Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Báo cáo nghiên cứu thị trường vật liệu xây dựng Quý I/2021 và dự báo Quý II/2021

    04/04/2021 - 01:17
    679
    0
    0
    Năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, do những bất định của dịch Covid-19 chưa có hồi kết, kéo theo thị trường tài chính nhiều rủi ro gia tăng, thị trường dầu mỏ, giá vàng, đồng USD… có thể biến động thất thường, nền kinh tế thế giới sẽ đối diện với những thách thức đan xen. Trong nước, trong quý I/2021, dịch Covid-19 với biến thể mới tái bùng phát trở lại từ cuối tháng một đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh tế quý này.  
     
    Bước sang năm 2021, Covid-19 đã thay đổi cách thế giới vận hành và theo đó tác động đáng kể đến lĩnh vực xây dựng. Trong đó, những thay đổi lớn nhất bao gồm: (1) Có nhiều nhà đầu tư lớn và thông thái hơn tham gia xây dựng với yêu cầu cao hơn về quy mô và phân phối dự án; (2) Gia tăng mức độ quan tâm của khách hàng đối với các tòa nhà “thông minh” (ứng dụng kỹ thuật số như IoT, sử dụng năng lượng, vận hành hiệu quả…); (3) Khách hàng chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững trong ngành; (4) Lao động lành nghề trở nên khan hiếm và đắt đỏ; và (5) Các quy định và quy tắc xây dựng đang thay đổi, trở nên hài hòa hơn để tạo ra phương pháp xây dựng tiêu chuẩn.

    Một thị trường thay đổi, cùng với tiến bộ công nghệ và những nhân tố mới có tính đột phá sẽ tạo ra cú hích thay đổi toàn diện hoạt động của ngành. Những cú hích như công nghệ sản xuất mới, quá trình số hóa sản phẩm, số hóa các kênh bán hàng, công nghệ vật liệu mới đều được dự báo tăng lên so với giai đoạn trước[[1]]

    Tất cả những thay đổi trên đã và đang làm cho toàn ngành xây dựng – vật liệu xây dựng cũng như từng doanh nghiệp dần “lột xác” với một diện mạo hoàn toàn mới, trở nên mạnh hơn, bền bỉ hơn. 31,6% số doanh nghiệp ngành xây dựng- vật liệu xây dựng tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong 6 tháng đầu năm và có tới 47,4% số doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng trong 12 tháng tới. Đáng chú ý, khoảng 15,8% số doanh nghiệp cho rằng sẽ có bùng nổ ở một vài phân khúc và thị trường khu vực nhất định trong 6 tháng tới.

    Biểu đồ 1: Dự báo chung cho toàn ngành xây dựng – vật liệu xây dựng năm 2021

    Thứ nhất, nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén lại suốt một năm bị gián đoạn hoạt động do dịch bệnh đã sẵn sàng bật tăng trở lại. Theo đánh giá của một số chuyên gia, sắp tới sẽ có một cuộc chạy đua quyết liệt để bù đắp những mất mát trong thời gian qua. Động lực chạy đua là sinh kế của chính doanh nghiệp. Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những động thái tích cực trong việc giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính gây ra sự chững lại của thị trường trong giai đoạn 2019 – 2020. Thứ ba, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã cải thiện rất nhiều với việc vắc-xin được đưa vào sử dụng.

    Tóm lại, hội tụ tất cả các yếu tố trên sẽ tạo ra thời cơ cho sự phát triển của thị trường trong năm 2021.

    I. Diễn biến thị trường một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu trong quý I/2021 và dự báo quý II/2021

    1. Thép xây dựng

    Theo số liệu thống kê 64 quốc gia của Hiệp hội Thép thế giới công bố, sản lượng thép thô thế giới trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 315 triệu tấn, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực châu Á đã sản xuất 230,8 triệu tấn, tăng10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bốn nhà sản xuất hàng đầu khu vực trong 02 tháng này là Trung Quốc (175,0 triệu tấn), Ấn Độ (19,4 triệu tấn), Nhật Bản (15,4 triệu tấn) và Hàn Quốc (11,5 triệu tấn). [[2]]

    Tính đến ngày 15/3/2021, nhập khẩu thép về nước ta đạt 2,89 triệu tấn với trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Năm các quốc gia cung cấp thép nhiều nhất cho Việt Nam vẫn lần lượt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ.

