình trệ, thiếu việc làm nhất là các doanh nghiệp thi công xây dựng các công trình dân dụng, nhà ở (kết quả kinh doanh quý I/2023 sụt giảm mạnh, ước đạt 10% kế hoạch năm, bằng dưới 50% của cùng kỳ năm trước). Hiện tượng cắt giảm lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm, nợ thuế diễn ra khá phổ biến đối với nhiều doanh nghiệp xây dựng. Một số nhà thầu, nhất là nhà thầu có quy mô nhỏ có nguy cơ đổ vỡ, phá sản.

             + Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã phải giảm công suất sản xuất do tiêu thụ sản phẩm sụt giảm, lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng. Một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nhất là sản xuất thép xây dựng, xi măng đang gặp những khó khăn lớn.

              + Đầu tư khu vực công tăng nhưng đầu tư khu vực tư (trừ khu vực EDI) giảm đã đặt ra một số hệ lụy đối với phát triển của ngành. Hiện tượng chậm giải ngân vốn, nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được cải thiện. Hiện tượng dừng, giãn, hoãn thực hiện dự án, công trình còn khá phổ biến.

    2. Một số vấn đề đặt ra đối với ngành xây dựng đòi hỏi cần phải có giải pháp khắc phục

    2.1 Thị trường sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng tiềm ẩn một số bất ổn:

              – Năm 2022, sản lượng sản xuất, tiêu thụ của một số loại vật liệu chủ yếu sụt giảm so với năm 2021 (Xi măng là 94 triệu tấn, giảm 8,3% so với năm 2021; trong đó xuất khẩu là 32 triệu tấn, chỉ bằng 90% năm 2021. Thép xây dựng tiêu thụ là 27,3 triệu tấn, giảm 9,2% so với 2021; trong đó xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20% so với 2021). Quý I/2023, tiêu thụ xi măng giảm 23% so với cùng kỳ năm trước; tiêu thụ thép giảm tương đương với thiêu thụ xi măng. Một số loại vật liệu khác (gạch, sứ vệ sinh, kính xây dựng…) có sản lượng sụt giảm từ 25% đến 30% trong quý I/2023.

              – Nguyên nhân sụt giảm trong quý I/2023 của một số loại vật liệu, nhất là thép và xi măng là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước giảm, nhu cầu của thị trường xuất khẩu yếu. Thị trường trong nước giảm nhu cầu tiêu thụ giảm do loại hình công trình sử dụng nhiều xi măng, thép ít triển khai (nhà ở, công trình dân dụng, cầu, cảng…) hay do thị trường bất động sản trầm lắng.

              – Trong khi khả năng tiêu thụ một số loại vật liệu sụt giảm nhưng nhu cầu sử dụng một số loại vật liệu khác (cát tự nhiên, đất, đá để san lấp mặt bằng công trình, đắp nền đường) lại tăng cao; có khu vực trở lên khá căng thẳng về số lượng và giá (khu vực đồng bằng sông Cửu Long). Nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư xây dựng có sự “lệch pha”. Đầu tư của khu vực công tăng nhưng chủ yếu là hạ tầng giao thông (đường bộ, cảng hàng không) nhưng loại hình công trình này có nhu cầu tiêu thụ xi măng, thép không lớn, chỉ có nhu cầu lớn về vật liệu đắp nền đường (cát, đất). Loại hình công trình hạ tầng khu công nghiệp được chú trọng đầu tư đã kéo theo nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng tăng. Trong khi đó, đầu tư khu vực tư giảm, nhất là đầu tư loại hình nhà ở, bất động sản giảm đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ xi măng, thép xây dựng.

              – Chi phí đầu vào của sản xuất vật liệu (chủ yếu là nhiên liệu) của một số loại vật liệu vẫn có xu hướng tăng làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm.

             – Giá của một số loại vật liệu chủ yếu mặc dù đã qua thời kỳ bão giá nhưng còn bất ổn cần kiểm soát. Giá thép tăng từ cuối năm 2021 (trước đó có giá bình quân khoảng 18.000 đ/kg), đầu năm 2022 tăng rất mạnh, lập đỉnh vào thời điểm tháng 5/2022 với mức giá bình quân là 21.196 đ/kg (tăng gần 40%); sau đó có xu thế giảm dần. Đến nay, giá thép tương đối ổn định với mức giá bình quân khoảng 17.000 đ/kg. Giá xi măng liên tục tăng từ quý IV/2022 đến giữa quý I/2023 (tăng hơn 9%: từ 1.567 đ/kg lên 1.712 đ/kg). Tuy nhiên đến nay, giá xi măng có xu hướng ổn định. Giá cát tự nhiên liên tục tăng từ quý IV/2021 (có giá 332.689 đ/m3) lên 383.000 đ/m3 thời điểm quý I/2023 (tăng 15,5%). Giá cát tự nhiên có sự chênh lệch giá các tỉnh phía Nam với phía Bắc và miền Trung (cao hơn từ 1,3 đến 1,5 lần). Đá xây dựng có mức tăng giá tới 20% kể từ quý IV/2021 đến quý I/2023 (giá hiện nay khoảng 287.792 đ/m3).

