Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Viện Kinh tế xây dựng – 45 năm xây dựng và phát triển

    02/04/2019 - 04:25
    467
    0
    0
    Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Kinh tế xây dựng (18/04/1974 – 18/04/2019), Tạp chí Kinh tế xây dựng xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài viết “Viện Kinh tế xây dựng – 45 năm xây dựng và phát triển” của TS. Lê Văn Cư – Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng đăng trên Tạp chí Kinh tế xây dựng số 01/2019. Dưới đây là toàn văn bài báo:

    Trải qua 45 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Viện Kinh tế xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng đã có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu, đề xuất xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, kinh tế xây dựng, quản lý phát triển đô thị, quản lý nhà và thị trường bất động sản; trực tiếp biên soạn hệ thống công cụ, chỉ tiêu, định mức kinh tế – kỹ thuật phục vụ công tác lập và quản lý chi phí trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Viện Kinh tế xây dựng đã nhiều lần đổi mới về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ và đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, Viện Kinh tế xây dựng tự hào về những thành tích đã đạt được và xác định những nhiệm vụ nặng nề đặt ra trong thời kỳ tới.

     

    NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT

    Tổ chức tiền thân đầu tiên của Viện Kinh tế xây dựng đã được hình thành từ tháng 05 năm 1959 là một Nhóm nghiên cứu định mức, với biên chế 5 người, thuộc Cục Kiến thiết cơ bản – Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tới tháng 09 năm 1962 đã phát triển thành Vụ Định mức thuộc Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước và đến tháng 06 năm 1966, Vụ Định mức thuộc Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước phát triển thành Vụ Kinh tế xây dựng. Ngày 18 tháng 04 năm 1974, Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng được chính thức thành lập theo Quyết định số 654/BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và đến nay đã 45 năm xây dựng và phát triển. Xuyên suốt quá trình phát triển, kể từ khi hình thành tổ chức tiền thân cho đến nay, hoạt động của Viện Kinh tế xây dựng phát triển không ngừng về quy mô, chất lượng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành xây dựng:

    – Viện Kinh tế xây dựng đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng của  thể chế, cơ chế, chính sách quản lý đầu tư xây dựng và lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng: Ngay từ thời kỳ trước khi có Luật Xây dựng 2003, Viện Kinh tế xây dựng đã chủ trì nghiên cứu, đề xuất với Bộ Xây dựng để trình Chính phủ ban hành các Nghị định, Quy chế về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý đấu thầu, với những dấu mốc đầu tiên là Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản theo Nghị định số 232-CP của Hội đồng Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 06/06/1981; Quy chế giao nhận thầu trong xây dựng cơ bản được ban hành theo Quyết định số 217-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 08/08/1985 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng Về quy chế giao-nhận thầu trong xây dựng cơ bản.

    Tiếp đến, Viện Kinh tế xây dựng đã chủ trì nghiên cứu, trình ban hành các nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng và lựa chọn nhà thầu xây dựng trong Luật Xây dựng năm 2003; quy định chung của Luật, quản lý dự án đầu tư xây dựng trong Luật Xây dựng 2014; Nghị định Về quản lý dự án đầu tư xây dựng, hướng dẫn Luật Xây dựng 2003; các Nghị định Hướng dẫn lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu năm 2005 và nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng năm 2003; Đề án của Chính phủ Về áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình giai đoạn 2017-2020. Từ năm 2014 đến nay, thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện Kinh tế xây dựng đã tham gia nghiên cứu, đề xuất ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các Thông tư hướng dẫn Nghị định. Viện đã thực hiện nhiều đề tài khoa học công nghệ, dự án sự nghiệp kinh tế, căn cứ từ các chứng cứ thực tiễn, cơ sở khoa học để đánh giá, đề xuất hoàn thiện văn bản pháp luật trong lĩnh vực này.