    Tính trong 2 tháng đầu năm 2021, lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam đã cán mốc gần1,7 triệu tấn, tăng cao tới 44% so với cùng kỳ năm trước và trị giá đạt1,15 tỷ USD, tăng tới 75,6%. Xuất khẩu nhóm hàng này tăng mạnh sang Trung Quốc với 301 nghìn tấn, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; sang Inđônêxia với182 nghìn tấn, tăng 42% và sang Mêxicô108 nghìn tấn, gấp 2,7 lần. Ngoài ra, sắt thép các loại còn được xuất sang Campuchia với 218 nghìn tấn, giảm 8,2%; sang Malaysia với110 nghìn tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. [[3]]

    Biểu đồ 2: Lượng và trị giá xuất khẩu sắt thép các loại trong 2 tháng giai đoạn 2011-2021

    Xuất khẩu sắt thép đã kế thừa mức tăng trưởng từ năm 2020. Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn tuột mất cả tỷ USD vì dịch bệnh làm tổng cầu sụt giảm, thì sắt thép có mức tăng trên1 tỷ USD, tương đương 25,1% trong năm 2020. Làm nên những mức tăng trưởng của ngành thép trong năm 2020 là những “ông lớn” dẫn dắt thị trường như Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen…

    Trong tháng đầu tiên của  năm 2021, chỉ tính riêng nhóm sản phẩm tôn mạ kẽm, Hòa Phát đã xuất khoảng10.000 tấn cho các đối tác đến từ Bỉ và Tây Ban Nha. Sang tháng 2, Hòa Phát xuất một lô hàng hơn12.000 tấn chủ yếu là các sản phẩm tôn mạ lạnh sang châu Mỹ. Ngoài thép xây dựng, Hòa Phát đang đẩy mạnh xuất khẩu ống thép, tôn mạ, thép rút dây, dây thép rút mạ kẽm, thép dự ứng lực…

    Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cũng mở hàng năm 2021 bằng những lô hàng tôn mạ có giá trị lớn xuất khẩu đi Mỹ, Mexico, châu Âu, Đông Nam Á… Sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn hiện đã vượt mốc100.000 tấn/tháng.

    Tuy nhiên, cũng theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tiêu thụ thép quý I năm 2021 tại nội địa giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do dịp Tết Nguyên đán các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều chững lại. 

    Bảng 1: Giá thép xây dựng các loại bình quân tại các khu vực thị trường quý I/2021
    Đơn vị tính: đồng/kg
     

