1. Giới thiệu chung về đo bóc khối lượng cho các công tác xây dựng
Đo bóc khối lượng cho các công tác xây dựng xuất hiện từ lâu trên thế giới. Các nước trên thế giới đang áp dụng rất nhiều phương pháp tính toán khối lượng các công tác xây lắp các công trình xây dựng như tiêu chuẩn Standard Method of Measurement (SMM7), Civil Engineering Standard Method of Measurement (CESMM3), đo bóc khối lượng theo trình tự của phương hướng, đo bóc khối lượng theo trình tự mã số phân chia hạng mục ở bản vẽ,…
Một số nước đã đạt nhiều thành công trong áp dụng các phương pháp (PP) đo bóc khối lượng (KL) như Anh, Singapore, Trung Quốc,… Phương pháp đo bóc khối lượng của Trung Quốc được quy định trong “Quy phạm đo bóc khối lượng công trình xây dựng -GB50500” do Bộ Xây dựng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa công bố đối với công trình xây dựng, theo đó các PP đo bóc KL bao gồm: (1) PP chia tầng, (2) PP chia đoạn, (3) PP bổ sung, (4) PP tăng giảm, (5) PP tổng trù bị (có thể hiểu đây là phương pháp ước tính khối lượng công trình). Các căn cứ đo bóc khối lượng công trình bao gồm: Bản vẽ thi công, thuyết minh thiết kế, bản vẽ chi tiết có liên quan, thiết kế thay đổi, thuyết minh của bản vẽ, các chỉ dẫn liên quan của thiết kế.
Tại Singapore đã xây dựng được “Phương pháp đo bóc tiêu chuẩn cho các công tác xây dựng”. Phương pháp này sẽ được áp dụng như nhau cho cả các công việc đang đề xuất và các công việc đang thực hiện. “Phương pháp đo bóc tiêu chuẩn cho các công tác xây dựng” của Singapore đã chia công tác xây dựng thành các hạng mục công việc có tính chất giống nhau.
Ở Việt Nam, Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/06/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đã quy định trách nhiệm đối với cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng cần phải đưa ra “Phương pháp đo bóc khối lượng công trình”. Trước năm 2008, nước ta chưa có quy định chính thống mang tính pháp quy cho công tác đo bóc khối lượng. Việc đo bóc khối lượng các công việc xây dựng chủ yếu được thực hiện theo cách thức tính toán số học đơn thuần và đếm số trực quan phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan của người đo bóc. Một thực tế đã diễn ra trong nhiều năm là không có quy định thống nhất trong cách xác định khối lượng xây dựng các công trình. Đó là việc quy định đơn vị tính, cách phân chia kết cấu, công việc, loại công việc, hạng mục công trình… Dẫn đến sự thiếu chính xác khi đo bóc khối lượng để xác định chi phí xây dựng công trình và hậu quả dẫn đến trong giai đoạn thực hiện dự án đã nảy sinh rất nhiều vấn đề trong quá trình quản lý khối lượng, quản lý chi phí như: điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự toán, điều chỉnh hợp đồng, dãn tiến độ thi công…
Theo kết quả nghiên cứu và tổng kết trong nhiều năm về công tác thẩm tra, thẩm định dự toán, tổng dự toán các công trình xây dựng tại Việt nam của Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng cho thấy các sai số do tính toán không đúng khối lượng công tác xây dựng chiếm tỷ lệ khá cao từ 8,7% – 32,78% trong nhóm các sai sót của công tác tư vấn khi xác định chi phí xây dựng trong giai đoạn thiết kế. Với thực tiễn phát triển kinh tế thị trường ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu thì mỗi lĩnh vực của nền kinh tế cũng phải đồng điệu với sự phát triển chung, không nằm ngoài xu thế ấy, công tác đo bóc khối lượng công trình cần được nghiêm túc nhìn nhận một cách khách quan và đánh giá đúng tầm quan trọng đặc biệt của công tác này trong đầu tư xây dựng. Đo bóc khối lượng là một trong những mắt xích quan trọng trong công tác quản lý khối lượng và cũng là một biện pháp khống chế chi phí trong quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Chính vì vậy, công tác đo bóc khối lượng công trình cần được nghiêm túc nhìn nhận một cách khách quan, đánh giá đúng tầm quan trọng đặc biệt của nó. Vì tầm quan trọng của công tác này ngày 25/07/2007, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 05/2007/TT- BXD Hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Qua nghiên cứu lĩnh vực đầu tư xây dựng ở một số quốc gia Đông Nam Á thời gian qua và liên hệ với thực trạng tại Việt Nam, bài học rút ra là khi thị trường xây dựng phát triển, chức năng kiểm soát chi phí từ Nhà nước được thay thế bằng chức năng quản lý xã hội thông qua các tổ chức tư vấn nghề nghiệp là các Kỹ sư định giá. Đây là hình thức nghề nghiệp hoạt động tư vấn rất được coi trọng. Trong khi đó tại Việt Nam chưa có loại hình nghề nghiệp này. Tổ chức tư vấn nghề nghiệp định giá làm tư vấn cho tất cả các chủ thể trong xã hội cũng như tư vấn cho các dự án của Chính phủ.
