Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Bài học kinh nghiệm thực tiễn quản lý dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

    10/05/2017 - 04:34
    581
    0
    0

    PGS.TS. NGÔ THỊ THANH VÂN
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦY LỢI
    KS. NGUYỄN ANH TÚ
    CÔNG TY TNHH MTV KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI, TỈNH HƯNG YÊN

    Bài viết đưa ra bài học kinh nghiệm về quản lý Nhà nước trong quy hoạch thủy lợi, bài học kinh nghiệm thực tiễn đối với chủ đầu tư và tư vấn như bồi thường hỗ trợ tái định cư, quản lý tổng mức đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, các kinh nghiệm trong thiết kế như tính toán nhu cầu nước của cây trồng, xác định cao độ mặt ruộng Ao, chọn vị trí xây dựng trạm bơm để xác định quy mô công trình. Hơn nữa việc khai thác tốt nguồn nước ngược và xây dựng một số trạm bơm cấp nguồn, về vấn đề kiên cố hoá kênh tưới và tiêu, để nâng cao hiệu quả công trình. Ngoài ra các giải pháp chọn biện pháp thi công tối ưu nhằm giảm chi phí, giải pháp đặt sàn động cơ, sàn bơm, chọn bơm, thiết kế lưới chắn rác, điện cao hạ thế – trạm biến áp để đảm bảo cho công trình hoạt động an toàn.

    1. Giới thiệu về tình hình đầu tư xây dựng công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên
    Hiện nay toàn tỉnh Hưng Yên đã xây dựng được 415 trạm bơm lớn nhỏ, trong đó có 154 trạm do công ty thủy nông quản lý tưới  được 26.966ha,  tiêu được 56.566ha. còn lại 261 trạm do các địa phương quản lý tưới được 17.856 ha, tiêu được 4.301ha. Toàn bộ diện tích nói trên là nằm trong đê. Diện tích ngoài đê hầu hết tưới tiêu phụ thuộc thiên nhiên. Toàn tỉnh có 79,706 km đê Trung ương, 104 km đê địa phương.
    Cùng với hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải, nhiều công trình thuỷ lợi khác cũng được nghiên cứu và đầu tư qua nhiều giai đoạn song đến nay hệ thống thuỷ lợi của tỉnh qua nhiều năm khai thác và sử dụng đã xuống cấp rất nhiều. Về tưới: Kênh tưới chủ yếu bằng đất. Các máy bơm loại 1000 m3/h đã quá cũ. Để nâng cao năng lực tưới của các công trình, tỉnh Hưng Yên đang tiếp tục kiên cố hoá kênh mương với tổng chiều dài khoảng 1.961 km. Hệ thống kênh tiêu, sông tiêu, kênh dẫn, bể hút từ năm 2007 trở lại đây được đầu tư nạo vét nhiều, đã cơ bản dẫn được nước nhưng mức nước khi đổ ải thấp. Theo các quy hoạch trước đây, có một số vùng xác định là tiêu tự chảy nhưng đến nay do mực nước tại cống Cầu Xe và An Thổ đã tăng lên 0,2m – 0,4m nên mực nước trong sông Bắc Hưng Hải cũng dâng cao gây khó khăn cho việc tiêu tự chảy. Trong vùng tiêu động lực do kênh mương và trạm bơm xuống cấp nên không thể đạt được nhiệm vụ. Hiện nay còn tồn tại khoảng 22.000 ha thường xuyên bị úng.
    Hiện nay có 3 trạm bơm đang được đầu tư xây dựng mới bằng nguồn vốn vay ADB5 là trạm bơm Nghi Xuyên, trạm bơm Liên Nghĩa và trạm bơm Chùa Tổng, các trạm bơm khác đã và đang được lập nghiên cứu dự án đầu tư. Công trình thủy lợi của tỉnh Hưng Yên do hai chủ thể quản lý là: Công ty và hợp tác xã, và đều được Nhà nước trợ cấp thủy lợi phí cho nhân dân. Do vậy sở, công ty, các xí nghiệp, các huyện, các hợp tác xã khẩn trương hoàn thành đề án phân cấp công trình thủy lợi.
           
    2.       Kinh nghiệm thực tiễn và hướng giải quyết trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên  

    2.1. Đối với quản lý Nhà nướcvà quy hoạch thủy lợi

    a) Sự cần thiết và mục tiêu đầu tư

    Đối với dự án thủy lợi mà Công ty làm chủ đầu tư là các công trình phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp và dân sinh. Nên mục tiêu đầu tư chủ yếu là phục vụ đảm bảo nhu cầu nước tưới tiêu cho nông nghiệp, dân sinh, công nghiệp, với tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là trên 92 ngàn ha.

    b) Về quy hoạch thủy lợi

    Cho đến thời điểm này quy hoạch thủy lợi tỉnh Hưng Yên chưa được đồng bộ, quy hoạch thủy lợi được phê duyệt đến 2010 thì đã qua được hơn 2 năm, quy hoạch thủy lợi bổ sung đến 2015 định hướng đến 2020 được triển khai từ năm 2007 chưa được phê duyệt. 
    Do vậy vấn đề quy hoạch cần phải được bổ sung thường xuyên và phê duyệt kịp thời  trước để làm cơ sở đầu tư xây dựng công trình.