    Các khu vực Thép hình Thép cuộn D6-8 Thép D10-18 Thép D20-42 Thép tấm
    Trung du và miền núi phía Bắc  19.285        19.241 19.147 19.147    20.273
    Đồng bằng sông Hồng 18.466         18.489 18.766 18.766 18.318
    Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung    18.680 19.784 19.752          19.652        18.388
    Tây Nguyên        21.667  19.974 19.181 19.181 20.818
    Đông Nam Bộ 19.775  19.718 19.386       19.386 21.044
    Đồng bằng sông Cửu Long          23.219          20.175          19.858          19.866              22.329
    Từ cuối quý IV/2020, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tăng. Giá quặng sắt nhập khẩu và giá sắt thép phế liệu nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng sắt thép thành phẩm thời điểm từ quý IV/2020 đến hiện nay đã tăng khoảng trên 30% so với thời điểm đầu năm 2020. Cùng với đó, giá thép phế liệu nội địa cũng tăng. Số lượng thép thành phẩm nhập khẩu khó. Giá sắt thép tăng cao cộng với nguồn cung hiếm hoi khiến giai đoạn xây dựng các dự án công trình bị chậm, chi phí phát sinh ngoài dự trù. Đáng kể, theo Tổng cục Hải quan, dù thị trường nội địa hiếm hoi, nhưng xuất khẩu phôi thép và thép thành phẩm của Việt Nam lại tăng so với những năm trước khiến cho sự mất cân đối trong ưu tiên thị phần xuất khẩu so với thị phần nội địa. Điểm đáng kể nữa là gần như Việt Nam không nhập khẩu phôi thép, mà hầu hết chuyển sang xuất khẩu phôi thép. Bên cạnh đó, công nghệ và cách thức xây dựng truyền thống sẽ làm nguồn cung thép trong nước ngày càng quá tải. Đơn cử như công ty Thép Hòa Phát, đơn vị cung cấp khoảng 26% thép thi công ra thị trường, cho biết các xí nghiệp đã sản xuất hết công xuất nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ hết những đơn hàng thép cuối năm và đầu năm. Tuy nhiên, các thiếu hụt đó sẽ tháo gỡ được, thị trường thép trong nước đủ khả năng cung ứng đủ cho nhu yếu xây dựng nội địa. Theo chuyên gia về kết cấu thép, vấn đề cốt lõi là ở nước ta, hơn 90% là công trình xây dựng bằng bê tông cốt thép, hầu hết sử dụng thép thanh. Loại thép này dù nội địa đã chế tạo được nhưng số lượng còn hạn chế và nhờ vào nguồn nhập khẩu. Không chỉ có vậy, công nghệ và phương pháp thi công truyền thống tốn không ít thép hơn, chẳng hạn như thép sử dụng trong công trình xây dựng trên 10 tầng nếu dùng bê tông cốt thép sẽ nặng hơn 1,2 -1,5 lần so với phương thức sử dụng cấu tạo thép. Điều này gây mất cân bằng vì các công trình xây dựng quá tập trung vào cách thức kiến trúc truyền thống là dùng bê tông cốt thép, mà bị quên mất 1 lượng lớn các công trình lớn ở các nước cần cải tiến và phát triển sử dụng chính là cấu trúc thép. Các nhà thầu và chủ đầu tư, tư vấn cần thiết kế cần biến hóa công nghệ xây dựng, đồng hóa hóa để giảm tải lượng thép tiêu thụ trong số công trình bê tông cốt thép thay thế bằng công nghệ thiết kế khô. Còn từ góc nhìn cung và cầu, chuyên gia tài chính cho rằng cần kiểm soát và điều chỉnh sự mất thăng bằng cung ứng để ưu ái thị phần nội địa hơn.

    Tiếp diễn việc giá thép tăng nhanh từ cuối năm 2020, giá thép vào quý I/2021 vẫn tiếp tục tăng so với quý IV/2020. Giá thép các khu vực có sự chênh lệch do nhu cầu xây dựng và chi phí vận chuyển đến các khu vực là khác nhau. Giá thép tròn ở khu vực Tây Nguyên và khu đồng bằng sông Cửu Long cao hơn các khu vực khác. Ngược lại, giá thép ở khu vực đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc thếp hơn các khu vực khác trong cả nước. Việc tăng giá thép này ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực và sự ổn định kinh tế – xã hội.

    Đơn vị tính: %

    Biểu đồ 3: Diễn biến giá thép trên thị trường năm 2019-2021

    Tình trạng giá thép tăng đột biến chịu tác động tất yếu từ giá nguyên liệu thế giới, dự kiến đến hết hết quý II/2021, khi giá quặng sắt hạ nhiệt, giá nguyên liệu đầu vào giảm, sẽ giúp giá thép và nguồn cung trong nước sớm ổn định..

    2. Xi măng

    Xi măng là mặt hàng vật liệu được sử dụng và chiếm tỷ trọng lớn ở các công trình xây dựng, chi phí xi măng chiếm 15% chi phí nguyên liệu và chiếm 10% chi phí xây dựng.

    Sau kỳ nghỉ tết Dương lịch và tết Nguyên đán, sang giữa tháng 02, các công trình xây dựng tiếp tục triển khai khởi công xây dựng trên cả nước trong năm 2021. Các dự án được cấp phép, khởi công xây dựng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm: Giao thông, Môi trường, Công nghiệp – Thương mại – Dịch vụ – Du lịch – Vui chơi giải trí thể thao, Nhà ở, Khu đô thị, Giáo dục đào tạo, với phần lớn là những dự án bất động sản, vui chơi giải trí, hạ tầng.