Công tác đo bóc khối lượng công trình xây dựng là một trong những chuyên môn chính và cũng là công cụ kiểm soát, khống chế chi phí đầu tư xây dựng công trình. “Kỹ sư định giá” là một khái niệm nghề nghiệp mới được chính thức công nhận bằng văn bản pháp quy tại Nghị định số 99/29007/NĐ-CP ngày 13/06/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Việc hình thành và quản lý hình thức hoạt động nghề nghiệp này còn rất nhiều việc phải làm và trong số đó không thể thiếu các quy định, quy phạm hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn cho công tác đo bóc khối lượng công trình xây dựng. Từ năm 2008, Bộ Xây dựng công bố Hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình ban hành kèm theo Công văn số 737/BXD-VP ngày 22/04/2008. Đây là hành lang pháp lý đầu tiên hướng dẫn và thống nhất phương pháp tính khối lượng công trình xây dựng một cách bài bản. Sau hơn hai năm từ khi hướng dẫn đo bóc được công bố, cùng với sự đóng góp của các chuyên gia và các nhà khoa học trong lĩnh vực này Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 788/QĐ-BXD ngày 26/08/2010 (sau đây gọi tắt là QĐ-788) Hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sử dụng vào việc xác định khối lượng, quản lý khối lượng các công trình xây dựng và xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình. Nội dung hướng dẫn kèm theo QĐ-788 đã giúp công tác đo bóc khối lượng công trình xây dựng được thuận lợi thống nhất trong toàn quốc về cách tính khối lượng cho từng loại công tác, kết cấu xây dựng. Tuy nhiên còn nhiều nội dung trong hướng dẫn kèm theo QĐ-788 chưa thực sự phù hợp hoặc chưa cụ thể để hướng dẫn người tính, người kiểm tra tính đúng, tính đủ khối lượng xây dựng công trình.
2. Một số vấn đề trong đo bóc khối lượng cho các công tác xây dựng
2.1. Mối quan hệ giữa đo bóc khối lượng và quản lý khối lượng trong xây dựng công trình
Để quản lý thực hiện dự án xây dựng phải quản lý ba khâu cơ bản là quản lý khảo sát, thiết kế xây dựng công trình; quản lý thi công xây dựng công trình; quản lý kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng. Nội dung quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm:
+ Quản lý chất lượng xây dựng công trình.
+ Quản lý tiến độ xây dựng thi công xây dựng công trình.
+ Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình.
+ Quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thi công xây dựng.
+ Quản lý hợp đồng xây dựng.
+ Quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng.
– Yêu cầu của công tác quản lý khối lượng xây dựng công trình gồm:
+ Khối lượng thi công xây dựng công trình phải được thực hiện theo khối lượng của thiết kế được duyệt.
+ Khối lượng thi công xây dựng được tính toán, xác nhận giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát theo thời gian (hoặc giai đoạn thi công) và được đối chiếu với khối lượng thiết kế được duyệt.
+ Khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán xây dựng công trình, chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định.