    – Viện Kinh tế xây dựng tiên phong trong việc nghiên cứu, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng: Ngay ở giai đoạn tiền thân, Viện đã nghiên cứu, đề xuất trình ban hành văn bản pháp luật quy định về trách nhiệm A-B trong xây dựng, quản lý định mức cơ sở, đơn giá các công trình xây dựng cơ bản trong thời đất nước có chiến tranh. Tiếp theo, Viện đã chủ trì nghiên cứu, trình ban hành các Nghị định, Quy chế của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn trước khi có Luật Xây dựng năm 2003. Đặc biệt, Viện đã được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất các nội dung về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và trình các cấp thẩm quyền ban hành Luật Xây dựng năm 2003 và Luật Xây dựng 2014; các Nghị định của Chính phủ, nhiều Thông tư, Quyết định của Bộ Xây dựng Hướng dẫn Luật Xây dựng 2003 và Luật Xây dựng 2014. Đây là lĩnh vực hoạt động chủ lực của Viện, được kế thừa truyền thống lâu dài, có nhiều kinh nghiệm và đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.

     – Nhiều cống hiến tích cực của Viện Kinh tế xây dựng trong nghiên cứu, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý nhà ở và thị trường bất động sản: Xuất phát từ tình hình phát triển thực tế và vai trò quản lý nhà nước của ngành xây dựng, cơ cấu tổ chức của Viện đã hình thành một số bộ môn nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế phát triển đô thị, kinh tế hạ tầng kỹ thuật đô thị, kinh tế nhà ở và thị trường bất động sản. Từ đó đến nay, Viện đã thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học qua các đề tài khoa học công nghệ, dự án sự nghiệp kinh tế để đánh giá, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này. Viện đã được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất và trình Chính phủ ban hành Đề án Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị giai đoạn 2015-2020; các Thông tư, Quyết định của Bộ Xây dựng Hướng dẫn về xác định và quản lý chi phí các dịch vụ công ích đô thị, quản lý chi phí lập đồ án quy hoạch đô thị, công bố hệ thống định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện đã tham gia phối hợp các cơ quan trong Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất ban hành nhiều văn bản pháp luật khác về quản lý kinh tế phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị và quản lý lĩnh vực nhà ở, kiểm soát thị trường bất động sản. Viện đã được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất và trình Chính phủ ban hành Nghị định Về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, Thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định này, Thông tư Hướng dẫn thí điểm xây dựng và công bố một số chỉ số đánh giá thị trường bất động sản. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện đã tham gia phối hợp các cơ quan trong Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất và trình ban hành nhiều văn bản pháp luật khác về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Kể từ khi hình thành đến nay, Viện đã thực hiện nhiều đề tài khoa học công nghệ, dự án sự nghiệp kinh tế, phục vụ cho nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách có liên quan.

    – Viện Kinh tế xây dựng đóng góp vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống công cụ, chỉ tiêu, định mức kinh tế – kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành xây dựng: Để đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của ngành xây dựng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, trong suốt chiều dài phát triển kể từ khi hình thành các tổ chức tiền thân của Viện đến nay, Viện đã thực hiện thường xuyên hàng năm với khối lượng lớn nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Xây dựng, quyết định ban hành, công bố hệ thống chỉ tiêu, định mức kinh tế-kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành xây dựng. Đồng thời đã phối hợp các Bộ, ngành xây dựng các định mức đặc thù, chuyên ngành. Những năm gần đây, Viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu, đề xuất, trình Bộ Xây dựng ban hành, công bố các báo cáo thống kê, đánh giá về chỉ số giá xây dựng quốc gia, tình hình biến động các thị trường xây dựng, nhà ở, bất động sản, năng suất lao động ngành xây dựng; nhiều phương pháp hướng dẫn trong việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng … Đây là lĩnh vực Viện có truyền thống, tích lũy nhiều kinh nghiệm. Theo xu hướng phát triển, đây là lĩnh vực đòi hỏi Viện cần tập trung mở rộng hơn, bám sát thực tiễn và phát triển tới nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.

    – Phát triển đa dạng hoạt động tư vấn chuyên môn: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Viện, kể từ năm 1988 tới nay Viện đã thực hiện nhiều hoạt động dịch vụ tư vấn về xác định, quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn tổng mức đầu tư, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu, quản lý thực hiện hợp đồng, thanh quyết toán vốn đầu tư, đánh giá hiệu quả đầu tư …, ở nhiều loại dự án, công trình xây dựng, gói thầu có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp khác nhau. Qua đó góp phần tích cực vào quản lý chặt chẽ vốn, chi phí đầu tư xây dựng do các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện; đúc rút các phát sinh từ thực tế phục vụ cho nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách có liên quan.