    Bảng 2: Một số dự án lớn được cấp phép năm 2021 tại Hà Nội

     

     

    Tên dự án
     
    Địa điểm
     
    Chủ đầu tư
    Tổng vốn đầu tư (tỷ đồng
    Dự án Thành phố Thông minh xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh Liên doanh Sumimoto
     (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG
    94.349
    Dự án Trung tâm thương mại Lotte Mall phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ Tập đoàn Lotte 13.407
    Dự án Khu đô thị Tây Mỗ – Đại Mỗ (Vinhomes Smart City Tây Mỗ – Đại Mỗ) quận Nam Từ Liêm Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Đô thị Tây Hà Nội thuộc Vingroup 80.000
    Dự án Khu đô thị Gia Lâm huyện Gia Lâm Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm 87.385
    Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công viên phần mềm xã Nguyên Khê, Tiên Dương và thị trấn Đông Anh Tập đoàn Vingroup 7.873
    Dự án Khu phức hợp phường La Khê, quận Hà Đông Liên danh: Công ty VMEP và Công ty CP Phát triển Nhà Daewon Thủ Đức 2.485
    Khu nhà ở xã hội, tái định cư, và thương mại Him Lam Phúc Lợi, quận Long Biên Công ty Cổ phần Him Lam 7.002
    Khu đô thị hỗ trợ thuộc Khu công nghiệp Sài Đồng B phường Thạch Bàn, quận Long Biên Công ty CP Đầu tư Thạch Bàn 5.272
    Khu đô thị Nhịp sống mới – NewStyle Citytrong Khu đô thị mới Tây Nam xã Tân Lập, huyện Đan Phượng Công ty CP Đầu tư DIA 4.332
         
     
    Tại Hải Phòng, các dự án trọng điểm của thành phố như  Dự án xây dựng các công trình kiến trúc tại Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm (Giai đoạn 1), Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc đoạn từ cầu Lạc Long tới cầu Hoàng Văn Thụ,  Khu đô thị Hoàng Huy New City, Khu đô thị Hoàng Huy Green River, Tòa nhà hỗn hợp đa chức năng thương mại khách sạn văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp số 4B Trần Phú, Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi, Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng, Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào I, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tràng Duệ (Giai đoạn 3), Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thủy Nguyên, Khu công nghiệp Nam Tràng Cát, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải, Dự án đầu tư xây dựng bến số 3, 4 Cảng Lạch Huyện, Dự án đầu tư xây dựng nhà ga T2 – Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng Thái Bình đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng từ km0+000 đến km19+645, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê tả sông Cấm đoạn từ km25+000 đến km31+741 phía huyện Thủy Nguyên, Dự án phát triển du lịch thành phố Hải Phòng, Công viên chủ đề VinWonders Vũ Yên, Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cáp treo Phù Long – thị trấn Cát Bà, Khu cảng hàng hóa, bến phà, bến tàu khách, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch, khu dịch vụ hậu cần du lịch đảo Cát Hải.

    Năm 2020, cả nước có 84 dây chuyền sản xuất xi măng với công suất thiết kế là 101,74 triệu tấn/năm. Dây chuyền sản xuất đều là các dây chuyền lò quay phương pháp khô; từ sau năm 2010 dây chuyền sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới, đạt tiêu chuẩn Châu Âu.

    Sản lượng xi măng sản xuất trong 03 tháng đầu năm 2021 ước đạt 23,21 triệu tấn xi măng, tăng14% so với cùng kỳ năm 2020.

    Biểu đồ 4: Tương quan giữa nhu cầu và nguồn cung xi măng theo khu vực năm 2020

    Về tiêu thụ sản phẩm xi măng, chỉ tính riêng tháng 3/2021, ước đạt khoảng 8,87 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 5,02 triệu tấn. Trong số này, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ khoảng1,83 triệu tấn và sản lượng xuất khẩu ước đạt khoảng 3,85 triệu tấn. Lũy kế 3 tháng đầu năm, ước tiêu thụ khoảng 22,31 triệu tấn, tăng khoảng1,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng12,16 triệu tấn (Vicem tiêu thụ khoảng 5,08 triệu tấn) và xuất khẩu ước đạt khoảng10,15 triệu tấn.

    Tính đến ngày 15/3/2021, Việt Nam xuất khẩu 8,11 triệu tấn xi măng và clinker tăng 23% và đạt 295 triệu USD, tăng15,4% so với cùng kỳ năm 2020.