    c) Về  quy hoạch sử dụng đất

    Khi đã xây dựng công trình thủy lợi đảm bảo được tưới tiêu cho lưu vực nhưng sau đó quy hoạch sử dụng đất thay đổi, đặc biệt là thay đổi theo hướng bất lợi cho công trình thủy lợi, làm cho hiệu quả công trình sẽ giảm ngay từ đó dẫn tới hạn hán, hoặc úng ngập hoặc có thể công trình vô tác dụng.
    Thực tế cho thấy như trạm bơm Quảng Châu – Thành phố Hưng Yên là trạm bơm vùng bãi với công suất 3M x 1000m3/h trạm bơm được đầu tư với quy mô khá lớn là: Khu bể hút, nhà trạm 2 tầng; Kiên cố hóa 3 km kênh tưới, trong đó có 500m cầu máng, trạm bơm được hoàn thành năm 2007. Trạm bơm này hiện nay gần như không vận hành với lý do: Khi xây dựng công trình thì khu vực này là đất nông nghiệp với các loại cây trồng: ngô, đỗ tương và lúa. Khi xây dựng công trình xong thi khu vực này được quy hoạch mô hình VAC và nhân dân chủ yếu chở đất ở ngoài bãi sông vào đổ cao mặt đất lên từ 1,0m – 1,5m  để trồng nhãn, cam, cơ cấu sử dụng thay đổi hẳn.
    Trạm bơm Văn Phú A huyện Mỹ Hào được xây dựng năm 1997 với nhiệm vụ tiêu cho 1740 ha lưu vực và tưới cho 245 ha, tưới cho lưu vực 1740 ha này là TB Văn Lâm. Sau khi xây dựng xong trạm bơm tiêu đảm bảo cho lưu vực được 5 năm. Từ năm 2002 – 2006 lưu vực đã tiếp nhận 450 ha khu công nghiệp Hòa Phát và các khu công nghiệp của tỉnh, lưu vực đã bị đan xen giữa diện tích nông nghiệp và công nghiệp. Do hệ số tiêu công nghiệp (qCN=  16,5 l/s/ha) lớn gần gấp 4 lần hệ số tiêu nông nghiệp nên tình trạng ngập úng lại xảy ra. Trước đó trạm bơm Văn Phú được thiết kế với hệ số q = 4,65l/s/ha, trong khi hệ số tiêu nông nghiệp hiện nay là qNN = 6,13 l/s/ha.
    Trạm bơm Văn Giang: TB Văn Giang có công suất 7 M x 8000 m3/h, có vị trí tại xã Cửu Cao, huyện Văn Giang. Trạm có nhiệm vụ tưới cho gần 8000 ha bằng 2 hệ thống kênh tưới chính là kênh Đông và kênh Tây. Đối với lưu vực này hiện nay đã được chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá nhiều ở lưu vực kênh Tây, khoảng 60 – 70% diện tích lưu vực kênh Tây chuyển sang trồng các loại cây cho thu nhập cao như cây cảnh, cam, quất, nhãn. Các diện tích này đến nay tuy chính quyền không đồng ý để đảm bảo diện tích đất 2 lúa nhưng do cho thu nhập cao nên nhân dân vẫn tự chuyển đổi. Ngoài ra trong lưu vực các ao hồ được san lấp khá nhiều, một số đường xá xây dựng, một số khu công nghiệp nhỏ mọc lên. Từ đó đã làm thay đổi hệ số tiêu, nhu cầu nước đối với cây trồng. Đối với trạm bơm này hiện nay là: Nhu cầu nước tưới với các cây trồng cây lâu năm ăn quả nên giảm rất nhiều, nhu cầu tiêu tăng lên, vì cây ăn quả không chịu ngập được như lúa, khu vực chuyển đổi là khu vực đầu kênh nên vẫn phải duy trì kênh tưới tốt cho cuối kênh, thường xuyên phải bơm để phục vụ tưới lúa ở cuối kênh. Hệ thống kênh tiêu cần mở rộng để đảm bảo tiêu.
    Do vậy cần nắm rõ quy hoạch sử dụng đất khi xây dựng công trình, đặc biệt chú ý đến các quy hoạch sử dụng đất theo hướng bất lợi cho công trình.