Như vậy, quản lý KL là công tác bắt buộc trong thi công xây dựng. Quản lý KL để biết khi nào công việc thi công xong, thi công công việc hiện đang thực hiện tới đâu. Nói cách khác quản lý khối lượng là một cách để nhận diện diễn biến công trường thi công. Để quản lý khối lượng xây dựng công trình đòi hỏi phải tính được khối lượng trong khi thiết kế cũng như trong lúc thi công xây dựng công trình. Các chủ thể liên quan đến khối lượng (như đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn…) đều phải tính toán khối lượng. Thông qua đo bóc khối lượng xây dựng công trình người ta xác định khối lượng của công trình, hạng mục công trình theo từng khối lượng công tác xây dựng cụ thể. Bằng phương thức đo, đếm, tính toán, kiểm tra trên cơ sở kích thước, số lượng quy định trong bản vẽ thiết kế (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công), hoặc từ yêu cầu triển khai dự án, thi công xây dựng và các khối lượng khác trên cơ sở các yêu cầu cần thực hiện của dự án, chỉ dẫn kỹ thuật của thiết kế và các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng mà tính toán ra khối lượng xây dựng công trình. Tóm lại để quản lý được khối lượng trong dự án đầu tư xây dựng công trình không thể thiếu phần tính toán khối lượng. Kỹ năng đo bóc khối lượng giúp cho việc tính toán khối lượng chính xác, phù hợp với quy định hiện hành về quản lý chi phí cũng như quản lý khối lượng của dự án đầu tư xây dựng công trình.
2.2. Mối quan hệ giữa đo bóc khối lượng và quản lý chi phí trong xây dựng công trình
Mỗi giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng công trình của dự án thì chi phí đầu tư xây dựng công trình xuất hiện ở những thành phần và tên gọi khác nhau tùy thuộc chức năng của nó. Trong mỗi giai đoạn này, việc tính khối lượng được tiến hành theo từng phương pháp riêng cho phù hợp với từng loại chi phí xây dựng.
– Giai đoạn chuẩn bị dự án: Chi phí xây dựng (giá) công trình ở giai đoạn này được biểu thị bằng tổng mức đầu tư. Tổng mức đầu tư được xác định trên cơ sở chỉ tiêu suất vốn đầu tư, tư liệu giá, chỉ số giá xây dựng công trình tương tự,… và khối kượng được đo bóc trong thiết kế cơ sở.
– Giai đoạn thực hiện dự án:
+ Trong giai đoạn thiết kế công trình, chi phí xây dựng dựa trên cơ sở hồ sơ thiết kế với các bước thiết kế phù hợp với cấp, loại công trình thể hiện ở tổng dự toán, dự toán công trình, dự toán hạng mục công trình.
+ Trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu chi phí xây dựng được biểu thị bằng nhiều tên gọi khác nhau như giá gói thầu, giá dự thầu, giá đề nghị trúng thầu, giá trúng thầu, giá ký hợp đồng xây dựng. Tuỳ theo đặc điểm, tính chất của công trình xây dựng các bên tham gia ký kết hợp đồng phải thoả thuận giá hợp đồng xây dựng theo một trong các hình thức: giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định, giá hợp đồng theo giá điều chỉnh, giá hợp đồng kết hợp. Tuy nhiên dù là loại giá nào đi nữa thì việc xác định giá (chi phí) trong giai đoạn này cũng phải dựa vào khối lượng được đo bóc và công bố trong hồ sơ mời thầu.
– Giai đoạn kết thúc dự án: Khi hoàn thành phần xây dựng của dự án, bàn giao công trình đưa vào khai thác, sử dụng và kết thúc xây dựng, chi phí xây dựng được biểu hiện bằng: giá thanh toán, giá quyết toán hợp đồng; thanh toán, quyết toán vốn đầu tư. Việc thanh toán trong xây dựng dựa trên chất lượng và khối lượng hoàn thành. Từ khối lượng đo bóc mà nhà thầu xây dựng lấy đó làm căn cứ thanh toán cho nhân công, cập nhật tình hình công việc trên công trường…
2.3. Sai sót thường gặp và nguyên nhân sai sót trong đo bóc khối lượng cho các công tác xây dựng
2.3.1. Những sai sót thường gặp trong đo bóc khối lượng cho các công tác xây dựng
– Tính thiếu hoặc tính thừa khối lượng tính từ thiết kế. Ví dụ: Do bản vẽ vẽ đối xứng, thống kê thép một nửa, dẫn đến khối lượng bê tông, thép hay cốp pha cũng có một nửa.