    – Phát triển hoạt động thông tin và từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ các hoạt động chuyên môn của Viện: Tờ “Thông tin khoa học kinh tế xây dựng” và nay là Tạp chí Kinh tế xây dựng, ra đời từ năm 1985 tới nay, trải qua các giai đoạn phát triển, đã ngày càng khẳng định được vị trí, uy tín của một cơ quan lý luận và tiếng nói khoa học hàng đầu của lĩnh vực kinh tế xây dựng nói riêng, đầu tư xây dựng nói chung. Tạp chí Kinh tế xây dựng đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan lý luận, tiếng nói khoa học của Viện Kinh tế xây dựng, và là diễn đàn của các nhà chuyên môn. Tạp chí tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, trang tin điện tử Viện Kinh tế xây dựng (địa chỉ: https://kinhtexaydung.gov.vn) tiếp tục là “địa chỉ” tin cậy cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực có liên quan như đầu tư xây dựng, kinh tế xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và thị trường bất động sản … tìm hiểu, nghiên cứu và trao đổi. Thông qua các kênh thông tin này, các cơ chế, chính sách của Nhà nước về xây dựng được đăng tải, cập nhật kịp thời; đã tạo điều kiện thuận lợi chia sẻ, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm kiến thức chuyên môn; tổng hợp các vấn đề thực tế phát sinh và đúc rút kinh nghiệm xử lý trong lĩnh vực kinh tế xây dựng… Đây là lĩnh vực có thể tạo ra nhiều giá trị đóng góp lớn hơn cho sự phát triển trong thời gian tới khi cơ sở dữ liệu của Viện từng bước được xây dựng và sử dụng hiệu quả, phát huy các công năng. Đây cũng là công cụ thiết thực phục vụ tốt nhất cho các hoạt động nghiên cứu, tư vấn chuyên môn của đơn vị trong thời đại công nghệ số hiện nay.

    – Thúc đẩy phát triển đồng bộ các hoạt động chuyên môn khác: Đồng thời với các hoạt động chuyên môn nêu trên, trong quá trình phát triển Viện đã thường xuyên chú trọng đào tạo phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phối hợp chặt chẽ về đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học, viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác. Viện cũng là đơn vị có uy tín trong công tác tập huấn phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng, các nghiệp vụ chuyên môn khác về xây dựng. Để phục vụ phát triển các lĩnh vực chuyên môn, Viện đã duy trì thường xuyên hoạt động hợp tác, hội thảo khoa học với các nước và tổ chức quốc tế trên nhiều lĩnh vực chuyên môn .

     

    TẦM NHÌN HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

    Phát huy các thành tựu đạt được và phát huy vai trò đối với ngành xây dựng, góp phần phát triển bền vững ngành xây dựng trong thời kỳ mới, Viện Kinh tế xây dựng xác định tầm nhìn hướng tới tương lai với các định hướng chủ yếu sau:

    – Thứ nhất, tiếp tục khẳng định vai trò tham mưu đề xuất thể chế, cơ chế chính sách phục vụ các nhiệm vụ quản lý của ngành xây dựng; trong đó tập trung lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị, quản lý dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị và quản lý nhà ở, thị trường bất động sản.

    – Thứ hai, tăng cường hoạt động nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo hướng hội nhập quốc tế và phù hợp hoàn toàn với cơ chế vận hành của cơ chế thị trường; trong đó ưu tiên để đề xuất đổi mới cơ chế quản lý chi phí và đổi mới hệ thống công cụ, chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật phục vụ xác định chi phí đầu tư xây dựng.

    – Thứ ba, đẩy mạnh và đa dạng hóa dịch vụ tư vấn chuyên môn; trong đó đặc biệt chú trọng ở các dự án quy mô lớn, kỹ thuật, công nghệ phức tạp. Tập trung vào các dịch vụ tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng và tư vấn quản lý dự án.