    Bảng 3: Tình hình sản xuất, tiêu thụ và giá bán tại các nhà máy xi măng trong quý I/2021
    Đơn vị tính: đồng/tấn
     

    Đơn vị Xi măng Sản xuất (tấn) Tiêu thụ (tấn) Giá bán
    T01/2021
    Giá bán T02/2021 Giá bán T03/2021
    Hoàng Thạch PCB30 bao 290.000 280.000 1.295.000 1.295.000 1.304.000
    Hải Phòng PCB30 bao 120.000 110.000 1.405.000 1.405.000 1.409.000
    Bút Sơn PCB30 bao 230.000 200.000 1.370.000 1.370.000 1.375.000
    Bỉm Sơn PCB30 bao 365.000 320.000 1.300.000 1.300.000 1.306.000
    Tam Điệp PCB40 bao 100.000 70.000 1.170.000 1.170.000 1.179.000
    Hoàng Mai PCB40 bao 150.000 160.000 1.080.000 1.080.000 1.089.000
    Hải Vân PCB40 bao 65.000 60.000 1.325.000 1.325.000 1.332.000
    Hà Tiên1 PCB40 bao 410.000 390.000 1.630.000 1.630.000 1.639.000
     
    Như vậy trong quý I/2021, giá xi măng không biến động nhiều do nguồn cung luôn dồi dào, đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

    Giá thép tăng kỷ lục trong tháng cuối quý IV/2020, giá than sản xuất xi măng và các nhà máy nhiệt điện đã tăng khoảng 20% trong năm 2020, giá điện về cơ bản cũng tăng lên (đối với sản xuất). Cũng theo tính toán của các nhà máy sản xuất xi măng tại Việt Nam, trung bình than chiếm khoảng 30% cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng. Do vậy, giá bán xi măng trong quý I/2021 tại các nhà máy cũng tăng1-2% so với quý IV/2020.

    Đơn vị tính: đồng/kg

    Biểu đồ 5: Giá bán xi măng tại các khu vực thị trường trong quý I/2021

    Dự báo trong quý II/2021, giá xi măng sẽ tăng để điều chỉnh phù hợp với chi phí đầu vào sản xuất xi măng và nhu cầu tiêu thụ xi măng cũng tăng lên khi các công trình xây dựng triển khai nhiều hơn.

    3. Cát xây dựng

    Việt Nam là quốc gia có nhiều mỏ cát có trữ lượng khác nhau, phân bố không đồng đều từ ở các khu vực Bắc, Trung, Nam, từ miền núi, trung du đến đồng bằng và vùng cửa sông. Theo thống kê, hiện nay nước ta có 331 mỏ cát vàng với tổng trữ lượng khoảng 2.079,72 triệu m³.

    Cát là loại khoáng sản có vai trò quan trọng trong xây dựng và cơ bản đã được quản lý, khai thác, sử dụng theo quy hoạch và quy định của pháp luật về khoáng sản. Thị trường cát xây dựng khai thác từ tự nhiên đang dần cạn. Đặc điểm quan trọng của cát vàng (dùng cho sản xuất bê tông và làm đường giao thông) ở Việt Nam là phân bố chủ yếu trên các tuyến sông như sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc), sông Chu, sông Mã (Thanh Hoá), sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Hương, sông Bồ (Thừa Thiên-Huế), sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Trường Giang (Quảng Nam), sông Đà Rằng (Phú Yên), sông Dinh (Ninh Thuận), sông Hà Thanh (Bình Thuận), sông Đồng Nai (Đồng Nai), sông Hậu (Đồng Tháp, An Giang). Cát mỏ trên đất liền phân bố ở một số tỉnh có trữ lượng nhỏ không đáng kể. Tuy cát là loại khoáng sản có khả năng tái tạo nhưng trữ lượng cát tái tạo hàng năm đang có xu hướng suy giảm theo sự tăng lên về số lượng các đập thuỷ điện và thuỷ lợi. Mặt khác, trữ lượng cát vàng ở nước ta phân bố không đồng đều, nhu cầu tiêu thụ cát xây dựng tập trung nhiều ở các thành phố như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số thành phố khác. Ngược lại, hầu hết các thành phố này đều thiếu nguồn cát, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, không có cát vàng xây dựng phải mua cát từ tỉnh khác. Hà Nội chỉ có cát san lấp, xây trát, cát vàng được mua từ Phú Thọ, Thái Nguyên. Thành phố Hồ Chí Minh thiếu cả nguồn cát san lấp, cát xây dựng phải mua từ Đồng Nai, Bình Thuận, còn Thành phố Đà Nẵng chỉ đáp ứng được dưới 50% nhu cầu, phần còn lại phải mua từ Quảng Nam.

     Sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu sử dụng cát xây dựng những năm qua khiến mất cân đối cung cầu, dẫn tới sự khan hiếm cát xây dựng.

    Giá cát xây dựng tại cả 6 khu vực thị trường trên cả nước trong Quý I về cơ bản ổn định không có sự tăng giá bất thường. Giá cát xây dựng có tăng nhẹ 1-2% do nhu cầu sử dụng trong các công trình giao thông trọng điểm tăng cao, các công trình xây dựng bất động sản cũng được triển khai với số lượng và quy mô lớn trên cả nước.

    Bảng 4: Giá cát xây dựng tại các khu vực thị trường quý I/2021
    Đơn vị tính: đồng/m3

     

    Khu vực thị trường Cát đắp Cát xây trát Cát vàng
    Trung du và miền núi phía Bắc        145.527        269.731 330.628
    Đồng bằng sông Hồng        116.124        166.532        411.939
    Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung        115.064        253.080        325.913
    Tây Nguyên        312.142        361.800        444.344
    Đông Nam Bộ        183.006        353.167        426.230
    Đồng bằng sông Cửu Long        243.322        373.706        504.950
                 
    Dự báo sang quý II/2021, giá cát xây dựng vẫn tăng nhẹ do nhu cầu sử dụng và cung vẫn không đủ cho nhu cầu xây dựng.

    4. Đá xây dựng 

    Với việc các mỏ đá phân bố tại tất các vùng trên Việt Nam và nguồn cung trong nước đang ổn định thì đủ để thỏa mãn mọi nhu cầu xây dựng trong nước.

    Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế cả nước bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, Bộ Giao thông vận tải triển khai thi công 19 công trình dự án mới. Đối với dự án hạ tầng giao thông trọng điểm là cao tốc Bắc – Nam, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây có hình thức đầu tư đồng loạt khởi công với tổng mức đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng. Trước đó, dự án thành phần tiếp theo của cao tốc Bắc – Nam là Cam Lộ – La Sơn đi qua tỉnh 2 tỉnh Trị và Thừa Thiên Huế dài 98,35km (đầu tư từ vốn ngân sách) đã khởi công năm 2019 hiện đang được thi công và sẽ hoàn thành trong năm 2022. Đoạn Nha Trang – Cam Lâm (Khánh Hoà) dài 49 km và Cam Lâm  – Vĩnh Hảo dài 79 km  và đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt(Hà Tĩnh)  dài 49,3 km được đầu tư theo hình thức PPP. Nếu 3 đoạn tuyến này sớm chọn được nhà đầu tư sẽ khởi công trong năm 2021 và hoàn thành trong năm 2023. Hai đoạn tuyến Vĩnh Hảo (Bình Thuận) – Phan Thiết (Bình Thuận) và đoạn Phan Thiết – Dầu Giây (Đồng Nai), theo kế hoạch, đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành nối thông tuyến từ Bình Thuận đến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện nay nhằm kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra, dự án thành phần còn lại là Cầu Mỹ Thuận 2 đang được thi công.

    Bên cạnh đó, năm 2021, Bộ Giao thông sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng khác như cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách; các dự án ODA chuyển tiếp; đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án ODA mới bổ sung, các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước, các dự án sử dụng vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016 – 2020; triển khai các dự án: Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…[[4]]

    Bảng 5: Giá đá xây dựng tại các khu vực thị trường quý I/2021
       Đơn vị: đồng/m3

     