– Kể thiếu đầu việc hoặc thừa đầu việc. Ví dụ: Tính thừa chi phí di chuyển thiết bị thi công, thiếu chi phí di chuyển thiết bị và lực lượng thi công trong dự toán xây lắp một số công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp chỉ có lực lượng chuyên ngành mới đảm nhận được…
– Bỏ sót (không tính) khối lượng xây dựng. Ví dụ: Có bản vẽ bố trí điều hoà, nhưng không tính khối lượng dẫn đến không lập dự toán mua sắm, lắp đặt điều hoà cho công trình.
– Tính trùng lặp khối lượng xây dựng. Ví dụ: khi tính bê tông dầm xác định chiều cao dầm hết cả chiều dày sàn không trừ đi khối lượng đã tính vào sàn.
– Phân tích công nghệ không phù hợp với công nghệ thi công xây dựng.
– Gộp chung khối lượng các loại kết cấu trong cùng một công tác không theo yêu cầu kỹ thuật. Ví dụ: Nhiều người coi việc áp dụng mã hiệu móng và giằng móng là giống nhau nên gộp làm 1, hoặc áp chung mã vách thang máy với cột làm 1 mã hiệu…
– Nhầm đơn vị đo, thứ nguyên khi tính toán. Ví dụ, thường đơn vị của dự toán với thép là tấn (1000 kg), đào đất bằng máy là 100 m3, thủ công tính bằng m3, hoặc vận chuyển bê tông bằng ô tô chuyển trộn là 100 m3, ván khuôn là 100 m2, các công tác ép cọc 100md… Nhưng khi đo bóc khối lượng không quy đổi lại đơn vị dẫn đến giá trị tăng hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng.
2.3.2. Một số nguyên nhân dẫn đến sai sót trong đo bóc khối lượng cho các công tác xây dựng
– Phương pháp đo bóc khối lượng của những người tham gia tính toán khác nhau.
– Do chất lượng của hồ sơ thiết kế chưa tốt, thiếu chi tiết, không khớp nhau, thống kê không đầy đủ và thiếu rõ ràng.
– Do chưa thống nhất quy định về trình tự tính toán khối lượng của thiết kế chi tiết.
– Do trình độ năng lực của người tham gia đo bóc khối lượng.
2.4. Áp dụng các quy định về đo bóc khối lượng hiện nay
Ngày 22/04/2008 Bộ Xây dựng đã có Công văn số 737/BXD-VP về Hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình, ngày 26/08/2010 Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 788/QĐ-BXD về việc Hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình. Như vậy, hiện tại các quy định về đo bóc khối lượng tại Việt Nam còn hạn chế. Mặt khác, đây chỉ là các tài liệu mang tính chất hướng dẫn, tham khảo, không mang tính pháp lý và một số nội dung trong tài liệu còn chung chung, chưa cụ thể như: chưa giải thích các thuật ngữ “khe co giãn”, “lỗ rỗng”, chưa hướng dẫn kỹ các công tác ván khuôn, không quy định cụ thể về điều kiện thi công đối với công tác bê tông, cốt thép… Điều này gây khó khăn trong việc tính khối lượng, dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với nhà thầu và các đơn vị lập dự toán.
3. Kết luận
Bài viết này đã tổng kết các vấn đề về đo bóc khối lượng cho các công việc xây dựng: (1) mối quan hệ giữa đo bóc khối lượng và quản lý khối lượng trong xây dựng công trình, (2) mối quan hệ giữa đo bóc khối lượng và quản lý chi phí trong xây dựng công trình, (3) sai sót thường gặp và nguyên nhân sai sót trong đo bóc khối lượng, (4) các quy định về đo bóc khối lượng. Từ các tổng kết này có thể thấy công tác đo bóc khối lượng là rất quan trọng, nhưng chưa được thực hiện khoa học và thống nhất giữa các bên tham gia dự án tại Việt Nam. Điều đó gây khó khăn cho các nhà quản lý khi quản lý khối lượng và quản lý chi phí dự án. Nhiều trường hợp gây mâu thuẫn khi dự án có nhiều công việc phát sinh mà không tìm được phương pháp chung tính toán khối lượng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Thời gian tới cần có một tiêu chuẩn đo bóc khối lượng để thống nhất công tác đo bóc khối lượng, giải quyết các vấn đề của dự án liên quan tới công tác đo bóc khối lượng.
Tác giả: PGS. TS. PHẠM XUÂN ANH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG