Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc

    12/08/2018 - 09:57
    420
    0
    0

    Ngày 11/8, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc. Tại buổi họp, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày tờ trình dự án Luật Kiến trúc, Thường vụ Quốc hội đã đóng góp ý kiến để ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Luật.

    Trước tiên, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành Luật và khẳng định, kiến trúc là một lĩnh vực khoa học nghệ thuật đặc thù, rất cần thiết đối với xã hội cũng như đời sống. Luật Kiến trúc là điều mà giới kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đã mong mỏi suốt 20 năm qua. Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban soạn thảo trong thực hiện dự án Luật.

    Lần đầu đưa ra lấy ý kiến đóng góp tại Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Kiến trúc đã nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu. Về những vấn đề cần được xem xét, chỉnh sửa lại cho phù hợp, đại biểu Trần Văn Giàu nêu: “Luật Kiến trúc cần nghiên cứu lại phần kiến trúc tái thiết đô thị, điều kiện cấp phép hành nghề cho KTS, có nên để sau ba năm ra trường mới được hành nghề không?”

    Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng: “Phạm vi đề cập đến trong Luật cần mở rộng hơn nữa. Luật Kiến trúc phải làm sao thể hiện được rõ nét bản sắc của kiến trúc Việt Nam. Phải có chế tài quy định rõ ràng để chủ đầu tư và KTS thực hiện được điều này”.

    Đại biểu Phan Thanh Bình cho rằng: “Vấn đề kiến trúc đang tồn tại nhiều bất cập, bản sắc thì chưa rõ, sáng tạo chưa bằng các nước khác trên thế giới. Nhiều khái niệm đặt ra còn chung chung. Chúng ta cần có một nền kiến trúc phổ biến nhưng phải mang tính đặc thù.

    Đại biểu Nguyễn Thanh Hải thì cho rằng: Mặc dù ban soạn thảo đã lấy ý kiến của 45 địa phương, 18 Bộ, 2 Hiệp hội nhưng cần lấy thêm ý kiến của chính giới KTS nhiều hơn nữa. Việt Nam hiện có hơn 20 nghìn KTS và hàng nghìn sinh viên kiến trúc, vậy bao nhiêu người đã đọc và cho ý kiến vào dự án Luật? Đại biểu Hải cho rằng: Những vấn đề liên quan đến quản lý kiến trúc cần cụ thể hơn nữa. Phải làm sao để khắc phục được tình trạng “phạt cho tồn tại”, tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo phá nát cảnh quan”.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu yêu cầu về kiến trúc đối với đô thị nông thôn. Cần làm rõ hơn nữa cơ chế chính sách để thực hiện được ý đồ của KTS đối với khu vực này để khắc phục tình trạng lộn xộn trong kiến trúc nhà ở nông thôn hiện nay. Bên cạnh đó, cần thiết nên có kiến trúc mẫu cho từng vùng miền; có định hướng phân định rõ giữa kiến trúc và di sản văn hóa.

    Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cảm ơn Quốc hội đã quan tâm và đóng góp ý kiến để Luật Kiến trúc ra đời, đáp ứng lòng mong mỏi của giới KTS trong suốt 20 năm qua. Điều đó sẽ phần nào trả lời cho câu hỏi mà những KTS lâu năm trong nghề như ông đặt ra: “Vì sao chúng ta đầu tư rất nhiều tiền mà kiến trúc của ta lại lạc hậu, không có bản sắc? Vì sao nhiều sinh viên kiến trúc đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế nhưng khi hành nghề lại không phát triển được? Vì sao kiến trúc nước ta có xu hướng hướng ngoại mạnh như vậy?… Luật Kiến trúc ra đời hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc hiện tại, đem lại niềm tin về một ngành kiến trúc sẽ phát triển trong tương lai, đồng thời tạo môi trường hành nghề tốt nhất cho KTS cũng như tạo ra một không gian kiến trúc cho người thụ hưởng”.

    Các đại biểu cũng đề cập đến những vấn đề mà dự thảo Luật cần làm rõ hơn nữa như: Làm rõ khái niệm Chiến lược phát triển kiến trúc quốc gia, kiến trúc nông thôn, phố cổ, quy định về quy chế quản lý kiến trúc, điều chỉnh và phê duyệt phân cấp quản lý kiến trúc. Cần có quy định về trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng phản cảm, thiếu văn hóa trong kiến trúc, cũng như những quy định về thi tuyển và hành nghề kiến trúc.

    Kết luận buổi họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến việc ban hành luật Kiến trúc và đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ban soạn thảo cần chú trọng làm rõ các vấn đề còn nhiều băn khoăn: Rà soát lại phạm vi điều chỉnh và đối tượng, chức năng nhiệm vụ của Luật; đảm bảo tính thống nhất của Luật với các Luật liên quan khác; phải làm sao để kiến trúc Việt Nam hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc”.

    Theo BĐT Xây dựng
    Bình luận