     
    Khu vực thị trường
     
    Đá 1×2
     
    Đá 2×4
     
    Đá 4×6
     
    Đá hộc
    Cấp phối đá dăm 0,075-50mm (lớp dưới) Cấp phối đá dăm 0,075-50mm (lớp trên)
    Trung du và miền núi phía Bắc 244.767 236.445 226.742 179.265 195.241 207.742
    Đồng bằng sông Hồng 264.399 255.232 225.367 205.949 211.477 217.589
    Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 274.398 233.637 192.301 158.024 144.826 162.904
    Tây Nguyên 276.704 257.712 238.665 198.609 202.690 202.690
    Đông Nam Bộ 343.767 304.668 289.435 253.890 248.812 248.812
    Đồng bằng sông Cửu Long 400.706 258.613 350.632 307.149 333.341 354.686
     
    Do những yếu tố cung và cầu nói trên, giá vật liệu đá xây dựng quý I/2020 tăng nhẹ 3-5% so với quý IV/2020. 
    Đơn vị: %

    Biểu đồ 6: Diễn biến giá đá xây dựng so sánh với thời điểm (quý I/2019)

    Dự báo quý II/2021, giá đá xây dựng vẫn ổn định, có khả năng tăng trong thời gian ngắn do nhu cầu xây dựng các dự án xây dựng giao thông trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ.

    5. Đất đắp

    Đắp đất là một loại vật liệu dùng trong việc thi công – gia cố hoàn chỉnh nền đất. Công tác đắp đất có thể là đắp đập, đắp đê, đắp nền đường, đắp nền nhà, san đắp sân bãi hoặc lấp đắp trở lại các hố đã đào… Khối đắp có thể chỉ có tác dụng lấp kín, cũng có thể chịu lực (nền nhà, nền đường…) cũng có thể vừa chịu lực vừa chống thấm. Do vậy, tuỳ theo mục đích và yêu cầu mà vật liệu đắp cũng như những đòi hỏi về chất lượng và kỹ thuật thực hiện không hoàn toàn như nhau.

    Năm 2020 và năm 2021, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm lần lượt khởi công và đang triển khai thi công. Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 bao gồm 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653 km. Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp (sau khi đã điều phối vật liệu dọc tuyến) cho toàn bộ 11 dự án khoảng 52 triệu m3. Theo số liệu khảo sát của tư vấn thiết kế, có khoảng 143 mỏ cung cấp vật liệu; trong đó, có 81 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng 63,2 triệu m3), 12 mỏ đang chờ gia hạn (tổng trữ lượng 28,8 triệu m3) và 82 mỏ trong quy hoạch nhưng chưa cấp phép khai thác (tổng trữ lượng hơn 101 triệu m3) bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu vật liệu đất đắp cho toàn bộ 11 dự án [[5]]. Hiện có 6/11 dự án đang triển khai. Trong đó, 3 dự án Cao Bồ- Mai Sơn, Cam Lộ- La Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2 cơ bản hoàn thành phần đất đắp nên cơ bản không vướng các vấn đề liên quan đến vật liệu. Ba dự án còn lại là Mai Sơn – QL45, Mỹ Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây bắt đầu xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu. Nguyên nhân khan hiếm là do trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu có sử dụng các mỏ quy hoạch của địa phương mới đáp ứng được nhu cầu vật liệu đắp các dự án. Trường hợp các địa phương không kịp thời cấp phép khai thác cho các mỏ vật liệu sẽ khiến các dự án có nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu đắp. Do hàng loạt mỏ chậm được cấp phép đã tạo nên sự khan hiếm vật liệu, các chủ mỏ đất do tư nhân quản lý được địa phương cấp phép khai thác đều đang đẩy giá vật liệu lên rất cao, cao gấp hai đến ba lần so với giá khảo sát ban đầu khiến các nhà thầu đứng trước nguy cơ phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng. Giá vật liệu đất đắp nền dao động khoảng từ 20 đến 22 nghìn đồng/m3, hiện nay đã lên tới 35 đến 37 nghìn đồng/m3, gấp gần hai lần mà vẫn không có đủ vật liệu để mua. Một nhà thầu thi công tại dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây cho biết, gói thầu đơn vị thi công cần khoảng 1,5 triệu m3 đất đắp, nếu mua đất đắp từ các chủ mỏ để thi công, ước tính nhà thầu phải bù lỗ khoảng từ 40 đến 60 tỷ đồng cho hạng mục đất đắp gói thầu này. Nếu không nhanh chóng cấp phép lại cho các mỏ đã hết hạn thì nguy cơ thiếu vật liệu là điều hiện hữu. Nhu cầu vật liệu cần cung cấp cho các dự án này là rất lớn, trong khi thời gian thực hiện ngắn. Dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đều có ý nghĩa đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế – xã hội địa phương mà dự án đi qua nói riêng, toàn vùng kinh tế nói chung.  Do vậy, các đơn vị có liên quan, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh cần có những cơ chế phù hợp để cung cấp đủ nhu cầu vật liệu và đúng tiến độ thi công của dự án.