    2.2 . Kinh nghiệm và hướng giải quyết cho chủ đầu tư và đơn vị tư vấn

    a) Vấn đề bồi thường hỗ trợ tái định cư

    Vấn đề phải tái định cư là vấn đề rất rắc rối, thậm chí thất bại khi không lấy được mặt bằng để xây dựng công trình. Do vậy trong giai đoạn dự án phải hết sức tránh khi xây dựng công trình vào đất thổ cư hoặc đất đã có sổ đỏ, sổ hồng, đất đã đấu thầu dãn cư hoặc đất hợp lý nhưng chưa hợp pháp.
    Vẫn chưa có được định hướng, giải pháp cốt lõi để tiến hành thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, tiết kiệm kinh phí chi trả đền bù. Vi phạm của người dân về hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và việc xử lý của chính quyền địa phương không quyết liệt; đặc biệt sai phạm của chính quyền địa phương trong công tác giao quyền sử dụng đất cho người dân (giao đất vào cả hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt có trường hợp giao đất cả toàn bộ tuyến sông để nuôi trồng thủy sản như ở huyện Văn Giang đối với sông Đồng Quê, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của huyện giao cho xã để nuôi trồng thủy sản cho cả đoạn sông) dẫn đến đa số các dự án gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí giải phóng mặt bằng rất lớn (đơn cử: dự án cải tạo, nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Cửu An, sông Đồng Quê thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 13,41 tỷ đồng để chi trả cho các hộ dân thuộc thị trấn Lương Bằng để thực hiện cải tạo đoạn sông Cửu An từ C38 đến C65 (Quyết định số 1883/QĐ-UBND ngày 16/08/2012). Trong khi có thể tiết kiệm khoản kinh phí này để đầu tư cho xây dựng công trình nếu Uỷ ban nhân dân các cấp không buông lỏng quản lý để người dân lấn chiếm hành lang để xây dựng nhà cửa trước năm 1993.
    Do vậy công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư, việc tuyên truyền rất quan trọng. Trong giai đoạn dự án cần khảo sát  kỹ trong khu vực lấy đất có bao nhiêu loại đất như đất 03; TSN; ONT; BHK, các tài sản kiến trúc lớn, nhỏ, cây trồng, vật nuôi trên đất là bao nhiêu để sơ bộ áp giá, biết được mức độ cần đền bù hỗ trợ tái định cư là bao nhiêu, cần khảo sát tình hình kinh tế xã hội của khu vực, của các hộ dân để có chính sách hỗ trợ với các hộ mất 30%-70% đất và mất 70% đất trở lên. Riêng dự án vay vốn thì còn phải theo chính sách của nhà tài trợ. Ví dụ dự án ADB5 thì chính sách của họ là đền bù đất cho người dân và được quan tâm đến sinh kế của người dân hơn, người mất đất từ 10% trở lên đã được hỗ trợ gạo, ngoài ra họ quan tâm đến các chủ hộ là phụ nữ, phụ nữ nghèo, hộ gia đình nghèo, ngoài ra các chính sách xã hội như công tác đào tạo, hướng nghiệp cho người dân cần được quan tâm.

    b) Quản lý tổng mức đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư

    Thông thường một công trình được đầu tư là do lưu vực đó có vấn đề hạn hán, lũ lụt trong thời gian trước đó, thông qua các kiến nghị của nhân dân mà cấp chính quyền tiến hành đầu tư, công ty được giao nhiệm vụ chính tham mưu cho UBND tỉnh làm chủ đầu tư các công trình thuỷ lợi trong tỉnh. Hàng năm UBND tỉnh sẽ có thông báo chủ trương đầu tư bao gồm: Tên công trình, chủ đầu tư, nguồn vốn, địa điểm xây dựng. Căn cứ thông báo chủ đầu tư tuyển chọn tư vấn và lập nhiệm vụ thiết kế trình sở kế hoạch là đầu mối thẩm định, Sở Kế hoạch tổ chức thẩm định trên thực địa, tham gia ý kiến các ngành và Sở Nông nghiệp &PTNT; UBND tỉnh chấp thuận nhiệm vụ thiết kế, sau đó là dự án.
    Về vấn đề giá vật liệu xây dựng: Sau khi tiến hành khảo sát, tham khảo giá, liên Sở Xây dựng và Tài chính sẽ công bố giá và thường rơi vào thời điểm cuối tháng. Do vậy, nếu chủ đầu tư hoặc tư vấn lập dự toán công trình vào khoảng giữa tháng sau thì lúc này chưa có công bố giá vật liệu mới (vì thông thường áp dụng giá vật liệu được công bố tháng trước để lập dự toán). Như vậy, giá tại thời điểm lập dự toán công trình đã lạc hậu gần 1 tháng. Tiếp đó, chủ đầu tư thuê tư vấn thẩm tra dự toán công trình, tổ chức việc thẩm định và phê duyệt dự toán công trình. Rồi khi triển khai quy trình đấu thầu phải mất rất nhiều thời gian, vì từ khâu chuẩn bị đấu thầu đến thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng phải mất thêm từ 3 – 4 tháng. Qua đó cho thấy, từ khâu lập dự toán đến ký kết hợp đồng, giá xây dựng đã lạc hậu gần 5 – 6 tháng. Còn nếu bị vướng về thủ tục, tổ chức chọn lại nhà thầu… thì sẽ mất thêm nhiều thời gian, và giá xây dựng không phù hợp sẽ là điều khó tránh khỏi.
    Về vấn đề loại hình hợp đồng: Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đều biết, nhưng họ lại không dám điều chỉnh hay thể hiện trách nhiệm của mình để công trình đạt đúng tiến độ với chất lượng tốt nhất. Nhiều công trình thi công ì ạch, thậm chí bị “treo” trong thời gian dài, nhưng chủ đầu tư lại không dám phạt, cắt khối lượng công trình, hoặc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu. Bởi, khi cắt khối lượng công trình thì rất khó mời nhà thầu khác vào thi công (do hợp đồng trọn gói đơn giá thi công không được thay đổi). Mặt khác, nếu chấm dứt hợp đồng thì chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian để làm lại từ đầu (từ khâu lập dự toán, mời thầu…) và chưa chắc có vốn bố trí để thi công tiếp. Và rồi chủ đầu tư sẽ là người phải chịu trách nhiệm với tỉnh nếu để công trình thi công dang dở. Do vậy, thời gian qua, phần lớn các dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đều được các chủ đầu tư ký kết hợp đồng theo đơn giá cố định, hay hợp đồng trọn gói. Trên thực tế nhà thầu nào cũng muốn ký kết hợp đồng theo hình thức điều chỉnh giá để khi thị trường biến động, trượt giá thì không bị thua lỗ. Tuy nhiên, các dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi lâu nay đều được ký theo đơn giá cố định. Cơ chế thì cho phép các chủ đầu tư thể hiện sự năng động của mình trong việc điều chỉnh giá cho hợp lý, lựa chọn hình thức ký kết hợp đồng. Vậy mà, chỉ vì chủ đầu tư “thủ thân” hay “sợ làm sai”, từ đó nhiều công trình phải kéo dài thời gian thi công gây thất thoát và lãng phí vốn đầu tư.

