Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2019)

    24/07/2019 - 11:06
    430
    0
    0

    Năm 2019, Công đoàn Việt Nam kỷ niệm 90 năm xây dựng và phát triển (28/07/1929 – 28/07/2019). Quá trình thành lập, trưởng thành và truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong 90 năm qua gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc; khẳng định vị trí, vai trò, nhiệm vụ to lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam và giai cấp công nhân Việt Nam trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; những bài học kinh nghiệm lớn trong xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

    Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 9h00 ngày 28/07/2019 trên kênh VTV1 và VOV1. 

     Lịch sử đáng tự hào

    Công đoàn Việt Nam, tiền thân là tổ chức Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ được thành lập ngày 28/07/1929 tại nhà số 15, phố Hàng Nón, Hà Nội.

    Sự kiện thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ là kết quả tất yếu của phong trào công nhân do các tổ chức cộng sản lãnh đạo, là sự kế thừa truyền thống của Công hội đỏ Ba Son do người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng (sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch danh dự của Tổng Công đoàn Việt Nam) sáng lập, là kết quả của sự truyền bá lý luận và tư tưởng đúng đắn, sáng tạo về Công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông qua các đảng viên cộng sản vào phong trào công nhân nước ta.

    Phong trào công nhân và hoạt động công đoàn đã trải qua các giai đoạn từ thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945); Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954); Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954- 1975); Thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội (1975 – 1986) và Thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước hiện nay (1986 – 2019).  Bất kể trong giai đoạn nào, Công đoàn Việt Nam đều khẳng định vị trí, vai trò, nhiệm vụ to lớn trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong 90 năm đồng hành cùng Người lao động, Công đoàn Việt Nam luôn đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích người lao động.

    Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/07/1929-28/07/1984), Nhà nước đã tặng Tổng Công đoàn Việt Nam Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. 

    Nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn hiện nay

    Trong tình hình đất nước tiến hành đối mới, từng bước hội nhập, trải qua các kỳ Đại hội từ Đại hội VI (1988) đến Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (2018) với việc xác định phương châm hành động, đó là “Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn”, cùng chương trình trọng tâm “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước”.

    Có thể khẳng định rằng, trong công cuộc đổi mới đất nước, trải qua 07 kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    Trước những yêu cầu mới trong tình hình hiện nay, tổ chức Công đoàn các cấp tiếp tục tập trung vào công tác quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên, lấy lợi ích là điểm quan trọng tập hợp, thu hút người lao động đến với tổ chức Công đoàn; tạo sự khác biệt rõ hơn những quyền, lợi ích của người lao động là đoàn viên công đoàn và chưa là đoàn viên công đoàn để tăng cường sự gắn kết giữa đoàn viên với tổ chức Công đoàn.

    Tổ chức công đoàn phải thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động. Tiến hành đồng bộ cả ba khâu: Tham gia xây dựng, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát chế độ, chính sách với sự phân công trách nhiệm của từng cấp công đoàn, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động. 

    Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, kịp thời thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thực tế. Coi trọng chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy nhu cầu hợp pháp, chính đáng của số đông đoàn viên, người lao động làm nền tảng cho hoạt động công đoàn, phát huy tính tự giác, tự nguyện gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn của đoàn viên, người lao động.

    Chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Thường xuyên quan tâm, đầu tư công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn một cách cơ bản, có chiều sâu, tính lâu dài; thực hiện chính sách động viên hợp lý về vật chất, tinh thần; bảo vệ hiệu quả quyền lợi hợp pháp của cán bộ công đoàn.

    Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là dịp để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ cùng nhân dân cả nước ôn lại, phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

    Xem chi tiết nội dung Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2019) tại đây!

    Bình luận