    6. Nhựa đường

    Nhựa đường là loại mặt hàng nhập khẩu, nên phụ thuộc vào ngoại tệ, xăng dầu và chi phí vận chuyển.   
    Đơn vị: đồng/kg

    Biểu đồ 7: Diễn biến giá nhựa đường các loại từ năm 2019-2021
     
       Như vậy, giá nhựa đường quý I/2021 tại các nguồn cung cấp biến động tăng 6-10% so với quý IV/2019 và giảm nhẹ 1-2% hơn so với kỳ năm ngoái do sự biến động tình hình thế giới và tình hình dịch bệnh    
                
    Bảng 6: Giá nhựa đường tại các nhà máy năm 2020
    Đơn vị: đồng/kg

    Chủng loại nhựa đường Năm Quý Hải Phòng Nghệ An Đà Nẵng Bình Định Khánh Hòa TP Hồ Chí Minh Cần Thơ
    Nhựa đường đặc nóng 60/70 2020 IV 11.250 11.550 11.350 11.700 11.750 11.350 11.550
    2021 I 12.800 13.000 12.667 9.048 12.867 12.667 12.600
    Nhựa đường phuy 60/70 2020 IV 12.650 13.450 12.625 13.100 13.650 12.550 12.825
    2021 I 14.200 14.900 13.917 14.167 14.767 13.867 14.017
    Nhựa đường Nhũ tương 2020 IV 11.250 11.550 11.350 11.600 11.650 11.350 11.550
    2021 I 12.700 12.800 12.567 12.667 12.767 12.567 12.667
    Nhựa đường lỏng MC 2020 IV 15.400 15.800 15.500 15.850 15.900 15.550 15.800
    2021 I 17.300 17.600 17.100 17.267 17.367 17.100 17.267
     
    Dự báo giá nhựa đường quý II/2021 trên thị trường sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu cung cấp vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đúng thời hạn.

    II. Nhận xét biến động giá vật liệu của các địa phương theo công bố giá vật liệu xây dựng trong quý I/2021

    Tính đến ngày 15/3/2021 đã có 39/63 tỉnh, thành phố đã có công bố giá vật liệu quý I/2021. Trong đó, mới chỉ có 01/05 thành phố trực thuộc trung ương đã công bố giá vật liệu xây dựng
     
     
    Đơn vị: tỉnh, thành phố

    Biểu đồ 8: Thống kê các tỉnh đã có công bố giá vật liệu xây dựng quý I/2021 theo các khu vực
               
    Về vật liệu thép: 
    Theo thống kê, công bố giá vật liệu xây dựng của các địa phương quý I/2021 có giá trung bình từ 15.100 -16.200 đồng/kg đối với thép cuộn và thép tròn; từ 15.200 – 19.200 đ/kg đối với thép hình và thép tấm. Giá vật liệu xây dựng theo công bố giá thấp hơn thị trường 2.000-3.000 đ/kg. Nguyên nhân là do các địa phương không kịp cập nhật theo tốc độ tăng của giá thép trên thị trường. Giá thép trong quý I/2021 tăng 6-25% so với quý IV/2020

    Đơn vị: %
     
               
    Biểu đồ 9: Biến động giá thép quý I/2021 so với quý IV/2020.

    Về vật liệu cát, đá, xi măng,…: Các vật liệu này không có sự biến động nhiều trong quý I/2021 so với quý IV/2020.

     

     

    [1] – Nguồn Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (VietNam Report)
    [2] – Số liệu Hiệp hội Thép thế giới – WSA.
    [3] – Số liệu Hải quan Việt Nam.
    [4] – Nguồn Bộ Giao thông vận tải
    [5] – Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông – Bộ Giao thông vận tải
    Bình luận
    Các bài viết liên quan