    c) Về tính toán và đánh giá nhu cầu nước của cây trồng

    Nhu cầu nước của cây trồng là vấn đề cốt lõi của sự cần thiết đầu tư của các công trình thủy nông. Ví dụ dưới đây nêu lên một công trình mà sự cần thiết phải đầu tư chưa nghiên cứu rõ nhu cầu nước của cây trồng, đến nay công trình chưa phát huy được tác dụng, yếu tố do kênh mương chưa có kênh loại 3 (kênh mặt ruộng) chính là lý do về việc trạm bơm chưa phục vụ được. Ví dụ: Trạm bơm Phú Hùng Cường được lập dự án đầu tư từ năm 2000 với quy mô 3M x 1000 m3/h và 4,5 km kênh xây. Công trình trạm bơm và kênh cơ bản hoàn thành vào năm 2007. Đến thời điểm năm 2013 cơ cấu cây trồng bắt đầu có sự chuyển dịch từ ngô sang trồng chuối, cam, nhãn và cũng khó mà dự đoán được mức độ chuyển đổi đến đâu vì hầu hết việc này nhân dân tự chuyển đổi sang các loại cây cho thu nhập cao. Nhưng đến nay trạm bơm này chưa phục vụ được vì chưa có kênh loại 3 đó là lý do đưa ra trả lời trước HĐND và đài báo, vì kênh loại 3 theo phân cấp lại do địa phương (xã) tự giải quyết, và đất chưa có, muốn có đất làm kênh thì phải đền bù, mà xã thì không có tiền nên kênh loại 3 không được xây dựng nên trạm bơm không phục vụ được. Do đó trong khoảng 4 đến 5 năm nay cũng không quy được trách nhiệm cho ai.
    Do vậy khi xây dựng trạm bơm ở vùng bãi phải chú ý nhu cầu nước của cây trồng, thổ nhưỡng cao độ mặt ruộng để đảm bảo công trình phát huy tác dụng.

    d) Về xác định cao độ mặt ruộng Ao

    Cao độ mặt ruộng điển hình Ao để vẽ đường mặt nước về đến công trình đầu mối, để xác định nhiệm vụ của công trình đầu mối, nếu điểm Ao điển hình mà chọn không điển hình thì về tiêu sẽ còn úng lụt cục bộ, về tưới sẽ có khu vực không tưới được hoặc toàn lưu vực tưới được nhưng có chỗ sẽ ngập sâu. Theo kinh nghiệm thì trong mạng lưới các điểm Ao thì chọn điểm Ao về tiêu đảm bảo 100% lưu vực được tiêu (không chọn Ao là độ sâu ao, đầm, hồ trong lưu vực), về tưới đảm bảo tưới thẳng 80% diện tích, tưới hai cấp 20% diện tích (phải tận dụng tối đa diện tích tưới tự chảy được, còn lại diện tích mới đưa vào nhiệm vụ thiết kế bơm động lực). Việc chọn điểm Ao cần khai thác tốt các loại bản đồ hiện có của các ngành, hiện Sở tài nguyên có hệ thống bản đồ chi tiết đến giải thửa theo nhiều lớp, sử dụng bản đồ này kết hợp với bản đồ cao độ sẽ giúp xác định điểm Ao và diện tích lưu vực nhanh chóng. Khi chọn điểm Ao cần tham khảo các trạm bơm bên cạnh để tham khảo mức độ tưới tiêu cũng như xác định các cao trình sàn động cơ, cao trình đáy móng máy bơm tưới, cao trình đáy móng máy bơm tiêu, cao trình đáy bể hút, cống lấy nước, kênh dẫn. Vấn đề này phải đặc biệt chú ý và càng quan trọng hơn trong các đợt chống hạn hàng năm.
    Ví dụ: trạm bơn Văn Lâm – Huyện Văn Lâm hiện nay có 3 trạm bơm, trạm cũ xây dựng năm 1963 với công suất máy 6M x 3000m3/h, diện tích phục vụ hơn 6.000 ha, cao trình sàn động cơ : +4,5m , cao trình đáy bể hút: -1,0m, Đỉnh bể xả: +5,8m; Trạm bơm mới xây năm 2000 có công suất  4m x 4000m3/h diện tích phục vụ 2200ha, cao trình đáy -0,5m, đỉnh bể xả: +5,4, nguồn vốn ADB2; Trạm bơm dã chiến 6M x 1000m3/h (lắp tại TB Văn Lâm cũ, sau khi xây dựng trạm mới năm 2000 thì thanh lý phần máy trạm bơm cũ, giữ nguyên công trình thủy công). Các tồn tại hiện nay: Về tưới: do chọn điểm Ao không chuẩn nên đỉnh bể xả mới +5,4m thấp hơn đỉnh bể xả cũ (+5,8m), bờ kênh đất cũ san đi 0,4m để làm kênh mới. Hậu quả là một số diện tích trước đây chảy thẳng thì nay nhân dân phải bơm, phải tát vào ruộng. Điều nguy hiểm hơn đó là một loạt kênh tưới được kiên cố hóa sau đó bằng nguồn vốn của tỉnh cũng bị hạ thấp theo (khoảng 15km kênh loại 2). Sau khi kiên cố hóa kênh loại 2 xong, năm 2004  ban 403 lại bổ sung vốn để cơi thêm bờ kênh từ 0,2 – 0,4m để đảm bảo tưới luân phiên các lưu vực. Hậu quả là một số diện tích trước đây chảy thẳng thì nay nhân dân phải bơm, phải tát vào ruộng. Điều nguy hiểm hơn đó là một loạt kênh tưới được kiên cố hóa sau đó bằng nguồn vốn của tỉnh cũng bị hạ thấp theo (khoảng 15km kênh loại 2). Sau khi kiên cố hóa kênh loại 2 xong, năm 2004 ban 403 lại bổ sung vốn để cơi thêm bờ kênh từ 0,2 – 0,4m để đảm bảo tưới luân phiên các lưu vực. Cũng do bờ thấp nên 80ha cuối kênh tưới rất khó khăn, diện tích này sau năm 2006 do được xây dựng trạm bơm Thanh Khê nên trạm bơm này đảm nhận. Về cao trình đáy bể hút: Cao trình đáy TB cũ -1,0m,  trạm mới -0,5m,trước đó trạm cũ không bị treo trõ nhưng đến khi xây dựng trạm mới thì những đợt hạn thường xuyên không bơm được. Năm 2008 công ty phải lắp thêm 6M x 1000m3/h vào TB cũ để khắc phục chống hạn. Từ đó đến nay khi về mùa đổ ải đã cơ bản khắc phục được hạn hán.
    Như vậy tư vấn và chủ đầu tư phải tính toán kỹ khi chọn điểm Ao. Một số công trình khai thác kém hiệu quả khi chọn chưa chuẩn điểm Ao.

    e) Về khai thác tốt nguồn nước ngược và xây dựng một số trạm bơm cấp nguồn

    Tại quyết định 395/QĐ-BNN-HTQT ngày 11/02/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt trạm bơm có nhiệm vụ tiêu cho 8274ha. Tuy nhiên theo dõi quản lý khai thác thuỷ nông và nghiên cứu  quyết định phê duyệt hệ thống Bắc Hưng Hải của Bộ số 1961/QĐ-BNN-KH ban quản lý dự án ADB5 đã kiến nghị với Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản gửi Ban quản lý dự án Trung ương (CPO), Tổng cục thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT, việc này được Tổng cục thuỷ lợi nghiên cứu kỹ, tổ chức hội thảo và được đồng ý. Theo đề nghị xin cấp nguồn bằng công suất tiêu 55m3/s nhưng được chấp thuận 20m3/s theo quy hoạch, còn 20m3/s để xây dựng cống Xuân Quan II tại đầu sông Đồng Quê giáp sông Hồng (chỗ này cũng đang được đầu tư 1 trạm bơm tên là trạm bơm Liên Nghĩa công suất 5mx18.000m3/h do ADB5 tài trợ). Do kinh phí lớn nên trước mắt chỉ được đầu tư khu nhà trạm bơm 11Mx5m3/s và 12km đường dây cao thế, phần cống điều tiết phân lưu vực chưa có vốn và cũng như cống lấy nước tưới chưa có vốn. Việc xác định vị trí cũng như nhiệm vụ tiêu là hết sức cần thiết song các trạm bơm này đều có hệ thống kênh tiêu, kèm theo đó là cấp nguồn theo hệ thống sông chìm là hết sức quan trọng.
    Do vậy nguồn nước cấp cho các máy bơm là hết sức quan trọng.