    – Thứ tư, phấn đấu trở thành trung tâm hàng đầu trong việc cung cấp dữ liệu có liên quan đến thị trường xây dựng, chi phí xây dựng và thị trường bất động sản.

    Để thực hiện thành công các định hướng trên, cần chú trọng một số vấn đề sau:

    – Phát huy đầy đủ và cao nhất chức năng nhiệm vụ của Viện trên cơ sở Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Viện trong các thời kỳ. Tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trong Viện, cải thiện điều kiện, chuyên nghiệp hóa các lĩnh vực chuyên môn, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quá trình phát triển của ngành xây dựng.

    – Nhiều vấn đề mới, thay đổi sắp tới của thực tế cần quan tâm, nắm bắt kịp thời khi triển khai các hoạt động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế chính sách, cụ thể như: Xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế; sự phát triển đa dạng các hình thức đầu tư với nhiều chủ thể tham gia; phát triển nhiều hơn phương thức thực hiện dự án thông qua các loại hợp đồng tổng thầu; xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và các công nghệ tiên tiến trong thi công xây dựng và quản lý xây dựng; các yêu cầu cao hơn về công trình xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu, công trình xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng; sự xuất hiện ngày càng nhiều dự án, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; yêu cầu về huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực trong bối cảnh phát triển nhanh các đô thị cả về quy mô và tốc độ; sự tham gia ngày càng nhiều hình thức đối tác công tư trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công ích đô thị, nhà ở; sự biến động phức tạp về cung cầu diễn biến thị trường nhà ở và thị trường bất động sản và tác động của chúng tới toàn nền kinh tế … Mặt khác Viện đã giảm dần vai trò chủ trì nghiên cứu, đề xuất, trình ban hành văn bản pháp luật ở các lĩnh vực. Trước bối cảnh đó, đòi hỏi Viện cần tập trung theo hướng chủ động đề xuất sớm các nghiên cứu đánh giá, cung cấp các bằng chứng khoa học về thực tiễn trong nước và quốc tế, các tác động của cơ chế chính sách đã ban hành, những vấn đề cần thiết đổi mới để đề xuất hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thông qua các hợp đồng khoa học ký kết với Bộ, đồng thời cần chú trọng xây dựng đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu.

    – Việc xây dựng hệ thống công cụ, chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước đòi hỏi sự  huy động lớn các nguồn lực của Viện, sự hợp tác chặt chẽ với các đơn vị liên quan, nâng cao chất lượng kết quả thực hiện để đáp ứng tốt nhất hoạt động quản lý, điều hành của ngành. Các công cụ phục vụ quản lý cần đáp ứng được các yêu cầu đánh giá sát thực trạng, chỉ ra được các yếu tố tác động và dự báo quy luật phát triển ở từng lĩnh vực.   

    – Các hoạt động dịch vụ tư vấn chuyên môn ngày càng đa dạng, phức tạp,  yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt xuất hiện nhiều dự án, công trình xây dựng lĩnh vực kết cấu hạ tầng quy mô lớn có ảnh hưởng tới nhiều ngành, địa phương, quốc gia, đơn vị thực hiện, đòi hỏi phải nâng cao hơn về tính chuyên nghiệp, nắm vững kiến thức pháp luật và thực tiễn.

    – Để phát triển trở thành trung tâm dữ liệu về thị trường xây dựng, chi phí xây dựng và thị trường bất động sản cần đáp ứng được yêu cầu cập nhật, bám sát nhu cầu thực tế của thị trường, yêu cầu sử dụng cơ sở dữ liệu phục vụ đắc lực cho các hoạt động chuyên môn, dịch vụ tư vấn của Viện và hoạt động có hiệu quả kinh tế.

    Phát huy truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển, bám sát các định hướng phát triển được xác định trong thời gian tới, chúng ta tin tưởng rằng, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, luôn đổi mới, sáng tạo, đoàn kết thống nhất, tập thể Viện Kinh tế xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng ngày càng phát triển bền vững, là một trong những đơn vị nghiên cứu hàng đầu của ngành xây dựng, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của ngành trong thời gian tới./.      

    Bình luận