              – Để khắc phục một số bất ổn trên của thị trường vật liệu xây dựng, đã có nhiều giải pháp được đưa ra; cụ thể:

              + Giải pháp nhằm phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định (riêng Chính phủ đã có 04 văn bản ban hành: Nghị định số 08 ngày 5/3/2023 tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp; Nghị định số 33 ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Đề án 338 ngày 3/4/2023 đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; Nghị định số 10 ngày 3/4/2023 hướng dẫn Luật đất đai, bổ sung quy định cấp quyền sở hữu bất động sản du lịch). Giải pháp trên hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư của khu vực tư đối với lĩnh vực bất động sản nhưng cần phải có thời gian để giải pháp có hiệu quả.

              + Giải pháp đẩy mạnh sử dụng cát nhân tạo (cát biển, cát nghiền từ đá) đã được đưa ra. Tuy nhiên, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn để có thể đẩy nhanh việc sử dụng cát nhân tạo (sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức KTKT).

             + Giải pháp quản lý nguồn cung cấp đất, đá phục vụ đầu tư xây dựng các công trình đường cao tốc đã được đưa ra.

              + Giải pháp kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý giá vật liệu, công bố giá vật liệu bám sát giá thị trường cũng đã triển khai quyết liệt trong thời gian vừa qua.

              – Ngoài các giải pháp trên cần lưu ý một số giải pháp khác như: cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu vật liệu xây dựng; hỗ trợ tín dụng, thuế, lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

    2.2 Hiện tượng chậm hoàn thành, dừng, giãn, hoãn tiến độ triển khai dự án còn phổ biến, thậm chí có một số dự án quy mô lớn đang thực hiện dở dang nhưng chưa hẹn ngày hoàn thành:

              – Hiện tượng dừng, chậm hoàn thành, giãn, hoãn hiến độ triển khai thực hiện dự án đã để lại nhiều hệ lụy tác động xấu đến nhiều mặt kinh tế xã hội. Đã có nhiều phân tích, đánh giá hiện tượng, tìm kiếm nguyên nhân và đề xuất giải pháp nhưng vấn đề này có vẻ chưa có nhiều tiến bộ.

              – Nguyên nhân của hiện tượng trên có rất nhiều (về thể chế; về sự khác biệt pháp lý khi sử dụng vốn vay ODA; về năng lực của chủ đầu tư, của cấp Quyết định đầu tư, của nhà thầu; về quản lý kế hoạch vốn đầu tư, thanh toán, quyết toán vốn; về chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai các dự án…) nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản đó là chưa phát hiện đúng nguyên nhân tồn tại và chưa đề xuất giải pháp khắc phục bất cập, tồn tại riêng của từng dự án. Các đánh giá, kiến nghị khắc phục bất cập chủ yếu do chủ đầu tư, người quyết định đầu tư đề xuất là chưa thực sự khách quan (ít khi tự nhận trách nhiệm và cho rằng lỗi do khách quan). Mặt khác, tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm khi xử lý các tồn tại vướng mắc của bộ máy quản lý nhà nước các cấp cũng là nguyên nhân khá quan trọng.

              – Để góp phần khắc phục hiện tượng trên, kiến nghị một số giải pháp sau:

              + Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư là việc đã và đang triển khai nhưng cần có giải pháp về pháp lý riêng cho từng dự án, nhất là các dự án quy mô lớn, tác động đến kinh tế và tác động đến xã hội của đất nước.

             + Cần thuê các tổ chức có đủ năng lực, đủ khả năng nhận biết các tồn tại, xác định nguyên nhân và đề xuất đúng giải pháp khắc phục để thực hiện việc phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp khắc phục các tồn tại đối với các dự án nhóm A trở lên.

             + Cần có giải pháp pháp lý riêng ở cấp Chính phủ và Quốc hội để khắc phục các bất cập liên quan đến pháp lý riêng của các dự án quy mô nhóm A trở lên.

              + Cần có giải pháp pháp lý liên quan đến trách nhiệm để bộ máy quản lý nhà nước không phải né tránh khi giải quyết các bất cập của các dự án đầu tư xây dựng.

              + Giải pháp tổ chức lại mô hình quản lý dự án cũng cần phải được quan tâm. Theo đó, cần có giải pháp khoanh lại các vấn đề đã xảy ra (nhưng không dung túng các hành vi vi phạm pháp luật) và giao nhiệm vụ để tổ chức triển khai các phần việc còn lại của dự án đang ách tắc.

    2.3 Hiện tượng nợ đọng xây dựng cơ bản là “đặc sản” của ngành xây dựng nên cần có nhận thức và giải pháp phù hợp để khắc phục:

              – Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản diễn ra khá phổ biến ở nhiều năm và ngày càng có mức độ nghiêm trọng, gây hậu quả xấu đến hiệu quả đầu tư, công trình dở dang, kéo dài; doanh nghiệp xây dựng khó khăn, phá sản, giải thể; ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tăng trưởng kinh tế.

              – Nợ đọng xây dựng cơ bản không chỉ diễn ra ở khu vực đầu tư công mà có cả ở khu vực đầu tư tư. Nợ đọng xây dựng cơ bản không chỉ là việc chủ đầu tư không đủ vốn để thanh toán cho nhà thầu mà còn là việc không đủ căn cứ, điều kiện để thanh toán hợp đồng, quyết toán vốn đầu tư và là việc chủ đầu tư cố tình dây dưa, chiếm dụng vốn không thanh toán cho nhà thầu. Nhìn chung, nợ đọng xây dựng cơ bản là hiện tượng rất phức tạp, có nhiều nguyên nhân và cần phải có nhiều giải pháp phù hợp, quyết liệt để khắc phục hiện tượng này.

              – Để khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản, hệ thống pháp luật về đầu tư, về đầu tư xây dựng đã có một số quy định. Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp khá quyết liệt nhằm khắc phục hiện tượng nợ đọng xây dựng cơ bản (Chỉ thị 27/CT-TTg tháng 10/2012 về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; Chỉ thị 09/CT-TTg tháng 5/2013 yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; Chỉ thị 23/CT-TTg tháng 8/2014 yêu cầu bố trí vốn đầu tư công 2016-2020 thanh toán hết nợ đọng trước 31/12/2014, trước 2015 không phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản; Chỉ thị 07/CT-TTg tháng 4/2015 tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; Luật đầu tư công số 49/2014/QH13 (Khoản 2 Điều 16) quy định chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày luật có hiệu lực – Luật có hiệu lực từ 1/1/2015). Mặc dù vậy, nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay vẫn chưa thể kiểm soát và có xu hướng trầm trọng hơn. Đo đếm được mức độ nợ đọng xây dựng cơ bản là việc làm rất khó khăn. Đến nay vẫn chưa có số liệu chính thức và thống nhất của cơ quan quản lý nhà nước về số nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo số liệu báo cáo, nợ đọng xây dựng cơ bản năm 2016 còn 43.310 tỷ đồng; năm 2017 còn 17.938 tỷ đồng (Báo cáo ngày 13/9/2018 của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật đầu tư công). Theo số liệu tổng kết của Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho thấy hiện nay số nợ đọng của các nhà thầu xây dựng còn rất lớn.

              – Nguyên nhân của nợ đọng xây dựng cơ bản có rất nhiều và cũng đã được chỉ ra khá cụ thể. Tuy nhiên, vướng mắc của nợ đọng xây dựng cơ bản có nguyên nhân quan trọng xuất phát từ việc hiểu bản chất nợ đọng xây dựng cơ bản và từ quy định của pháp luật. Vậy nợ đọng xây dựng cơ bản là gì? Theo Khoản 19 Điều 4 Luật đầu tư công số 49/2014/QH13 “Nợ đọng xây dựng cơ bản là giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có vốn bố trí cho phần khối lượng thực hiện đó”. Quy định này là chưa phù hợp với thực tế triển khai thực hiện các dự án đầu tư công (do chỉ đưa ra một vài tiêu chí để nhận diện nợ đọng). Ngoài ra, các dự án đầu tư của khu vực khác cũng phát sinh thường xuyên nợ đọng xây dựng cơ bản. Mặt khác, tại Khoản 2 Điều 106 của Luật đầu tư công số 49/2014/QH13 quy định không phát sinh nợ đọng sau khi Luật đầu tư công có hiệu lực cũng là rất khó khả thi trên thực tế. Ngoài ra, nợ đọng xây dựng cơ bản còn xuất phát từ việc lập kế hoạch vốn đầu tư công không đủ vốn để triển khai thực hiện dự án là khá phổ biến. Nguyên nhân được đánh giá là khi xác định chi phí đầu tư để lập kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, hàng năm là chưa có công cụ riêng (chủ yếu sử dụng suất vốn đầu tư do Bộ xây dựng công bố, không có sự điều chỉnh suất vốn đầu tư theo yếu tố riêng của dự án để đảm bảo xác định đủ vốn cho dự án).

              Kiến nghị Quốc hội quan tâm để có giải pháp khắc phục tồn tại của nợ đọng xây dựng cơ bản, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư không chỉ của khu vực công và còn của khu vực tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng./.

    Bình luận