    g) Về vấn đề chọn vị trí xây dựng trạm bơm

    Tại Hưng Yên đến nay đã có mật độ trạm bơm khá dầy. Tổng số hiện nay có là 415 trạm, việc xây trạm bơm mới không nhiều, chủ yếu là cải tạo, sửa chữa, nâng cấp: Về toàn hệ thống BHH hiện nay đang bị quá tải về tiêu, khi có mưa lớn với tần suất 10% thì mực nước sông ở tần suất 5%. Tức là khi có mưa lớn thì mực nước sông ở Cầu Xe, An Thổ lên rất nhanh, các trạm bơm động lực trong nội đồng thì bơm hết công suất ra sông. Cống Cầu Xe, An Thổ do ảnh hưởng thuỷ triều nên mức độ xả nước ra sông ngoài không phải là 24/24h nên nước sông nội đồng rất đầy. Quan điểm xây dựng cần có một số trạm bơm lớn để bơm vợi nước lưu vực ra sông ngoài (Sông Hồng, Sông Luộc, Sông Thái Bình, hoặc sông Đuống).
    Việc chọn vị trí các trạm bơm được chọn tại các đầu sông lớn có đầu sông gối đầu ra đê sông ngoài, đó là các sông Tây Kẻ Sặt, Nghi Xuyên, Tân Hưng và Liên Nghĩa. Theo quy hoạch thì tại Tây Kẻ Sặt cần xây dựng trạm bơm với công suất 180m3/s, Nghi Xuyên là 100m3/s, Liên Nghĩa 30m3/s và Tân Hưng 50m3/s. Còn một số vị trí sông nữa cũng có đầu sông gối đầu ra đê nhưng khoảng cách từ đê ra đến sông là bãi rất rộng, việc thu hồi đất làm kênh xả rất tốn kém nên không được đặt trạm.
     Do vậy khi bố trí công trình phải xem xét để quy mô công trình là nhỏ nhất mà vẫn đảm bảo nhiệm vụ đặt ra.

    h) Về vấn đề kiên cố hoá kênh tưới

    Về mặt cắt thiết kế: theo kinh nghiệm từ lưu lượng thiết kế tính được b và h thiết kế, sau đó cộng an toàn phải đảm bảo lớn hơn h kiểm tra (về việc này đối với những kênh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thấy rất phù hợp) vì có quan điểm tính b và h từ lưu lượng kiểm tra, sau đó cộng a an toàn để tính mặt cắt kênh.
    Qua quản lý khai thác cho thấy việc tính toán độ dốc kênh tưới chữ nhật và mặt cắt kênh chữ nhật cần phải rất thận trọng, cao trình đáy rất quan trọng, trong những năm trước đây một số đơn vị chưa có kinh nghiệm nên việc xây kênh đã bị khó khăn hơn cho công tác tưới tiêu mặc dù về lý thuyết là đúng, trước cơ quan ngôn luận, thanh tra, kiểm tra là đúng nhưng thực tế lại không khai thác được.
    Một số yếu tố chính cần quan tâm khi tính toán mặt cắt kênh: Độ nhám quá lớn gây ách tắc dòng chảy: Tuy là kênh xây dù là chữ nhật hay hình thang thì sau 1 đến 2 năm cũng đều khá nhiều cỏ (nhất là kênh có mặt cắt hình thang). Đầu kênh để nhiều cửa chia nước, ít cửa nhưng cửa có kích thước lớn và rất nguy hiểm khi cao trình đáy cống bằng cao trình đáy kênh chính.
    Có một số khu vực kênh tưới kết hợp tiêu nước nên khi tính toán tưới phải xem đến tiêu nước. Ví dụ: Kênh T2a – TB Văn Lâm do không tính đến tiêu nên khi xây xong kênh đã gây úng ngập cục bộ cho lưu vực, sau đó kênh phải phá đi, cử tri kiến nghị rất nhiều. Việc tính toán thuỷ lực đáy kênh tưới đi xa thường lấy bằng 0,3m/km. Kênh tưới trạm bơm Văn Lâm cho thấy đáy kênh có dạng răng cưa, tuy là i=30cm/km nhưng cao trình đáy kênh ở K7, K8 xấp xỉ bằng cao trình đáy ở đầu kênh (đầu kênh +3,5m; K7, K8 là +3,2m). Sau mỗi cửa chia nước đáy kênh lại đẩy lên. Về mặt lý thuyết là đúng nhưng thực tế cuối kênh lại không có nước tưới, theo thiết kế ở K7 có h=1m nhưng thực tế là 0,2m. Kênh T9 – TB Minh Hải, chiều dài 3,5 km được thiết kế i=30cm/km đầu tuyến, giữa tuyến là 20cm và có độ dốc đều không có tình trạng giăng cưa, qua mỗi cửa phân nước chỉ điều chỉnh b hẹp lại. Qua khai thác kênh này thấy ưu điểm hơn.
    Việc kiên cố hoá kênh tưới đòi hỏi ngay từ dự án ban đầu đã phải khảo sát thiết kế tính toán rất cẩn thận, phải xét đến nhiều yếu tố xảy ra trong thực tế quản lý khai thác, nó sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc nếu coi thường giai đoạn các thông số ban đầu.

