Trang thông tin điện tử - Cơ quan chủ quản: Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng
Tìm kiếm nâng cao
  • Bộ Xây dựng: Triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm

    24/07/2018 - 09:31
    450
    0
    0
    Sáng 24/7 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị giao ban “Tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2018”. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chủ trì Hội nghị, cùng dự có các Thứ trưởng: Phan Thị Mỹ Linh, Nguyễn Đình Toàn, Lê Quang Hùng, Nguyễn Văn Sinh và lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng.
     
     
    Toàn cảnh Hội nghị
     
    Rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng 40 ngày

    Báo cáo đánh giá công tác 6 tháng đầu năm do Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh trình bày nêu rõ: 6 tháng qua, ngành Xây dựng triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình trong nước có nhiều thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì đà tăng trưởng tốt theo xu thế tích cực từ những tháng cuối năm 2017, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, toàn ngành đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
    Trong bối cảnh đó, Bộ Xây dựng xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ then chốt, được tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực thực hiện và hoàn thành khối lượng công việc lớn.

    Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Xây dựng đã hoàn thành và thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị; đã trình Chính phủ dự thảo Luật Kiến trúc.

    Ngoài ra, Bộ cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 văn bản gồm 05 Quyết định, 01 Chỉ thị; đang trình 02 Quyết định và đã ban hành theo thẩm quyền 05 Thông tư.

    Công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính được quan tâm đặc biệt, có chuyển biến mạnh mẽ. Cụ thể, Bộ đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó đã thực hiện bãi bỏ 5/17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% trong tổng số 215 điều kiện kinh doanh.
    Đồng thời, Bộ Xây dựng đã xây dựng nội dung và phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

    Hiện tại, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ có liên quan để triển khai, cụ thể hóa các kết quả của Hội nghị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kết luận Hội nghị, đồng thời hoàn thiện dự thảo và trình Chỉnh phủ Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng.
    Về công tác cải cách thủ tục hành chính, Bộ đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan, theo đó, thời gian thực hiện các thủ tục sẽ giảm khoảng hơn 40 ngày.

    Về công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình, đến nay, 02 đề án: “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng công trình” và “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng” tiếp tục triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.

    Chú trọng phát triển nhà ở cho người có công, hộ nghèo

    Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật theo phân cấp. Cụ thể, Bộ đã trình, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức công bố 02 đồ án quy hoạch xây dựng vùng, 01 nhiệm vụ quy hoạch chung; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở cơ quan Bộ, ngành Trung ương tại Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch chung xây dựng thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; 02 nhiệm vụ Quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

    Thực hiện Đề án Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020, đã hoàn thành lập danh mục và lựa chọn đơn vị lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng thí điểm vùng huyện tại 8 địa phương.

    Về công tác phát triển đô thị, Bộ đã đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo hướng phù hợp với thực tiễn và đáp ứng các điều kiện yêu cầu phát triển mới, đặc biệt là vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển xanh. Công tác quản lý phát triển đô thị được quan tâm, đẩy mạnh, đạt được những kết quả cụ thể về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải và chất thải rắn… theo đúng chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

    Về công tác phát triển nhà ở, công sở và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng tiếp tục xây dựng hệ thống công cụ để quản lý kiểm soát sự phát triển của thị trường BĐS theo hướng ổn định bền vững; tập trung đôn đốc, phối hợp với các địa phương triển khai các Chương trình phát triển nhà ở trọng điểm như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2); Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp…

    Cùng với đó, Bộ Xây dựng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS, chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. 6 tháng đầu năm 2018, tình hình thị trường BĐS phát triển ổn định.

    Về công tác quản lý, phát triển vật liệu xây dựng (VLXD), Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường VLXD 6 tháng đầu năm diễn biến cơ bản ổn định, các sản phẩm VLXD chủ yếu như xi măng, gốm, sứ, kính xây dựng… đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ, bảo đảm cân đối cung – cầu và mở rộng thị trường xuất khẩu.

    Cũng trong 6 tháng đầu năm, Bộ tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung và Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công. Cả nước sản xuất ước đạt 3,72 tỷ viên (QTC), tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017.

     
    Theo BĐT Xây dựng
    Bình luận