    i) Việc kiên cố hoá kênh tiêu

    Việc kiên cố hoá kênh tiêu thường tốn kém vì mặt cắt rộng hơn, điều kiện thi công khó khăn hơn và thường là kè đá hộc hoặc các tấm bê tông chèn có độ dày lớn nên khá tốn kém. Việc xác định quy mô mà đặc biệt độ sâu đáy kênh là rất quan trọng khi kiên cố hoá kênh tiêu, thông thường việc kiên cố hoá kênh tiêu không kiên cố đáy mà chỉ kiên cố mái, do vậy bề ngang sông ít có ý nghĩa về kinh phí kiên cố mà nó chỉ ảnh hưởng đến khối lượng nạo vét. Đối với các kênh chìm có gắn với việc lấy nước tưới của các trạm bơm thì phải kè sâu theo nhu cầu lấy nước, còn các kênh chỉ yêu cầu tiêu thì không cần sâu. Thông thường đáy kênh tiêu có yêu cầu lấy nước thường ở cao trình -0.5m đến -1,0m hoặc sâu hơn, tuy nhiên  kênh tiêu chỉ tiêu nước thuần tuý thì chỉ cần những cốt 0,0; +1,0m (đã có kênh tiêu thuần tuý nhưng làm đáy rất sâu nên rất tốn kém).
    Việc kiên cố hoá kênh tiêu là rất tốn kém, chỉ nên kiên cố ở những vị trí cần thiết như: Chống sạt lở, chống lấn chiếm, cảnh quan, còn lại nên để kênh đất vì theo chu kỳ hàng năm phải nạo vét do lắng đọng.

    k) Việc chọn biện pháp thi công tối ưu

    Chọn biện pháp thi công tối ưu là nhiệm vụ quan trọng của dự án, tuy nhiên đôi khi người ta bị phức tạp vấn đề để tạo nên một công trình có tổng mức đầu tư lớn bằng cách đưa ra biện pháp thi công không phù hợp như: Đưa nhiều nhân công thủ công thực hiện các khối lượng đào đắp đất, hoặc vận chuyển thủ công đất, vật tư, vật liệu. Đây là một số yếu tố làm tổng mức đầu tư cao. Trong khi ở giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công thì lại không phân đoạn được thi công theo đợt, theo mùa, theo giai đoạn, từ đó thiếu khối lượng, nhà thầu phải thi công mà thủ tục phát sinh còn rườm rà mà nhà thầu nhiều khi không tính nữa.
    Do vậy chủ đầu tư và tư vấn ngay từ khi lập dự án đều phải đưa ra phương án tối ưu để hạ giá thành sản phẩm, áp dụng các biện pháp thi công cơ giới tối đa trong đào, đắp, vận chuyển, các công đoạn thi công hợp lý tránh trùng lắp, hạn chế tính hợp lý hóa biện pháp thi công thủ công mà thực tế thi công được cơ giới. Tuy nhiên cũng không quá đơn giản biện pháp, thiếu công đoạn thi công gây thiệt hại cho nhà thầu.

    l) Về việc đặt cao trình sàn động cơ, sàn bơm, chọn bơm

    Các trạm bơm đều phải chọn sàn động cơ cao hơn mực nước kiểm tra 5% tại điểm đo gần nhất với một mức an toàn nhất định từ 0,10 – 0,20m. Hiện nay Công ty đang khai thác một số trạm bơm mà chọn cao trình sàn động cơ  +4,5m, cao trình đáy buồng hút -0,50m, trong khi mực nước 5% tại đó là 3,25m (trạm bơm Hưng Long, Mĩ Hào), do vậy trạm này rất hay phải sửa cút bơm vì trục trung gian quá dài, khi chạy mức độ đảo rất lớn. Ngược lại có trạm bơm trong thời kỳ lắp đặt bị ngập sàn động cơ 0,3m vì mực nước 5% ở đây là 3,6m mà sàn động cơ là 3,3 (trạm bơm Việt Hưng H. Văn Lâm). Có sự bất cập giữa việc tăng khả năng chống hạn thì phải đặt sâu cánh quạt, từ đó trục trung gian bị kéo dài, đối với các bơm 2.500m3/h theo khuyến cáo thì trục trung gian không nên dài hơn 2,0m và bơm 4.000m3/h là: 2,2m. Tất nhiên chất lượng máy còn phụ thuộc vào chất lượng bơm của Nhà chế tạo cũng như quá trình lắp đặt. Qua khai thác cho thấy bơm của Công ty cổ phần bơm Hải Dương có chất lượng và giá cả phù hợp, có đội ngũ kỹ thuật lắp đặt, bảo hành đạt yêu cầu.
    Việc chọn sàn động cơ cần chú ý mực nước 5% cộng độ cao an toàn. Sàn bơm, đáy bể hút căn cứ mực nước tiêu 10%, mực nước tưới 85%, mực nước kiệt tưới điển hình để chống hạn. Dùng bơm ly tâm trục ngang hoặc cút hợp kim , phi kim loại; cánh quạt hợp kim, bu lông hợp kim, mục tiêu để chống ăn mòn do nguồn nước ô nhiễm rất nặng.

    m) Về vấn đề lưới chắn rác

    Rác là một vấn đề khó khăn đối với công tác vận hành các trạm bơm, các trạm bơm  hiện nay đều phải có lưới chắn rác rất tốt để thực sự chắn rác, quá trình vừa bơm nước, vừa phải vớt rác và rác vẫn chui qua khe vào máy bơm gây nên rung động, giảm hiệu suất, nhanh làm hỏng bi, cút, thậm chí động cơ nhanh nóng hơn và độ nóng cao hơn. Các lưới chắn rác hầu hết gắn với trụ pin của nhà máy ở đó khi bơm lưu tốc dòng chảy khá lớn, vừa bơm, vừa vớt rác thì rác vẫn theo vào buồng bơm và khó khăn cho công nhân vận hành. Phần đáy lưới chắn rác còn lắng đọng cùng với đất, bùn tạo thành một hình nêm bịt chặt 0,3-0,5m dưới đáy giáp đáy bể hút làm giảm lưu lượng đáng kể, có những buồng bơm làm chênh mực nước trong ngoài lưới đáng kể từ 0,3-0,5m gây nên việc thiếu nước cho bơm lẽ ra không đáng có, do nhiều rác đã làm thay đổi dòng chảy vào bơm, tạo nên âm thanh sối nước qua lưới chắn rác. Do vậy rác làm giảm hiệu quả đáng kể cho bơm. Mỗi trạm bơm đều có đặc thù khác nhau song việc làm lưới chắn rác từ xa là thấy có hiệu quả, thường cách xa bể hút hoặc cống lấy nước 10m trở lên. Làm từ xa thì lưu tốc dòng chảy sẽ nhỏ và nên làm chỗ mặt cắt là rộng nhất để lưu tốc nhỏ nhất, trên đó có sàn công tác cho công nhân ra vớt thủ công, thường lưới này làm ở cửa sông lớn thì khi không bơm rác sẽ tự trôi đi, có thể làm lưới ngang kênh hút hoặc lưới chữ hình A có đỉnh hướng ra ngoài bể hút để rác trôi vào hai bên bờ dễ vớt lên hơn.
    Nên thiết kế lưới chắn rác cho các trạm bơm tách riêng thành một hạng mục, vị trí đặt nơi có lưu tốc nhỏ, đảm bảo độ thoáng và dễ dàng cho công nhân vớt thủ công.

    n) Vấn đề giống lúa và thời vụ

    Hiện nay khoa học hiện đại đã tạo ra được nhiều giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn ngày mà năng suất cao, chất lượng gạo tốt như: Tẻ đỏ, Khang dân, IR 1561. Từ đó thời vụ được theo chỉ đạo trong những năm gần đây rất chắc tay, đó là 100% cấy trà muộn (không còn trà sớm và trà trung). Sử dụng nguồn nước đổ ải để khống chế làm đất, khung thời vụ cấy tốt nhất với vụ lúa xuân là 20-28/2 và vụ mùa từ 1-10/7 hàng năm.

    o) Vấn đề điện cao hạ thế – Trạm biến áp

    Ở giai đoạn lập dự án thông thường phần điện cao hạ thế, trạm biến áp thường lập sau, duyệt dự án phần điện chậm hơn khi phê duyệt dự án các trạm bơm thì phê duyệt phần điện thường mang tính chất khái toán, sơ sài. Đơn vị quản lý Nhà nước phần điện là Sở Công thương, đơn vị quản lý khai thác là Điện lực, quản lý và khai thác phần điện trên thực tế thường mang tính chất khá độc đoán với lý do được giải thích rằng độ an toàn lưới điện rất cao, nếu bị sự cố sẽ bị phá hỏng theo dây truyền nên lập dự án phần này thường mang tính chất địa phương. Thông thường phần điện giá trị không cao, thường dưới 7 tỷ đồng nên tư vấn thường làm thiết kế 1 bước. Trước tiên căn cứ vào công suất sử dụng sẽ trình Điện lực Hưng Yên và các địa phương thoả thuận điểm đấu nối vào đường lưới điện và vị trí tuyến đi qua các xã, sau đó tư vấn lập thuyết minh, bản vẽ và dự toán kèm theo trình sở Công thương thẩm định. Sau đó chủ đầu tư căn cứ kết quả thẩm định để phê duyệt thiết kế và dự toán phần điện và đây là một phần của tổng dự toán công trình. Do tính chất an toàn lưới điện mà khi thi công phần giám sát chủ đầu tư thuê điện lực Hưng Yên giám sát và để thuận lợi cho bàn giao tiếp nhận lưới điện sau này. Phần từ sau công tơ đo đếm trở lên trạm biến áp sẽ do ngành điện quản lý khai thác. Trong khảo sát và dự án phải có kinh phí đền bù các chân cột điện rõ ràng để thuận lợi cho thi công và tiếp nhận quản lý sau này. Các cấp biến áp đầu vào thường có 2 cấp là 35/22/0,4kV.
     
    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    [1] UBND tỉnh Hưng Yên (2002), Quyết định số 51/2002/QĐ-UB ngày 13/11/2002 của  quy hoạch thủy lợi tỉnh Hưng Yên đến năm 2010.
    [2] UBND tỉnh Hưng Yên (2009), Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND ngày 02/08/2009 của UBND tỉnh Hưng Yên về ban hành bản quy định phân công nhiệm vụ.
    [3] UBND tỉnh Hưng Yên (2009), Quyết định 1961/QĐ-BNN ngày 13/07/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về  quy hoạch hệ thống Bắc Hưng Hải.
    [4] UBND tỉnh Hưng Yên (2011), Quyết định số 09/2011/QĐ – UBND ngày 01/06/2011 của UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất.
    [5] Website của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Hưng Yên.

    Bình luận